GNO - Nhà thơ Chế Lan Viên đã từng cảm nhận:
Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,
Khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn.
Đây là những vần thơ từ bé mà ai cũng đã được học trong văn học. Nhưng phải đi thật xa, một thập kỷ hoặc vài chục năm xa quê và khát khao đón tết cổ truyền tôi mới cảm nhận hết cái hồn quê, đất quê và tình quê thì mới có thể cảm nhận thế nào là đất hoá tâm hồn.
Tết quê tôi, nhà nào cũng có đám rau trước sân nhà, rau sạch ngon, xanh mướt - Ảnh: Ánh Dương
Cảm xúc được sống và hoà nhập vào không gian của tết quê, cái không khí đặc trưng nhộn nhịp ở quê khi ai cũng hối hả mua sắm, chuẩn bị cho tết thật thích. Những gói lá dong được đèo sau xe, những bó lạt mềm được chẻ cẩn thận để gói những chiếc bánh chưng to để dâng cúng tổ tiên ông bà. Ngọn lửa bập bùng kết hợp với khói của củi và hơi nước của mùi bánh chưng tạo nên một không gian đậm đặc về tết quê.
Trên bàn thờ ông bà gia tiên là mùi hương trầm phảng phất với đủ bánh kẹo, trái cây làm cho người ta cảm nhận tết đã đến cổng.
Thiền sư Nhất Hạnh đã từng nói: thắp hương trước ông bà tổ tiên không phải là mê tín mà là một hành động đậm chất khoa học của sự truyền thông giữa con cháu và tổ tiên. Nén hương như sự kết nối truyền thông giữa hai cõi âm dương như là cách báo cáo với tổ tiên về sự tri ân và báo ân.
Những hình ảnh như thế này có lẽ mãi mãi không bao giờ có được ở nước ngoài. Dù cuộc sống tiện nghi đầy đủ, sung túc về vật chất ở nước ngoài không bao giờ đánh đổi được hồn quê, không gian tâm linh thấm đượm vào từng ngõ ngách của làng quê. Có lẽ điều đó lý giải tại sao nhiều người dù giàu có, đầy đủ ở nước ngoài nhưng tết đến xuân về lại hối hả và nháo nhác tìm về quê hương đất tổ. Nơi đó còn ông bà cha mẹ dù đang hiện tiền hay đã khuất, dù chỉ là tấm hình trên bàn thờ hay nấm mộ đầy cỏ mọc thì người ta vẫn cứ thích về. Đó không chỉ là nguộn cội tâm linh mà còn là món ăn tinh thần rất lớn mà không gì so sánh nổi.
Chỉ khi những ngày giáp tết thì người con xa xứ không về được mới cảm nhận hết sự buồn thương đau đáu khi không thể hiện diện nơi quê nhà.
Và chỉ những người khi đã có tuổi, sống sâu sắc và luôn hướng về quê hương mới hiểu được giá trị này.
Còn khi tôi trẻ, với ham muốn được khám phá thế giới, đi đến những miền đất mới với bao điều mới lạ đã làm cho tôi quên đi một tài sản vô giá không gì mua sắm được mà tôi đã bỏ quên một di sản bấy lâu nay. Mãi cho đến hôm nay tôi mới khai quật và đào bới, gạt bỏ từng lớp trầm tích thời gian, những lớp tro bụi của danh vọng, địa vị để được trở về tắm mát trong không gian văn hoá tâm linh quê nhà. Đó là giá trị cốt lõi mà nếu muốn thành công thì ai cũng phải vun đắp và giữ gìn.
Ở đây có đủ chùm khế ngọt, có bờ đê dài tít tắp, có chùa làng và những mái nhà thấp thoáng nhấp nhô sau những hàng cây. Cái mùi ngai ngái đặc trưng của miền quê trung du Bắc bộ đã làm sống dậy và tái hiện một tuổi thơ đẹp và giàu có mà tôi có được. Chính điều này đã hun đúc và nuôi dưỡng tâm hồn như một nền móng vững chắc để dù tôi đi xa cách mấy cũng trở về.
Năm mới đang đến gần, chúc tất cả những người con xa quê hãy gói gém hành lý để về với quê mẹ. Những người đang được tắm mát dòng sông quê hãy bơi lội thoả thích với những gì mình đang có. Nguyện cầu cho tất cả mọi người được một năm tràn đầy hạnh phúc và bình an.
Trần Ánh Dương (Thanh Hóa)