Thêm một đóa sen phương trời xa

GN - Thượng tọa Nguyên Kim năm nay đã ngoài 70 tuổi. Có lẽ thầy là một trong số ít vị sư Việt Nam thỉnh thoảng hoằng pháp chung cùng sư Hoa Kỳ tại các trại tù, trung tâm xã hội. Nhờ những mối tình đạo ấy, quý sư đã giúp khá nhiều người Hoa Kỳ quy y, trong đó có vài vị quyết định xuất gia.

Đầu tháng 5-2013, thầy Nguyên Kim gởi tin nhắn cho biết sẽ đến ngôi chùa Việt Nam tại thị trấn nhỏ thuộc tiểu bang Washington để cùng quý sư Hoa Kỳ làm lễ xuất gia cho một Phật tử. Thầy nhờ tôi đến hỗ trợ, sắp xếp Phật đường vì ngôi chùa ở chốn hẻo lánh, rất ít Phật tử Việt.

Pict2.JPG

Chư Tăng tuyên đọc giới luật (thầy Minh Tịnh - Kozen ngồi giữa)

Đến hẹn, tôi lái xe tới chùa, bãi xe trống vắng, bên trong hậu liêu có hai phụ nữ Hoa Kỳ nét mặt tinh khiết, thanh tao. Một người đã xuống tóc, chỉ để lại chùm tóc nhỏ, có tên Abby Layton. Bà ta là giáo sư trị liệu tâm lý, từng tu học và hành trì nhiều năm Phật giáo Kim cang thừa (Vajrayana) với trên 20 năm dạy thiền. Abby có nụ cười thân thiện, nét mặt rạng rỡ làm người đối diện luôn cảm thấy gần gũi, vui tươi. Người phụ nữ kia - Kellyjoy, là học trò đồng thời là bạn thâm giao của Abby. Giống như thầy của mình, Kellyjoy rất thanh thoát, nhẹ nhàng, đem lại an lạc cho người tiếp xúc. Cô ta trông như người hành trì thiền chánh niệm lâu năm.

Sắp xếp Phật đường xong, ngồi trò chuyện hai người dăm phút thì chư Tăng Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đồng đến chùa. Quan khách dự lễ xuất gia cũng đến một lượt, số lượng rất khiêm tốn, vì buổi lễ được tổ chức giới hạn trong phạm vi thân quyến, bằng hữu thâm tình.

Sư Hoa Kỳ Thích Minh Tịnh (Kozen Sampson) đã hơn 40 tuổi đạo, từng thọ giáo cố Hòa thượng Thích Thiên Ân, cùng thầy Thích Nguyên Kim đồng chủ trì cho lễ xuất gia với sự hỗ trợ của 2 sư Hoa Kỳ và 2 sư Việt Nam. Phần nghi lễ hầu hết được thực hiện bằng Anh ngữ, bao gồm cả phần xướng, tụng, đọc giới luật do quý sư Hoa Kỳ đảm trách.

Pict4b.JPG

Thượng tọa Thích Minh Tịnh - Kozen trao y bát cho cô Thích nữ Minh Tánh

Buổi lễ tuy đơn giản nhưng diễn ra rất trang nghiêm, ấm cúng, cảm động. Một số quan khách đã rơi nước mắt khi nghe thầy Minh Tịnh (Kozen) đọc giới luật và Abby thọ nhận, nhất là khi chứng kiến thầy Nguyên Kim cạo chùm tóc cuối cùng. Kể từ đây Abby có tên xuất gia là Thích nữ Minh Tánh theo truyền thống Phật giáo Việt Nam.

Phật tử Hoa Kỳ đã có buổi tiệc bánh ngọt nho nhỏ để chúc mừng cô Minh Tánh gia nhập Tăng đoàn, đồng thời trao tặng quà kỷ niệm trong ngày trọng đại này.

Khi được hỏi về người thầy “Abby” trước đây của mình, cô Kellyjoy chia sẻ: “Abby là người có tâm tỉnh thức, đầy thương yêu, trí tuệ mà tôi được tiếp xúc. Abby thật sự làm tất cả người đối diện cảm được yêu thương và đón nhận. Tôi chưa bao giờ gặp được ai có trái tim vô biên như thế. Đây là điều tuyệt vời dạy về tình thương đích thực. Tâm từ và tình thương bao la của Abby đã khích lệ tôi. Đó là lý do tôi thường suy nghiệm và gặp Abby. Tôi nghĩ làm người gương mẫu rất quan trọng, và Abby là gương mẫu cho nhiều, rất nhiều người”.

Tác giả xin phép cô Minh Tánh (Abby) làm một cuộc phỏng vấn nhỏ nhằm chia sẻ cùng Phật tử tại Việt Nam và được cô hoan hỷ đồng ý.

Thưa, lần đầu tiên cô tiếp xúc đạo Phật là khi nào?

 Pict6.JPG
Co Kellyjoy - học trò, đồng thời bạn thâm niên của cô Minh Tánh

- Lần đầu tiên tiếp xúc đạo Phật là khi tôi 18 tuổi. Thiền sư Suzuki Soshi đến dạy tại Đại học Portland - tiểu bang Oregon. Rồi tôi bắt đầu hành trì từ đó đến nay.

Xin cô chia sẻ ấn tượng đầu tiên khi tiếp xúc với đạo Phật?

Đây là một pháp sống mà tôi có thể theo. Tôi rất thích hợp với (đạo Phật) về phát triển tâm từ, tâm tỉnh thức, thấu hiểu tự tánh của tâm và những phiền não. Đồng thời dấn thân giúp đỡ chúng sanh, đây là điều tôi làm từ khi còn bé.

Trước khi xuất gia cô làm gì?

Tôi là giáo sư chuyên gia tâm lý tại thành phố Portland, Oregon khoảng 30 năm nay. Tôi đồng thời dạy thiền đã 15 năm. Tôi làm việc và dạy thiền cho cộng đồng người Do Thái rất nhiều năm. Tôi cũng thành lập chi hội Phật tử tại thành phố Brookings, Oregon khoảng 5 năm nay. Ngoài ra, tôi từng hành trì Phật giáo Kim cang thừa trong nhiều năm, học tập giáo pháp của Thiền sư Thích Nhất Hạnh và Thiền tông Nhật Bản.

Điều gì đã khuyến khích cô quyết định thành người Phật tử và rồi xuất gia?

Ngay từ khi tôi còn rất bé cho đến hiện tại, tôi hành trì hai pháp nhà Phật. Pháp tỉnh thức, thực tập biết rõ tâm, nhìn sự việc trong sáng, thấu hiểu nguyên nhân phiền não. Pháp thực hành tình thương và phát triển tâm từ. Tình thương luôn được ứng dụng trong mọi tình huống để càng thương yêu chúng sanh hơn.

Tôi luôn mơ ước được sống trong Tăng đoàn, khi mà đời sống gắn liền lời dạy và giáo luật của Đức Phật.

Thầy Nguyên Kim cũng khuyến khích tôi sao mãi làm người “mẫu giáo”. Tại sao không đi thêm bước nữa để nhận lãnh hạnh lành của bậc xuất gia, đồng thời đóng góp cho nhân sinh. Chính điều thầy nói đã khuyến khích tôi rất nhiều.

Bên cạnh đó, thầy Minh Tịnh (Kozen) là người tôi rất ngưỡng mộ. Thầy luôn chăm sóc, quan tâm ngay cả người bịnh tật có chí hướng xuất gia. Đây là điều động viên tôi rất lớn. Tôi nghĩ rằng trở thành một Ni cô sẽ giúp đời sống trở nên ý nghĩa hơn và giúp tôi đóng góp cho nhân sinh hiệu quả hơn.

Thưa cô, có nhiều trường phái, truyền thống Phật giáo, tất cả đều quan trọng và có cùng đích đến, xin được tò mò một chút: Điều gì đã khiến cô xuất gia theo truyền thống Phật giáo Việt Nam?

Những lời dạy đầy tình thương yêu và nhẹ nhàng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đi sâu vào trái tim và tâm hồn tôi. Đồng thời cộng đồng người Việt luôn niềm nở chào đón. Khi Phật tử thành phố Seattle (bang Washington) đến thăm, các chị thật dễ thương, thân tình, tôi thấy mình như đã là thành viên trong gia đình tử tế này.

Xin cô cho biết những dự tính sau khi xuất gia?

Tôi sẽ ngụ tại Trung tâm Thiền Adams bang Washington (dưới chân núi tuyết Adams có tên Việt là Tuyết Sơn thiền tự) như là một nơi thường trú Ni và sẽ tiếp tục giảng dạy Phật pháp, thiền và khai mở hạnh từ bi, đồng thời giúp đỡ cộng đồng địa phương. Ngoài ra, chúng tôi có một nông trại hoàn toàn hữu cơ (organic), nên tôi cũng sẽ trồng trọt chút đỉnh. Thêm vào đó, tôi giúp những người tìm tôi để tư vấn về vấn đề tâm lý.

Xin chân thành cảm ơn cô. Kính chúc cô thân tâm luôn an lạc, gặp nhiều thuận duyên trên con đường hoằng pháp lợi sanh.

Đạo Phật hiện đang gặp nhiều thuận duyên tại phương Tây do giáo pháp nhà Phật đặt trọng tâm về lòng từ bi và khai mở trí tuệ. Người ngoại quốc khi trở thành Phật tử rất am tường giáo lý nhà Phật, bởi chính sự thông hiểu qua nghiên cứu mới khiến họ cảm phục, tự nguyện làm con nhà Phật. Khó có thể biết được bao nhiêu người Hoa Kỳ xuất gia, con số có thể trên cả ngàn. Một điều chắc chắn rằng, tổng số người Hoa Kỳ xuất gia đông hơn số người châu Á sinh ra tại Hoa Kỳ xuất gia. Hầu hết chư Tăng Ni gốc Á đều là người nhập cư.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.