GNO - Sáng nay thức sớm, ngày mới chào ta bằng cái se se lạnh của những ngày sang xuân. Không khí trong lành, phảng phất mùi của mùa mới, mùa xuân đang đến rất gần. Nhà bên, ông bác đang nhặt lá mai. À, hôm nay đã là rằm rồi, ngày tròn trăng cuối cùng của năm… Mai cũng cần thay lá để đón xuân sang.
Khi nhặt lá mai phải nhặt thật cẩn thận, không được xé tướt
mất nụ mai chưa nhú ở đầu cành - Ảnh minh họa từ internet
Ở quê người ta thường bắt đầu nhặt lá mai vào ngày mùng 10 tháng Chạp. Năm nào trời lạnh thì phải nhặt lá mai trễ một chút và phải tưới ít nước hơn để tránh mai ra hoa sớm. Khi nhặt lá mai phải nhặt thật cẩn thận, không được xé tướt mất nụ mai chưa nhú ở đầu cành. Lá mai non quá cũng không nên nhặt. Đó là những gì còn nhớ trong ký ức về những ngày nhặt lá mai ở quê, ở nhà ngoại và nhà mình.
Cũng như ta vậy, muốn tốt hơn, muốn đẹp hơn phải tự sửa mình, tự thay đổi mình. Thay đổi những gì thuộc về mình, thiết thân với mình quả là điều không dễ dàng bởi cái ta là của ta và luôn theo bên ta. Mai trút lá đón xuân, cống hiến cho mùa xuân; cớ chi người không sửa mình để xuân này đẹp hơn xuân trước. Ấy là làm đẹp tâm hồn mình, cho chính mình và cho những người xung quanh... |
Ông bác nhà bên năm nay cũng đã ngoài thất tuần. Vài năm trước, bác còn nhận dưỡng mai cho mấy nhà trong xóm. Mấy năm trở lại đây, bác cũng yếu hơn trước nhiều nên không nhận dưỡng mai cho người ta nữa; trong vườn nhà bác cũng chỉ còn mấy cội mai già. Thấy bác cặm cụi nhặt từng chiếc lá, một cách tỉ mỉ và chậm rãi như dành cả tình cảm của bác cho nhành mai sắp ra hoa, cho một mùa xuân nữa sắp về. Người có tuổi thường sống chậm, chắc vì nhiều lẽ: vội vàng làm chi khi tháng ngày cứ đúng hạn định mà đến, mà đi; vội vã đôi khi lại mắc thêm lỗi lầm và lắm khi để những điều ý nghĩa trôi qua mất mà không hay không biết…
Ngày nhỏ còn ở quê, cứ dịp này là lẽo đẽo cùng mẹ quét sân quét vườn. Rồi chiều đến, khi trời vừa tắt nắng là cùng mẹ nhặt lá mai. Nhặt lá mai vào buổi chiều để tối đến mát trời, mai không bị mất sức, sẽ ra hoa đẹp và khỏe hơn. Lá mai và lá khô trong vườn nhà sẽ được gom lại một góc để đốt. Đó, cái mùi lá cháy đó, cái mùi khói đó là mùi tết ở quê, vẫn phảng phất đâu đó trong ký ức về ngày Tết quê, dẫu có đi đến nơi nào đó xa thật xa quê nhà của mình.
Mùi khói ấy, nhắc nhớ một thời thiết tha và yêu thương, để ta được lớn lên và vững chãi đi giữa cuộc đời. Mà cái mùi khói ấy, có khi là một trời khắc khoải tiếc nhớ khi ta đang phải chống chầy giữa những ngày “là người lớn” trong đời. Ơi, mùi khói lá ngày xưa, của một thời bình yên vô lo...
Hồi nhỏ, ngô nghê hỏi ngoại: “Ngoại ơi, sao mình phải lặt hết lá mai? Lặt hết lá cây mai không chết sao ngoại?”. Ngoại cười hiền nhìn nó bảo: “Không lặt lá mai thì mai vẫn ra hoa, nhưng hoa không nhiều và không đẹp. Giống mai là vậy, mình phải lặt hết lá thì mai sẽ rực vàng hơn trong ngày Tết.” Rồi những mùa xuân sau, đến hẹn lại lên, nhặt lá mai để mai đẹp và rực hơn cho ngày Tết...
Mai thay lá để đón xuân, để nở tặng cho người người một cái Tết đẹp vàng mãn nhãn. Lá lìa cành chắc cây cũng đau! Nhưng phải thế thì mai mới mang lại cho người cái đẹp mỹ mãn nhất - âu đó cũng là sứ mệnh của loài hoa mùa xuân này giữa cuộc đời. Ấy cũng là bài học đạo lý nhẹ nhàng dưới những cánh mai vàng mỏng, lung linh nhưng bình dị không thể thiếu của ngày xuân.
Cũng như ta vậy, muốn tốt hơn, muốn đẹp hơn phải tự sửa mình, tự thay đổi mình. Thay đổi những gì thuộc về mình, thiết thân với mình quả là điều không dễ dàng bởi cái ta là của ta và luôn theo bên ta. Mai trút lá đón xuân, cống hiến cho mùa xuân; cớ chi người không sửa mình để xuân này đẹp hơn xuân trước. Ấy là làm đẹp tâm hồn mình, cho chính mình và cho những người xung quanh.
Nắng mới về trên mùa mới. Ngày đang đổi mới từng giờ, từng giờ. Tạm gác lại và để sang một bên những toan lo của “mùa đời”, làm tươi mới mình để đón một “mùa người” hiền lành và tươi vui, để mùa sau, người sẽ sống đời tươi mới và ý nghĩa hơn...
Huệ Trần
Bài vở, hình ảnh cộng tác với Giác Ngộ online Mừng Xuân Giáp Ngọ 2014 xin gửi về địa chỉ Email giacngoxuan@gmail.com.