Tăng Ni trẻ thuê nhà trọ đi học: Gian nan trăm ngả - Kỳ cuối: Loay hoay tìm một lời giải đáp

Giác Ngộ - Trong mỗi kỳ họp thường niên của Trung ương Giáo hội, vấn đề TNS ở trọ đi học tại các trường Phật học TP.HCM vẫn là vấn đề “nóng” được đưa ra và các ngành chức năng của Giáo hội (GH) vẫn chưa có động thái tích cực để giúp đỡ TNS.

Hiện nay, tình trạng TNS ở nhà trọ đi học vẫn còn. Khi viết bài cuối của loạt bài này, nhóm phóng viên chúng tôi cảm thấy hết sức khó khăn bởi lẽ hầu hết những vị đại diện các ngành liên quan của GH đều tránh né vấn đề này. Đã đến lúc, chư tôn túc nên có hành động tích cực nhằm giúp đỡ TNS và cần đưa họ vào nề nếp tu học trong một môi trường ổn định và an lạc hơn.

>>> Kỳ 3: Giải pháp nhà trọ - Cuộc “chịu lửa để thử vàng”…

IMG_5623.JPG
Khu Tăng xá dành cho Tăng sinh
Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế - ảnh: Trí Năng

Trăn trở về một Tăng - Ni xá

So với các tỉnh, thành trong cả nước, TP.HCM là nơi có đông đảo Tăng Ni trẻ đến học Phật học và hiện tượng TNS ở nhà trọ cũng là vấn đề nổi cộm tại đây. Đây là một thực tế, vì thế cần có giải pháp cho vấn đề này, không thể thả nổi được.

Phát biểu trong một hội thảo chuyên đề về Tăng sự gần đây nhất, HT.Thích Trí Quảng - Trưởng BTS THPG TP.HCM đã từng thừa nhận trong 2 thập niên trở lại đây, Tăng Ni trẻ phát triển khá nhanh về số lượng, nhưng chưa có sự chuẩn bị thống nhất trong tiếp nhận, nên đã làm nảy sinh một số vấn về quản lý mà chưa có giải pháp triệt để. Hòa thượng cũng cho biết, hiện TP.HCM đang là địa phương hội tụ nhiều Tăng Ni trẻ theo học các chương trình Phật học cũng như thế học. Số lượng Tăng Ni trẻ xây dựng am, cốc, ra ở nhà ngoài để sinh hoạt tự phát có chiều hướng gia tăng. Từ đó, Hòa thượng đề nghị cần đưa họ về với “cộng đồng Tăng Ni”để cùng tu tập và thuận lợi cho công tác quản lý nhằm ổn định đạo phong, đạo hạnh của Tăng Ni và giữ vững niềm tin nơi Phật tử tại gia. Lời đề nghị tâm huyết này của lãnh đạo BTS THPG TP đã hơn một năm trôi qua nhưng vẫn chưa thấy sự chuyển biến trên thực tế.

TP.HCM có lẽ cũng là một trong những địa phương tổ chức khá nhiều hội thảo chuyên đề Tăng Ni, tự viện và việc tìm giải pháp cho tình trạng Tăng Ni ở trọ ngoài tự viện luôn được ưu tiên hơn cả. Có biết bao ý kiến được nêu ra mà phần lớn đều nhấn mạnh ý nghĩa của việc xây dựng một Tăng xá nhằm giúp đỡ Tăng Ni yên tâm tu học. TT.Thích Trí Hải, Chánh ĐDPG Q.6 trong lần Hội thảo Tăng Ni, tự viện năm 2010 đã khẳng định: “Phật giáo TP.HCM cần có kế hoạch đầu tư xây dựng một ký túc xá tầm cỡ để giải quyết tình trạng TNS ở nhà dân. Song song đó, đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, tạo điều kiện cho Tăng Ni theo học các trường đại học chuyên ngành trong và ngoài PG để đáp ứng nhu cầu nhân sự cho các ban ngành, cơ quan nghiệp vụ, hành chánh của GH”.

Tuy nhiên, tất cả những ý kiến cũng chỉ là lời phát biểu hoặc nằm trên giấy tờ, chỉ đánh động trong phòng nghị sự mà vẫn chưa hề có một động thái cụ thể nào trong thực tế. Bao nhiêu lần hội thảo được tổ chức là bấy nhiêu lần vấn đề Tăng xá được nêu ra rồi… “chìm” vào quên lãng. Phật giáo TP.HCM vẫn cứ “loay hoay” về nội dung này dù trên thực tế tiềm lực không thiếu, hiến kế thì có thừa và Phật tử sẵn sàng hỗ trợ.

Thậm chí, cách đây gần 2 năm, quý Ni trưởng trong Ban Thường trực Phân ban Đặc trách Ni giới T.Ư đã từng có một văn bản thông báo việc phát tâm bảo trợ cho 40 học Ni từ các tỉnh về thành phố trọ học được gởi đến HVPGVN tại TP.HCM. Để chứng minh cho thiện chí này, chư Ni đã hình thành Ban quản trị và cử nhân sự chăm lo việc ăn, ở, tu học của Ni sinh nhưng kết quả cuối cùng chỉ có 1 học Ni đến đăng ký. Thông tin này được công bố, những tưởng chí ít một Ni xá khiêm tốn sẽ được hình thành nhưng cuối cùng đành gác lại vì lẽ chư tôn đức đại diện các ngành liên quan chưa có sự đồng thuận cao, chưa thật sự thống nhất ý chí và dành tâm huyết cho TNS.

- HT.Thích Như Tín, Phó ban kiêm Chánh Thư ký Ban Tăng sự THPG TP: THPG TP.HCM đã nhiều lần nghĩ đến chuyện xây dựng Tăng xá nhưng vì nhiều lý do khách quan và chủ quan nên đến nay vẫn chưa thực hiện được. Đây thực sự là ưu tư lớn của chư tôn đức lãnh đạo PG TP.HCM, vì thế chúng tôi đã làm nhiều cách để ổn định sinh hoạt và tu học của Tăng Ni trẻ. Sắp tới, ngành Tăng sự nỗ lực để cải thiện thực trạng này và rất cần sự hợp tác của chư Tăng Ni trụ trì, Ban ĐDPG các quận, huyện. Nếu phát hiện vị Tăng Ni nào ở trọ xin hãy báo với chúng tôi để có biện pháp xử lý phù hợp”.

Ni trưởng Thích nữ Tịnh Nguyện, Phó ban Thường trực Phân ban Đặc trách Ni giới TƯGH: “Chúng tôi nghĩ GH nên giải quyết sớm vấn đề TNS ở nhà ngoài và nếu để càng lâu ngày sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tín tâm của hàng Phật tử. Điều quan trọng nhất vẫn là yêu cầu tất cả Tăng Ni hiện đang theo học ở các trường Phật học phải về các trụ xứ sinh hoạt và tu tập. Riêng đối với học Ni, Phân ban Ni giới vẫn luôn hỗ trợ chỗ ở cho họ nếu có nhu cầu”.

Giải pháp duy nhất: TNS phải ở chùa hoặc Tăng xá

Giải quyết vấn đề TNS ở trọ nhà ngoài nếu thực hiện một cách đồng bộ, nhịp nhàng từ nhiều phía thì tình trạng này không phải là quá khó đối với TP.HCM. Nhưng vì sao thực tế này vẫn cứ tiếp diễn, có chiều hướng phức tạp và tốn khá nhiều giấy mực, thời gian.

Qua đi thực tế xác minh, tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy, thực sự vấn đề đã đến mức báo động và nếu không có sự đầu tư giải quyết sẽ là mối nguy hại lớn. Nói như một vị Phật tử tín tâm và đang giữ trọng trách ngoài xã hội mà chúng tôi đã tiếp xúc thì: “Phật tử tại gia không thể chấp nhận hình ảnh người thầy của mình sinh hoạt gần giống thế tục như vậy. Chư Tăng Ni dù với lý do, mục đích thế nào mà không cùng chúng tu học, hành trì chính là sự phá sản lớn, “phá sản” cho chính bản thân mình và cho Phật giáo”.

Giải quyết vấn đề này chỉ có một cách duy nhất là nhất định TNS phải tu học ở chùa hoặc Tăng xá, không thể tự do ở bên ngoài dù bất cứ nguyên nhân nào. Xây dựng môi trường tu học cho TNS là cần thiết, và đã có nhiều trường Phật học ở một số tỉnh thành làm khá tốt mà PG Đà Nẵng, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, Bình Dương và Đồng Nai là những điển hình. Mô hình nội trú ở những nơi này đã cho ra quả ngọt trong công tác đào tạo Tăng tài. Nếu như PG Đà Nẵng, Khánh Hòa có ít TNS và dễ dàng bố trí nơi tu học thì PG Đồng Nai, Bình Dương là 2 tỉnh mà TP.HCM cần học hỏi cách làm của họ. TT.Thích Huệ Thông, Phó Hiệu trưởng Trường TCPH Bình Dương cho biết, trước khi chiêu sinh các khóa Phật học, nhà trường bao giờ cũng tính đến chuyện ăn ở của người đi học vì đây là nhu cầu thiết yếu. Thượng tọa cũng khẳng định: “Nhà trường sẽ quyết liệt cho nghỉ học nếu TNS ở trọ bên ngoài và trên thực tế đã làm rất gắt gao”. Nhìn lại, các trường Phật học TP.HCM vẫn chưa làm được điều này vì lẽ thủ tục đầu vào còn lơi lỏng, còn chạy theo số lượng. Do đó, trong quá trình học, các trường phải “giải quyết hậu quả” là giới thiệu TNS về ở chùa như một cách “chữa cháy”.

Dù biết rằng, thành phần Tăng Ni lên phố có nhiều đối tượng và mục đích khác nhau. Ở khía cạnh này, chúng tôi tạm chia làm 2 bộ phận. Bộ phận thật tu, thật học thì rất dễ quản lý vì lẽ ai chẳng muốn được yên ổn tu học. Nếu như không giới thiệu được đến các chùa, các ngành chức năng GH cũng có thể mạnh dạn kêu gọi sự chung tay góp sức để hình thành một Tăng xá. Ngoài ra, các ngành chức năng có thể liên kết chặt chẽ lên kế hoạch chi tiết và kêu gọi sự phát tâm của các đơn vị liên quan mà Phân ban Ni giới là điển hình khá tích cực. Với mục đích tốt đẹp này, chắc chắn Tăng Ni, Phật tử thành phố sẽ tham gia ủng hộ. Trao đổi với chúng tôi, đại diện Văn phòng Phân ban Ni giới T.Ư cho biết, Phân ban vẫn còn mang trong mình tâm nguyện hỗ trợ chư Ni các tỉnh, quan trọng nhất vẫn là cách thức và sự hợp tác thực hiện từ các trường Phật học.

Riêng đối với bộ phận TNS buông lung, không có ý muốn ở chúng, nhà trường vẫn có cách để ép họ vào khuôn khổ bằng việc hàng năm, yêu cầu họ xuất trình giấy xác nhận đang ở chùa để đi học. Với cách này, chắc chắn sẽ giảm dần số lượng TNS ở trọ ngoài làm mất đi hình ảnh đẹp của Tăng đoàn.

Với những tâm nguyện tốt lành, chúng tôi chỉ biết mong sao có một giải pháp, nhằm trước hết giúp đỡ những TNS hiếu học, chí nguyện tu tập có điều kiện hơn trên con đường học đạo; thứ nữa, phân loại những TNS không tinh tấn, lại muốn sống phóng túng, vượt ra ngoài quy củ thiền môn, và có biện pháp nhắc nhở, cảnh báo. Thiết nghĩ, đây cũng là một trong những cách góp phần củng cố Tăng đoàn - giữ đẹp hình ảnh của Tăng Ni - hình ảnh tiêu biểu cho Phật giáo trong xã hội.

Khi thực hiện bài viết cuối này, chúng tôi nhận được một tin vui từ doanh nhân - cư sĩ Lâm Hoàng Lộc - Phó ban Văn hóa, Phó ban Tài chánh TƯGH khi ông cho rằng, ông sẽ là một trong những người đầu tiên đóng góp nếu GH quyết tâm hình thành Tăng xá với nội quy sinh hoạt, tu học nghiêm túc, công tác quản lý TNS ở trọ đúng chuẩn mực chung. Bởi theo ông: “Hiện nay, để góp một vài tỷ đồng mua một căn hộ tương đối để xây dựng Tăng xá cho TNS không phải là việc khó đối với tiềm năng tài chánh của Phật tử thành phố”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.