Thăm cố đô Luang Prabang

Bất chấp những khó khăn như không đường ray xe lửa, hàng không xập xệ, thành phố Luang Prabang (Lào) vẫn có sức mời gọi du khách từ khắp nơi trên thế giới.

Vườn địa đàng của Đông Nam Á

Những câu chuyện tôi được nghe về Luang Prabang từ những khách du lịch ở Bangkok và Vientiane là một thành phố được xem như Vườn địa đàng cuối cùng của Đông Nam Á. Vì vậy, cái khoảng thời gian 2 tuần ở Thái là 2 tuần tôi ngày mong đêm ước ngày được diện kiến với một một phần của châu Á cũ - châu Á của không những đêm ác mộng đèn neon; nơi sự khác biệt giữa quá khứ và hiện tại trở nên mơ hồ; nơi chỉ có cổng vòm màu vàng của thánh đường tôn nghiêm thay vì các món ăn fastfood.

Với những ngôi chùa cổ, Luang Prabang được mệnh danh là Vườn địa đàng của Đông Nam Á.
Với những ngôi chùa cổ, Luang Prabang được mệnh danh là Vườn địa đàng của Đông Nam Á.

Để tới Luang Prabang từ Vientiane, cách đó 215 dặm về phía Bắc, tôi đã có ba lựa chọn. Cách thứ nhất đi ngược dòng sông Mekong bằng thuyền chở hàng - một chuyến đi kéo dài 5-6 ngày nếu không có gì xảy ra (ở Lào vẫn còn nhiều băng cướp thích chặn những con thuyền chở khách ngoại quốc). Cách thứ 2 phiêu lưu hơn: đi bằng đường bộ, vượt qua những ngọn núi trên con đường khét tiếng 13. Hầu như mọi người tôi gặp đều cảnh báo, không nên chọn con đường này vì nó rất nguy hiểm và khó khăn. Cách thứ 3 là bay trên chiếc máy bay cỗ lỗ sĩ 17 chỗ của Nga, hay Trung Quốc được điều hành bởi một trong những hãng hàng không được xem là nguy hiểm nhất thế giới - hàng không Lào.

Sau khi cân nhắc, tôi đã chọn đi máy bay. 45 phút trên không tôi có thể ngắm Lào từ trên cao - những ngọn núi, cao nguyên từ trên độ cao vài trăm mét này nhìn xuống trông mướt một màu xanh ngút ngàn. Chúng tôi gần như chỉ thấy rất ít ngôi làng với những cụm khói nhỏ. Con đường dẫn tới chúng chỉ lác đác như sợi chỉ mành mà nàng tiên nào đó đánh rơi. Ngôi nhà họ ở nâu đen một màu tranh phủ với các bức tường nâu bóng màu gỗ tếch, hay vàng ruộm một màu tre già. Toàn bộ khung cảnh đó khiến tôi hình dung ra khó khăn mà người dân nơi đây đã trải qua vào những năm 1970.

Hàng thế kỷ, thuyết duy linh và Đạo Phật truyền thống đã mài giũa cho quốc gia này đức tính của sự chịu đựng, khoan dung và trắc ẩn. (Người nước ngoài hay nhắc đến những cái nhún vai thể hiện thái độ baw pen nyang của người dân Luang Prabang, nghĩa là: Không sao đâu, đừng ngại, không thành vấn đề).

Thành phố của những đạo Phật

Luang Prabang xuất hiện lung linh huyền ảo, giống như cô gái khép mình e lệ trong một thung lũng cao bao quanh bởi các ngọn núi phủ sương trắng xóa. Những chóp vàng của của ngọn đền vươn lên từ tán rừng nhiệt đới rậm rạp, lấp lánh ánh sáng mặt trời.  

Luang Prabang - thành phố nhỏ cổ xưa nhất của Lào còn tồn tại là sự kết hợp hài hòa của màu sắc, bề mặt và các phong cách kiến trúc.
Luang Prabang - thành phố nhỏ cổ xưa nhất của Lào còn tồn tại là sự kết hợp hài hòa của màu sắc, bề mặt và các phong cách kiến trúc.

Có thể nói, Luang Prabang - thành phố nhỏ cổ xưa nhất của Lào còn tồn tại là sự kết hợp hài hòa của màu sắc, bề mặt và các phong cách kiến trúc. Đó là những ngôi đền được trang trí mạ vàng, khảm nạm, được gọi là wats với những mái hiên vươn cao theo lối kiến trúc của người Campuchia. Là những ngôi nhà bằng gỗ teak, tre, có mái lợp tranh; những cửa hàng mái cong phảng phất lối kiến trúc của Việt Nam với biểu tượng đã mờ thời gian trên ô cửa cong. Là những villa có lớp vữa trát nứt nẻ với năm tháng và tường bằng khung gỗ - di sản của người Pháp...

Quang cảnh bình lặng đó thi thoảng lại bị khuấy động bởi một chiếc tuk-tuk. Điểm nổi bật nhất ở các con phố của Luang Prabang là màu áo vàng - những cậu bé trong chiếc áo thầy tu thích dành thời gian đi lang thang từ wat này sang wat khác trong nhóm huyên náo với chiếc ô đen che đầu.

Tuy nhiên, dù thầy tu ở Luang Prabang đông hơn dân nơi đây nhưng không vì thế mà họ bị cô lập hay gợi trí tò mò, thực tế họ là nền móng của thị trấn, của Đạo Phật và lịch sử nước Lào. Những tu viện họ ở không chỉ đơn thuần mang dấu ấn lịch sử, mà còn là trung tâm văn hóa và tôn giáo sống động. Đó là nơi mỗi ngày đều có tiếng trống, tiếng chiêng; là nơi những con thuyền rồng được trang hoàng lộng lẫy dành cho cuộc đua hàng năm, nơi khoảng sân được quét mỗi ngày và góc đền luôn ngát mùi hoa huệ. Dường như thành phố này là vết tích về một quá khứ vàng son vẫn chưa thể mờ phai mờ - hình ảnh của các cuộc diễu binh hoàng gia, các nghi lễ tôn giáo sống lay lắt trong ánh sáng của ngôi đền và bóng cây.

Vẩn vơ suy nghĩ, bước chân vô định chẳng biết từ lúc nào đưa đẩy tôi tới bên bờ sông Mekong. Trái ngược với quang cảnh yên bình bên trong kia, quang cảnh ở góc này của thành phố bỗng chộn rộn tới lạ lẫm. Những ngôi nhà xây thêm các chái, bày ghế hóng gió và trải chiếu để bạn bè tụ tập. Cảm thấy vẫn chưa đủ, người Lào còn tiếp tục lấn sông với các cửa hàng siêu vẹo trên cây cọc cắm xuống lòng sông. Tất cả được kết hợp hài hòa với lưới đánh cá, giá phơi bánh đa. Những vườn trồng rau, đậu, bí phút chốc trở thành một thứ nghệ thuật sắp đặt đương đại của người nghèo.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.