GN - Hàng triệu người trên khắp thế giới đã thở phào nhẹ nhõm vào hôm 10-7 khi các thành viên cuối cùng của đội bóng được giải cứu an toàn khỏi hang động ngập nước ở miền Bắc Thái Lan sau khi bị mắc kẹt hơn 2 tuần. Theo báo cáo, thiền Phật giáo là một nhân tố quan trọng giúp các em vượt qua thử thách khắc nghiệt khi bị mắc kẹt trong hang núi ở biên giới Thái Lan - Myanmar.
Các cậu bé trong trạng thái tinh thần rất vui vẻ, dù đã bị mắc kẹt nhiều ngày trong hang
Đội bóng địa phương với tên gọi “Lợn Hoang” gồm 12 bé trai trong độ tuổi 11 đến 16 và huấn luyện viên của các em, 25 tuổi bị mắc kẹt do nước lũ dâng khi đang thám hiểm hang Tham Luang ở Chiang Rai ngày 23-6. Tin tức về việc các em bị mắc kẹt nhanh chóng trở thành tâm điểm của thế giới. Chiến dịch giải cứu được lên kế hoạch kỹ lưỡng với sự tham gia của các thợ lặn quốc tế và lực lượng đặc nhiệm Hải quân Thái Lan kết thúc ngày 10-7 khi các thành viên cuối cùng của đội bóng và huấn luyện viên của các em được đưa ra khỏi hang với sự theo dõi sát sao của truyền thông và mạng xã hội từng bước chia sẻ những khó khăn của chiến dịch giải cứu kéo dài suốt 18 ngày.
Đội bóng nhí được tìm thấy trong một hang động cách cửa vào 2,5 dặm - Ảnh: Standard
“Thành viên thứ 12 của Lợn Hoang và huấn luyện viên đã được đưa ra khỏi hang”, đặc nhiệm Hải quân Thái Lan đăng trên tài khoản Facebook của họ vào lúc 6g48 chiều (giờ địa phương) vào hôm 10-7. Ba thành viên đặc nhiệm Hải quân Thái Lan và một bác sĩ quân y ở cùng với các em khi các em được tìm thấy và họ là những người cuối cùng rời khỏi hang. Theo báo cáo gần nhất, hệ thống bơm hút nước khỏi hang đã ngừng hoạt động chỉ vài giờ sau khi đội cứu hộ và đội bóng sơ tán khỏi hang động.
Từ kinh nghiệm thiền tập, HLV Ekapol Chanthawong giúp các em bình tĩnh vượt qua hoàn cảnh khắc nghiệt
Ảnh: Twitter
Huấn luyện viên Ekapol Chanthawong, tên thân mật với đội bóng là P’Ekk (anh Ekk) nhịn đói suốt 18 ngày khi nhường thực phẩm của mình cho các em trong lúc chờ đợi. Anh hướng dẫn các em thiền định để giữ bình tĩnh trong thời gian nguy nan ấy, lấy nước nhỏ xuống từ thạch nhũ trong hang thay vì uống nước lũ và bảo toàn năng lượng đến khi họ được đội cứu hộ tìm thấy.
Ekapol Chanthawong, gọi thân mật là anh Ekk, từng xuất gia 10 năm - Ảnh: Reddit
Khi đoạn phim về đội bóng bị mắc kẹt được tìm thấy bởi một nhóm thợ lặn người Anh xuất hiện vào ngày 9-7, Aisha Wiboonrungrueng, mẹ của một thành viên đội bóng bị mắc kẹt, Chanin - 11 tuổi, cho rằng anh Ekk đang cố gắng giúp các em được sống. “Nhìn họ ngồi im chờ đợi. Không ai khóc hay làm gì cả. Thật rất bất ngờ”, (theo The Washington Post).
Anh Ekk đã không còn xa lạ với thử thách khắc nghiệt. Anh là thành viên duy nhất trong gia đình sống sót sau dịch bệnh tấn công ngôi làng của anh khi anh mới 10 tuổi. Hai năm sau, anh đến chùa tu và học thiền định. Anh sống 10 năm ở chùa và sau này thỉnh thoảng anh vẫn về chùa học thiền.
Thân nhân các cầu thủ nhí cầu nguyện bên ngoài hang Tham Luang - Ảnh: The Atlantic
“Cậu ấy có thể ngồi thiền hơn 1 giờ”, dì của anh Ekk, cô Tham Chanthawong nói. “Thiền định chắc chắn giúp cậu ấy và các thành viên đội bóng giữ bình tĩnh”, (theo Vox).
Khi nỗ lực giải cứu có tiến triển tích cực, người đại diện chính phủ cho biết anh Ekk là một tấm gương về sự nỗ lực cho các em khi họ bị mắc kẹt. Anh khuyên bọn trẻ nằm xuống, hạn chế cử động để bảo toàn năng lượng, “và tất nhiên, bằng thiền định, họ có thể tỉnh táo suốt thời gian đó và giữ tâm lý ổn định” (theo The Guardian).
Ngoài những tiến bộ công nghệ và sự dũng cảm của đội cứu hộ, kỹ sư, quân đội và người tình nguyện, sức mạnh của đức tin Phật giáo và sự cầu nguyện có những đóng góp nhất định vào chiến dịch giải cứu.
Bên ngoài hệ thống hang động, những am Phật giáo được dựng lên do các tu sĩ trông coi và nhiều người đến đây dâng hương, vật phẩm cúng dường, trong đó có các tình nguyện viên, đội cứu hộ và người thân của những nạn nhân mắc kẹt trong hang động. Họ cầu mưa ngừng rơi và cầu cho các em nhỏ trở về an toàn. Nhiều ngày trôi qua và khi sự lo lắng cho các thành viên đội bóng ngày càng cao, mọi người đến thỉnh các tu sĩ để cầu được sự chỉ dẫn tâm linh và an ủi. Các tu viện tổ chức giảng pháp, cầu an và an ủi người thân của các nạn nhân bị mắc kẹt. Các thợ lặn cũng mang theo mình những vật phẩm tâm linh để cầu mong sự giúp đỡ trong quá trình giải cứu đầy nguy hiểm.
Một nhà sư Thái Lan cầu nguyện bên ngoài cửa hang - Ảnh: The Atlantic
Một Sa-di-ni đi khoảng 720km từ thủ đô Bangkok đến cầu nguyện cho những người bị nạn. “Tôi có cảm giác như tất cả chúng tôi đang chìm trong nước và chúng tôi cần thứ gì đó để bám vào”. Cô nói, “tình hình của các em đang ổn định” (theo Los Angeles Times).
Một nhóm người trên mạng xã hội cáo buộc Ekaphol là người khiến các em gặp nạn, nhưng người thân của các em cho rằng Ekaphol là người bảo vệ tính mạng cho con em của họ.
Một lá thư đầy xúc động và lời nhắn của 12 em nhỏ được nhóm thợ lặn đem ra ngoài ngay sau khi các em được tìm thấy, với lời nhắn của anh Ekk: “Gửi đến gia đình của các em. Hiện tại các em đều khỏe mạnh và chúng tôi đang chăm sóc cho các em. Tôi hứa sẽ chăm sóc các em tốt nhất có thể. Tôi cảm ơn sự giúp đỡ của mọi người và tôi muốn gửi lời xin lỗi đến cha mẹ của các em” (theo ABC News).
Cha mẹ các em cũng trả lời qua thư: “Đừng tự trách mình. Các bậc cha mẹ không giận đâu, cậu đừng lo về chuyện đó” (theo The Guardian).
Nhà sư Kruba Boonchum đến từ bang Shan của Miến điện thăm đoàn cứu nạn - Ảnh: The Atlantic
“Khi cậu ấy ra ngoài, chúng tôi sẽ chữa lành vết thương tâm lý cho cậu ấy,” mẹ của một cậu bé được giải cứu cho biết. “Ekk thân mến, chúng tôi sẽ không đổ lỗi cho cậu” (theo News.com.au).
Thái Lan là một đất nước Phật giáo với 94,5% trong số 67,3 triệu người theo Phật giáo Nam truyền - theo số liệu thống kê dân số năm 2015. Theo Văn phòng đại diện Phật giáo quốc gia, đến năm 2004, cả nước có 40.717 ngôi chùa, 33.902 trong số đó đang hoạt động với khoảng 300.000 tu sĩ và 60.000 Sa-di.
Vính Hưng (theo Buddhist Door)