Mọi sự vật hiện tượng đều vận động theo quy luật thành, trụ, hoại, không. Đời người ai cũng trải qua tiến trình sinh, già, bệnh, chết. Dù nghiệt ngã nhưng chẳng ai thoát khỏi sự thật này. Có điều, mỗi người có một quan niệm và cách ứng xử khác nhau với những biến đổi của chính bản thân mình. Chối bỏ, không dám nghĩ đến; lo buồn khi đầu bạc, chân run; thản nhiên chấp nhận vì đó là sự thật tất yếu.
Người học Phật thường quán chiếu sự vô thường của thân tâm. Qua tuổi trung niên biết rõ già bệnh đang đến gần, họ bình thản đón nhận vì đó là sự thật của thân này. Đâu cần bước vào tuổi xế chiều, người có quán chiếu thấy rõ mạng người trong hơi thở, thở ra không thở vào nữa là xong, chấm dứt một đời. Quán chiếu sâu hơn, cái gọi là ta, là tôi, thân tâm này vô thường sinh diệt trong từng sát-na. Ta không làm chủ được, chẳng điều khiển được chính ta, vì năm uẩn chỉ tạm nương nhau, vô ngã.
“Một thời, Tôn giả Na-la-đà ở trong vườn trúc của một trưởng giả nước Ba-la-lê. Bấy giờ, đệ nhất phu phân vua Văn-trà qua đời.
Lúc ấy, Na-la-đà nói với vua:
…
- Lại nữa Đại vương, vật phải bị già, nó sẽ già. Khi nó đã già, liền khiến sầu ưu khổ não, đau đớn không thể tả, rằng: ‘Vật ta yêu hôm nay đã già’. Đó gọi là phải bị già, thì nó già, ở đó, khởi sầu ưu khổ não, đau đớn không thể tả. Này Đại vương! Đó gọi là gai sầu đâm dính tâm ý. Người phàm phu có pháp này, không biết chỗ đến, xuất xứ của sinh, già, bịnh, chết.
- Lại nữa, đệ tử Hiền thánh có học, đối với vật phải bị già, nó liền già, lúc đó, người kia không khởi sầu ưu khổ não thường học những điều này: ‘Nay cái mà ta bị già chẳng phải một mình thôi, người khác cũng bị pháp này. Nếu ở đó, ta khởi sầu ưu thì điều này không thích hợp. Hoặc sẽ làm cho thân tộc khởi sầu lo, oan gia thì vui mừng; ăn không tiêu hóa tức sẽ thành bệnh, thân thể bứt rứt phiền muộn. Do gốc duyên này, liền đưa đến mạng chung’. Bấy giờ, vị ấy trừ bỏ gai nhọn ưu lo, thoát khỏi sinh, già, bịnh, chết, không còn pháp tai nạn khổ não nữa.
- Lại nữa Đại vương, vật phải bị bệnh, nó sẽ bệnh. Khi nó đã bệnh, liền khiến sầu ưu khổ não, đau đớn không thể tả. ‘Vật ta yêu hôm nay đã bệnh’. Đó gọi là vật phải bị bệnh thì nó bệnh, ở đó, khởi sầu ưu khổ não, đau đớn không thể tả. Này Đại vương! Đó gọi là gai sầu đâm dính tâm ý. Người phàm phu có pháp này, không biết chỗ đến, xuất xứ của sinh, già, bịnh, chết.
- Lại nữa, đệ tử Hiền thánh có học, đối với vật phải bị bệnh, nó liền bệnh, lúc đó, người kia không khởi sầu ưu khổ não thường học những điều này: ‘Nay cái mà ta bị bệnh chẳng phải một mình thôi, người khác cũng bị pháp này. Nếu ở đó, ta khởi sầu ưu thì điều này không thích hợp. Hoặc sẽ làm cho thân tộc khởi sầu lo, oan gia thì vui mừng; ăn không tiêu hóa tức sẽ thành bệnh, thân thể bứt rứt phiền muộn. Do gốc duyên này, liền đưa đến mạng chung’. Bấy giờ, vị ấy trừ bỏ gai nhọn ưu lo, thoát khỏi sinh, già, bịnh, chết, không còn pháp tai nạn khổ não nữa”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Thiện tụ [trích], VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.230)
Học Phật cốt để hiểu mình, thấy ra sự thật của chính thân tâm mình. Quán Tứ niệm xứ để thấy rõ từ bên trong cho đến bên ngoài liên tục vô thường sinh diệt đến đi không ngừng nghỉ. Trải qua thời gian thân này bị già là sự thật tất yếu. Già suy thì bệnh tật phát sinh cũng là tất nhiên. Ai rồi cũng như vậy, mọi sự vật hiện tượng đều như thế. Vậy thì chấp nhận sẽ an yên hơn chạy trốn hay chối bỏ hoặc lo sầu.
Thái độ chúng ta trước thực tại trở nên quan trọng, quyết định phẩm chất cuộc sống. Cũng lộ trình đó, hiện trạng như vậy nhưng những người đi qua mang nhiều tâm thái khác nhau. Ai có tuệ giác, nhìn nhận các vấn đề đúng như chính nó sẽ bình thản đối mặt. Khổ đau, lo buồn, than oán hay chấp nhận hiện thực sẽ kiến tạo nên chất lượng cuộc sống của mỗi người. Tâm an thì vạn sự an. Muốn tâm an thì tuệ phải sáng. Tuệ sáng là thấy rõ mọi sự như nó đang là. Thấy ra rồi dễ dàng chấp nhận mọi biến động của thực tại, nhờ đó mà an yên hơn.