Tết xưa, Tết nay

Ảnh: Quảng Đạo/BGN
Ảnh: Quảng Đạo/BGN
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Chốn thiền môn luôn là nơi gìn giữ những giá trị tĩnh lặng, an nhiên giữa dòng chảy biến đổi của cuộc đời. Nhưng ngay cả trong không gian thanh tịnh ấy, Tết xưa và Tết nay cũng mang những sắc thái riêng, phản ánh sự chuyển mình của xã hội qua từng thời đại.

Tết xưa trong chốn thiền môn là hình ảnh của một mùa xuân đượm chất thiêng liêng, nơi hình dáng của các bậc tôn túc và Tăng chúng hòa quyện cùng sự tĩnh lặng của đất trời. Trong những ngày giáp Tết, mọi người cùng nhau quét dọn chùa, lau tượng Phật, cắm một cành mai vàng trước sân. Như lời chúc phúc gửi gắm vào không gian thanh tịnh, mỗi hành động đều mang trong mình tinh thần chánh niệm, như một bài học đơn giản mà sâu sắc: “Khi làm một việc gì, hãy hoàn toàn đặt tâm vào đó”.

Đêm giao thừa, tiếng chuông chùa ngân vang, như thức tỉnh tâm hồn mọi người, nhắc nhở buông bỏ những ưu phiền của năm cũ, để đón nhận một năm mới trong sự tỉnh thức.

Tôi còn nhớ khoảng thời gian làm chú tiểu ở chùa. Tôi hay thắc mắc với Sư phụ: “Thưa thầy, Tết đến rồi, sao mình không trang hoàng chùa thật lộng lẫy như người đời?”. Sư phụ tôi mỉm cười, nhẹ nhàng đáp: “Lộng lẫy không nằm ở cờ hoa, mà ở tâm người biết kính Phật, biết yêu thương nhau. Khi tâm con sáng, chùa tự nhiên rực rỡ”.

Dưới sự chỉ dạy của Sư phụ, tôi và các chú tiểu khác chăm chỉ quét lá, lau dọn tượng Phật, làm sạch những lối đi, cắm một bình hoa đơn sơ cúng dường chư Phật. Sau khóa lễ giao thừa, trong cái rét của vùng đất Quảng Trị và tiếng chuông chùa ngân vang, tôi và các huynh đệ ngồi quanh Sư phụ, nghe thầy kể chuyện. “Xuân là gì, thưa Sư phụ?” - tôi hỏi. Sư phụ tôi cười: “Xuân là khi tâm con buông bỏ được những gánh nặng trong cuộc sống, mở lòng đón nhận phút giây này, không đợi chờ điều chi khác”.

Thời gian cứ thế lặng lẽ trôi qua... Tết năm nay, nơi chốn thiền môn, sự tĩnh lặng vốn có vẫn còn đậm nét, nhưng dường như cũng có chút gì đó phản chiếu nhịp sống hối hả của thời đại. Những ngày Tết, dòng người đổ về chùa đông hơn. Những nén nhang nghi ngút không chỉ dâng lên để thể hiện lòng thành kính Phật, mà còn mang cả những ước vọng riêng của mỗi người. Xưa ấy, Thầy tôi vẫn lặng lẽ thực hành cầu nguyện, gieo những hạt giống an lành bằng lời pháp nhũ: “Hạnh phúc không đến từ những gì bên ngoài, mà từ sự an trú trong tâm”. Nhưng thảng, tiếng chuông chùa cũng bị át đi bởi tiếng ồn ào của dòng người vội vã, làm dấy lên bao thổn thức trong tâm.

Dù là Tết xưa hay nay, thiền môn vẫn là nơi giúp con người tìm về với chính mình. Đó là nơi nhắc nhở rằng mùa xuân thực sự không nằm ở hoa mai nở rộ hay những lời chúc tụng, mà ở sự an lạc trong lòng, như có một thiền sinh hỏi thầy mình: “Khi nào thì xuân đến?”. Thầy đáp: “Xuân không đợi năm tháng. Khi tâm con an, mỗi ngày đều là xuân”.

Tết xưa có thể ít sắc màu vui nhộn hơn, Tết nay có thể nhiều náo nhiệt hơn. Nhưng xuân nơi cửa thiền vẫn thế. Vẫn là khi biết buông bỏ, quay về, sống trọn vẹn với phút giây hiện tại - ấy là mùa xuân đang nở rộ trong tâm.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.