Tết Việt ở chùa xa

GN - Phía Nam Bjuv, Sweden (Thụy Điển), mùa xuân nhiệt độ xuống đến từ 3 đến 4 độ âm, người bản xứ ít ra đường vào những ngày này trừ vào những lúc cần thiết. Ở đó có một ngôi chùa Việt, chùa Đại Bi Tâm đang đón một mùa xuân trọn vẹn của Tết cổ truyền. Dù thời tiết lạnh lẽo, Phật tử vẫn đến chùa để sum họp và thưởng thức không gian Tết quê nhà trong một ngôi chùa mà ở đó bất cứ ai cũng cảm nhận không khí ấm áp như được nung nấu, nuôi dưỡng từ những tình cảm đầm ấm của người thân.

TT.Thích Phật Đạo, trụ trì chùa Đại Bi Tâm (Thụy Điển) thống kê sơ bộ, cộng đồng người Việt ở Thụy Điển có khoảng 25.000 người, người theo đạo Phật khoảng 10.000 người và người đi chùa thường xuyên chỉ có khoảng 1.000 người. Cộng đồng người Việt xem ngôi chùa Việt là “nhà lớn” và cả nước chỉ có 3 ngôi nhà lớn, ngoài Đại Bi Tâm còn có chùa Trúc Lâm và Phật Quang bởi lẽ ở đó Phật tử có thể tin tưởng và gởi gắm những niềm tin cũng như nỗi buồn.

vietnam-1.jpg


Cành mai vàng ở chùa- biểu tượng Tết Việt ở Thụy Điển  

Tết là ngày hội để Hội Văn hóa người Việt ở Thụy Điển cùng với chùa giao lưu, tạo sự gắn kết để giúp đỡ người Việt Nam xa xứ. Tết cổ truyền là dịp ngôi nhà lớn đón những người con đất Việt về họp mặt gia đình, chia sẻ mọi thông tin ở quê nhà. Hơn ai hết, những người xa xứ hiểu rằng, mái chùa cũng là nơi để họ gửi gắm niềm tin, những lúc khó khăn, hoạn nạn cũng như những lúc hạnh phúc nhất. Nơi đó cũng là nơi lưu giữ nguồn cội văn hóa Việt Nam, từ cách ăn ở, ngôn ngữ Việt, lễ nghi xa xưa cho đời sống tâm linh… được người Việt xa xứ và người bản địa đến trao đổi, học tập cùng nâng niu.

Cũng như không khí chộn rộn đón Tết cổ truyền ở quê nhà, cộng đồng người Việt tại Bjuv bắt đầu mua sắm những nhu yếu phẩm cần thiết. Đặc biệt là những cành hoa cúc, vạn thọ; mâm ngũ quả, dưa hấu, gói bánh tét, bánh chưng, các món dưa chua, củ kiệu, trang trí nhà cửa với giấy đỏ, mua quần áo mới cho trẻ em… sẵn sàng cho một cái Tết mang phong vị quê hương. Mâm cơm sum họp ngày xuân, mọi người sẽ cảm nhận được hương vị như ở quê nhà bởi những hồi tưởng da diết trước giờ phút giao hòa năm cũ và mới của một gia đình Việt trở nên thiêng liêng đến lạ.

vietnam-2.jpg

Đó là không gian ở gia đình của những người Việt xa xứ, không gian an lạc và hoan hỷ ở chùa với những thời khóa khá đặc biệt, bởi ở đó từ 23 đến mùng 3 Tết, thầy trụ trì đã bắt đầu tổ chức một cái Tết thanh tịnh, hoan hỷ và ý nghĩa với khóa tụng kinh Di Lặc và những thời kinh sám hối Đức Quan Thế Âm. Những thời khóa như thế này vào mỗi mùa xuân bao giờ cũng đông Phật tử từ lớn tuổi cho đến nhi đồng. Phật tử đến chùa với một tâm trạng hòa lẫn của sự nô nức, niềm tin an lạc và hoan hỷ.

vietnam-4.jpg


Bạn trẻ người bản xứ đến thưởng thức ẩm thực chay tại Đại Bi Tâm

TT.Thích Phật Đạo cho biết, mỗi năm ngay từ trước Tết rất lâu, thầy về Việt Nam sắm lễ, không có gì cầu kỳ nhưng ít ra cũng có được hai cành mai vàng tượng trưng cho cái Tết miền Nam đầm ấm. Thiệp chúc xuân, bao lì xì và những chú lân sắc màu cũng được thầy thỉnh từ Việt Nam sang để chuẩn bị một không khí vui nhộn cho trẻ thơ. Ở xứ này, hoa mai, hoa đào không thể sinh sống nên dù là hoa giả cũng là điều đáng quý. Trong ba ngày Tết, thầy trụ trì chùa Đại Bi Tâm thường chọn ngày lễ chính vào ngày thứ Bảy để tiện cho mọi người cùng tham gia đông đủ. Năm nay, Tết cổ truyền rơi vào thứ Bảy, Chủ nhật nên rất đông người đến chùa thưởng thức không khí Tết.

Bất chấp thời tiết giá lạnh ở bên ngoài, những ngày Tết Việt để lại ấn tượng không thể quên cho các thế hệ trẻ người Việt lớn lên và trưởng thành trên đất nước Thụy Điển. Niềm khao khát được nhìn ngắm quê hương và thưởng thức nền văn hóa Á Đông được thừa hưởng của cha mẹ như thôi thúc hơn trong lòng mỗi người. Họ đến chùa và hòa mình vào không gian ấm cúng của những ngày Tết với tràn đầy cảm xúc. Trước chánh điện, nụ cười của Phật Di Lặc và nhiều hoạt động vui nhộn như đố vui Phật pháp, đố thơ, nội dung chủ yếu là khuyến tu và 800 chiếc bao lì xì chúc mừng năm mới cũng được treo lên cây mai vàng làm quà thưởng cho những câu giải đáp đúng. Ngay những giờ phút linh thiêng chờ đón năm mới, chùa cũng tổ chức quy y cho Phật tử Việt Nam và cả những người bản xứ. Nhưng, có lẽ vui, hào hứng và mong đợi nhất đối với trẻ em là không gian ở sân chùa diễn ra nhiều hoạt động văn hóa rất sôi động. Trẻ em được mặc quần áo mới, các bé gái thích thú mặc chiếc áo dài đỏ xúng xính đến chùa hòa vào dòng người hái lộc đầu năm, để nhận được lì xì và cùng say sưa với những điệu múa từ những chú lân đầy sắc màu.

vietnam-3.jpg


Theo mẹ chọn đóa hoa cho ngày Tết

Mái chùa Việt ở xứ người đâu chỉ là không gian của kinh kệ, thiền, của Phật mà ở đó là sự kết nối của những thành phố Việt sinh động: một Huế, Hà Nội, Sài Gòn…, những thành phố đang hội nhập mà người Việt trẻ đang khát khao muốn trở về hòa mình và cống hiến. Ở góc nhỏ chùa Việt đó cũng lưu giữ hồn quê của những người viễn xứ đang hướng về nguồn cội.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.