Tháng Bảy - Mùa chay

GN - Tháng Bảy, mùa Vu lan - Báo hiếu cũng là mùa mọi người hướng đến những điều thiêng liêng nhất dành cho người thân. Ăn chay trong những ngày này là để tịnh tâm và cầu nguyện bình an cho cha mẹ…

Ăn chay cầu an lành

Những ngày tháng Bảy, dù bận rộn công việc đến mấy, Phật tử cũng trở về chùa lễ Phật, thắp hương lên bàn thờ nhà Tổ, nơi gởi di ảnh của ông bà, cha mẹ để thể hiện lòng thương tưởng. Tại các ngôi chùa, mùa Vu lan - Báo hiếu cũng là mùa Phật tử đến chùa đông nhất trong năm để dâng hương lên Đức Phật, hướng lòng đến hương linh cửu huyền thất tổ, cầu nguyện bình an cho cha mẹ hiện tiền.

chay (1).jpg
Mùa Vu lan dùng buffet chay tại Nhà hàng - Ảnh: H.D

Những ngôi chùa lớn ở TP.HCM như: Vĩnh Nghiêm, Phật Học Xá Lợi (Q.3), Phổ Quang, Viên Giác (Q.Tân Bình), Việt Nam Quốc Tự (Q.10), Vạn Hạnh (Q.Phú Nhuận), Tuyền Lâm (Q.6)…  người đến chùa viếng, dâng hương đông đúc. Mỗi nén hương dâng lên chư Phật, Bồ-tát, cửu huyền thất tổ là gởi gắm một lời nguyện cầu giải thoát, bình an cho cha mẹ hiện tiền. Vì thế, trong mùa này, đối với Phật tử rất nhiều thiêng liêng, ý nghĩa.

Sáng 13 tháng Bảy, chị Hạnh, nhà ở Hóc Môn tranh thủ chở mẹ đến chùa Phật Học Xá Lợi từ rất sớm để tránh nắng và sự oi bức lúc đông người. Chị cho biết, những năm gần đây, chân mẹ chị yếu nên mẹ cũng ít có dịp tự đi một mình. Mùa Vu lan nào chị cũng chở mẹ đi chùa thắp hương dâng Phật, cầu nguyện cho mẹ được nhiều sức khỏe sống lâu với con cháu. Sau đó, hai mẹ con đi ngoạn cảnh ở chùa. Năm nay, chùa Phật Học Xá Lợi có triển lãm tranh kiếng Nam Bộ nên mẹ chị rất vui vì được nhìn ngắm những bức tranh thờ mà mẹ thích.

“Xã hội ngày nay đối diện với nhiều nỗi lo toan, tất bật, ra đường là bắt nhịp với sự hối hả nên chúng tôi tâm niệm dành tháng Bảy đặc biệt hơn ngày thường để chăm sóc cho cha mẹ. Thông thường vào mùa Vu lan, chúng tôi thường ăn chay suốt tháng và dành nhiều thời gian ở nhà nấu ăn cùng với cha mẹ, để cha mẹ vui. Cũng có khi, cả nhà rủ nhau vào nhà hàng để thưởng thức món chay và đi chùa lễ Phật...” Chị Hạnh, chị Hân (Q.11) tâm sự.

Phật tử Nguyên Hạnh thì cho biết, mùa Vu lan chị thường dắt mạ (mẹ) đi chùa Vạn Hạnh (Q.Phú Nhuận), trước thì lễ Phật, sau thì phóng sinh cầu an cho cả nhà. Mỗi mùa Vu lan, chị và mạ đi cũng được ba chùa. Mạ chị rất vui vì được đi đây, đi đó, được tham gia lễ Vu lan, được cài hoa hồng để hướng tâm về ôn, mệ (ông, bà). Dù cuộc sống quá bận rộn, chị Nguyên Hạnh tâm niệm, không riêng gì mùa Vu lan mà mỗi ngày phải ăn chay đều hướng tâm đến sự thanh tịnh và dành thời gian cho mạ thật nhiều.

Ăn chay - hướng về cha mẹ

Những năm gần đây, Đại lễ Vu lan - Báo hiếu, truyền thống tốt đẹp của Phật giáo đã ngày càng lan tỏa trong cộng đồng, không chỉ Phật tử thường ăn chay trong dịp này mà tất cả mọi người cũng thực hiện phóng sanh, làm từ thiện như chăm sóc người già neo đơn, trẻ mồ côi để hồi hướng công đức cho cha mẹ. Mùa này, nhiều ngôi chùa cũng thực hiện lễ dâng pháp y cho chư Tăng, cài hoa hồng tri ân cha mẹ cho Phật tử, tổ chức phóng sinh chim, cá hồi hướng công đức cho ông bà, cha mẹ…  người  viếng chùa có dịp hiểu biết thêm truyền thống, sinh hoạt ở chùa và có điều kiện chính thức tham gia cầu nguyện.

chay (2).jpg
Các bạn trẻ dùng cơm chay tại sân chùa Diệu Pháp, Q.Bình Thạnh
- Ảnh: H.D

Các ngày tháng Bảy, sau những buổi lễ hành chánh, hầu như chùa nào cũng đãi cơm chay cho Phật tử và người viếng chùa. Có chùa đãi cơm chay suốt cả một tuần, những ngày chay trong năm như chùa Vạn Thiện đãi cơm chay miễn phí từ 10g đến 12g trưa vào các ngày mồng 1, 14, 15, 30 ÂL hàng tháng tại hẻm 136/12 Trần Phú, P.4, Q.5, TP.HCM. Quang cảnh đãi cơm ở chùa vào tháng Bảy, hầu như lúc nào cũng đông đúc, nhiều món chay ngon, lạ được Phật tử ở chùa tự tay thực hiện. Mỗi chùa lớn ở TP.HCM ít nhất cũng 500 lượt người đến dùng cơm chay mỗi ngày. Người đến dùng cơm chay đủ mọi thành phần, nhiều lứa tuổi cùng ăn, chuyện trò trong không khí hoan hỷ. Ni trưởng TN.Tịnh Nguyện cho biết, năm nay, Ni trưởng cũng đãi trên 3.000 phần cơm chay cho người cơ nhỡ, xe ôm, vé số…  từ ngày 1 đến 10 ÂL bằng cách cho vào hộp “để các cô chú ấy tự mang về, đi làm tiện lúc nào thì ăn lúc đó”.

Mùa Vu lan - Báo hiếu cũng được xem là mùa chay, nắm bắt nhu cầu dùng cơm chay trong mùa này, nhiều nhà hàng sang trọng, quán chay cũng tập trung nhân lực thiết kế không gian riêng theo từng chủ đề phù hợp ý nghĩa Vu lan, hướng về các đấng sinh thành. Mỗi mùa Vu lan, hàng trăm món chay ngon cho tiệc buffet chay ở mỗi nhà hàng thu hút hàng ngàn lượt thực khách.

Chị Lê Kiên, nhà ở quận 2 cho biết: “Dù dùng buffet chay ở các nhà hàng có đắt một chút nhưng mỗi năm mới cùng cha mẹ đến nhà hàng vài lần, thưởng thức ẩm thực chay trong không gian an tịnh cũng thấy đáng “đồng tiền, bát gạo”, chủ yếu là dùng chay để được ngồi bên nhau là chính”.

Mùa này cũng là mùa các siêu thị, cửa hàng chay, chợ, thực phẩm chay đắt khách nhất. Từ rau củ, nấm cho đến đồ thực phẩm khô, đồ hộp chay chế biến sẵn bán ra ồ ạt. Đông đúc nhất vẫn là những quán cơm chay bình dân, họ đến đây dùng chay để thanh tịnh thân tâm, nhiều hình ảnh xúc động khi con dắt bố, mẹ đi ăn chay cũng thường bắt gặp ở những quán bình dân này. Trong ý nghĩa đó, mùa này, thực khách có nơi tăng vọt gấp 5 lần so với bình thường. Nhiều nơi, thực khách đến đông, quán trở nên quá tải vì mặt bằng hạn chế. Các quán cơm bình dân có số lượng khách đột biến là do các món chay ở đây ngon mà giá cả rất rẻ, phù hợp với túi tiền của người lao động, sinh viên, học sinh, người nghèo.

H.Diệu

Quán cơm chay miễn phí

Từ năm 2007, bác Lê Công Thượng, 75 tuổi hay còn gọi là bác Sáu và một người bạn nhỏ tuổi cám cảnh người nghèo, cơ nhỡ, lang thang, đói rách nên mở một Quán cơm chay miễn phí Thiện Tâm vào lúc 10g đến 12g trưa các ngày 3,5,7 trong tuần tại đầu cầu Lê Văn Sỹ (quẹo vô chùa Miên), số 164/235 Trần Quốc Toản, P.7, Q.3, TP.HCM.

Box bac Sau Thuong.jpg
Bác Sáu tại quán chay miễn phí Thiện Tam

Từ ngày mở quán cơm chay miễn phí, học sinh, sinh viên nghèo, người lao động, cơ nhỡ, lang thang đến dùng buổi trưa mỗi ngày đông thêm. Tết năm 2012, bác Sáu mang quà, tiền mặt đến từng xó đường, gầm cầu… hẻo lánh ở các quận, huyện xa thành phố để tặng cho người vô gia cư, lang thang và bắt gặp “người quen” thường đến dùng cơm ở quán. Họ còn có người thân cần được hỗ trợ, vậy là bác Sáu nảy ra ý định tặng luôn suất cơm mang về cho người thân hay để họ đỡ tốn tiền thêm một phần cơm chiều. Và, bắt đầu từ năm 2012, ai đến ăn cơm chay cũng được mang cơm về cho con, cho vợ … đang ở nhà (nhiều nhất là 2 phần/người).

Mùa Vu lan năm nay, mỗi ngày quán chay miễn phí của bác Sáu nấu khoảng 1 tạ gạo, tương đương khoảng 500 suất cơm. Bác Sáu làm từ thiện âm thầm, lặng lẽ như vậy. Bác cho biết, cũng nhờ nhiều người đến “dùng cơm chay thử” rồi quay lại ủng hộ, lúc thì vài trăm ngàn, lúc thì một bao gạo, bao nhiêu bác cũng hoan hỷ nhận nên nhờ vậy mà duy trì quán cho đến ngày nay. 3 ngày trong tuần, ở một góc kênh Nhiêu Lộc, hình ảnh hàng dọc dài người đến dùng cơm chay trở nên rất đẹp. Nó lại càng đẹp hơn trong mùa Vu lan hiếu hạnh này.

S.Nghệ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.