GNO - Hòa cùng không khí vui xuân Kỷ Hợi, tối 4-2, rất đông Phật tử, bà con nhân dân đã về chùa Từ Xuyên, (P.Hoàng Diệu, TP.Thái Bình) đón mừng thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, cầu nguyện vạn sự bình an, kiết tường như ý.
Sau khóa lễ tụng kinh cầu an, đông đảo nhân dân đã lễ Phật, du xuân, vãn cảnh chùa trong tiết trời ấm áp. Những điều ước về một năm mới an lành, may mắn và hạnh phúc được rất nhiều du khách và các em nhỏ gửi gắm vào những cánh giấy nhỏ, treo trên cây mai giữa sân chùa.
Không gian mùa xuân gần gụi tại chùa Từ Xuyên
Trong ngày đầu tiên của mùa xuân mới, lòng người rộn rã, hân hoan, đón chào năm mới Kỷ Hợi, tình người như xích lại gần nhau hơn trong không khí ấm áp, trang nghiêm nơi cửa Phật.
Nhằm tạo cảnh xuân ngày Tết của làng quê Việt Nam xưa, từ nhiều ngày trước Tết, chư Tăng, Phật tử chùa Từ Xuyên đã tạo dựng nhiều tiểu cảnh với cây đào, cây mai, vườn cảnh, nhà mái tranh, con gà, cối giã gạo, cổng tre… giúp Phật tử và nhân dân có thêm không gian vui xuân đón Tết khi về chùa lễ Phật đầu năm, rũ bỏ phiền não của cuộc sống thường nhật, trải nghiệm sự an lạc, hạnh phúc trong giây phút hiện tại.
Phật tử đến chùa và xếp hàng nhận lộc đầu năm từ chư Tăng
Bên cạnh đó, không gian thiền trà, thư pháp, đọc sách cũng mang đến sự gần gũi nơi cửa chùa, duy trì phong tục “xin chữ” tốt đẹp từ ngàn xưa.
Nhuận Nguyện
* Sau lễ cúng gia tiên đêm giao thừa, nhiều người dân trên địa bàn Nghệ An đã tranh thủ đi lễ chùa xin lộc, cầu may mắn, sức khỏe và sự hanh thông trong công việc cho mình và người thân. Dạo quanh một số ngôi chùa nổi tiếng tại Nghệ An CTV Giác Ngộ online nhận thấy người dân về các chùa dâng hương, lễ Phật, nhất là thời gian càng gần về đến giao thừa, thời gian giao hòa giữa năm cũ và năm mới.
Tại chùa An Thái, cũng như những năm trước, bên cạnh những tín đồ là Phật tử còn có các ông, bà lớn tuổi và từng đôi nam, thanh nữ tú, học sinh và sinh viên lên chùa lễ Phật cầu an, cầu sức khỏe. Em Hoàng Văn Thịnh, học sinh Trường THPT Nguyễn Đức Mậu đi lễ tại chùa cho biết, gia đình em cả gia đình đều theo đạo Phật, em đến chùa từ lúc còn nhỏ, năm nào cũng vậy, sau khi cúng gia tiên xong em và mẹ tôi đều lên chùa lễ Phật, năm nay em có mời thêm một số bạn học cùng lớp đi để cầu mong cho năm mới được bình an và sự học hành được hanh thông và thi cử đỗ đạt.
Sau khi dâng hương lễ Phật, người dân được nhà chùa phát lộc
Tại chùa Đông Yên là ngôi chùa cổ gắn liền với cửa Lạch Quèn, nơi ngư dân Quỳnh Lưu ra khơi vào lộng thường xuyên đến chùa lễ Phật, sau thời khắc giao thừa người người nô nức lên chùa lễ Phật. Anh Nguyễn Văn Nguyên chia sẻ: Năm nào cũng vậy, sau giao thừa tại gia đình tôi đều về chùa Đông Yên, đến chùa không mong gì ngoài sự an lành, gửi gắm một sự an vui, mong cầu đức Phật ban cho sự an lành.
ĐĐ.Thích Minh Hải, Chánh văn phòng BTS GHPGVN tỉnh Nghệ An, Trưởng BTS GHPGVN huyện Quỳnh Lưu, trụ trì chùa An Thái cho biết, người Việt Nam thường cúng giao thừa đúng 12 giờ đêm, nhưng ở chùa, giao thừa vào lúc 11 giờ, vì đây là giao giữa giờ Hợi và giờ Tý. Các ngôi chùa thường có bố trí thờ phụng các hương linh của người đã khuất, nên xong giao thừa tại gia đình con cháu lên chùa thắp hương tưởng nhớ về cội nguồn cũng là để hướng Phật, đi lễ chùa vào ngày Tết, ngày xuân, cốt nhất là lòng thành, tâm thiện, không cần lễ vật phải “mâm cao, cỗ đầy”; đến chùa lễ phép với chư Tăng và mọi người, tuân thủ lễ nghi lễ, có làm theo tâm thế như vậy thì tâm mới an, lòng không vướng bận.
Theo ĐĐ.Minh Hải, trong những năm gần đây, Phật giáo Nghệ An đang có những bước chuyển mình, vào thời khắc giao thừa các Phật tử và người dân lại nô nức lên chùa lễ Phật - đó chính là quay về nương tựa Tam bảo để cầu an lành cho trong gia đình cuối năm và khởi đầu năm mới. Khi người dân tin tưởng vào Đức Phật thì chắc chắn có niềm an lạc và hạnh phúc.
Hữu Tình