Chùa Bái Đính (Ninh Bình) - ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á - dù chưa hoàn thành nhưng mỗi ngày vẫn có vài mảnh đời nương náu, ngửa mũ xin chút tình thương thiên hạ. Mỗi người mỗi số phận nhưng họ đều chung nhau ở cái nghèo.
Hơn 10 năm trước, họa vô đơn chí bỗng đâu đổ ập xuống gia đình ông Đào Duy Bộ (xã Gia Trung, Gia Viễn, Ninh Bình). Ông bị cưa mất một chân khi căn bếp nhà bị cháy, đổ ập xuống. Kể từ đó, mỗi khi trái gió, trở trời, cơn đau lại hành hạ người đàn ông mới ngoại ngũ tuần mà gương mặt khắc khổ đã bắt đầu nhuốm bạc. Sức khỏe suy kiệt, không làm được gì, tất cả gánh nặng gia đình trút sang đôi vai người vợ.
Nhà có gần mẫu ruộng nhưng vợ ông quần quật cả năm cũng chẳng đủ cho năm miệng ăn và nuôi ba đứa con đi học. Từ khi hai đứa lớn vào đại học, cuộc sống của gia đình ông lại càng thêm trầy trật. Cái nghèo cứ đeo bám mãi chẳng chịu rời. Đấu tranh tư tưởng nhiều, vì thương vợ, thương con, ông quyết đi… ăn mày.
Từ sáng sớm đến chiều muộn, ông Bộ lết cái chân còn lại nhưng cũng bị khuyết mất ngón cái trên những bậc thềm nơi cổng chùa Bái Đính, nhặt nhạnh những đồng lẻ của khách Phật rủ lòng thương. Những đồng tiền lẻ nhăn nhúm được ông cóp nhặt, xếp lại cẩn thận mang về giúp vợ, nuôi con.
Ông bảo: “Cũng chẳng mong chúng nó đền đáp sau này, thấy chúng thành đạt thì dù ăn mày cũng không phải hổ thẹn với hàng xóm láng giềng mà công sức vất vả mình chịu đựng cũng không uổng”.
Ông Bộ tự hào lắm bởi dù có khổ cực mấy nhưng ông cũng mãn nguyện với làng nước khi con cái ông được học hành tử tế. Các con ông vì thế cũng ra sức học hành. Chúng đều tự hào về cha chúng. Ông chia sẻ: Thằng lớn vừa mới tốt nghiệp ra trường, đã xin được việc làm nhưng cũng chỉ mới đủ trang trải cho cuộc sống đắt đỏ ở Hà Nội. Thằng thứ hai học tận TP HCM nhưng cũng đi gia sư để kiếm thêm. Thằng út năm nay xin bố cho đi học nấu ăn nhưng ông đang lo bởi học ngành này tốn kém mà vợ chồng ông thì cũng già rồi.
Cùng cảnh khổ như ông Bộ, song bà Nguyễn Thị Mỳ (ở Hà Tĩnh) còn vất vả hơn bởi cảnh tha hương. Ba năm nay, bà lặn lội khắp các tỉnh của đất Bắc, tìm đến những cửa chùa để xin ăn và gửi chút tiền mọn về quê giúp những đứa con nghèo.
Dáng người nhỏ bé, khắp da thịt bà nổi những nốt hạch to những ngón tay cái mà bà bảo phát ra trong máu từ lúc bẩm sinh. Ngồi nép ở góc hành lang điện Pháp Chủ, khép nép và tội nghiệp, bà cất lên những tiếng xin bố thí khe khẽ như ngại ngùng. Nếu bất động, có lẽ người ta lầm tưởng rằng bà là một trong số 500 vị La hán đặt dọc dãy hành lang dẫn lên cửa thiền bởi gương mặt ấy cũng khắc khổ, nhuốm đầy những sóng gió cuộc đời.
Mấy năm tha phương nơi quê người, cái giọng miền Trung đã bạc dần tưởng như không còn có thể nhận ra, bà Mỳ chia sẻ: "Nhớ quê lắm nhưng vì nghèo mà phải ra đi!". Nghe tin miền Trung vừa qua cơn lũ, bà càng nóng lòng muốn được trở về nhưng mỗi lần đi về cũng tốn kém nhiều, lại thôi.
Gần đấy, một tiếng đàn nhị réo rắt và thê lương như kể than về cuộc đời, níu chân lữ khách đi qua hành lang La hán dẫn lên chùa Bái Đính.
Khách vãn cảnh chùa đã vắng, ông Đinh Tiến, chủ nhân của cây nhị, vẫn còn nán lại, kéo thêm mấy tiếng đàn lạc lõng và mệt mỏi vào cuối chiều. Ông sinh ra đã mù, nhưng may mắn vẫn lấy được vợ và có tới bốn mặt con.
Đông con, vợ bị điếc, lại đau yếu luôn, cuộc đời như trêu đùa ông khi đứa con gái đang học lớp 12 thì phát bệnh máu trắng. Chạy chữa ba bốn năm, khánh kiệt và nợ nần. Với gia đình ông ở Gia Sinh (Gia Viễn, Ninh Bình), lo đủ ăn đã vất vả lắm, nay lại phải khoác lên vai thêm một khoản nợ không biết đến bao giờ trả được. Nó kéo ghì ông xuống trong mỏi mệt ở tuổi xế chiều.
Đói thì đầu gối phải bò, ông sắm cây nhị, lần mò ra chùa Bái Đính kéo đàn, nhặt nhạnh chút tình người của Phật tử, cố gắng để trả số tiền chạy chữa cho con. Giọng ông khao khát: “Chỉ mong trả hết nợ rồi về nghỉ ngơi!”. Mong ước giản dị nhưng đối với ông sao khó quá.
Cũng bởi cái nghèo mà hơn 60 tuổi, dù bị cụt một tay nhưng hàng ngày, bà Nguyễn Thị Thu vẫn phải nhờ xe đi hơn 10 cây số, từ xã Trường Yên (Hoa Lư, Ninh Bình) ra chùa Bái Đính xin ăn.
Giọng bà chậm rãi, kéo dài những câu chuyện buồn của cuộc đời. Bà có con cái cả đấy nhưng chúng đều nghèo. Nghĩ mình tật nguyền, thương con, bà đi ăn xin để bớt cho chúng phần gánh nặng. Bà bảo, nương tựa của chùa cũng để cho thanh thản những ngày cuối đời.