Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời trên tờ Guardian

GNO - Thiền sư Thích Nhất Hạnh nói rằng chúng ta phải nhận ra sự gắn kết giữa Trái đất và bản thân mình, và rằng chúng ta phải yêu thương Trái đất để chữa lành cho hành tinh này.

thichnhathanh01.jpg

Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Biên tập viên Jo Confino của tờ Guardian đã có cuộc phỏng vấn Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại Làng Mai (Pháp). Confino viết: Thầy Thích Nhất Hạnh đã nhận thấy sự thiếu gắn kết trong cuộc sống của con người là nguyên nhân gây nên thói quen hưởng thụ của chúng ta và điều quan trọng là chúng ta đã nhận ra và phản ứng lại với những sức ép mà chúng ta đã áp đặt lên trên Trái đất khi nền văn minh này còn tồn tại.

Thầy cho rằng việc nhận thức môi trường sống này là tách biệt so với chính chúng ta là một vấn đề nghiêm trọng, việc thay đổi chỉ có thể xảy ra khi chúng ta vượt ra ngoài tư duy nhị nguyên của chính mình.

"Bạn luôn mang theo Mẹ Trái đất bên trong mình" - Thầy nói. "Bà không ở bên ngoài bạn. Mẹ Trái đất không chỉ là môi trường của bạn”.

"Bằng tuệ giác, có thể có được mối liên lạc thực sự với Trái đất, đó là hình thức cao nhất của cầu nguyện. Trong mối quan hệ này, bạn sẽ có đủ tình yêu, sức mạnh và sự thức tỉnh để thay đổi cuộc đời của bạn. [...]

"Sợ hãi, thù ghét, chia tách và giận dữ xảy đến từ quan điểm sai lầm cho rằng bạn và Trái đất là hai thực thể riêng biệt hay Trái đất chỉ là môi trường của bạn. Bạn là trung tâm và bạn muốn làm một cái gì đó với Trái đất để tồn tại. Đó là một nhận thức nhị nguyên.

"Vì vậy, hãy hít thở và nhận thức về cơ thể bạn, hãy nhìn sâu vào nó và nhận ra rằng bạn là Trái đất và ý thức của bạn cũng là ý thức của Trái đất. Không chặt cây, không gây ô nhiễm nước vẫn là chưa đủ".

Thở đi nào, bạn vẫn đang sống.jpg

Thở đi, bạn đang sống 

Thầy nói sự thiếu gắn kết này cũng là nguyên nhân làm cho chúng ta bệnh:

"Nhiều người bị khổ đau nhưng họ lại không biết điều đó" - Thầy nói. "Họ cố gắng che đậy sự đau khổ bằng cách làm cho mình bận rộn. Ngày nay nhiều người bị bệnh bởi vì họ tự tách rời khỏi Mẹ Trái đất.

"Việc thực hành chánh niệm giúp chúng ta chạm được vào Mẹ Trái đất bên trong cơ thể mình và việc thực hành này có thể giúp chữa lành bệnh của con người. Vì vậy, việc chữa bệnh của con người nên đi cùng với việc chữa bệnh của Trái đất và đây là tuệ giác mà bất cứ ai cũng có thể thực hành.

"Loại giác ngộ này rất quan trọng cho một sự thức tỉnh chung. Trong Phật giáo chúng ta nói về thiền định như một hành động thức tỉnh, để nhận thức một thực tế rằng Trái đất và muôn loài đang tồn tại trong nguy hiểm".

Gắn cho thiên nhiên một bảng giá nào đó cũng không đủ, hay nói đúng hơn, tình yêu là trung tâm của sự thay đổi.

"Chúng ta cần một sự thức tỉnh và giác ngộ thực sự để thay đổi cách suy nghĩ và cách nhìn của chúng ta".

Thay vì đặt bảng giá cho những cánh rừng hay các rạn san hô, Thầy nói sự thay đổi sẽ xảy ra ở cấp độ cơ bản chỉ khi chúng ta quay lại và yêu thương hành tinh này: "Trái đất không phải là những khái niệm vật chất hay tinh thần, đó chỉ là những ý tưởng, là hai mặt của cùng một thực tại. Cây thông không chỉ là vật chất vì nó sở hữu một cảm giác biết. Hạt bụi không chỉ là vật chất vì mỗi nguyên tử cấu thành hạt bụi đều có tính thông minh và là một thực tại đang sống và vận động.

"Khi chúng ta nhận ra được những đức tính, tài năng và vẻ đẹp của Mẹ Trái đất, một cái gì đó sẽ được sinh ra trong chúng ta, một mối gắn kết nào đó, một tình yêu sẽ được sinh ra.

"Chúng ta muốn được gắn kết. Đó là ý nghĩa của tình yêu, để trở thành một mối. Khi bạn yêu một ai đó bạn sẽ nói rằng tôi cần bạn, tôi muốn ở bên bạn. Nếu bạn làm bất cứ điều gì vì lợi ích của Trái đất thì Trái đất cũng sẽ làm bất cứ điều gì vì lợi ích của bạn”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.