Tết, bạn trẻ thường làm gì?

GN - Các bạn trẻ ở những miền quê khác nhau có những cách đón Tết theo đặc thù vùng miền, với các bạn - Tết là dịp để sum họp gia đình, gặp gỡ và tri ân. Và ngày Tết với các bạn, không thể thiếu nét văn hóa tâm linh của người Việt bao đời: đi chùa đầu năm!

_MG_3319.jpg


Người trẻ đi lễ chùa đầu năm - Ảnh minh họa

Bạn Nguyễn Ngọc Ánh nói, ở xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, Tết quan trọng nhất là“bữa cơm thân mật họp mặt gia đình”. Ánh bày tỏ dù có làm ông nọ bà kia, có đi đâu xa thì bữa cơm họp mặt gia đình là quan trọng nhất - là dịp những người làm cha làm mẹ mong ngày được đoàn tụ con cháu. Ở quê Ánh lớp trẻ đa số đi làm xa, lập gia đình ở Sài Gòn… nên bố mẹ chỉ trông chờ Tết để đoàn tụ con cháu.

Về Tết quê, Ánh chia sẻ, với đặc thù làm thuê, làm mướn và làm rẫy, nên ở đây gần đến ngày mới chuẩn bị. “Riêng tôi, mùng một Tết nhất định phải lên chùa thắp hương, lễ Phật, sau đó sẽ tổ chức cho các em nhỏ gần chùa đi thăm viếng các ngôi chùa ở Lộc Châu rồi mới đến chúc Tết họ hàng, bạn bè và đi chơi lòng vòng quanh xóm. Đến mùng 3 thường là hết Tết”.

Còn bạn Đỗ Quế Chi - Trưởng nhóm thiện nguyện Hoa Sala-C, quê Bến Tre, vừa tổ chức chuyến tặng quà Tết tại Phú Yên về, đã chia sẻ: “Năm nào tôi cũng đi tặng quà Tết trước khi về quê”. Sở dĩ có “tục” đó vì theo Chi, ngày xưa cũng từng đi nhận gạo, nhận học bổng, nhận từng cái quần, cái áo nên thấy cần trả ơn cuộc đời.

Bạn Chi cho biết, rất thích cảm giác trước Tết: tất bật chuẩn bị đồ cúng, bông hoa, trái cây chưng và đi thăm họ hàng trước Tết - để gởi bánh và trà. Còn những ngày Tết đi thăm ông bà, đi thăm thầy cô, họp lớp... Với Chi “Tết là dịp để sum họp gia đình - đầy đủ các thành viên”.

Tết ở nhà và quê Chi có gì đặc biệt? “Ở nhà tôi không cúng giao thừa mà chỉ làm mâm cơm rước ông bà ngày 30. Trong đêm giao thừa, mở tivi coi bắn pháo hoa với gia đình. Người trẻ thì kéo đi coi bắn pháo bông ở trên huyện. Hồi trước vui hơn, người ta nấu bánh tét hoặc làm bánh phồng nhưng sau này thấy toàn ra chợ mua”.

Bạn cười bày tỏ, “giờ tôi cũng thấy hơi sợ Tết vì đi đâu ai cũng hỏi bao giờ lấy chồng? Và trong mấy ngày nghỉ Tết chỉ có mấy cái hội chợ hát inh ỏi suốt ngày”.

Thầy giáo Nguyễn Phi Long dạy kỹ năng sống tại Hải Phòng, nhà ở Hải Dương, thì cho biết, như mọi người ở quê, sẽ đi chợ, đến cửa hàng mua sắm đồ Tết, mua hoa, đi tảo mộ và thắp hương mời ông bà tổ tiên về ăn Tết.

Chiều 30 cúng tất niên, sau đó anh Long và thanh niên trong xóm lên chùa thắp hương lễ Phật chờ xem pháo hoa và về nhà nghỉ ngơi. “Ở đây người ta lên chùa thắp hương từ 11g đêm giao thừa đến hết buổi sáng mùng một, nên ở chùa lúc nào cũng đông vui nhộn nhịp, các thầy thì tụng kinh cầu an cho mọi người…”.

Anh Phi Long kể, sáng mùng một, nhà thường làm cỗ cúng, sau đó cả nhà lên chúc Tết ông bà ngoại, trở về nhà đón khách đến thăm và đi chúc năm mới những họ hàng khác. Mùng 2 cả gia đình tập hợp về chúc Tết bà nội. Mùng 3 thì cùng nhóm bạn đi chúc Tết thầy cô giáo cũ, ghé nhà nhau chơi, hỏi thăm sức khỏe.

Với anh Phi Long, “Tết là dịp để về bên gia đình, người thân, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên, sau những tháng ngày vất vả mưu sinh. Cũng là dịp để nghỉ ngơi, ấm áp tình thân”.

Anh Long cho biết thêm, ở quê anh có nhiều lễ hội, thường thì mọi người hay rủ nhau đi chùa Hương, Bái Đính, Yên Tử, Ba Vàng lễ Phật cầu bình an trong một năm. Ngoài ra, có thể tham gia các lễ hội khác như hội Lim (từ 13 tới 15 tháng Giêng), hội làng vào mùng 6 Tết.

Là sinh viên Đại học Sư phạm TP.HCM, quê ở huyện Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu, bạn Trần Thị Kim Ánh chia sẻ, trước Tết bạn thường dọn dẹp nhà cửa - mất gần một tuần; đến 29, 30 thì đi chợ phụ mẹ chuẩn bị một số món ăn trước Tết như làm măng, phụ gói bánh, chuẩn bị tất niên và cả… đi ăn tất niên nhà bà con.

Đêm 30 đón giao thừa cùng gia đình xong Kim Ánh nói thích nhất là đi chùa lễ Phật và hái lộc đầu năm. Riêng sáng mùng một Tết, sau khi đặt bánh kẹo, trà nước, thắp nhang lên bàn thờ tổ tiên, sẽ tiếp tục đi chùa lễ Phật, đi chúc Tết nội ngoại, họ hàng. Mùng 2 ở nhà đón khách, còn mùng 3 đi chúc Tết nhà thầy cô và bạn bè, những ngày sau đó bạn Ánh thường thì đi chơi cùng với bạn bè hoặc gia đình.

Đến chùa dịp Tết bạn Ánh có mong muốn gì? “Tôi thường cầu cho gia đình bình an, ba mẹ khỏe mạnh. Cầu Phật gia hộ chúng sanh bớt khổ, cầu cho nhiều người biết tới Phật pháp hơn. Và cầu cho mọi người khỏe mạnh, cầu cho mình biết suy nghĩ đúng đắn và có động lực cố gắng hơn”.

Theo Kim Ánh: “Tết là dịp để nhiều người đi làm xa về với gia đình, một sự khởi đầu năm mới, sự chúc nhau may mắn bình an trong cuộc sống. Cũng là thời điểm mà mọi người tiêu xài thoải mái nhất năm”.

Cùng suy nghĩ đó - “Tết là đoàn viên sum vầy, được ở bên gia đình là Tết” - anh Đỗ Tiến Nghi làm việc tại Hội Chữ thập đỏ TP.Quy Nhơn (Bình Định) khẳng định với Giác Ngộ. Anh cho biết, mấy ngày gần Tết chủ yếu ở nhà dọn dẹp, sửa soạn lại nhà cửa: “Tuy nhà có 4 người mà ai cũng bận đi làm, đi học nên dù ở cùng nhưng ít gặp nhau; mẹ làm tới 30 mới nghỉ nên hầu như do tôi dọn là chính”.

Tối giao thừa anh Nghi ở chùa cùng các bạn trẻ làm chương trình hái lộc, sáng mùng một lại cùng gia đình về chùa lễ Phật đầu năm, chúc Tết quý thầy, sư cô và đi thăm nội, ngoại, họ hàng. Mùng 2 tiếp tục về chùa lễ tổ, lễ bổn sư, chúc xuân quý anh chị trong Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử tỉnh và đơn vị. Những ngày sau sẽ thăm bạn bè, thầy cô, họp lớp. Đó là lịch trình khép kín dịp Tết của anh Nghi.

Còn Nguyễn Khoa Tiến, lớp 12, Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM) kể, ngoài dọn dẹp trước Tết thì bắt đầu 29, ở nhà bạn thường chuẩn bị món ăn Tết, đêm 30 rước ông bà về ăn Tết.

“Tối giao thừa em sẽ phụ nhà cúng kiếng, đúng 12g em sẽ đi chùa cầu mong cho gia đình năm mới tốt lành nhiều an vui và xin lộc đầu năm”.

Ngoài ra, lịch trình tiếp theo là: mùng một đi chúc Tết họ hàng, mùng 2 cùng gia đình đi chùa, mùng 3 thường thì cả nhà tổ chức đi ăn.

Tiến cho biết, Tết chỉ ở nhà chơi với mẹ, do mẹ đi làm xa nên ít khi về nhà. Tiến cũng dành thời gian đi chơi với bạn nhưng chỉ trước Tết. Với bạn, “Tết là ngày được nghỉ ngơi và làm những gì mình chưa hoàn thành. Tết là ngày đoàn viên được về với gia đình nên em luôn muốn dành thời gian cho gia đình mình hơn”.

Như Danh

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.