Thắp sáng mình lên bằng Chánh pháp

GN - Đại lễ Phật đản - Vesak 2019 tại Tam Chúc - Hà Nam đã kết thúc và mang lại những thành tựu tốt đẹp. Những thành tựu ấy được đúc kết qua bản Tuyên bố Hà Nam 2019, trong đó nhấn mạnh đến việc cộng đồng Phật giáo trên toàn thế giới chung tay xây dựng một thế giới hòa bình, an lạc và thịnh vượng.

24.jpg


Tuyên bố chung Hà Nam - khép lại Đại lễ Vesak 2019 diễn ra thành công tại VN - Ảnh: BTC

Theo đó, “Đại lễ Vesak góp phần nâng cao sự hiểu biết, chia sẻ và hợp tác lẫn nhau giữa các truyền thống và tổ chức Phật giáo, cũng như các cá nhân, thông qua việc gặp gỡ, đối thoại giữa các nhà lãnh đạo Phật giáo và các học giả nhằm giải quyết những vấn đề quan tâm chung mang tính toàn cầu”.

Một lần nữa, Phật giáo và Liên Hiệp Quốc (LHQ) lại gặp gỡ nhau trên phương châm hành động nhằm thực hiện các “Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ”, cùng “Thừa nhận sự vĩ đại của Phật giáo trong thời hiện đại” - điều thứ sáu trong Cam kết chung của Tuyên bố Hà Nam 2019.

Sự vĩ đại của Phật giáo không thông qua hình thức, mà chính ở việc mang lại “thông điệp về hòa bình, xã hội bền vững và các vấn đề liên quan khác dựa trên lời dạy của Đức Phật về từ bi và trí tuệ”.

Tinh túy của từ bi và trí tuệ ấy được thể hiện qua giáo lý duyên sinh - vô ngã. Giáo lý duyên sinh dạy cho chúng ta về trách nhiệm sống chung giữa con người với con người và giữa con người với thiên nhiên vạn loại. Mỗi một hành động của con người, nếu được thực hiện bằng tham lam, sân hận và si mê, thì kết quả chúng ta nhận được chính là sự khổ đau, hủy hoại. Giáo lý vô ngã giúp cho chúng ta hành động, hy sinh không mệt mỏi vì sự an lạc chung cho thế giới, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc..., loại bỏ tất cả mầm mống của bất hòa, tranh đoạt, chiến tranh, mang lại hòa bình, an lạc.

Giá trị của Đại lễ Vesak 2019, do đó, không đo lường bằng những con số cụ thể, mà bằng năng lực vô biểu đến với mỗi cá nhân, đặc biệt đến với những người lãnh đạo, những nhà chính trị hay những học giả vốn có tiếng nói và tầm ảnh hưởng lớn đối với xã hội.

Hơn ai hết, những người con Phật chúng ta đều hiểu rằng, giá trị những lời dạy của Đức Phật chỉ được phát huy khi và chỉ khi chúng ta ứng dụng và thực hành những lời dạy ấy ngay trong đời sống hiện tại. Đó chính là việc thắp sáng mình lên, thắp sáng mình lên bằng Chánh pháp, không bằng cái gì khác; thắp sáng mình lên bằng Chánh pháp tức là thắp sáng mình lên bằng chánh niệm. Phải nhận biết rõ và có trách nhiệm đối với tất cả những việc làm và suy nghĩ của mình. Người có chánh niệm luôn biết sống trên căn bản Bát Chánh đạo, là con đường đưa đến an lạc, giải thoát.

Thế giới ngày nay vận hành bởi sự thúc đẩy của tham sân si. Con người cũng đốt mình bằng những ngọn lửa tham sân si, do đó sự khổ đau tiếp nối không ngừng. Sự tàn hại thiên nhiên và sự hủy hoại tâm hồn là dấu hiệu cho thấy sự tàn hoại của thế giới. Muốn cứu vãn, chúng ta phải nhờ ánh sáng tuệ giác của Phật, phải đặt mình trong Chánh pháp Phật dạy, không để hành vi của mình bị thúc đẩy bởi những kiến thức, lý thuyết ác hại.

Sau Phật đản, mùa an cư lại về. Mùa an cư chính là thời gian và điều kiện tốt nhất để các hành giả cùng thắp sáng lên bằng Chánh pháp, dẹp bỏ vô minh, tạo thành thế giới an lạc.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.