Mình chỉ thấy một chiều, nhưng ngài thấy nhiều chiều, bằng huệ nhãn thấy tất cả biến thành không và tăng độ nhìn lên nữa thì tất cả trở thành hư không. Thí dụ cơ thể con người nặng 60kg, nhưng chết rồi, đốt thân xác này, chỉ còn 1 hay 2kg chất khoáng và chất khoáng trả về đơn chất nữa thì thân vật chất chẳng còn gì.
Đức Phật tu chứng, nhận ra được sự hiện hữu của con người ở hai mặt có và không. Và Phật nói rằng con người do tứ đại giả hợp mà thành, hay thân người do năm nhóm: sắc, thọ, tưởng, hành và thức tạo thành, để rồi kết thúc cuộc sống thì toàn bộ cái thân hiện hữu giả hợp ấy trả về Không.
Đức Phật vào Niết-bàn, 500 năm sau mới có Long Thọ Bồ-tát ra đời và ngài chứng được pháp Không của Phật để lại. Ngài nói tất cả các pháp hữu vi do nhân duyên hòa hợp mà sanh ra. Con người và con vật do hợp chất mà thành, cũng có chung bốn chất là đất, nước, gió, lửa, nhưng cộng thêm nghiệp thì có khác nhau. Nếu cộng thêm nghiệp của con vật sẽ tạo thành con vật, cộng thêm nghiệp của con người thì sẽ thành con người.
Vì vậy, nghiệp quyết định mình là con người hay con vật. Và cùng mang thân người nhưng biệt nghiệp của từng người khác nhau mà tạo nên người khỏe mạnh hay yếu đuối, người thông minh hay đần độn, người xinh đẹp hay xấu xí, người giàu sang hay bần cùng. Ngoài ra, hoàn cảnh sống của con người cũng tương ưng với cái nghiệp của họ. Người giàu có ở biệt thự sang trọng, người nghèo sống ở “khu ổ chuột”.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng thuyết giảng: "Ngộ đạo - cốt lõi của sự tu tập" |
Bồ-tát Long Thọ nói các pháp thế gian do nhân duyên hội tụ. Phải thấy theo Phật là tu. Không thấy theo Phật mà thấy theo tham vọng là thấy theo ma quỷ sẽ bị quả báo khó lường.
Các pháp không có thực chất, nhưng do nhân duyên sanh, nên ngài Long Thọ nói: “Nhân duyên sở sanh pháp. Ngã thuyết tức thị không”. Thật vậy, khi quý vị thấy tất cả là không, mình trở về dạng bản thể. Và con người thực của mình là không, nếu cộng với phước đức và trí tuệ sẽ hiện ra cái có tốt đẹp vô cùng. Lý này được ngài Huệ Năng khẳng định rằng tất cả là không, nhưng chứng được pháp Không này sẽ có tất cả. Nói cách khác, không lệ thuộc vật chất sẽ chuyển vật chất thành diệu hữu. Hành giả tu chứng được pháp này, muốn hiện làm vua, làm tướng, làm quan hay làm trẻ con cũng được, nhưng hiện thân gì cũng ở dạng tốt nhất. Nhờ xả tất cả nghiệp, bấy giờ Bồ-tát hành đạo tùy duyên mà tạo phước này đến phước khác ở khắp mọi nơi.
Long Thọ Bồ-tát trực nhận được pháp quán từ có thành không và từ không lại thành có, ngài viết sở đắc này trong bộ luận Trung quán. Bộ luận này truyền sang Trung Hoa, ngài Huệ Văn đại thiền sư đọc và chứng được lý này, ngài đưa ra pháp tu Tam trí Tam quán, tức nhìn sự vật theo người tu không lệ thuộc cuộc đời, không lệ thuộc ăn uống thì có cái thấy đúng đắn và giải thoát.
Theo ngài Huệ Văn, thầy tu không ham muốn bất cứ cái gì, vì đối với họ, thân này là giả, sự vật cũng là giả, nên chỉ còn ham muốn duy nhất là ra khỏi sanh tử luân hồi. Vì vậy, phải sử dụng thân này để tu có được trí tuệ và đạo hạnh tốt đẹp hơn, còn để lãng phí cuộc đời rồi tái sanh chịu khổ đau nữa hay sao. Mượn thân này để tu ví như mượn hỏa tiễn để đưa phi thuyền ra khỏi sanh tử. Thật vậy, dùng hỏa tiễn là thân người, mỗi ngày mình phải nạp nhiên liệu là thực phẩm và hít thở không khí giúp cho cơ thể này khỏe mạnh để tu. Mình gắng công nạp nhiên liệu như vậy mà không ra khỏi sanh tử thì quả là tốn công vô ích, thiệt uổng phí một đời tu.
Sử dụng thân người làm phương tiện tu và đốt thân bằng lửa Chánh định, để phi thuyền bay ra khỏi sức hút của trái đất là Nhà lửa theo kinh Pháp hoa gọi là nhập Không môn.
Vì vậy, tu thế nào để không lệ thuộc ăn uống, tình cảm, không có gì ràng buộc được mình là bước thứ nhất mà chư Tổ sư đã thành tựu. Và mỗi người có cách tu khác nhau, nhưng tu thế nào cũng phải học giỏi, hiểu sâu là tìm được cái gốc, tức diệu lý và chứng đắc được pháp Không. Muốn vậy, phải quyết tâm mạnh để bứt phá được sức hút của Nhà lửa tam giới và đến được bãi đất trống.
Có ba hạng người tu ra được sanh tử. Hạng người đi ra một mình là Thanh văn quyết tâm tu, bỏ hết. Hạng thứ hai cùng đi với một vài người bạn hợp ý, đó là bạn tốt, thầy hiền cùng tu. Hạng thứ ba là Bồ-tát lớn ra khỏi sanh tử là mục tiêu chính, nhưng họ còn thừa đạo lực để độ đời, giúp được nhiều người cùng ra sanh tử.
Như vậy, pháp Phật có ba thừa là Thanh văn, Duyên giác và Bồ-tát. Tự xét mình thuộc hạng nào thì đi theo đường đó. Bồ-tát được Phổ Hiền ví như voi đi ngược dốc kéo nặng mà không có gì cản trở được nó. Cũng vậy, Bồ-tát tuy bị sức hút của Nhà lửa nhưng cũng tự vươn lên được và còn giúp cho nhiều người hữu duyên cùng thoát khỏi sanh tử.
Mình có đạo lực mạnh mẽ như Bồ-tát hay không. Nếu không, vì nghiệp của người nặng quá, mà mình cưu mang thì mình và người cùng tan thân mất mạng. Trường hợp này phải nỗ lực tu cũng có thể tới được bãi đất trống.
Phải ra khỏi Nhà lửa, đến bãi đất trống mới có Chánh kiến. Còn tụng nhiều kinh điển nhưng không phá trừ được tham muốn, bực tức, si mê thì vẫn bị thiêu đốt trong Nhà lửa. Vì vậy, cần nỗ lực tối đa thực hiện pháp Phật để đạt kết quả đúng như Phật dạy mới mong ra khỏi Nhà lửa và thăng hoa trên lộ trình hành Bồ-tát đạo dẫn đến Phật quả.