Tết Chol Chnam Thmay miền biên giới

GN - Tân Châu (Tây Ninh) là một huyện biên giới, có bốn xã Tân Hà, Tân Đông, Tân Hòa và Suối Ngô có đường biên giới với nước bạn Campuchia. Chính vì vậy mà các xã này có rất nhiều bà con người Khmer sinh sống, tập trung đông nhất là ở ba ấp Suối Dầm, Tầm Phô và Kà Ốt của xã Tân Đông.

cholchnamthmay (1).jpg

Đông đảo bà con từ các ấp đổ về chùa Kiri Sattray Meanchey đón Tết Chol Chnam Thmay

Năm nào cũng vậy, cứ vào khoảng giữa tháng Tư dương lịch là bà con nơi đây tổ chức trọng thể nghi lễ Tết cổ truyền của mình. Năm nay - 2018, Tết Chol Chnam Thmay được diễn ra trong ba ngày từ 14 - 16 tháng Tư dương lịch. Đây là dịp để bà con Khmer đón chào năm mới, tri ân tổ tiên, thực hiện nghi lễ Phật giáo và gia đình đoàn tụ vui vẻ sau một năm làm lụng vất vả.

Cách đây độ mươi ngày, tôi có dịp lên biên giới và ghé thăm các ấp của bà con Khmer. Già làng Lâm Phai của Tầm Phô cho biết năm nay bà con làm các vụ mía tưới và mì tưới coi bộ khá, nên nhà nào cũng chuẩn bị đón Tết khá sớm. Anh Sây, trưởng ấp Kà Ốt, cho biết năm nay ngoài việc thực hiện nghi thức Tết ở gia đình, bà con người Khmer bên các xã Tân Hòa và Tân Hà sẽ qua thực hiện nghi lễ Tết trên chùa Kiri Sattray Meanchay cùng với bà con của ba ấp của xã Tân Đông. Có nghĩa là năm nay Chol Chnam Thmay của miền biên giới Tân Châu sẽ diễn ra rất tưng bừng và hoành tráng. Không khí thật vui vẻ, những ngày trước Tết nhà ai cũng trang hoàng, quét dọn lại cho sạch sẽ, người lớn trẻ con đều sắm sửa quần áo mới theo trang phục truyền thống. Những người đàn ông thì đi tảo mộ ông bà và rước các Lục cầu siêu, cầu an. Vì bà con Khmer ở đây không có tục hỏa thiêu sau khi mất, mà chôn tập trung vào các nghĩa địa như người Kinh vậy. Những người phụ nữ thì lo chuẩn bị các vật dụng cho các nghi lễ trong ba ngày Tết và chuẩn bị các vật phẩm làm các loại bánh mứt cổ truyền như: bánh tét (num chruk hay num anhsom), bánh ít (num tiênh hay num kôm), bánh gừng (num khnhây - bánh làm bằng bột nếp pha với đường, nặn thành hình củ gừng rồi chiên cho vàng), bánh bò (num akâu) và các loại mứt…

cholchnamthmay (3).jpg

Các bạn trẻ tham dự biểu diễn các điệu múa cổ truyền

Tết Chol Chnam Thmay là một phong tục cổ truyền lâu đời của người Khmer, nhưng giờ hỏi ra nguồn gốc thì bà con ít ai nhớ. Vấn đề này Lục Thom cho biết nó vừa bắt nguồn từ truyền thuyết và cũng vừa từ thực tế cuộc sống. Truyền thuyết thì cho rằng: “Thuở xa xưa có một người tên là Dhammabal Palakumar, ông là một người cực kỳ thông minh có thể trả lời tất cả những câu hỏi, cho dù là câu hỏi khó nhất. Đại Phạm Thiên biết được rất tức giận, một hôm xuất hiện trước mặt Dhammabal Palakumar và đưa ra ba câu hỏi cực kỳ khó, đó là: “buổi sáng có thể tìm hạnh phúc ở đâu, buổi chiều và buổi tối thì tìm ở đâu?”; nếu không trả lời được thì sẽ bị Đại Phạm Thiên chặt đầu, còn nếu trả lời được thì Đại Phạm Thiên sẽ tự chặt đầu mình. Dhammabal Palakumar nghe xong rất buồn và đi vào rừng, đột nhiên ông nghe hai con chim đại bàng nói với nhau rằng: “vào buổi sáng hạnh phúc hiện diện ở trên mặt, buổi chiều ở trên thân thể và buổi tối thì nằm ở đôi chân” - đây chính là nguồn gốc tập tục người Khmer vào ngày Tết dùng nước thơm để rửa mặt buổi sáng, tắm rửa thân thể vào buổi chiều và rửa chân vào buổi tối. Ông trở về và đem câu trả lời đó đối đáp với Đại Phạm Thiên, thế là ngài chịu thua và phải tự chặt đầu mình. Đại Phạm Thiên có bảy người con gái, sau khi tự cắt đầu mình, ông đã giao cho người con gái thứ nhất đặt vào tháp, từ đó về sau, mỗi năm một lần, đúng ngày Đại Phạm Thiên tự sát, bảy cô con gái của ngài xuống trần, vào tháp bưng đầu lâu bốn mặt của cha đến núi Tu-di, đi theo hướng mặt trời vòng quanh chân núi ba lần. Mỗi năm một cô gái bưng một lần theo thứ tự ứng vào mỗi ngày trong tuần lễ. Ngày rước đầu lâu là ngày thiên hạ thái bình nên đó cũng là ngày đầu năm mới của người Khmer”. Còn về thực tế đời sống thì Chol Chnam Thmay là Tết đón năm mới, là lễ lớn nhất và được mong đợi nhất trong năm của người Khmer. Bà con đón Tết để đến chùa cầu nguyện mọi người trong gia đình được bình an, mùa màng trong năm mới được tươi tốt bội thu và cũng là dịp để thể hiện lòng hiếu kính đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ.

Chol Chnam Thmay 2018 diễn ra trong ba ngày (nếu gặp năm nhuận sẽ là 4 ngày). Ngày thứ nhất 14- 4 : Từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, có khi cả 12 giờ khuya, mọi người chọn ra một giờ tốt. Sau đó mọi người tắm gội sạch sẽ, ăn mặc đẹp và mang theo lễ vật vào chùa làm lễ rước Đại lịch, gọi là Maha Sangkran. Lễ này được vị Acha hướng dẫn, mọi người xếp thành hàng chỉnh tề và đi ba vòng quanh chánh điện của chùa Kiri Sattray Meanchey. Sau đó tất cả vào chánh điện làm lễ Phật, tụng kinh mừng năm mới đã đến. Khi đêm xuống, trai gái trẻ trong ấp đều tập trung về khu vực sân chùa để tham gia múa hát. Các điệu múa lâm thôn, dù kê… được họ biểu diễn thật uyển chuyển và tài hoa.

Ngày thứ hai 15 - 4: Buổi sáng, các gia đình Phật tử làm lễ dâng cơm cho các sư sãi. Tục này gọi là lễ “ Đặt bát”. Sau khi thọ thực, các nhà sư đáp lại bằng lễ tạ ơn cho những người làm ra hạt thóc, cũng như đưa những vật thực đến những linh hồn thiếu đói chưa được siêu thăng, tiếp theo là chúc phúc cho các Phật tử. Buổi chiều, bà con các ấp tập trung làm lễ đắp núi cát. Mọi người tìm cho mình số cát sạch đem đến chùa, theo chỉ dẫn của vị Acha, tất cả những người có mặt sẽ đắp thành tám ngọn núi nhỏ ở tám hướng và một ngọn lớn ở chính giữa. Núi cát là tượng trưng cho vũ trụ và núi thứ chín ở giữa là trung tâm của thế giới. Tiếp theo là phần lễ quy y cho núi, đến ngày hôm sau thì làm lễ xuất thể.

cholchnamthmay (2).jpg

Các trò chơi truyền thống

Ngày thứ ba 16 - 4: Lễ tắm tượng Phật, tắm sư. Buổi sáng, sau khi dâng cơm sáng cho các sư, mọi người tiếp tục nghe thuyết pháp về những vấn đề nhân quả, tội phúc, làm lành lánh dữ. Buổi chiều, mọi người bắt đầu đốt nhang đèn, dâng các lễ vật và đem các bình nước có ướp hương hoa thơm đến tắm tượng Phật - biết ơn và tưởng nhớ Đức Phật đồng thời gột rửa mọi điều không may của năm cũ, bước sang năm mới, mọi sự như ý, vạn sự tốt lành. Đầu tiên thực hiện nghi lễ này là vị sư cả, tiếp theo là các vị Tỳ-kheo rồi đến các Sa-di, cuối cùng là các Phật tử tại gia. Sau đó tắm cho các vị sư cao niên. Sau khi hành lễ tại chùa, mọi người thỉnh các nhà sư tới nghĩa trang, để thực hiện lễ cầu siêu cho linh hồn của ông bà tổ tiên và những người quá cố. Xong, ai về nhà nấy, làm lễ tắm tượng Phật tại nhà riêng của mình, dâng cỗ lễ chúc phúc cho ông bà cha mẹ, xin tha thứ những thiếu sót, lỗi lầm năm cũ, sang năm mới mọi người sẽ phấn đấu để cuộc sống tốt đẹp hơn, tiến bộ hơn về mọi mặt.

Sau ba ngày Tết, bà con người Khmer ở các ấp, xã biên giới lại tiếp tục cuộc sống thường nhật. Tất cả họ trở về với công việc đồng áng, buôn bán và đặc biệt là vào mùa vụ mới. Tết Chol Chnam Thmay là một nghi lễ, một phong tục đẹp của bà con Khmer. Tết này gắn chặt với nhiều nếp sống của cư dân nông nghiệp lúa nước ở vùng Đông Nam Á nói chung và dân tộc Khmer nói riêng. Đặc biệt hơn là nó luôn song hành với nghi lễ của Phật giáo Nguyên thủy trong suốt mấy ngàn năm qua.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.