GN - Kinh Pháp hoa là pháp của Bồ-tát nghe và hành trì, nên không phải là pháp của hàng Nhị thừa, đương nhiên càng không phải là pháp dành cho hàng nhơn thiên. Vì vậy, hàng Nhị thừa và nhơn thiên muốn nghe được kinh Pháp hoa phải phát Bồ-đề tâm mới nghe được.
Bồ-tát nghe kinh thế nào. Loài người nghe ngôn ngữ, nhưng Bồ-tát không nghe ngôn ngữ mà nhà thiền diễn tả là nghe tiếng vỗ của một bàn tay. Một bàn tay làm sao phát ra tiếng vỗ được. Ngài A Nan nói đó là nghe cái không có âm thanh, thấy cái không có hình tướng. Vậy nghe và thấy bằng cách nào.
Có thể nói là nghe và thấy bằng niềm tin và bằng căn lành của hành giả. Thật vậy, tin Phật là lòng mình nghĩ có Phật thì thấy Phật. Người không tin thì nói có Phật Thích Ca nhưng Ngài chết rồi. Người này không thể nghe được kinh Pháp hoa và không thấy Phật. Điều này được Phật xác định rằng Ngài hiện hữu mà nhiều người còn không thấy, huống chi Ngài vào Niết-bàn thì làm sao họ thấy Phật. Vì vậy, ngoại đạo hỏi Phật, Ngài không trả lời là ý này.
Nghe Phật bằng niềm tin và thấy Phật bằng căn lành. Người ta thường nói ý này rằng có căn tu mới tu được, đó là cái thôi thúc bên trong khiến mình đi tu. Như tôi mới 12 tuổi mà tìm chùa tu, không phải cha mẹ gởi vô chùa ở. Thực tế cho thấy người có con mà nuôi không nổi, họ gởi con vô chùa, nhưng nó không muốn tu. Lớn lên, nó làm được là ra đời, không tu.
Muốn tu, Phật tử phải vượt bốn sự hoành hành của thân là đói, khát, nóng, lạnh sẽ đỡ bị vật chất chi phối. Nhưng việc thứ hai quan trọng hơn, không bị tình cảm vui buồn vinh nhục khen chê chi phối.
Ngày nay tôi thường ví người có căn lành như có điện thoại thông minh cầm trong tay, nhưng mình có điện thoại thông minh đặt trong tâm mình, nên mình thấy Phật thuyết pháp và nghe được Phật thuyết pháp. Đó là thấy Phật và nghe Phật bằng căn lành, bằng niềm tin. Người này có căn lành rồi khiến họ phát Bồ-đề tâm, tu theo kinh Pháp hoa được.
Thật vậy, Phật nói trong phẩm Phổ Hiền Bồ-tát khuyến phát rằng có bốn điều kiện nhận được kinh Pháp hoa. Trước nhất là người có căn lành nên họ phát tâm dễ dàng và nghe được những gì mà người thường không nghe, biết những gì mà người thường không biết. Người không có căn lành thì phải trồng căn lành, nên họ mất thời gian lâu hơn.
Muốn tu, Phật tử phải vượt bốn sự hoành hành của thân là đói, khát, nóng, lạnh sẽ đỡ bị vật chất chi phối. Nhưng việc thứ hai quan trọng hơn, không bị tình cảm vui buồn vinh nhục khen chê chi phối.
Tôi chỉ sợ Phật chê, không sợ thiên hạ chê, vì mình không sống với thiên hạ lâu. Quen biết ai thì cũng một lúc thôi, sau đó cơm ai nấy ăn, nhà ai nấy ở, việc ai nấy lo. Tôi thường nói đường còn dài, việc còn nhiều, từ đây đến thành Phật còn xa. Phải tránh sự khuấy phá, khích bác để mình đi xa. Họ hỏi điều gì, họ nói phải thì mình ừ, nói trái mình cũng ừ. Vì mình biết họ hỏi là tìm cách gây khó khăn để cản đường mình đi tới, khiến cho bước đi mình chậm lại, trong khi mạng sống của mình càng ngày càng ngắn lần.
Phật dạy rằng ngày nào chưa biết được chỗ đến là bỏ thân này, mình về đâu, phải nỗ lực thực tập pháp Phật. Tu hành, tạm quên cuộc đời để giữ mục tiêu đi tới. Thí dụ người đặt mục tiêu lên Niết-bàn phải thực tập Tứ Thánh đế để đạt đến Niết-bàn thì hoàn toàn tự do với việc sống chết.
Người đắc đạo muốn chết thì chết. Trong khi mình chưa dễ dàng làm chuyện này thì phải lo, sợ lúc chết, cận tử nghiệp làm tâm rối loạn bị đọa, hết tu được.
Thiết nghĩ đầu tiên tu hành, biết được cái chết cái sống của mình và biết được chết mình về đâu là chủ động được cái chết của mình, không sợ nữa, mới yên tâm. Còn chuyện cuộc đời hơn thua phải trái cần gì lo, lo cũng vậy mà không lo cũng vậy thôi, chẳng giải quyết được gì.
Vì vậy, việc quan trọng, ít nhất mình biết tái sanh làm người và tái sanh vô chỗ có Phật pháp để được học, được tu. Sanh làm con thú thì muốn tu cũng không được.
Tu Bổn môn Pháp hoa, chủ yếu tu bằng tâm, nhưng mượn hình thức để nuôi tâm mình. Thực ra quý vị tu bằng tâm, không phải tu bằng xác, nhưng tại sao phải tới chùa lạy Phật, tụng kinh, nghe pháp. Vì phải lạy Phật mới nghĩ đến Phật được, không lạy Phật thì khó nghĩ đến Phật. Và về chùa nghe giảng, hiểu Phật pháp mới nghĩ đúng và làm đúng những điều Phật dạy. Như vậy, mượn việc lễ Phật, nghe giảng pháp ở chùa để phát huy việc tu tâm là chính.
Chúng ta tu, ít nhất cũng tái sanh làm người, đừng sanh làm các loài khác. Bồ-tát sanh vô loài nào cũng biết đời trước của họ, nhưng mình sanh vô các loài thì không biết được đời trước của mình.
Phật nói muốn sanh làm người, không phạm tội sát sanh, trộm cướp, tà dâm và không phạm bốn tội của miệng. Nếu phạm tội sát sanh, linh hồn sẽ bị việc sát hại này tác động dữ dội khiến họ phải sanh vô đó. Thí dụ người chuyên giết súc vật, khi chết, họ thấy súc vật hiện ra lôi kéo đi. Hoặc người thường chinh chiến giết người như vua Đường Thái Tôn lâm bệnh sắp chết thấy những người bị ông giết hiện ra đòi mạng. Hàng ngày làm gì thì chết hiện ra cảnh giới tương ưng thúc giục họ lọt vô đó.
Nhờ có căn lành đời trước, nên đời này nhìn người tu thấy thân, nghe lời kinh thấy quen. Điều này quan trọng. Thuở nhỏ, lúc học tiểu học, vì nhà tôi cách xa trường mười cây số, nên tôi phải ở trọ ở chùa để đi học cho tiện. Tôi nghe ông thầy tụng kinh khiến tôi thuộc kinh. Một hôm, ông bận việc, không công phu, ông đưa kinh bảo tôi tụng giùm. Tôi nói kinh này con thuộc rồi. Ông ngạc nhiên hỏi học hồi nào mà thuộc. Con nghe thầy tụng, con thuộc, đó là căn lành đời trước tôi đã tụng kinh, nghe kinh rồi. Sau khi tôi tụng cho ông nghe, ông bảo rằng tôi có căn lành, thôi đi tu đi. Tôi nói tu thì tu! Rồi ông lấy dao cạo đầu cho tu, sướng không. Có căn lành mà gặp duyên thì tu dễ.
Các Phật tử tu Pháp hoa phải trồng căn lành ở các Đức Phật là mình lạy Phật, tụng kinh hết lòng, tha thiết nghĩ tới Phật sẽ được Phật hộ niệm cho mình. Người có căn lành tụng kinh thấy khác với người tụng kinh không có căn lành.
Thật vậy, Trí Giả chỉ đọc Linh Thứu sơn mà ngài phát hiện được chân linh. Mình cũng có chân linh và nghe kinh Pháp hoa cũng bằng chân linh là nghe cái không có âm thanh. Phật nói bằng chân linh và mình nghe bằng chân linh, hai điều này gặp nhau mà người ta thường nói rằng hai tâm hồn lớn gặp nhau, nghĩa là hai người có cùng ý tưởng gặp nhau thì không nói cũng thấy thân quen. Người có căn lành, có ý tưởng đồng với ý tưởng của Phật sẽ giúp họ tiến tu đễ dàng.
Mình và Phật gần nhau là nghe bằng căn lành vì lòng mình có điện thoại thông minh. Phật ví như đài phát sóng, mình mở trúng đài là nghe được Phật liền. Những người này thấy Phật, nghe pháp mà nghe trong thiền định, trong Chánh niệm. Họ tu, ngồi yên không nói, nhưng nghe Phật thuyết pháp, thấy được Phật và cảm nhận được Phật muốn truyền trao nghĩa lý gì. Còn mình bắt chước ngồi yên, nhưng hết giờ thì ra, không biết gì. Điển hình như Hư Vân hòa thượng ngồi yên nhưng thần thức ngài lên cung trời Đâu Suất nghe Đức Di Lặc thuyết pháp.
Người ngồi thiền, không tụng kinh, lễ bái nhưng đắc đạo. Người bắt chước làm theo mà không đắc đạo, còn sanh bệnh hoạn nữa thì hỏng. Pháp tu này rất quan trọng. Muốn tu thiền đầu tiên phải điều hòa ăn uống, ngủ nghỉ là bảo đảm được thân này khỏe mạnh, không ép nó, ép nó là thành bệnh. Phật dạy ăn vừa đủ, hay ăn thiếu một chút để dễ tu. Không biết mà ăn no rồi ngồi thiền sẽ bị ách bụng, vì thức ăn không tiêu hóa được, bị sình lên, một thời gian sau bao tử bị suy yếu. Phải chữa bao tử trước, còn tiếp tục ráng ngồi nữa, chắc chắn đau bao tử.
Riêng tôi thuở nhỏ bị tim bẩm sinh, nhờ tu thiền, tim tôi trở lại bình thường. Vì vậy, nay tôi 84 tuổi vẫn giữ được nhịp tim bình thường 70-80 nhịp một phút. Muốn hạ nhịp tim, tôi ngồi thiền, giảm ăn uống, nhịp tim hạ xuống liền, còn 60, nghĩa là phải chủ động cơ thể được.
Tu hành, điều chỉnh thân mình trước bằng cách kiểm soát hơi thở ra vào. Các thiền sư thường ở rừng núi, nhưng không phải rừng núi nào cũng ở được. Ở núi nào tu được thì lên đó tu đắc đạo. Ngày nay, người ta kiểm tra các ngọn núi mà các vị thiền sư tu ở đó nhịn đói, không ăn thực phẩm, chỉ ăn không khí, vì núi đó có không khí chứa nhiều dưỡng chất nuôi được sự sống khỏe mạnh. Núi có không khí độc, nước độc thì ở bệnh chết.
Tìm chỗ tu được để tu, không phải chỗ nào ở cũng tu được. Cũng vậy, tu bắt chước không được, phải có người hướng dẫn tu. Xưa kia, Phật gặp ông thầy tu dạy ăn rễ cây, lá cây, trái cây, không ăn thực phẩm. Nhưng phải biết rễ cây, lá cây, trái cây nào ăn được, vì không phải tất cả rễ cây, lá cây, trái cây nào cũng ăn được. Ngày nay người ta đã biết được các loại rễ, lá, trái có dược tính chữa được bệnh. Không phải thấy rồi bắt chước dễ chết.
Bài giảng tại chùa Huê Nghiêm