Tết đọc sách: Đức Phật trong ba lô & Khi lỗi thuộc về những vì sao

0:00 / 0:00
0:00
GNO - Tết tình cờ tôi lần giở xem quyển sách Đức Phật trong ba lô - chương 5 - về công việc, chọn nghiệp, có một đoạn: "Bố mẹ muốn em trở thành một bác sĩ nhưng em không chắc đó là công việc mình mong muốn làm". Ý này rất hay, đáng suy nghĩ.

Thực tế, nhiều bố mẹ ép con em mình học những ngành theo ý của bố mẹ khiến con mình không phát huy khả năng.

Chẳng hạn như con gái tôi lúc nhỏ ước mơ trở thành cô giáo nhưng sau này tư tưởng con đã thay đổi - không theo ngành giáo mà theo nghề báo. Nhờ phát huy đúng sở trường, sau khi tốt nghiệp, con gái tôi trở thành biên tập viên cho một tờ báo.

Bìa sách Đức Phật trong ba lô, Nhà xuất bản Phương Đông và ThaiHaBooks

Bìa sách Đức Phật trong ba lô, Nhà xuất bản Phương Đông và ThaiHaBooks

Một trường hợp khác, con của chị Phật tử quen, sở thích của cháu là học ngoại ngữ và đã thi đậu vào trường có ngành học tương thích. Đang học đến năm ba thì cháu đành phải nghỉ học. Chị cảm thấy đau lòng khi con mình học dang dở, nhưng cái thiếu sót ở đây là bố mẹ thiếu quan tâm chăm sóc nên đã để con mình học hành dở dang.

Cho nên, đối với việc chọn trường, bố mẹ phải để con mình tự lựa chọn theo sở thích của chúng. Nhưng mặt khác, bố mẹ không nên lơ là mà phải quan tâm theo dõi sự học của con em mình để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Trần Kiêm Hà

* Sinh nhật hai năm về trước, tôi 15 tuổi. Khi đó, tôi được em gái tặng cho một quyển sách với màu xanh biếc mát mắt. Liếc nhìn tôi thú vị với từa Khi lỗi thuộc về những vì sao (Nhà xuất bản Trẻ). Không chần chừ, tôi tìm một góc yên tĩnh trong nhà, pha thêm ly cà phê sữa và từ từ mở sách ra, nghĩ rằng sẽ bước vào một thế giới kì bí, phiêu lưu cùng các nhân vật.

Thế nhưng, đây không phải là quyển sách với cốt truyện theo mô-típ phiêu lưu, huyền bí gì cả. Càng đọc tôi càng thêm nhận ra đây là một câu chuyện nói về tình yêu giữa hai bệnh nhân ung thư, hai con người với hai khuyết điểm, họ không biết bản thân sẽ ra đi vào lúc nào nhưng trong lòng vẫn âm ỉ một khát vọng: họ không muốn bị lãng quên. Họ sợ sự lãng quên.

Tác giả quả thật có một cái nhìn sâu sắc, tinh tế về thế giới xung quanh. Con người chúng ta sống trong một thế giới với hàng triệu con người với màu da, ngôn ngữ và tính cách, hoàn cảnh khác nhau và đều chung mong muốn sẽ để lại dấu ấn gì đó của bản thân trên thế giới này một khi đã mất đi. Chúng ta cũng như hai nhân vật kia vậy, chúng ta sợ sự lãng quên.

Câu chuyện nói về tình yêu với kết thúc buồn, kết thúc khiến người đọc phải tiếc nuối tự hỏi “tại sao tác giả lại làm thế ?”, “Liệu điều đó có quá ác hay không?”. Tuy nhiên, đọng lại trong đó là những ý nghĩa, bài học quý giá. Tôi còn nhớ mình đã vô cùng ấn tượng với câu nói của nhân vật nam Augustus Waters nói với Hazel Grace: “Thế giới này không phải là một công xưởng sản xuất điều ước”.

Cuốn sách quà tặng tuổi 15 của tôi: Khi lỗi thuộc về những vì sao

Cuốn sách quà tặng tuổi 15 của tôi: Khi lỗi thuộc về những vì sao

Tôi vô cùng yêu thích câu nói ấy bởi vì nó phản ánh hoàn toàn đúng bản chất của thế giới này. Quả thật không phải cứ ước là được. Đâu ai cho không ta cái gì mà ngược lại ta phải nỗ lực, phải cố gắng kiên trì để đạt được điều ta mong ước.

Tôi không sao tưởng tượng được nếu như con người sống trên thế giới này ước gì được nấy. Vậy thì chắc chắn con người sẽ đâm ra lười biếng, nỗ lực cũng từ đó mà tiêu tan.

Theo tôi, câu nói của Augustus Waters gửi đến độc giả thông điệp: đừng há miệng chờ sung rụng hay ăn không ngồi rồi mà hãy luôn kiên trì nỗ lực, cố gắng mỗi ngày mới có thể gặt được thành công!

Nguyễn Mộng Hoàng Mai

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.