(GNO): Đã từ lâu bảo tháp xá lợi “độc nhất vô nhị” luôn luôn tỏa sáng với vô số sắc màu lung linh và huyền ảo tại ngôi chùa cổ trên mảnh đất Ứng Hòa - Hà Nội được truyền tụng ngày càng lan xa. Theo sự chỉ dẫn của người dân trong vùng, chúng tôi tìm về chùa Viên Đình, xã Đông Lỗ,- huyện Ứng Hòa, Hà Nội để được “mục kích sở thị” những “báu vật Phật giáo” đã truyền tụng bấy lâu nay.
Xá lợi Phật nhiều vô kể được cung rước từ 7 quốc gia trên thế giới
Như có một duyên cơ khi tìm đến chùa Viên Đình, chúng tôi đã được gặp Đại đức Thích Chơn Phương - Trụ trì chùa và được nghe Đại đức chia sẻ về những tháp “báu vật Phật giáo” trong chùa Viên Đình đã làm chúng tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.
Tại gian Chính điện, lần đầu tiên chúng tôi được chiêm bái thỏa thuê cả một tòa Xá lợi Phật với hơn 30 tháp Xá lợi từ 8 quốc gia Phật giáo lớn trên thế giới cúng dường. Ngay sau khi tận mặt chiêm bái hàng chục bảo tháp xá lợi phật, không ai trong chúng tôi có thể nghĩ rằng mình đang đứng trong một ngôi chùa có Xá lợi Phật trù phú nhiều bậc nhất nước Việt Nam.
Tọa lạc trên khuôn viên 3ha, chùa Viên Đình có từ đầu thời Lý, được đích thân vua Lý chỉ định xây dựng sau khi ngắm nhìn địa thế núi sông. Tuy nhiên do sau này nhiều năm chùa không có trụ trì.
Người dân địa phương dù hết lòng trông coi nhưng ngôi chùa vẫn ngày càng xuống cấp. Năm 2002, Đại đức Thích Chơn Phương chính thức về trụ trì chùa Viên Đình, bắt đầu công cuộc trùng tu, gìn giữ những “báu vật” còn lại từ xa xưa để có một ngôi chùa như ngày nay.
Với nhiệt huyết của một vị tu sĩ trẻ, Đại đức Thích Chơn Phương đã đi đến hàng chục quốc gia lớn nhỏ, trải qua hàng chục trung tâm Phật giáo trên thế giới như: Ấn Độ, Nê Pan, Srylanka, Myanmar, Thái Lan, Mỹ, Australia, Đài Loan…để giao lưu văn hóa, trao đổi Phật pháp và quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và Phật giáo Việt Nam.
Nhờ sự nỗ lực không ngừng ấy mà nhiều trung tâm Phật giáo lớn trên thế giới đã biết đến văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, bắt đầu từ lần hành hương thăm đất Phật Ấn Độ lần đầu tiên, năm 2003, Đại đức Thích Chơn Phương đã có duyên Phật gặp gỡ với Hòa thượng Thích Huyền Diệu - Trụ trì Việt Nam Phật quốc tự tại Ấn Độ.
Sau những trao đổi Phật giáo hết sức tâm đắc cùng với việc hiểu rõ nguồn cội thiêng liêng của chùa Viên Đình, Hòa thượng Thích Huyền Diệu đã quyết định cung tiến Xá lợi Phật về chùa và về Việt Nam thăm chùa Viên Đình. Trong lần viếng thăm này, Hòa thượng đã tặng một cây Bồ đề từ Ấn Độ về trồng tại khuôn viên nhà chùa.
Bắt đầu từ đó, trên con đường đi giao lưu văn hóa và Phật giáo với các nước bạn, nhiều nước đã rất thích thú và ngưỡng mộ văn hóa Việt Nam, đặc biệt là văn hóa Phật giáo, xin cúng dường Xá lợi Phật về chùa như: Ấn Độ, Nepal, Srylanka, Myanma, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan. Cho đến thời điểm hiện tại, chùa Viên Đình đã có hơn 30 tháp Xá lợi Phật do 7 trung tâm Phật giáo trên thế giới 8 lần cúng dường.
Đại đức Thích Chơn Phương kể rằng: “Trên mỗi đất nước tôi đặt chân đến, đâu đâu cũng yêu quý người Việt Nam và ngưỡng mộ văn hóa Việt Nam. Tôi nhớ nhất là Đức tăng thống Myanmar và công chúa Hoàng gia Thái Lan trong những lần cúng dường Xá lợi Phật vào chùa Viên Đình đã đích thân tới thăm chùa, viếng Phật để tìm hiểu và văn hóa nước Việt”.
Xá lợi Phật tại chùa Viên Đình với đủ các màu sắc và kích cỡ khác nhau là báu vật vô giá của Phật giáo Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Trong mỗi một tháp xá lợi Phật có rất nhiều viên nhỏ. Mỗi viên xá lợi Phật khi nhìn ở mỗi một góc cạnh khác nhau lại phát ra một loại màu sắc khác nhau.
Chính vì thế, khi đặt chân vào tháp Xá lợi Phật tại chùa Viên Đình, chúng tôi bị choáng váng bởi vẻ dẹp lung linh, huyền ảo mà tất cả xá lợi hòa quyện với nhau.
Không những thỉnh Xá lợi Phật về chùa Viên Đình, đại đức còn cung thỉnh Xá lợi về chùa Câu Tử (Hà Nam) và một vài chùa khác để đem lại phước điền từ Xá lợi Phật cho cả những vùng đất khác. Đại đức nói rằng: “Nơi nào có Xá lợi Phật ngự nơi ấy sẽ mưa thuận gió hòa, nhân dân ấm no. Phước điền của Phật sẽ tỏa ra muôn nơi diệt trừ cái ác, gieo mầm cái thiện”.
Tháp chuông nghìn tuổi và đôi cây duối khổng lồ
Hướng dẫn chúng tôi đi thăm chùa, Đại đức Thích Chơn Phương đã cho chúng tôi chiêm bái 7 pho tượng đất lớn với những nét hoa văn cực kỳ độc đáo, tinh xảo và kỳ lạ. Theo như những bô lão trong làng truyền tụng lại thì 7 pho tượng đất này còn nguyên sơ từ ngày dựng chùa và liệt vào danh sách một trong những pho tượng cổ xưa nhất Việt Nam.
Dừng lại dưới chân một tháp chuông lớn, đầy rêu mốc phủ kín cột chân tháp đã ngả màu đen bóng mà cả người ôm không hết, Đại đức chỉ lên quả chuông đồng khổng lồ trên đỉnh tháp. Phải ngửa mặt mới nhìn thấy quả chuông khổng lồ, đầy những hoa văn, họa tiết và những dòng chữ cổ xưa. Quả chuông ở trên lưng chừng tháp đến độ muốn gióng chuông phải bắc thang để lên .
Đại đức cho biết ngôi chùa Viên Đình có từ thời Lý và quả chuông lớn ấy là một trong hai “linh vật” nghìn tuổi còn lại trong chùa. Chỉ tháp chuông đã ngàn tuổi, Đại đức nó: “Cả nghìn năm trôi qua, quả chuông thì còn chịu đựng được chứ tháp chuông làm bằng lim đại thụ cũng xuống cấp lắm rồi nếu như không bảo tồn chỉ nay mai sẽ sập mất thôi”. Chúng tôi đi vòng sang mảnh vườn bên, Đại đức dừng dưới hai cây đại thụ mấy người ôm mới hết, nhìn lên hàng chục mét mới thấy hết tán cây.
Giật mình, chúng tôi nhận ra hai cây duối, thứ cây mà dù có hàng trăm tuổi cũng chỉ là loại cây mộc, có kích cỡ trung bình. Thấy chúng tôi ngạc nhiên,đại đức mỉm cười: “Hai cây duối thần này có từ bao giờ không ai biết. Chỉ có trong dân gian truyền lại rằng vào đầu thời nhà Lý, để phát triển đạo Phật và trấn trạch những vùng đất hoang sơ, nhà vua đã cho xây chùa. Đến vùng đất Đông Lỗ này, nhà vua thấy có hai cây duối không lồ đứng cạnh nhau thật kỳ lạ, cho rằng đây là vùng đất thiêng bèn hạ kiệu xây chùa và sắc phong “Thần mộc hộ quốc” cho cặp duối khổng lồ”.
Hai cây duối nằm cạnh nhau, ngay sát cổng chùa. Tán cây che rợp cả một vùng. Dù đã hàng ngàn tuổi, lá cây lúc nào cũng xanh tốt. Lớp vỏ cây xù xù vô cùng kỳ lạ. Điều đặc biệt là nhìn thoáng qua, hai cây duối như thể một đôi uyên ương đang đứng vươn lên cao ngóng chờ điều gì đó. Đại đức kể rằng: “Vào độ tháng 5, tháng 6, hai cây duối nở hoa vàng rực, mùi thơm lan khắp một vùng. Ong bướm khắp nơi kéo về ngày đêm. Những ngày ấy, nhiều du khách, phật tử khắp nơi rủ nhau về chiêm bái tấp nập”.
Rời chùa Viên Đình, chúng tôi cảm thấy lòng mình như tịnh tâm hơn. Những “linh vật” nghìn năm, những “báu vật” Xá lợi Phật trên mảnh đất thiêng này chính là hồn cốt của văn hóa Việt chúng ta mà các thế hệ người Việt sẽ phải chung tay gìn giữ cho con cháu muôn đời sau.