Tác phẩm Thấy Phật của GS.Cao Huy Thuần |
Nhất là khi đọc một tác phẩm, mà nó có thể khơi gợi và nuôi dưỡng những phẩm chất tốt đẹp trong chính con người của mình, thì niềm hạnh phúc ấy càng được nhân lên gấp bội. “Thấy Phật” của Giáo sư Cao Huy Thuần là một cuốn sách làm cho tôi có được cảm nhận đó.
Sở hữu cuốn sách “Thấy Phật” đã lâu, ấy mà tới tận Tết năm nay, tôi mới có dịp “thảnh thơi” giở từng trang sách để đồng hành cùng tác giả qua từng con chữ.
Giáo sư Cao Huy Thuần là một giáo sư về Chính trị học, ông cũng là một Phật tử tại gia. Ông học Phật một cách nghiêm túc, cộng thêm với vốn sống phong phú, nên những tác phẩm hay bài viết nghiên cứu Phật học của ông luôn có chiều sâu và đạt được tính ứng dụng rất cao vào đời sống tu tập.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về tác phẩm, là tựa đề mang tên “Thấy Phật”. Tôi tự nghĩ rằng: Phật ở đâu để mà thấy? Và chắc chắn rằng Phật mà Giáo sư giới thiệu cho độc giả ở đây không phải là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni “bằng xương bằng thịt” đậm tính sử liệu thông thường. Theo từng trang sách của tác phẩm, với 32 mẩu chuyện, được chia thành từng nhóm, xoay xung quanh chủ đề về “ánh trăng”, tác giả như dẫn người đọc vào một khu vườn hoa thơm ngát vào một đêm trăng sáng. Ánh trăng sáng vằng vặc như Chánh pháp, soi chiếu khắp nơi trong từng câu chuyện, đưa người đọc đồng hành cùng tác giả qua từng cung bậc cảm xúc, lúc trầm lắng suy tư, lúc vui cười rộn rã, để tìm thấy Phật.
Từ “Câu chuyện đầu năm” với sự dạy dỗ con cái bằng thân giáo của mình về truyền thống đón tết của dân tộc Việt Nam ở nơi xứ lạ quê người, ta thấy được tấm lòng yêu mến quê hương sâu sắc của tác giả.
Tác giả còn cho người đọc thấy được ánh “Trăng rằm” trong một tiết thu Vu lan với những nỗi niềm trăn trở về giáo dục. Rồi cùng “Nhìn trăng” với người đọc qua những suy tư về nhân tình thế thái. Hay “Đùa trăng” với những câu chuyện ngụ ngôn mang tính hài hước, nhưng sau đấy là những bài học quý giá, thấm đẫm giáo lý nhà Phật.
À, thì ra “Phật” mà tác giả muốn người đọc tìm thấy chính là Phật pháp thân, vị Phật “không hình không tướng, không sinh không diệt”. Phật ở đây chính là tánh giác mà mỗi con người đều có, là khả năng sống trọn vẹn với cái biết ở giây phút hiện tiền. Phật ở đây còn là sự quán chiếu mọi việc bằng con mắt duyên sinh, sống được với giáo lý vô thường, vô ngã trong đời sống hằng ngày thông qua các câu chuyện được kể bằng lối văn chương rất gần gũi của tác giả.
Mặc dù cũng đã ngót nghét 11 năm kể từ ngày tác phẩm ra đời vào năm 2009, nhưng với tôi, khi đọc “Thấy Phật”, vẫn cảm thấy thật “mới” và dành cho chính mình. Bởi lẽ, chính tôi nhiều khi cũng quên mất mình cũng có một vị Phật trong tâm. Và vì thế, tôi tin chắc rằng, những ai tìm đến với “Thấy Phật” của Giáo sư Cao Huy Thuần, dù đã là Phật tử thuần thành hay đơn giản chỉ là một người có niềm cảm mến đối với đạo Phật, dù là độc giả có kiến thức Phật học sâu rộng hay mới chập chững những bước đi đầu trong nấc thang giáo lý, thì cũng giống như tôi - vẫn sẽ tìm được cho mình một góc nhìn để hiển lộ được vị Phật trong tâm.
Lòng tin ở Đức Phật pháp thân không phải là lòng tin yếu đuối vào một sức mạnh siêu nhiên đâu đó từ bên ngoài. Đó chính là lòng tin ở con người. Trong mỗi con người chúng ta đều có Đức Phật Pháp thân; chỉ vì ta không nhìn, không thấy, không biết, cho nên cứ tưởng là không có mà thôi. Bởi vậy, Đức Bổn sư của chúng ta cứ nhắc nhở ta hoài: “Ta là Phật đã thành, các con là Phật sẽ thành”. Là Phật sẽ thành, làm sao có ai không thấy Phật được! Tất nhiên, muốn thấy thì phải tìm. Không tìm cái kim thì dù kim có chích chảy máu tay vẫn không thấy. Thấy Phật cả trong những sự việc bình thường nhất của đời sống hằng ngày.
Trích Thấy Phật