Thánh hạnh từ bi của Đức Phật

Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan Phật lịch 2566 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
Bài đăng trên Giai phẩm Vu lan Phật lịch 2566 - Thiết kế: Phòng Mỹ thuật BGN/Tống Viết Diễn
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Từ bi là bước chân đầu tiên và cuối cùng của đạo Phật in dấu trong cuộc đời. 

Nó là một phẩm chất thuộc tâm thức đi đôi với trí tuệ, hệ quả của tâm giải thoát, tuệ giải thoát, có công năng làm cho cuộc đời vơi khổ và thoát khổ, trôi chảy hết sức tự nhiên trong đời sống hàng ngày của chư vị giác ngộ.

Đó là một loại năng lượng tích cực để chuyển hóa tự thân và chuyển hóa cuộc đời đi đến hoàn thiện. Có thể nói rằng từ đầu chí cuối, hạnh tu của người con Phật không gì khác là mở rộng tâm từ bi.

Cuộc đời Đức Phật là hiện thân trọn vẹn của trí tuệ và từ bi mà nhìn từ góc độ nào người ta cũng cảm nhận được. Trí tuệ là chân trời cho tâm từ bi tuôn chảy. Chúng ta khó thấy hết bầu trời trí tuệ của Đức Phật, nhưng tâm từ bi của Ngài thì bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận ra. Nghĩ nhớ về Đức Phật do đó là nghĩ nhớ về đức từ bi mà Ngài đã thể hiện xuyên suốt cuộc đời của Ngài.

G.C. Pande cho rằng tính cách vĩ đại của Đức Phật hiện rõ bởi sự kiện rằng không có một người nào khác để lại ấn tượng sâu sắc trong lịch sử văn hóa Ấn Độ như Ngài. Theo ông, Trí tuệ (Bodhi) và Từ bi (Karunā) là hiện thân của nhân cách Đức Phật1.

Với S. Radhakrishnan, “Đức Phật có đức khoan dung vô hạn. Ngài xem cuộc đời là tối tăm hơn tội lỗi, khát khao hơn bạo loạn. Ngài đối diện nghịch cảnh với tâm tư tỉnh táo và đầy tin tưởng. Hạnh đức của Ngài là sự thể hiện hoàn hảo tác phong nhã nhặn và cảm giác thương người có đôi chút cứng rắn trong đó” 2.

Sử gia Will Durant cũng nêu nhận xét: “Đức Phật là người ‘dĩ đức báo oán’. Ai không hiểu Ngài mà nhục mạ thì Ngài chỉ làm thinh. Nếu một người nổi điên lên mà làm hại Ngài thì Ngài dùng tình thương che chở cho người đó; người ấy càng làm điều ác cho Ngài thì Ngài càng làm điều thiện cho người ấy” 3.

Chúng ta gọi tâm từ bi của Đức Phật là Thánh hạnh (Ariyacariya) bởi đó là lẽ sống giác ngộ được định hướng và huân tập lâu dài bởi một vị Bồ-tát đã trải qua nhiều đời kiếp thực hành tâm từ bi, quyết chắc hướng đến tự giác và giác tha. Nó là Thánh hạnh, tức một nếp sống từ tâm cao cả, trôi chảy tự nhiên, không còn bóng dáng vị kỷ, chỉ lo nghĩ cho người khác, bởi nó là kết quả của sự nỗ lực nuôi dưỡng và thực thi tâm từ bi lâu ngày đối với vô lượng chúng sinh.

Kinh Tăng chi bộ lưu lời Đức Phật xác nhận rằng trong nhiều kiếp quá khứ, Bồ-tát4 đã tu tập từ tâm và nhờ công đức ấy nên trong nhiều kiếp Ngài tái sinh làm vị vua Chuyển luân vương trước khi đắc quả giải thoát, trở thành bậc Chánh Đẳng Giác5. Bản kinh Tướng (Lakkhansuttanta), Trường bộ, cũng cho chúng ta biết Đức Phật có đầy đủ 32 tướng tốt, tất cả đều là kết quả sinh ra từ công đức thực hành các phẩm hạnh từ tâm đối với khổ đau của chúng sinh.

Như là kết quả, Đức Phật biểu lộ và thể hiện tâm từ bi vô lượng khi Ngài đến với thế giới này. Cuộc đời Ngài là tấm gương lớn về tâm hạnh từ bi. Hầu hết các tài liệu được truyền lại đến nay đều cho thấy ở độ tuổi niên thiếu Ngài đã biểu lộ tấm lòng đầy nhân ái và trắc ẩn đối với khổ đau hiện diện trong cuộc đời. Lòng thương người thương vật, tính ôn hòa trầm tư - dấu hiệu của một vị Phật tương lai - bộc lộ rất sớm trong vị hoàng tử trẻ Siddhattha.

Truyền thuyết nói về quang cảnh lễ hạ điền hàng năm theo truyền thống của vương tộc Sakya cho biết vị hoàng tử nhỏ không vui khi trông thấy cảnh tượng các sinh vật bé nhỏ quằn quại trong đau thương bởi lưỡi cày của những người nông phu trong buổi lễ xuống đồng. Bởi vậy, thay vì nô đùa tung tăng như bao cậu trẻ khác trong buổi hội đông vui, Siddhattha lặng lẽ tìm đến gốc cây quả hồng trên gò vắng ngồi trầm tư một mình. Tài liệu Đại kinh Saccaka, Trung bộ, ghi nhận sự kiện này, nói rằng vị thái tử trẻ nhanh chóng đạt được trạng thái an tịnh sơ thiền lúc ngồi trầm tư một mình vào dịp lễ hạ điền.

Các thư tịch Phật giáo cũng cho biết vị hoàng tử trẻ không thích cảnh săn bắn thường là thú tiêu khiển của các vua chúa và vương tử đương thời. Người ta kể rằng một hôm, cùng dạo chơi trong rừng với Devadatta và Naradatta, Siddhattha đã tỏ ý thất vọng và phản ứng gay gắt khi hai bạn mình đang tâm sát hại các loài vật. Khi nhìn thấy con hạc trắng vừa bị Naradatta bắn hạ, vị thái tử trẻ lao nhanh đến chỗ con vật bị thương, rút bỏ mũi tên khỏi thân mình nhỏ bé của nó rồi vỗ về chăm sóc con vật. Lòng thương người thương vật của Ngài càng biểu lộ rõ hơn trong cách Ngài đối thoại với Naradatta:6

- Ôi con người đầy từ tâm Siddhattha. Bạn cho rằng con vật có một linh hồn, và chúng ta hoàn toàn sai khi làm nó đau đớn? - Thanh niên Naradatta tin theo thuyết duy vật của Ajita Kesakambalī bước đến chỗ Siddhattha vừa cười vừa hỏi ra vẻ chế giễu.

- Tôi không biết nó có một linh hồn hay không. Nhưng bạn hẳn không thấy con vật nhỏ bé tội nghiệp này đang đau đớn ư? Bạn Naradatta, dường như bạn không cảm thấy hối tiếc khi làm cho kẻ khác đau khổ. - Siddhattha vừa buông lời tỏ ý trách móc vừa ngước nhìn bạn mình với vẻ thất vọng.

Lòng trắc ẩn đối với khổ đau của kẻ khác như thế này chắc chắn đã không ngừng phát triển trong con người Siddhattha bởi người ta thấy càng về sau Ngài càng tỏ rõ tâm từ rộng lớn đối với tất cả chúng sinh và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc tôn trọng sự sống và hạnh phúc của muôn loài. Đời sống Sa-môn khất thực không cho phép Ngài chọn món ăn theo ý mình, nhưng Ngài tuyệt nhiên không chấp nhận thọ dụng thịt các con vật bị sát hại vì lý do làm món ăn cho Ngài7.

Ngài cảm nhận nỗi đau của con vật khi nó bị kéo đi giết thịt8. Ngài ngăn cấm mọi hành vi sát sanh và không tán thành các nghề nghiệp gây sát hại. Ngài khuyên dạy các đệ tử mình nuôi dưỡng tâm từ bi và đối xử bình đẳng với mọi loài. Ngài chứng nghiệm với tâm mình rằng mọi chúng sinh đều yêu quý tự ngã (nghĩa là mong muốn an lạc cho tự thân); do đó, nếu người ta đã yêu quý tự ngã của mình thì chớ làm hại tự ngã của người khác9.

Ngài cảm nhận tâm lý rất chung rằng tất cả chúng sinh đều yêu quý sự sống, lo sợ sự chết, mong muốn an lạc, chán ghét khổ đau. Bởi vậy Ngài khuyên mọi người hãy lấy bản thân mình làm ví dụ để không sát hại hay khiến người khác sát hại10. Trong sinh hoạt hàng ngày, Ngài tuân giữ một nguyên tắc không đổ thức ăn dư thừa (xả rác) lên đám cỏ xanh hay nhận chìm xuống chỗ nước có các loài côn trùng sinh sống11. Ngài an trú lòng từ cho đến trong một giọt nước với tâm niệm: “Mong rằng Ta không làm hại một chúng sinh nhỏ nào trong các cảnh giới bất hạnh của chúng”12.

Tâm từ bi của Đức Phật càng thể hiện rõ nét sau ngày Ngài thành đạo và thuyết pháp độ sinh, trong vai trò một bậc Giác ngộ sinh ra ở đời vì hạnh phúc và an lạc cho số đông, vì lòng tương tưởng cho đời, vì lợi ích, hạnh phúc và an lạc cho chư Thiên và loài người. M.M. Williams nói rằng Đức Phật đã giải thoát sinh tử khổ đau, đã thành tựu Niết-bàn - sự dập tắt lửa tham dục - và lẽ ra đã có thể tận hưởng niềm an lạc xứng đáng của Niết-bàn tuyệt đối. Thế nhưng tình thương mến đồng loại đã buộc Ngài phải dấn thân”13.

Trong một cuộc đàm luận với vị vua Hy Lạp Manender, Tỷ-kheo Nāgasena đã sánh sự nghiệp thuyết pháp độ sinh của Đức Phật như “một trận mưa lớn đổ xuống trần gian nắng hạn lâu ngày khiến thấm sâu vào vô lượng chúng sinh, làm cho muôn vật đâm chồi nẩy lộc, người người no vui hỷ lạc, thịnh mãn phước báo, sanh trưởng đức tin và trí tuệ, tẩy sạch bụi bặm cấu uế, dập tắt lửa tham sân si. Khi nước từ bi ấy chảy tràn qua lịch sử, chảy qua các quốc độ, chảy qua thời gian, có mặt ở đâu thì ở đó không có hận thù, oan trái, kẻ cướp buông đao, hung dữ mỉm cười, tình tương thân tương ái, thuận hòa làm mát mẻ trái tim, làm phơi phới lòng người”14.

Suốt 45 năm thuyết pháp độ sinh, Đức Phật đã thể hiện trọn vẹn đức từ bi của một đấng Giác ngộ hiểu rõ mọi nỗi khổ và căn nguyên khổ đau của chúng sinh. Ngài dấn thân vào đời với tâm thái từ bi và nhằm khơi dậy lòng bi mẫn của nhân thế. Bước chân giáo hóa của Ngài không biên giới, tìm đến với hết thảy mọi người và mọi loài; đi đến đâu Ngài đều kêu gọi mọi người chung sống hòa bình và mở rộng tâm từ bi.

Đức Phật biểu lộ và thể hiện tâm từ bi vô lượng khi Ngài đến với thế giới này. Cuộc đời Ngài là tấm gương lớn về tâm hạnh từ bi. Hầu hết các tài liệu được truyền lại đến nay đều cho thấy ở độ tuổi niên thiếu Ngài đã biểu lộ tấm lòng đầy nhân ái và trắc ẩn đối với khổ đau hiện diện trong cuộc đời.

Có thể nói rằng toàn bộ lời dạy của Đức Phật cho nhân thế chỉ nhắm vào một mục tiêu duy nhất: Vận dụng tình thương để hóa giải mọi khổ đau trên cuộc đời. Có hai cách khuyến giáo của Đức Phật được lưu lại trong các kinh văn Pàli cổ xưa cho thấy từ đầu chí cuối đạo giáo của Ngài là dòng chảy xuyên suốt của tâm từ bi, thể hiện qua hạnh nguyện bố thí (dāna) của người Phật tử.

Thứ nhất là hình thức khai đạo của Thế Tôn dành cho những người đầu tiên muốn thực hành theo pháp giải thoát của Ngài: “Rồi Thế Tôn thứ lớp thuyết pháp cho Bà-la-môn Brahmayu, thuyết về bố thí, thuyết về trì giới, thuyết về các cõi Trời, trình bày sự nguy hiểm, sự hạ liệt, sự nhiễm ô của dục lạc và sự lợi ích của xuất ly. Khi Thế Tôn biết tâm của Bà-la-môn Brahmayu đã sẵn sàng, đã nhu thuận, không còn chướng ngại, được phấn khởi, được tín thành, liền thuyết pháp mà chư Phật đã đề cao, tức là Khổ, Tập, Diệt, Đạo”15.

Hình thức thứ hai là lời khuyên của Ngài dành cho những vị đã chứng đạo và đắc đạo: “Này các Tỷ-kheo, Ta đã được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, các Thầy cũng được giải thoát khỏi tất cả bẫy sập ở Thiên giới và Nhân giới. Này các Tỷ-kheo, hãy du hành vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Chớ có đi hai người một chỗ. Này các Tỷ-kheo, hãy thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, có nghĩa, có văn. Hãy tuyên thuyết Phạm hạnh hoàn toàn viên mãn thanh tịnh”16.

Hai tụng văn trên nói rõ phương pháp và mục đích của đạo Phật không gì khác là thực thi và thể hiện tâm từ bi. Tụng văn thứ nhất nêu rõ bố thí như là bước đi căn bản để vào đạo giải thoát; trong khi tụng văn thứ hai nhấn mạnh bố thí là mục tiêu rốt ráo của đạo giác ngộ. Bố thí (dāna) có nghĩa là ban cho, chia sẻ, hỗ trợ tha nhân, giúp cho người khác thoát khổ, gồm hai hình thức: tài thí (āmisadāna) và Pháp thí (Dhammadāna). Căn bản và động lực của bố thí là hiểu biết và thương yêu, tức là thể hiện tâm từ bi đối với khổ đau của tha nhân.

Tài thí (āmisadāna) là mở tâm bố thí, giúp đỡ cho người khác các điều kiện mưu sinh, khiến cho người khác thoát ly cảnh nghèo khổ. Pháp thí (Dhammadāna) là giúp cho người khác hiểu ra đạo lý giải thoát để ra khỏi mê lầm khổ đau. Người mới học đạo thì mở tâm bố thí tài vật nhằm hạn chế lòng tham và nuôi lớn tâm từ bi. Người đã đắc đạo thì thực hành bố thí Pháp nhằm mang lại hạnh phúc và an lạc cho mọi loài. Như vậy, từ bi đóng vai trò hết sức quan trọng trong đạo Phật. Nó là năng lực tích cực để chuyển hóa bản thân và chuyển hóa tha nhân, giúp cho cuộc đời vơi khổ và thoát khổ.

Cứ theo lời Phật dạy thì tùy theo công hạnh tu tập của người Phật tử mà tâm từ bi được thể hiện ở các mức độ khác nhau. Người mới học đạo thì thực thi hạnh từ bi bằng cách mở rộng tâm bố thí cúng dường, tuân giữ các cấm giới, nỗ lực làm các thiện hạnh, hạn chế và nhiếp phục lòng tham dục. Còn người đã đắc đạo giải thoát thì thể hiện tâm từ bi bằng chính nếp sống giác ngộ của mình, nỗ lực thuyết pháp để hóa độ chúng sinh. Mục đích của một nếp sống tu học như vậy là nhằm hoàn thiện bản thân và mang lợi lạc cho tha nhân.

Bố thí là hành vi cứu giúp, hiểu mình thương người; giữ giới là nếp sống không làm ác, vô hại (không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu), tôn trọng sự sống và hạnh phúc của người khác như của chính mình; làm các thiện hạnh là lẽ sống hướng thiện, nỗ lực kiến tạo an lạc cho mình và an lạc cho người khác; nhiếp phục tham dục là hành động sáng suốt, cắt đứt mọi hành vi sai lầm gây tổn hại cho tự thân và tha nhân.

Xem thế thì nếp sống tu đạo và hành đạo giải thoát của người Phật tử là lẽ sống cao quý, xứng đáng để cho mọi người học tập và theo đuổi trong cuộc đời; bởi đó là dòng chảy của tâm từ bi, dâng trào đến đâu thì ở đó có hạnh phúc an lạc, vắng bóng mọi phiền muộn khổ đau, được mệnh danh là vô úy thí (abhayadāna), nghĩa là ban cho niềm tin yêu bình an, xua tan mọi lo lắng sợ hãi. Đức Phật khuyên dạy các học trò mình thể hiện tâm từ bi như thế này:

“Như tấm lòng người mẹ,

Đối với con của mình,

Trọn đời lo che chở,

Con độc nhất mình sanh.

Cũng vậy, đối tất cả,

Các hữu tình chúng sanh,

Hãy tu tập tâm ý,

Không hạn lượng (rộng lớn).

Hãy tu tập từ tâm,

Trong tất cả thế giới,

Hãy tu tập tâm ý,

Không hạn lượng (rộng lớn).

Phía trên và phía dưới,

Cũng vậy, cả bề ngang,

Không hạn chế, trói buộc,

Không hận, không thù địch.

Khi đứng, hay khi đi,

Khi ngồi, hay khi nằm,

Lâu cho đến khi nào,

Khi đang còn tỉnh thức,

Hay an trú niệm này,

Nếp sống này như vậy,

Được đời đề cập đến,

Là nếp sống tối thượng”17.

Đáng chú ý rằng tâm từ bi có sức mạnh chuyển hóa rất lớn đối với đời sống hạnh phúc hướng thiện của nhân loại, bởi cội nguồn của từ bi là trí tuệ, tức cái tâm thấy rõ khổ đau của tự thân và tha thân, đồng thời biết cách hóa giải khổ đau của tự thân và tha nhân. Nó như tình thương của người mẹ, có công năng nuôi lớn những đứa con khỏe mạnh và hiền thiện.

Người Phật tử hiểu rõ căn nguyên khổ đau của chính mình và khổ đau của người khác nên phát khởi tâm từ bi, thể hiện qua công hạnh bố thí, giữ giới, hành trì thiện nghiệp, nhiếp phục lòng tham, nỗ lực hành sâu lời Phật dạy để giải thoát khổ đau tự thân và phụng sự hạnh phúc tha nhân.

Đây chính là lẽ sống và sức sống muôn thuở của Phật giáo, được xây dựng trên Thánh hạnh Từ bi của Đức Phật, được soi sáng bởi giáo lý từ bi của Ngài, và được củng cố bởi niềm tin yêu của nhiều thế hệ Tăng Ni và Phật tử trong sứ mạng thực hành lý tưởng tự độ và độ tha. Sức sống ấy không chỉ đem đến hạnh phúc bình an cho nhiều người mà còn mang lại niềm tin yêu hướng thiện cho nhiều dân tộc trên hành tinh.

Người Phật tử Việt Nam rất kính tín công hạnh Từ bi của Bồ-tát Avalokitesvara, thuộc nằm lòng câu thần chú: “Thiên thủ, thiên nhãn, vô ngại đại bi tâm, đà-la-ni” để tự nhắc nhở mình nỗ lực tu tâm, hân hoan làm các thiện sự, giúp cho cuộc đời vơi khổ và thoát khổ, hẳn là đang thực hành tâm nguyện từ bi, tiếp nối truyền thống từ bi cao quý mà chư Phật và chư vị Bồ-tát đã cố công xây dựng và luôn luôn mong mỏi mỗi người con Phật chúng ta ra sức hành trì và phát huy.

-------------------------------------

1 Xem G.C. Pande, Origins of Buddhism, tr.393.

2 S. Radhakrishnan, The Dhammapada, tr.12-13.

3 Nguyễn Hiến Lê, Lịch sử Văn minh Ấn Độ, tr.78.

4 Thuật ngữ Bồ-tát (Boddhisatta) ở đây chỉ cho đời sống của Đức Phật trước khi Ngài giác ngộ.

5 Kinh Ngủ gục, Tăng chi bộ.

6 Davids J & Indrani Kalupahana, The Way of Siddhartha – A Life of the Buddha, tr.21.

7 Kinh Jìvaka, Trung bộ.

8 Như trên.

9 Kinh Mallikà, Tương ưng bộ.

10 Kinh Pháp cú, kệ số 129-131.

11 Kinh Thừa tự pháp, Tiểu kinh Rừng sừng bò, Trung bộ.

12 Đại kinh Sư tử hống, Trung bộ.

13 M.M. Williams, Buddhism, tr.41.

14 Thích Giới Nghiêm, Kinh Mi Tiên vấn đáp, tr.881-883.

15 Kinh Phạm-ma, Trung bộ.

16 Kinh Sập bay, Tương ưng bộ.

17 Kinh Từ, bi, Kinh Tập, Tiểu bộ.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.