GNO - Mỗi năm người Việt Nam có “ba ngày Tết ”, là cơ hội để mỗi cá nhân thể hiện lễ nghĩa, tình cảm, bổn phận trong các mối quan hệ gia đình và xã hội.
Nét đẹp đoàn viên và hoan hỷ của ngày Tết cổ truyền dân tộc - Ảnh: Internet
Ông cha ta nhiều đời truyền nhau cái hay cái đẹp đó như là bảo vật phi vật thể của quốc gia. Chính vì lẽ đó, Tết được còn được gọi ‘Tết cổ truyền dân tộc’; và Tết cũng là lễ hội quan trọng nhất trong năm, được đại đa số người Việt ngày nay vẫn còn quan tâm và giữ gìn các phong tục tập quán hay đẹp từ ngàn xưa một cách cơ bản là điều đáng trân trọng.
Qua một vài bài viết về Tết trên các trang báo điện tử, người viết nhận thấy một số người Việt, nhất là giới trẻ, khi được hỏi cảm nhận của họ về Tết, nhiều người có vẻ thờ ơ. Lý do chính để một số người không thích Tết thậm chí có cảm giác “sợ Tết” bởi vì họ bị mệt mỏi về việc quà cáp, thăm hỏi, và mâm cổ cúng kiếng... Thật ra, thăm hỏi vào dịp tết là việc đương nhiên! Chúng ta thử nghĩ, là một con người trong cùng huyết thống, làng xóm, tổ chức… mà không thăm hỏi nhau, quan tâm đến nhau, lễ nghĩa qua lại thì xã hội sẽ như thế nào? Vì không có nhiều thời gian, nên vào dịp Tết, lễ hội được tập trung hầu hết các giá trị nhân văn đạo đức của người Việt, là cơ hội tốt nhất để chúng ta cần thể hiện phần nào về những đạo lý đó. Có như vậy chúng ta mới ra con người. Do bị lạm dụng một cách biến tướng trong thời đại kim tiền nên việc thăm hỏi trở thành gánh nặng, áp lực trong các mối quan hệ đặc thù. Vì vậy, chúng ta cần tránh việc tiêu cực chớ không nên mượn cớ để quay lưng với các giá trị truyền thống. Do đó, những người dùng chữ “truyền thống” một cách thiếu tôn trọng hoặc có thái độ chế giễu là điều đáng bị phê phán.
Thứ nữa, một trong những cách trốn chạy những cảm giác “sợ tết”, đó là đi xa nơi trú xứ của mình, và xem đó là cách giải quyết khôn ngoan. Đối với người Việt Nam, nơi “chôn nhau cắt rốn” rất quan trọng. Một số người Việt không có dịp về quê cha đất tổ trong dịp Tết họ cảm thấy rất tiếc nuối, rất nhớ quê hương. Họ luôn háo hức chờ xem những hình ảnh sinh hoạt Tết trên phương tiện truyền thông về quê nhà cho đỡ nhớ. Họ xem việc vắng mặt trong gia đình vào dịp tết là sự thiếu sót, là sự thiếu bổn phận đối với cha mẹ ông bà tổ tiên. Những người không hiểu hết ý nghĩa thiêng liêng đó, nên cho những việc đó là rườm rà, phiền phức trong việc thăm hỏi cúng kiếng kia nọ. Vậy ai là người “lãnh đủ” cái phiền phức, rườm rà đó để mình được tận hưởng cái hạnh phúc, tự do một cách ích kỷ, để rồi sau kỳ tận hưởng “khôn ngoan” đó mình còn có chỗ dung thân trong gia đình, dòng họ hay rộng lớn hơn là xã hội? Để tránh sự nhầm lẫn đáng tiếc này, chúng ta cần phải chọn cách đón Tết sao cho phù hợp chớ không mang nghĩa chối bỏ một cách phủ phàng và tự nghĩ rằng đó là cách sống văn minh.
Đến chùa cầu nguyện an lành đầu năm mới - Ảnh: Tu viện Tường Vân
Con người hôm nay bị tác động bởi lối sống thị trường và công nghiệp, nhiều ứng xử bị công thức hơn là cảm xúc thật từ trái tim. Hiệu ứng số đông đang chi phối cái nhìn của con người hơn là lý trí. Từ cái cười, cái chào hỏi hay cái bắt tay, thậm chí cái ôm hoặc món quà biếu tặng, nếu không xuất phát từ tấm lòng, trái tim, cảm xúc thật thì đó chỉ là giả tạo. Do đó, cũng dễ hiểu tại sao xã hội hôm nay con người ôm nhau nhiều, bắt tay nhau nhiều, tỏ vẻ lịch sự ân cần với nhau hơn nhưng sự đổ vỡ trong các mối quan hệ cũng nhiều hơn.
Vài năm về trước có những người đề nghị việc bỏ Tết ta, đã tạo nên những làn sóng phản ứng dữ dội của cộng đồng người Việt. Đừng để bị đánh lừa bài toán kinh tế của những người quá thực dụng xem nhẹ văn hóa, các giá trị truyền thống, làm nghèo nàn tình người, những phong tục đẹp mà cha ông chúng ta đã tạo dựng nên qua hàng ngàn năm. Trong những hoàn cảnh chiến tranh khó khăn gian khổ đến mức nào mà người Việt Nam ta vẫn còn đón Tết một cách khí thế, thì hôm nay sao lại không? Khi có tâm thì tất cả đều có thể. Đừng vì xu hướng số đông “ảo”, mà hãy ý thức gìn giữ những giá trị truyền thống, bởi đó là gia tài tinh thần, để làm nên nhân cách và bản sắc văn hóa trong thế giới hội nhập hôm nay.
Thích Phước Tiến