Thăm chùa Bút Tháp

Nằm trên địa phận xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh (xưa kia là huyện Siêu Loại, phủ Thuận An, trấn Kinh Bắc), từ lâu chùa Bút Tháp, hay còn gọi là Ninh Phúc Tự, đã rất nổi tiếng bởi sự độc đáo về kiến trúc, lịch sử lâu đời, cũng như phong cảnh hữu tình thơ mộng. Đến với cửa Phật nơi này ta không khỏi ngạc nhiên trước cảnh núi, sông với bao huyền thoại về một xứ sở của vùng dâu Kinh Bắc.

Chùa Bút Tháp tọa lạc trong một khuôn viên rộng hơn 10.000m2, bên bờ Nam con sông Đuống hiền hòa. Từ cửa chùa nhìn ra phía nam là cánh đồng rộng rập rờn sóng lúa, vạt ngô, nương dâu bên bờ con sông Thiên Đức (Sông Dâu) uốn quanh thành Luy Lâu (một trong 38 thành cổ của thế giới), ẩn hiện giữa làng quê trù phú là những ngôi chùa thờ tứ Pháp ở Giao Châu, tạo nên một vùng cổ tích đẹp như thực, như mơ. Phía Bắc, bên kia sông Đuống chạy dài xuống phía Đông là núi Văn Chinh, núi Long Khám, núi Phật Tích, núi Đông Cứu… nối tiếp nhau như hình con rồng xanh hướng về nơi đất Phật. Tương truyền, thuở xưa đàn chim nhạn ở các núi trên thường bay về đậu trên ngọn tháp đá của chùa-cảnh thiền đất lành chim đậu, và tên chùa Nhạn Tháp cũng được hình thành là thế. Đời Tự Đức (1848-1883), ngôi chùa mới bắt đầu mang tên mới là Bút Tháp.

Tháp Báo Nghiêm chùa Bút Tháp.
Tháp Báo Nghiêm chùa Bút Tháp.

Mặc dù là một ngôi chùa cổ và rất nổi tiếng của xứ Kinh Bắc nhưng mốc chính xác của năm khởi dựng thì chưa có một tài liệu nào đề cập cũng như lưu lại. Trong cuốn L’art vietnamien “nghệ thuật Việt Nam” của L.Bezacier (Nhà nghiên cứu người Pháp, xuất bản năm 1944) cho biết: “Trạng nguyên Lý Đạo Tái, sinh năm 1254, quê làng Vạn Tư, huyện Gia Định, đỗ trạng nguyên năm 1274 - ông cáo quan về chùa Bút Tháp tu hành và mất năm 1333. Nếu theo tài liệu trên thì ngôi chùa đã có từ thế kỷ 13 hoặc thế kỷ 14. Chùa được xây dựng thêm nhiều hạng mục qua các triều đại khác nhau và đã được trùng tu nhiều lần bởi sự tàn phá của chiến tranh, thời gian… Nghệ thuật kiến trúc của ngôi chùa đạt tới độ tinh xảo, độc đáo, mang đậm phong cách cổ truyền của dân tộc.

Cũng như nhiều ngôi chùa cổ phía Bắc khác, chùa được xây theo kiểu nội công ngoại quốc. Qua Tam quan là gác chuông, nằm giữa hai dãy hành lang (mỗi dãy dài 26 gian) là 7 tòa nhà nối tiếp nhau: Nhà Tiền Đường, nhà Thiên Hương, nhà Thương Điện, nhà Tích Thiện Am, nhà Trung, phủ thờ, hậu đường (tổng chiều dài hơn 100m). Trong chùa còn lưu giữ được rất nhiều cổ vật: Bia đá, lô nhang, am thờ, án giao… đáng chú ý là pho tượng Phật Bà Quan Âm nghìn tay nghìn mắt-một kiệt tác nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ 17.

Gác chuông.
Gác chuông.

Chùa Bút Tháp là một công trình kiến trúc hoành tráng được tạo nên bởi những bàn tay tài hoa của cha ông ta thuở trước. Đến đây du khách không khỏi ngạc nhiên đứng dưới cây tháp Báo Nghiêm 5 tầng bằng đá cao 13m, nơi xá lị của vị hòa thượng trụ trì đầu tiên (dựng 1647). Ngoài ra còn có tháp Ly Chân, tháp Tâm Hoa, thấp hơn, song tất cả cũng được dựng bằng đá, được trạm trổ tinh xảo và điều đặc biệt là các ngọn tháp ở đây đều được ghép đá lại với nhau chứ không dùng chất kết dính (vôi, vữa, xi măng). Ngôi chùa được Bộ Văn hóa Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia từ năm 1962. Được sự quan tâm của Đảng và chính quyền, ngành văn hoá các cấp cùng sự tài trợ, các nhà hảo tâm, các Phật tử bốn phương… chùa Bút Tháp luôn được bảo vệ, trùng tu ngày một đẹp hơn.

Vượt qua tất cả những yếu tố tâm linh, hành hương về chùa Bút Tháp, du khách sẽ được thỏa nguyện chuyến du lịch văn hóa trên đất Thuận Thành cổ kính. Đến với tour du lịch này, du khách cũng có thể ghé thăm làng tranh dân gian nổi tiếng Đông Hồ với “Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp…” chỉ cách ngôi chùa chừng 5km.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.