Tất cả pháp môn tu đều là Phật pháp

GN - Trong nhiều thời kỳ ở nước ta đã có nhiều vị cao tăng thọ trì kinh Pháp hoa, có lúc Phật giáo được phát triển ở bề nổi, cũng có lúc các bậc cao đức âm thầm truyền bá kinh Pháp hoa.

Chúng ta hiểu kinh Pháp hoa thế nào và thọ trì kinh này cách nào cho đúng. Tôi muốn nhắc nhở Tăng Ni, Phật tử ý này để quý vị giữ được hột giống lành cho đến ngày thành Phật.

DucPhat.jpg

Giáo lý Phật thường được chia ra ngũ thời và bát giáo. Trong ngũ thời, thời đầu tiên là thời A-hàm được Phật thuận thế nói ra, nghĩa là Ngài tùy hoàn cảnh, tùy người mà thuyết pháp giáo hóa thích hợp để giúp họ được lợi ích, an vui, giải thoát. Vì vậy, kinh A-hàm mà Phật dạy rất gần gũi với cuộc sống của chúng ta. Nhưng có người chấp kinh này quan trọng nhất của Phật. Vì chấp kinh Nguyên thủy là chính, nên họ thấy các pháp khác thuộc ngoại đạo, tà giáo. Khi phân ra ta là chính, người khác là tà, quan niệm như vậy được không.

 Nói Phật là chính, ta là tà thì còn chấp nhận được, vì Phật đã sạch nghiệp hoàn toàn, không còn tham giận và việc gì Ngài cũng thấu suốt. Còn chúng ta chưa đến đâu mà tự nhận mình là chính, người khác là tà, như vậy rõ ràng đã phạm tội tăng thượng mạn, tất nhiên không thể giải thoát.

Nếu nói ta là chính, thì ai công nhận chúng ta là chính. Chư Phật công nhận chúng ta là chính, nhưng thật sự Phật có công nhận như vậy hay không, làm thế nào biết được.

Trước hết cần căn cứ trên thực tế để chúng ta phân biệt đúng sai, từ đó đi lần vào đạo. Nếu chúng ta không được quần chúng công nhận, tức là chúng ta đã sai, không tu hành được và cũng không phát triển được. Một số Tăng Ni, Phật tử chấp pháp sai lầm, dẫn đến kết quả làm cho Phật pháp suy đồi. Chúng ta dở, chúng ta tà mà không biết mình dở, mình tà, cứ nghĩ mình là chính. Bước theo dấu chân Phật, không được phép như vậy nữa, phải tự kiểm tra, xét coi mình sống đúng lời Phật dạy hay không.

Nếu sống đúng lời Phật dạy, trước nhất, chúng ta phải được quần chúng công nhận. Tuy nhiên, muốn được họ công nhận, chúng ta phải tùy thuận thế duyên. Nhưng tùy thuận thế duyên chỉ là phương tiện mà thôi. Cuộc đời nghĩ như thế, làm như thế, chúng ta cũng phải nghĩ theo, làm theo như vậy cho phù hợp. Cách nghĩ và làm theo quan niệm chung là tồn tại trong thế gian, trong lòng người. Người nghĩ sao, làm sao, chúng ta cũng vậy thì tồn tại, phát triển được, là điều thứ nhất mà tôi nhắc nhở Tăng Ni, Phật tử.

Thứ hai là được chính quyền hay luật pháp công nhận. Việc của chúng ta phải đúng pháp luật. Pháp luật gồm có Hiến pháp và luật pháp. Hiến pháp là quy định chung, luật pháp thì có nhiều bộ luật khác nhau như Luật Đất đai, Luật Hình sự, Luật Hôn nhân gia đình… Nếu chúng ta không vi phạm bất cứ điều luật nào, tất nhiên được chính quyền bảo vệ.

Sống đúng luật pháp thế gian như vậy, nên chính quyền không thể buộc chúng ta vào tội nào; nhờ đó, mới được an tâm tu niệm. Tăng Ni, Phật tử nên suy nghĩ làm sao để được quần chúng và luật pháp công nhận là cái đúng của chúng ta trên thực tế cuộc sống nhân gian.

Kinh nghiệm tu hành của tôi khởi điểm cũng từ ý thức như vậy. Nhờ tuân thủ luật pháp, được bình yên, mới có thì giờ tu hành theo Phật dạy, có suy nghĩ hướng thiện theo đạo. Đó là bước thứ hai mà chúng ta đi tới, mọi việc của chúng ta đều ở trong Chánh pháp của Phật.

Trên bước đường tu hành, Phật dạy điều cốt lõi là làm sao cho tâm hồn chúng ta được trong sáng, nghĩa là làm cho hết sạch phiền não, làm cho trí tuệ sinh ra. Thật vậy, tu bất cứ pháp nào cũng được, nhưng phải làm tâm chúng ta trong sáng. Từ ý này, Phật mở ra 84.000 pháp môn tu, hay tất cả pháp đều là Phật pháp. Đầu tiên vào đạo, chúng ta phải nhận ra ý này. Nếu chúng ta có suy nghĩ như thế, tâm hồn như thế, tự nhiên chúng ta xóa được dị kiến sẽ không thấy sai biệt giữa vị Tăng này với vị Tăng khác, giữa chùa này với chùa khác, giữa Giáo hội này với Giáo hội khác; thậm chí thấy rõ tất cả tôn giáo tồn tại trên thế gian đều là Phật pháp. Vì Đức Phật đã dạy như thế trong kinh điển Đại thừa. Đức Phật là Thầy của trời người, là cha lành của muôn loài. Khi Đức Phật xuất hiện ở Ấn Độ đã có 94 thứ đạo; nhưng lần hồi họ đã trở về với Phật, tôn kính Ngài như vị Cha lành, là vị Thầy khả kính đã hoàn toàn giải thoát.

Nhưng Phật nhập Niết-bàn, đệ tử Ngài chưa đắc đạo, nên sử dụng pháp sai lầm, áp đặt người khác, làm sao họ nghe, tin theo, chấp nhận được. Người đắc đạo thì dùng đức, dùng đạo để cảm hóa. Người chưa đắc đạo dùng quyền thế, dùng áp lực buộc người theo. Phật giáo chúng ta không thể tồn tại dưới hình thức bắt buộc, vì tất cả chúng ta khi trở thành Phật tử đều phát xuất từ tinh thần tự nguyện, tự giác. Chúng ta tự xin làm đệ tử Phật, xin được nương theo Tam bảo để tu hành, không ai bắt chúng ta làm vậy cả. Chúng ta tự nguyện theo Phật, vì thấy Ngài cao cả; tự nguyện tu học giáo lý của Ngài vì thấy giáo pháp trong sáng vô cùng, giúp ích cho chúng ta rất nhiều và tự nguyện nương theo sự dẫn dắt của các vị tu hành sáng suốt, đáng kính.

Chưa bao giờ và không bao giờ có sự ép buộc, áp đặt người khác phải tuân thủ giáo pháp của Phật. Từ nghìn xưa cho đến ngày nay và mãi đến nghìn sau, đạo Phật luôn chủ trương cộng tồn, cộng hữu. Đạo Phật chúng ta phát triển khắp năm châu bốn bể cho đến ngày nay cũng nhờ tỏa sáng tinh thần cộng tồn của muôn loài trong trời đất. Chính vì vậy mà giáo lý Phật mở rộng, có đến 84.000 pháp môn tu khác nhau. Nếu chúng ta  ý thức sâu sắc như vậy sẽ nhận thấy người theo bất cứ pháp tu nào, kể cả theo bất cứ tôn giáo nào, đều dẫn họ đến Phật đạo. Nhận thức như vậy, chúng ta dễ cởi mở và được giải thoát.

Thiết nghĩ chính tinh thần đặc sắc có một không hai như vậy của đạo Phật, nên đa số người phải công nhận đạo Phật là tôn giáo của thế kỷ XXI có khả năng dung thông, hòa giải một cách tốt đẹp mọi bất đồng, xung đột của nhân loại. Các tôn giáo mang tư tưởng cực đoan không thể nào phát triển được ở thế kỷ này.

Muốn tồn tại, tất yếu phải mở rộng lòng, chấp nhận được người khác. Người tu Thiền không chấp nhận người tu Tịnh độ hay ngược lại người tu Tịnh độ không thích người tu Thiền, tuy không nói ra nhưng trong lòng chống nhau là đã phạm sai lầm lớn. Người tu bất cứ pháp môn nào trong đạo Phật hay ngoài đạo Phật, thì ít nhất cũng đã có niềm tin hướng đến thánh thiện và niềm tin này sẽ từng bước giúp họ làm những việc tốt cho họ và cho mọi người. Tôi muốn nhắc nhở Tăng Ni, Phật tử ý thức sâu sắc tinh thần này để xây dựng đạo Phật đúng nghĩa ngõ hầu Phật giáo tồn tại và phát triển ở thế kỷ XXI.

Ngày nay Phật giáo chúng ta có điều kiện phát triển, vì được luật pháp bảo hộ; nên chúng ta mới có được một Giáo hội duy nhất, nhưng trong đó tất cả pháp môn tu vẫn tồn tại và phát triển. Tăng Ni, Phật tử phải thấy rõ điểm đặc biệt này.

Mỗi người có hoàn cảnh riêng, mỗi địa phương có cách sinh hoạt khác nhau. Cần áp dụng những gì thích hợp với hoàn cảnh chúng ta, với sinh hoạt địa phương của chúng ta để người người thăng hoa trí tuệ và đạo đức, nơi nơi đều phát triển được đạo pháp.

Hôm nay, tôi gặp một thầy ở ngoài bến đò. Thầy này nói với tôi rằng tỉnh Tiền Giang có sông nước mênh mông, đẹp lắm. Nếu có thì giờ, ngồi trên ghe chạy một vòng đảo này đến bến Mỹ Thuận, dù là ban ngày hay ban đêm cũng thấy cảnh đẹp vô cùng. Vị này tu không biết đến đâu, nhưng ông nhìn thấy cảnh đẹp là tốt rồi.

Thật vậy, nếu chỉ thấy toàn là xấu chắc chắn đi vào ba đường ác. Người mà tấm lòng họ đen tối, thù hận không thể thấy cái đẹp được. Phát xuất từ tâm hồn đẹp, mới thấy mọi thứ bên ngoài đẹp và cái đẹp này lại tác động vào tâm giúp cho sinh hoạt của họ tốt đẹp thêm nữa. Tôi nghĩ Phật tử ở Tiền Giang có điều kiện tu tốt mà người ở thành phố Hồ Chí Minh không có được. Tôi ở thành phố Hồ Chí Minh chỉ thấy nhà cửa, xe cộ và bụi bặm. Theo tôi, vị thầy nọ biết thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên và từ tâm hồn đẹp này mà đi lần vào đạo.


Thầy này cũng nói với tôi rằng tối hôm qua ông đi đám ma về. Vì mệt và đường nhỏ hẹp, không thấy đường, nên chạy xe Honda bị rớt xuống sông. Vậy mà sáng nay, vị này cũng đã về chùa để dự lễ giỗ Tổ và nghe pháp; đó là điều vô cùng quan trọng.

Nếu người còn tham lam, ích kỷ sẽ không chịu đi đám khi trời tối, nguy hiểm; nhưng thầy này nghe có người qua đời thì sẵn lòng đi hộ niệm, không quản ngại ngày hay đêm, không sợ khó, khổ, chỉ nghĩ mang niềm vui cho người khác. Người có tâm hồn như thế mới tới với đạo được. Người tụng nhiều bộ kinh chưa chắc có tâm hồn Đại thừa như vậy. Có tâm hồn Đại thừa là khi người nghĩ đến mình, nhờ mình, mình sẵn sàng dấn thân giúp đỡ, không sợ nguy hiểm. Thầy này sẵn sàng hộ niệm, làm vui lòng người sống và tụng kinh để gợi ý cho người chết nghĩ đến Cực lạc, thiên đường hay Niết-bàn. Như vậy là đã mở ra con đường cho người quá cố đi tới, vì họ bị nghẽn lối, không thấy đường đi. Thầy tu khai thông con đường tâm linh cho họ. Ta tụng kinh, người nghe đồng cảm, huệ được mở sáng và linh hồn họ nương theo con đường của Phật mà về thế giới Phật.

Việc làm vô tâm, vô tư, làm đạo như vậy có công đức lớn. Xe bị rớt xuống sông không quan trọng, nhưng về lễ Tổ, nghe pháp; coi pháp quý hơn thân mạng, tài sản mình thì người đó vào đạo được. Đối với người tu, vật chất là phụ, tinh thần mới là chính. Mất vật chất, ta có thể có cái khác; nhưng đánh mất tinh thần cao quý thì đọa.

Đức Phật dạy rằng Phật pháp khó gặp, khó nghe, khó hiểu, khó chứng nghiệm. Bước đường hành đạo của chúng ta từ xưa cho đến ngày nay và mãi đến nghìn sau, tôi nghĩ những người thật tâm cầu đạo nghe nơi nào có Phật pháp đều sẵn sàng dấn thân tìm học. Riêng tôi, từ năm 12 tuổi xuất gia, nghe nơi đâu có pháp sư giỏi, tôi đều tìm học, ứng dụng trong cuộc sống tu hành. Nhờ đó mới khai thông trí tuệ, không phạm sai lầm trên bước đường tu và đạt được thành quả như ngày nay.

Phật nhắc chúng ta rằng giáo pháp quý hơn sinh mạng. Ta sống với Chánh pháp, mất sinh mạng này còn có sinh mạng khác tốt hơn. Còn mất sinh mạng rồi mà không có Chánh pháp dẫn đường thì không biết về đâu, lang thang trong ba đường ác.

Tuy lời nói đơn sơ của thầy mà tôi không biết tên, nhưng làm tôi vô cùng cảm xúc. Xe mất còn kiếm lại được, nhưng nghe pháp thì chỉ có sáng nay; qua thời gian này, không có nữa. Người học đạo cầu pháp mà biết quý trọng pháp, tôi tin tưởng việc tu hành của họ sẽ đạt kết quả tốt.

Có tâm hồn cầu đạo, hành đạo như thế thì tâm hồn này hợp với tâm hồn lớn của Phật và Bồ-tát, sẽ tiếp nhận được lực của các Ngài gia bị, làm cho trí tuệ phát sinh, giúp cho hoàn cảnh sinh hoạt của chúng ta tốt thêm. Người thường quan niệm rằng giàu hay nghèo đều có số. Phật tử không nghĩ như vậy, mà ý thức rằng nghèo khổ là do ác nghiệp đời trước đã tạo ra. Người giàu có là nhờ thiện nghiệp họ đã tạo.

Tất cả gì tốt xấu của chúng ta hôm nay đều do việc làm mà chúng ta đã tự tạo trong đời quá khứ và tất cả gì ta làm trong hiện tại sẽ tập hợp thành tương lai của chúng ta. Quá khứ và tương lai ai cũng có, nhưng không tách rời hiện tại. Nhìn hiện tại của một người, ta biết quá khứ của họ. Đời trước hung dữ, tham lam, ác nghiệp quá khứ này sẽ hiện rõ trong hiện tại, nhìn cử chỉ, nghe lời nói, thấy hành động là biết ngay họ ác. Ác này do thân, khẩu, ý nghiệp tạo từ quá khứ và hiện tại nếu tiếp tục làm việc ác sẽ gặt hái quả báo không tốt trong tương lai.

Nhưng nay gặp được Phật pháp, nghe được lời Phật dạy, tất cả ác nghiệp quá khứ, chúng ta ngăn chặn không cho phát triển; đó là tu. Ai làm vậy, tương lai sẽ tốt lần. Tu học theo Phật, tôi học điều này trước. Tất cả quả xấu chúng ta phải gánh chịu hôm nay, không cho sanh khởi nữa. Gặp hoàn cảnh xấu, chúng ta không oán trời trách đất, chỉ tự trách ta vụng đường tu. Tại chúng ta  tu không đúng hay chưa tu trong quá khứ, nên mới khổ như vầy. Nay không tạo việc ác nữa, tương lai chúng ta phải sáng lần và tốt hơn nữa là nên tạo thiện nghiệp. Còn hận đời vì nghèo, dở, dốt; thấy người giàu, giỏi, đẹp thì ghét và tìm cách hại, nói xấu họ; nhưng làm vậy, chúng ta được gì. Theo Phật dạy, điều chỉnh sai lầm này, chúng ta phải tu cho được.Tu bằng cách nào.

Riêng tôi, mỗi ngày lạy hồng danh sám hối, 108 lạy. Tôi tâm đắc câu “Con xưa đã tạo bao ác nghiệp, đều do vô thỉ tham, sân, si, từ thân khẩu ý mà gây nên, tất cả con nay xin sám hối”. Đọc câu sám hối này mà rớt nước mắt. Nghèo đói, không có cơm ăn, áo mặc, bệnh hoạn mà không có thuốc uống, bị người khinh khi, ghét bỏ… Tất cả những gì xấu xa, bất hạnh bao phủ lên chúng ta đều do ác nghiệp đời trước. Với lòng thành khẩn như vậy, lạy Phật xin sám hối. Nhờ nương đức hạnh của Phật mà tu hành, từng bước tôi khá lên được, thì nhìn thấy mọi việc thay đổi kỳ diệu. Thật vậy, những người có học, có tiền, có sức khỏe mà tôi không bằng họ, nhưng họ lại gọi tôi là thầy. Khác với trước khi nương theo Phật, chưa mặc áo xuất gia, chưa cạo tóc, họ gọi tôi là thằng. Tôi phát hiện rằng nhờ nương Đức Phật mà người nghĩ mình là Phật. Một số huynh đệ thấy vậy, tưởng mình là thầy thiệt, tha hồ hưởng thụ sự cung kính của người khác.

Tôi rất sợ sự cung kính, nhờ theo học với Hòa thượng Trí Đức, Hòa thượng Thiện Hòa là những bậc chân tu. Các ngài sợ người cung kính cúng dường. Hòa thượng Trí Đức nói rằng mình tu cực khổ, họ chỉ lạy mình ba lạy là lấy mất công đức. Người cung kính mình phải nỗ lực tu cao hơn thì còn cứu vãn được. Hưởng thụ sự lễ bái của người, mất hết công đức, Phật không hộ niệm nữa, người khác không coi ta là người tu.

Quan trọng nhất là bước khởi đầu, chúng ta nương vào đức của Phật để phát triển đức hạnh của chính mình, nghiệp chúng ta sẽ hết, đức hạnh chúng ta sẽ hiện ra.

Sám hối tiêu nghiệp rồi, chúng ta nghĩ thêm là nếu ở đây ăn suốt đời thì được gì. Vì vậy, phải cố gắng làm cái của ta. Ví dụ như thầy nọ nhờ mặc áo Phật, nên người tìm đến, nhờ thầy tụng kinh hộ niệm cho họ, thầy tạo thêm được công đức. Giúp đỡ người, làm an lạc cho người là tu. Nương vào Phật mà làm cái cho ta là từng bước tu hành có thay đổi tốt. Nhưng nương Phật mà không biết tự phát triển mình, một thời gian sau không còn chỗ nương thì sống ra sao. Thực tế cho thấy nhiều người nhờ sống với thầy có đức lớn, cuộc sống dễ dàng, nhưng thầy tịch rồi, cuộc đời họ xuống lần. Đi đúng đường, thầy tại thế, nương thầy để phát triển công đức của ta và thầy vào Niết-bàn thì thay thế được thầy để gánh vác Phật sự.

Ngoài ra, chúng ta làm được nhiều việc, nhưng giấu kín công lao mình để đức hiện ra. Lúc ấy, người thấy ta là thấy đức, không phải thấy việc của ta. Chúng ta tu hành, làm lợi ích cho chúng sanh thật nhiều, nhưng không để cho người thấy thành quả ấy. Họ kính trọng ta vì thấy đức hạnh của ta. Được như vậy là đúng đạo lý.

Thật vậy, Phật dạy rằng Bồ-tát làm đạo, cứu độ vô số chúng sanh, nhưng không bao giờ nói là Ngài cứu chúng sanh, mà chính chúng sanh tự nói là nhờ Bồ-tát cứu họ. Tôi vượt qua bao nhiêu ách nạn, hiểm nguy và tin rằng đó là nhờ Bồ-tát Quan Âm cứu giúp, Quan Âm không nói, không đòi trả ơn. Bồ-tát làm tất cả cho chúng sanh và chúng sanh không bao giờ biết các ngài đã giúp đỡ.

Chúng ta thử làm sẽ nhận ra ý này. Giả sử ta giúp người tiền để làm vốn buôn bán, nên họ khá giả. Ta kể công thì họ cám ơn ta, nhưng chắc chắn lòng họ không vui. Tuy nhiên, ta giúp mà không nói cho ai biết, chỉ âm thầm chắp gối cho người tiến xa. Như vậy, họ sẽ quý trọng ta hơn và nhớ ơn mãi. Tôi nhắc Tăng Ni, Phật tử hành Bồ-tát đạo, cứ âm thầm làm việc lợi ích cho người, cho đời. Chúng ta không tiếc gì, công đức của chúng ta đối với người thọ ơn không bao giờ mất và đối với Phật càng lớn hơn nữa, vì chúng ta đã tiếp tục sự nghiệp của Ngài, tỏa sáng Chánh pháp trên thế gian này.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.