Tha phương cầu thực...

GNO - Cách đây hơn chục năm, tin báo - Dần, con ông Diệu ở xóm dưới quê tôi, Quế Sơn, Quảng Nam, mất vì tai nạn giao thông trên đường đi làm về - khiến người dân, bà con lối xóm bàng hoàng, thương xót. Phần vì đó là thông tin quá mới mẻ ở làng quê vốn yên bình, chưa xảy ra những vụ tai nạn khiến chết người, phần vì người đi còn trẻ, mới 20, khi đang "tha phương cầu thực" ở phương Nam.

Với người dân quê tôi, mươi năm trước, TP.HCM là nơi xa xôi vô kể, thời không điện thoại di động nên “đi làm ở Sài Gòn” là quảng đường mênh mông thương nhớ. Ấy vậy mà những lớp thanh niên trẻ, như bạn bè tôi ngày đó, như Dần, ráng học hết 12, hoặc chưa, cũng mau chóng sắp xếp vào Nam kiếm một chỗ làm. Hầu hết vào Sài Gòn làm công nhân ở Thủ Đức, Tân Bình, có khi xuống Sóng Thần, Dĩ An (Bình Dương)... để trụ lại.

74172933_10221285589591539_1931101112568381440_n.jpg
Người Việt Nam xếp nến thành con số 39, cầu nguyện cho các nạn nhân trong thảm kịch - Ảnh: REUTERS

Ngày tôi rời nhà đi học Sài Gòn, cách xa quê hương cả 1.000 cây số, cũng là đi trong mù tăm thương nhớ, nhưng rồi cũng phải đi vì những khát khao thay đổi cuộc sống khó nghèo nơi mình sinh ra, lớn lên, chủ yếu làm nông nghiệp. Lúc đó, tôi học ở Thủ Đức, cũng thường ghé qua khu trọ của những người ở quê để thăm chơi, dù sao tình quê cũng ấm áp, thân thương, chia sẻ cùng nhau những nỗi nhớ thương quê, hỏi han việc học, việc làm... của nhau. Nhờ những lần như vậy mới thấy thương cảnh sống của công nhân trong những khu trọ: phòng nhỏ thó, ọp ẹp, nhưng ai cũng xác định, đây là chỗ ngủ qua ngày, chủ yếu ở trong nhà xưởng nên không quan trọng. Khổ trong sinh hoạt và đặc biệt, phải ly hương, xa ba má, gia đình ở quê - là điều không ai muốn - nhưng rồi họ cũng phải đi, không thể nào khác được.

Đức Phật dạy, "ái biệt ly khổ", trong đó việc xa người thương dù là còn sống hay sanh ly tử biệt cũng đều là nỗi mất mát mà năm tháng ngắn ngủi làm người qua đi, đâu biết lấy gì bù đắp lại?

Vì muốn phụ giúp gia đình, vì muốn mỗi tháng tích cóp một ít gửi về quê cho ba má sửa mái nhà, lo cho em tiền học phí, hoặc là để tuổi trẻ không vô công rỗi việc ở quê, rồi lại lẩn quẩn với cuộc sống ruộng đồng, lập gia đình sớm, lại nghèo...

Đi xa khổ nhưng trắng trẻo, tết nhứt có quà bánh và được chờ đón là "người Sài Gòn" về quê, ai cũng vui, cũng mừng.

Câu chuyện của người dân quê tôi tha phương cầu thực giữa Sài Gòn, khó khổ ở đâu không thấy, nhưng về quê có chút quà, có ít tiền ăn Tết là một điều gì đó hãnh diện, ước mơ... Đó là những lý do thôi thúc họ lên đường!

Và nó hẳn cũng là câu chuyện của ngày hôm nay - thời sự không chỉ trong nước mà còn cả thế giới - khi thông tin về 39 người chết trong một chiếc xe container ở Anh khiến thế giới bàng hoàng.

Họ quyết lòng đi tha hương cầu thực, với niềm tin về một tương lai rạng ngời hơn...

Hẳn, họ cũng như Dần, như bao thanh niên khác ở những vùng quê miền Trung 2 mùa nắng mưa khắc nghiệt, hoặc ra Hà Nội hoặc vào TP.HCM tìm việc để làm.

Không chỉ những người trẻ chưa qua trường lớp đào tạo một chuyên ngành nào, mà cả những trí thức trẻ, theo báo cáo hàng quý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, có tới 200.000 người thất nghiệp có trình độ cử nhân và trên đại học. Một sáng nào đó có bắt chuyến xe công nghệ, hỏi một tài xế trẻ chở mình đến chỗ làm, ít lần bạn đã nghe cậu ấy nói là sinh viên hoặc học xong trường A, B nào đó nhưng chưa có việc, nên phải chạy xe ôm công nghệ...

Lựa chọn tha phương cầu thực có nghĩa là lựa chọn cái khổ "ái biệt ly", là đánh đổi những nỗi nhớ-thương để mong rằng, sau đó bù đắp lại phần nào sự xa cách là khoản tiền gửi về, dù nhỏ ở Sài Gòn, ở xứ người nhưng đủ lớn ở quê. Không ai mong cuộc đi ra đó là mãi mãi không trở về trong hình hài vẹn nguyên, chỉ nắm tro hay trong xác lạnh.

Nhưng, tai nạn hay những khó khăn, khắc nghiệt luôn bất ngờ và bất kỳ lúc nào cũng có thể làm cho họ ra đi khi tuổi còn trẻ, còn đầy khát vọng, ước mơ.

Đau đớn! Vâng, là đau đớn - dù đó là người Việt chết vì tai nạn ở ngay quê nhà hay vì lý do nào đó phải tha phương xứ người, rồi ra đi trong thùng container thiếu ánh sáng, không khí và cả hơi ấm.

Những ngọn nến cầu nguyện đã được thắp lên, là những hơi ấm tình người phả vào vong linh của 39 người trẻ (có thể là người Việt Nam) đã được thắp lên ở Anh. Người Anh và những người xa lạ khác với 39 nạn nhân đã không truy xét họ nhập cảnh bất hợp pháp hay sao nữa, chỉ biết đó là những người đã chết trên đường tha phương cầu thực, của nạn buôn người - đánh vào ước vọng chính đáng của con người là thay đổi cuộc sống bằng nỗ lực làm việc, dù là phải xa quê, xa người thân, thậm chí bỏ cả tiền (rất nhiều).

Tất nhiên, đây là câu chuyện cần cảnh báo sâu rộng chứ không chỉ là thương cảm, bởi chuyện người nằm xuống là không thể nào thay đổi được. Còn việc trách móc, gán tội cho những nạn nhân bằng những lý luận "vì sao phải đi như vậy", thì e rằng tình người trong ta quá nguội lạnh. Lẽ nào người Anh và cộng đồng nhân đạo trên thế giới còn thắp nến cầu nguyện cho các nạn nhân, mình là người Việt, không thể khởi được lòng thương xót, nhất là khi câu chuyện của họ cũng thấp thoáng đâu đó dáng hình của nhiều người trẻ khác, ở khắp làng quê nghèo Việt Nam?

Lưu Đình Long

Diễn tiến vụ việc

Ngày 23-10: Cảnh sát Essex nhận được điện báo phát hiện 39 thi thể trong container tại Khu công nghiệp Waterglade. Tài xế điều khiển xe đầu kéo tên Maurice "Mo" Robinson lập tức bị bắt giữ.

Ngày 24-10: Cảnh sát Anh thông tin các nạn nhân có thể là người Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh lập tức vào cuộc.

Ngày 25-10: Đại sứ quán Việt Nam tại Anh vào cuộc. Hai nghi phạm là chủ xe đầu kéo bị bắt.

Ngày 26-10: Bộ Ngoại giao Việt Nam, Đại sứ quán Việt Nam ra thông cáo khẳng định sẵn sàng bảo hộ công dân nếu có nạn nhân là người Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và chính quyền Nghệ An, Hà Tĩnh vào cuộc xác minh.

Cảnh sát Anh yêu cầu ngừng suy đoán danh tính các nạn nhân và khởi tố hình sự tài xế Robinson với 42 tội danh, trong đó có 39 tội ngộ sát. Cộng hòa Ireland bắt nghi phạm là tài xế lái container chứa 39 thi thể trên lục địa châu Âu.

Ngày 27-10: Anh hoàn tất việc chuyển các thi thể tới nhà xác bệnh viện, hơn 500 hiện vật bằng chứng được thu giữ làm căn cứ xác định danh tính.

Ngày 28-10: Tài xế Robinson ra tòa và bị từ chối cho bảo lãnh tại ngoại với các tội danh được giữ nguyên. Thủ tướng Anh Boris Johnson đến hiện trường, cam kết "làm tất cả có thể" trong sổ chia buồn.

Ngày 29-10: Bộ Công an Việt Nam tuyên bố sẵn sàng cử đoàn công tác sang Anh hỗ trợ điều tra, xác minh danh tính nạn nhân. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh xác nhận đã gửi 14 hồ sơ sang Anh để nhận diện.

Ngày 30-10: Cảnh sát Anh phát lệnh truy nã hai anh em ruột người Bắc Ireland với cáo buộc ngộ sát và buôn người. Công an Hà Tĩnh khởi tố điều tra vụ "tổ chức, môi giới người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép". Anh tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ của người Việt.

Ngày 1-11: Cảnh sát Cộng hòa Ireland khởi tố Eamon Harrison, tài xế chở container chứa 39 thi thể tới cảng Zeebrugge của Bỉ - nơi nó lên đường sang Anh tối 22-10. Cảnh sát Anh xác nhận đã nhận diện được danh tính nạn nhân.

TTXVN

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.