GN - Trên báo GN số 751 ngày 4-7-2014 có bài viết “Nhức nhối nạn mất cắp cổ vật trong chùa” của tác giả Chu Minh Khôi, nêu lên hiện trạng đến mức báo động về tình hình thất thoát các vật thể cổ xưa đang lưu giữ ở các chùa thuộc các tỉnh thành PG phía Bắc.
Những thông tin trong bài viết hoàn toàn tin cậy và điều đó khiến cho chúng ta khá bàng hoàng, dù chúng ta biết chắc rằng sự thất thoát các cổ vật tại các chùa đã xảy ra từ rất lâu, mà bài viết chỉ nêu lên một mặt của vấn đề mà thôi. Lỗi này khi phân định về quản lý của các vị trụ trì chỉ là phần ngọn, còn phần gốc thì hiện cơ chế vẫn đan xen, chồng chéo nhau giữa ngành bảo tồn - bảo tàng, ngành văn hóa thể thao du lịch; Cục Quản lý di sản…
Đó là chưa kể đến các tỉnh phía Nam và khu vực miền Trung mà nếu có một cuộc điều tra nghiêm túc, sẽ cho thấy số cổ vật bị mất mát là vô cùng lớn. Một số chùa vì những lý do này khác mà không báo cáo tình trạng bị mất cắp cổ vật, điều này đòi hỏi chúng ta khi thống kê nên thật khéo léo.
Trong cùng một mục đích này, từ đây đến cuối năm 2014, Ban Văn hóa GHPGVN sẽ cùng với các tỉnh, thành tổ chức khảo sát và thống kê di sản văn hóa Phật giáo ở các địa phương. Đây là công việc khá khó khăn đòi hỏi thời gian và công sức rất nhiều, dĩ nhiên sẽ có những trở ngại khi có chùa sẽ không công bố có cổ vật hay di tích dù họ đang nắm giữ. Rắc rối này (nếu có) cũng nên được những người có trách nhiệm phân tích thuyết phục để hai bên cùng nhau hợp tác vì lợi ích chung.
Bên cạnh việc khảo sát, thống kê hoàn chỉnh, còn một động thái quan trọng là hướng dẫn các phương pháp bảo quản tốt các cổ vật, di tích. Đây là công việc đòi hỏi có trình độ chuyên môn và tư duy cao, và tất nhiên sẽ có các chuyên gia và những nhà khảo cổ học tham gia tư vấn.
Công việc của Giáo hội là sau khi lên danh mục các chùa có cổ vật di tích, những vị trụ trì của các chùa đó sẽ tham dự lớp tập huấn về những kỹ năng, quản lý và giữ gìn cổ vật. Đây là việc rất cần nên làm để họ có khái niệm về giá trị của cổ vật và sẽ tạo động lực giúp họ quản lý cổ vật tốt hơn.
Cổ vật di sản văn hóa Phật giáo là kho tàng vô cùng quý báu của nhiều thế hệ để lại cho chúng ta. Nó nói lên những chặng đường lịch sử mà cha ông ta đã trải qua và các thế hệ thiền sư của Phật giáo Việt Nam đã tạo dựng và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đó cũng là sự khởi thủy của nền văn minh vật thể và phi vật thể (chùa chiền và các lễ hội Phật giáo) từ xưa cho đến ngày nay, mà chúng ta và thế hệ con cháu cần gìn giữ, quản lý để không bị mai một.
Trong bài viết khác, chúng tôi sẽ đề cập đến vai trò của nhà bảo tàng văn hóa Phật giáo tại các địa phương, sau khi việc thống kê hoàn chỉnh.