Vào ngày này, khắp năm châu bốn bể, hàng đệ tử xuất gia và tại gia đều kính cẩn nghiêng mình, đem hết lòng thành kính dâng lên Đức Từ phụ Thích Ca. Ngài vì lòng thương tưởng chúng sanh cõi Ta-bà chìm đắm trong vô minh tăm tối mà thị hiện nơi đời.
Ngài không xuất hiện như một nhân cách Thần hay một đấng quyền năng phi lịch sử, mà là một con người bằng xương bằng thịt, có cha mẹ, có nơi sinh ra, lớn lên cưới vợ sinh con như bao người bình thường. Nhưng trong con người bình thường ấy nung nấu nghị lực phi thường và trí tuệ siêu xuất. Nhân cách vĩ đại của Đức Phật đã in sâu trong tâm tưởng những người con Phật từ xưa đến nay. Và ngày Phật đản là dịp chúng ta ôn lại tấm gương sáng ngời của Ngài trên cuộc đời này. Có thể nói, Ngài là một Đức Phật có lịch sử rõ ràng trong thế giới loài người.
Nếu một người sinh ra không làm lợi ích gì cho con người, cho cuộc đời thì đâu có ai ca ngợi, tôn vinh. Còn người nào mà sự xuất hiện của họ trên cuộc đời này có giá trị lớn lao, giúp ích rất nhiều cho nhân quần xã hội thì được người đời quý trọng, tôn kính, tưởng nhớ. Với cung cách của người Á Đông, những bậc anh hùng kiệt xuất, những bậc vĩ nhân lỗi lạc, cuộc đời họ thường được thánh hóa trở nên thiêng liêng kỳ bí. Nhưng dầu được tôn vinh bao nhiêu cũng không xứng với đức hạnh, trí huệ, nét siêu việt của những bậc ấy trong thế gian này.
Huống nữa là Đức Phật. Ngài tu hành giác ngộ giải thoát, tự tại trong sinh tử. Ngài là bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, bậc Vô thượng Y vương, bậc Đạo sư, bậc Toàn giác, Viên mãn giác, Cứu cánh giác, Diệu giác… thì cho dù chúng ta có xưng tán, ca ngợi bằng những hình ảnh lung linh, huyền diệu, siêu thực cỡ nào đi nữa cũng không xứng tầm với công hạnh của Ngài đối với cuộc đời này. Tấm lòng của Ngài bảo bọc, che chở, cứu độ khắp muôn loài chúng sanh, cho nên mới có câu “xưng dương cùng tán thán, muôn kiếp không cùng tận”.
Kinh điển Nam truyền hay Bắc truyền, Phật giáo Nguyên thủy hay Phật giáo Phát triển… tất cả đều ca ngợi Đức Phật, nhưng không thể ca ngợi hết được những đức tính cao quý nơi Ngài. Chính vì vậy, những điều huyền diệu diễn tả lúc mới Đản sanh cũng không xứng tầm đối với Ngài. Hơn nữa, ngôn ngữ diễn đạt vượt sức hiểu biết của con người, đó là loại ngôn ngữ mang tính biểu tượng.
Phật giáo Đại thừa không ngần ngại mô tả cuộc đời Đức Phật bằng ngôn ngữ và loại hình văn học biểu tượng mà thế gian đa phần khó hiểu, vì nó nhằm gợi mở, kích thích trực giác hơn là hiểu biết bằng tri thức phân biện. Đó là văn phong của Phật giáo Đại thừa. Trong Phật giáo Thiền tông, các thiền sư cũng sử dụng ngôn phong kỳ đặc cốt để khêu gợi trực giác. Ví dụ hỏi thế nào là Thiền? Thế nào là Đạo? Các Ngài trả lời: “Cây bá trước sân”, hoặc “Cứng như bông, mềm như sắt”, có khi lại nói: “Rung rinh nước chảy qua đèo, Ngựa đua dưới nước, thuyền chèo trên non”. Đó gọi là hoạt ngữ (ngôn ngữ sống) mà các ngài dùng để biểu đạt chân lý, không thể vận dụng tư duy hợp lý mà có thể hiểu được.
Đức Phật thị hiện với 32 tướng tốt trên cuộc đời này, không một ai có đầy đủ những tướng tốt đó. Sách cổ ở Ấn Độ nói rằng, người nào sinh ra có 32 tướng tốt: một là làm Chuyển luân Thánh vương dùng đức để trị dân; hai là sẽ trở thành một vị Phật. Như vậy về vóc dáng hình hài chắc chắn không ai toàn mỹ như Ngài. Khi lớn lên, tất cả những môn thi đấu: võ nghệ, bắn cung, cỡi ngựa, văn chương… Ngài đều ưu tú, xuất sắc. Về lòng từ bi thương người, thương vật, không ai sánh bằng. Về trí tuệ thì Ngài có trí tuệ vượt thường, thậm chí các vị thầy được mời vào cung dạy học cũng phải thán phục, tự thấy mình không đủ năng lực để dạy Ngài, vì trí tuệ và sự hiểu biết của Ngài vượt hơn cả những vị thầy đó.
Trước khi xuất gia, Thái tử đi dạo qua bốn cửa thành thấy cảnh già, bệnh, chết và một đạo sĩ. Chúng ta hàng ngày trực diện với cảnh già, bệnh, chết nhưng hầu hết thản nhiên, thờ ơ, không ưu tư, không lo nghĩ làm cách nào để ra khỏi già, bệnh, chết. Giống như việc đó là của người khác chứ không phải mình, mình còn trẻ, còn khỏe, còn sống lâu… Đó là thái độ hời hợt, tầm thường của chúng ta. Lúc còn trẻ thì chủ quan không chịu tu. Cổ đức nói: “Chớ bảo đến già mới học đạo, mồ hoang lắm kẻ tuổi xuân xanh”. Có khi nào chúng ta chiêm nghiệm về cái khổ của già, bệnh, chết trong cuộc sống này? Thời gian trôi chảy không bao giờ dừng. Mỗi giây, mỗi phút chúng ta già đi, các tế bào thay đổi liên tục nhưng chúng ta không hay biết.
Còn Thái tử khi nhìn thấy các cảnh ấy, Ngài trở về cung biếng ăn, bỏ ngủ, đêm ngày trầm tư, chiêm nghiệm về nỗi khổ đau của kiếp sống. Điều đó cho thấy Ngài rất khác với những người phàm thường. Và trong bốn cảnh tượng ấy, thu hút sự chú ý của Ngài nhất đó là hình ảnh vị đạo sĩ. Giữa cuộc sống biến động, nhiễu nhương, khổ đau, vị đạo sĩ vẫn ôm bình bát đi một cách thong dong, bình thản, ánh mắt nhìn xuống, nét mặt thanh thoát, an nhiên tự tại. Từ đó, ý nghĩ xuất gia nhen nhóm trong Ngài, Ngài quyết tâm tìm ra chân lý cứu khổ chúng sanh.
Sống giữa cung son lộng lẫy của một người có uy quyền nhưng Ngài không màng tới. Ngày đêm tư duy chiêm nghiệm về kiếp sống càng lúc càng sâu, khiến vua cha lo sợ Ngài sẽ rời bỏ hoàng cung xuất gia, nên tìm mọi cách để buộc chân Ngài. Nhưng cuối cùng, không gì có thể ngăn cản được ý chí xuất trần của Ngài. Một đêm trăng tròn, khi cả hoàng cung đang chìm trong giấc ngủ say, Ngài đến ngắm nhìn vợ hiền con thơ lần cuối rồi quay lưng thẳng bước. Ngài gọi Xa-nặc, người hầu thân cận dắt ngựa Kiền-trắc rồi vượt thành xuất gia. Đêm ấy Ngài ra đi, đầy dũng khí, hiên ngang và kiên quyết. Nơi dòng A-nô-ma, khung cảnh thanh vắng, ánh trăng dịu hiền rọi xuống lòng sông ngàn tia sáng lấp lánh, Ngài cắt mái tóc xanh, cởi bỏ quyền uy, khoác áo nâu sồng, bắt đầu hành trình đi tìm chân lý.
Kinh Phạm Động, kinh Phạm Võng diễn tả Ngài rất thông thái, trải qua 62 kiến chấp của ngoại đạo đương thời. Đó là những cái chấp thiên lệch (chấp thường, chấp đoạn…), rơi vào biên kiến, tà kiến, kiến thủ, giới cấm thủ. Trong thời gian tầm đạo, Ngài kinh qua tất cả các nhà tư tưởng lớn, các vị giáo chủ, các nhà minh triết, nhưng tư tưởng của họ không làm Ngài thỏa mãn. Trải qua 62 kiến chấp của ngoại đạo, cho đến chứng đạt thiền định cao tột đương thời, Ngài cũng chưa hài lòng. Khi đó, một số vị đạo sư chủ trương tu khổ hạnh, Ngài cùng với nhóm năm anh em Kiều Trần Như hành trì pháp tu này.
Trải qua suốt 6 năm khổ hạnh, bức bách, hành hạ thân xác đến kỳ cùng bằng những phương pháp vô cùng khắc nghiệt. Kết quả tướng hảo đoan nghiêm, màu da sáng óng ngày nào trở thành xám xịt bọc lấy bộ xương khẳng khiu. Đôi mắt Ngài lõm sâu như hai đáy giếng còn đọng chút ánh nước long lanh. Ngài suy dinh dưỡng, kiệt sức, ngã quỵ. Trong lúc gần như bế tắc, Ngài chiêm nghiệm, khi còn ở trong cung, cuộc sống đầy đủ, sung mãn, kẻ hầu người hạ, đàn hát vui vầy, muốn gì có nấy, nhưng Ngài cảm thấy nhàm chán, vô vị. Ngài nhận ra cuộc sống hưởng thụ dục lạc, xa hoa vật chất, đắm mình trong ngũ dục làm mê muội tinh thần, không thể tìm ra chân lý, đó là cực đoan thứ nhất. Còn hiện giờ, Ngài tu khổ hạnh, cơ thể suy kiệt, tinh thần u ám. Một cơ thể suy dinh dưỡng thì tinh thần không minh mẫn, không thể phát sinh trí tuệ, cho nên cũng không tìm ra chân lý.
Cuối cùng, Ngài từ giã năm anh em Kiều Trần Như ra đi. Sau khi nhận bát sữa của nàng mục nữ Sujata dâng cúng, sức khỏe Ngài dần phục hồi, tinh thần minh mẫn trở lại. Ngài đến dưới cội cây Tất-bát-la, ngồi yên tĩnh lặng, hồi tưởng lại thời thơ ấu, cùng vua cha và hoàng tộc đi dự lễ hạ điền. Trong lúc nông dân đang cày ruộng, Ngài quan sát thấy những con giun đang quằn quại trên lưỡi cày bị những con chim bay xuống gắp đi. Trong bụi rặm, chồn cáo phóng ra đớp ăn những con chim. Rồi chồn cáo lại bị những con diều hâu rình rập v.v… Thấy cảnh chúng sanh ăn nuốt lẫn nhau, Ngài xót thương vô cùng. Trong khi mọi người đang hăng say với buổi lễ, Ngài lặng lẽ đến một gốc cây hồng táo ngồi thiền định. Lúc đó, Ngài đạt được trạng thái Sơ thiền.
Chính vì nhớ lại kinh nghiệm đó, Ngài bắt đầu đi vào con đường Trung đạo, rời bỏ hai cực đoan: ham mê dục lạc và khổ hạnh ép xác. Ngài ăn uống bình thường để cơ thể đủ dưỡng chất, sức khỏe bình phục. Ngài thiền định 49 ngày đêm dưới cội cây Tất-bát-la, hàng phục nội ma và ngoại ma. Ngoại ma là ma bên ngoài, nội ma là ma tham, sân, si, tật đố, ngã mạn… bên trong. Ngài hàng phục tất cả. Đến đêm 49 khi sao Mai mọc, Ngài chứng đạt Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Theo các kinh điển truyền thống của Phật giáo Phát triển hay Thiền đốn ngộ gọi là “hoát nhiên đại ngộ”. Còn nói theo kinh tạng Nguyên thủy thì Ngài chứng đạt Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền… rồi Ngài mới thành tựu Chánh giác. Ngài tự tại ở tứ thiền, bát định, muốn nhập xuất thiền nào cũng được.
Người tu Phật có hai loại hình căn cơ tiêu biểu đó là: tiệm thứ (tu tập từ từ theo thứ lớp) và đốn ngộ (ngộ nhanh, tức thời). Thường thì trong cuộc sống chúng ta thấy mọi sự vật, sự việc đều diễn tiến một cách từ từ. Ví dụ gieo hạt ổi xuống đất, đủ duyên thì mọc lên cây ổi, qua một thời gian cây ổi lớn lên, sau cùng mới cho ra quả. Chúng ta đi học thì cũng phải trải qua các cấp học từ thấp đến cao: mẫu giáo, tiểu học, trung học rồi lên đại học, v.v...
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp không qua thời gian diễn tiến từ từ, không cần theo thứ lớp. Ví dụ, thần đồng toán học, thần đồng âm nhạc… mặc dù chưa được học nhưng đã am tường, thành thạo về những lĩnh vực đó. Một ví dụ nữa, nếu chúng ta đặt trước gương một đồ vật thì hình ảnh đồ vật đó hiện ngay trong gương tức khắc. Hay đang ngủ thấy chiêm bao, khi thức giấc thì chiêm bao cũng biến mất chứ không tan từ từ. Đó là những ví dụ về “tiệm” và “đốn”. Trong cuộc sống có những trường hợp diễn tiến từ từ, nhưng cũng có những trường hợp xảy ra tức khắc, chớp nhoáng. Cho nên, Thiền tối thượng thừa chủ trương đốn ngộ là có chỗ y cứ.
Như vậy, khi sao Mai mọc Ngài thành đạo và bắt đầu tuyên dương Chánh pháp. Các truyền thống biệt truyền của đạo Phật tùy theo đó mà biểu đạt về nội dung tâm chứng của Đức Phật. Nhưng đó là những phương tiện phù hợp cho từng loại hình căn cơ. Hiểu như vậy thì chúng ta không nên chấp vào truyền thống này mà bài bác truyền thống khác, vì như vậy là cái thấy cục bộ, không rộng mở, không thoáng đạt.
Sau cùng, tại rừng Câu-thi-na, trước khi Niết-bàn, Đức Phật đã thuyết kinh Di giáo để lại cho hàng đệ tử những lời dạy quý báu, tâm huyết, rốt ráo và ân cần sách tấn các hàng đệ tử nỗ lực tu tập, giữ gìn giới luật, tinh tấn thiền định, phát triển trí tuệ…
Chúng ta ôn lại ý nghĩa Đức Phật thị hiện trên thế gian này qua các sự kiện đản sanh, xuất gia, học đạo, thành đạo, hoằng pháp độ sanh và nhập Niết-bàn. Một cuộc đời cao đẹp, một sự thị hiện hoàn hảo. Vì cứu khổ chúng sanh mà Ngài dám hy sinh hạnh phúc riêng tư, đầu trần chân đất, nay đây mai đó, trải qua biết bao phong sương gian khó mà vẫn quyết tâm kiên định, cuối cùng đạt được giác ngộ giải thoát viên mãn.
Sau khi chứng ngộ, việc duy nhất mà Đức Phật thân hành trong suốt 49 năm là hoằng pháp độ sanh. Pháp âm của Ngài rung động đến trái tim mọi hữu tình, vang xa khắp mọi phương cõi. Nơi nào bước chân Ngài đến, nơi đó được soi rọi bởi tình thương bao la và sáng ngời chân lý. Ngày Phật đản có thể nói là ngày Tết của những người con Phật khắp nơi trên thế giới. Những ai dù ngược xuôi bận bịu, cũng đều thu xếp về chùa tụng nghi thức Khánh đản, nghe chư Tăng thuyết pháp, để thấm nhuần và ghi nhớ sâu đậm ơn pháp nhũ mà Ngài đã phương tiện giáo hóa chúng sanh trên khắp thế gian này.