Tăng Ni trẻ thuê nhà trọ đi học: Gian nan trăm ngả - Kỳ 3: Giải pháp nhà trọ - Cuộc “chịu lửa để thử vàng”…

Giác Ngộ - Không ai muốn đặt mình vào thế bấp bênh của cuộc sống xa lìa chỗ nương tựa là chúng đồng tu nhưng đôi lúc “lực bất tòng tâm”. Có người được thầy tổ, người quen giới thiệu cho một ngôi chùa để trú ngụ nhưng vì nhiều lý do cũng đành dứt áo ra đi.

Nỗi khổ này “ai có qua cầu mới hay”, nên nhiều Tăng Ni sinh (TNS) đành âm thầm chọn giải pháp ở nhà ngoài, nhà Phật tử để hoàn thành chương trình học. Cuộc sống “ly chúng” TNS đôi lúc cảm thấy rất khó khăn, cô đơn, lạc lõng và chịu nhiều điều tiếng. Thế nhưng, nhiều TNS cho rằng đó là “cuộc chịu lửa để thử vàng”.

>>> Kỳ 2: Nhọc nhằn tìm chốn tùng lâm

IMG_4348.JPG

Tăng Ni sinh cần tiếp cận thông tin nên phải tự trang bị
phương tiện học tập như một sinh viên bình thường

Khó khăn và hệ lụy

Ở nhà ngoài, TNS phải đối mặt với rất nhiều khó khăn vì môi trường khá phức tạp, ở đó ai cũng như ai, chủ nhà tới tháng lấy tiền, không tiền thì xin mời “đi cho”, mối quan hệ chỉ dựa trên trao đổi bằng tiền. Sống trong thời “bão giá”, chuyện cơm áo gạo tiền cũng phần nào chi phối TNS, ngoài chuyện phải tự lo đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, đề phòng trộm cắp, TNS có người phải đi làm thêm và phải đối mặt với nhiều nỗi lo khác của một sinh viên thế tục. Chuyện Tăng Ni ở nhà ngoài đi học không phải là chuyện lạ nhưng người dân bình thường vẫn đặt ra câu hỏi “sao chùa không ở, lại ở nhà?”. Câu hỏi đơn giản vậy nhưng thật khó bởi lẽ đó là điều trái với lẽ thường và bản thân TNS phải chịu nhiều điều tiếng.

Ngoài cảm giác lẻ loi của người xuất gia phải xa chúng còn phải gánh chịu nhiều điều tiếng của người chung quanh, nhiều câu hỏi như “chùa sao không ở”, “chắc bị đuổi ra khỏi chùa”… Tuy nhiên, đa số cho rằng họ sống trong môi trường đó nên tự có sức đề kháng tốt để tránh va vấp, sa ngã. Một số xem đó như là một thử thách của bản thân như là cuộc “chịu lửa để thử vàng”, một số chọn nhà ngoài là giải pháp cuối cùng, dù gì ở chùa vẫn hơn. Thật sự cuộc sống nhà trọ của TNS gặp rất nhiều khó khăn về đời sống và cản ngại về môi trường tu học, môi trường sống. Nhiều người phải lo toan và phải tự trang trải các chi phí học tập sinh hoạt: tiền điện, nước, nhà trọ, ăn uống, đi lại, sách vở, tiền học phí và bao nhiêu thứ chi phí khác. Một sinh viên bình thường đã rất khó khăn, TNS lại càng khó khăn hơn gấp nhiều lần. Không thể mặc chiếc áo tu sĩ mà đi làm thêm như một sinh viên bình thường khác nên TNS phải tìm những công việc phù hợp như: may vá, đánh máy, phục vụ văn nghệ, làm văn phòng... để trang trải việc học.

Đời sống TNS ở trọ hiện nay có những góc khuất khác, tuy nhiên điều đó cũng đáng phải được thông cảm vì TNS phải chịu nhiều áp lực trong chuyện tu học trong một môi trường tu bất như ý. Môi trường sống khá phức tạp nên sau một thời gian sống như thế này cũng có người không giữ vững được chí nguyện xuất gia đã hoàn tục, và có nhiều trường hợp đời sống bị biến tướng theo hướng không tốt đẹp, thanh tịnh.

Ở trọ không phải là mất tất cả

Sư cô H.L, quê Đồng Tháp, dí dỏm: “Để có được tấm bằng ngoại ngữ và vi tính, cô đã phải “bay” khỏi tổ ấm là mái chùa. Lắm lúc cô mỏi cánh lắm lắm nhưng cứ nghĩ đến món nợ phải trả trước khi rời ghế học đường nên cô đành ngậm ngùi ở trong tổ “lạnh”. Căn phòng cô ở trọ trên đường Lê Văn Thọ quận Gò Vấp, mọi sinh hoạt đều phải chung đụng phức tạp lắm, cố gắng hết sức mới không để va chạm. Người có đạo tâm thì không sao chứ người không thành tâm thấy một sư cô mà ở nhà trọ khiến họ có cái nhìn không mấy thiện cảm. Nếu không có sự phát tâm dũng mãnh cùng ý chí “tự quản trị đời mình” thì chắc chắn đã “tróc gốc” từ lâu rồi.
Sư cô M.T, hiện đang theo học khóa VIII HVPGVN TP đến từ Đà Nẵng chia sẻ: “Đã đi học là phải xác định việc thu thập kiến thức sao cho không phí thời gian để hoàn thành việc học. Ở “ngoại trú” là việc chẳng đặng đừng nhưng cô vẫn phải chấp nhận mặc dù trong thâm tâm cô không hề muốn bởi sự “kỳ thị” giữa chúng “nội tự” và chúng “ ngoại tự”. Dù môi trường có khác nhưng chuyện hư hỏng nếu không vững thì ở đâu cũng sẽ “ngã” mà thôi.” Khi đã xác định học là nhắm thẳng đến đích, có người đã ra trường nhưng vì trước đó đang theo học một số chương trình bên ngoài nên cũng nấn ná ở thêm để thâu lượm, cóp nhặt thêm kiến thức ngoại ngữ nuôi chí nguyện nếu có duyên thì đi du học để về lại quê hương có cái để “nói”, để “làm” giúp ích cho mọi người.

Image0257[1].jpg

Căn phòng trọ của một Tăng sinh tại Q.Thủ Đức

Trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi, Sư cô L.N đến từ TP. Nha Trang bộc bạch: “Tôi cảm thấy may mắn vì từ khi rời khỏi tự viện, chỉ ở duy nhất chỗ ở trọ mà không phải di chuyển nhiều lần như một số người. Gia đình nhà Phật tử nơi tôi ở trọ rất có đạo tâm, hiểu và thông cảm hỗ trợ tối đa thế nên tôi chỉ có việc chuyên tu và học theo đúng nghĩa. Ở cùng Phật tử e sợ họ nghĩ sai về mình, ảnh hưởng đến hình ảnh chung của chúng xuất gia nên cá nhân tôi luôn tự nhủ lòng phải thật tinh tấn trong việc công phu bái sám cũng như lời ăn, tiếng nói”. Thoáng chút tư lự, cô bảo rằng phía lãnh đạo hãy có sự quan tâm hơn nữa đến đời sống của TNS. Hiện nay, việc theo đuổi các ngành học, môn học bên ngoài thường là do TNS tự phát, nên không chắc chắn điều gì trong tương lai. TNS cần được Giáo hội định hướng để con đường học vấn của họ được rõ ràng hơn.

Cũng trong tình cảnh ấy, Sư cô K.H đến từ Đồng Nai thổ lộ: “Chả sung sướng gì khi ở nhà trọ, đời sống bấp bênh, bữa no, bữa đói. Lúc khỏe mạnh thì không nói làm gì nhưng lúc đau yếu thấy tủi thân vô cùng, cũng may là chưa bị thối thất chí nguyện xuất gia, thế nên vẫn vừa tu học vừa tham gia công tác xã hội giúp đỡ nhân quần, làm lợi lạc chúng sinh thiết thực ngay trong hiện tại”. Hỏi về tương lai, cô cười cho hay: “Tương lai phải về cùng chúng tu học thôi, ăn cơm có canh, tu hành có chúng mà, tôi nghĩ chẳng mong cầu gì nhiều, chỉ mong sao quý Ni trưởng, Ni sư trụ trì các tự viện, tịnh xá, tịnh thất… hãy lưu tâm, tạo mọi thiện duyên hơn nữa để các học Ni của chúng ta không phải ở nhà trọ hay ở nhà Phật tử trong tương lai gần. Nếu có được một khu nội trú dành cho Ni sinh thì việc tu học sẽ thuận tiện và an lạc hơn nhiều”. Mong ước có một học xá Ni trong nay mai phụ thuộc vào chư tôn đức lãnh đạo Ni giới cùng Ban Tăng sự Trung ương.

Một sư cô ở trọ ở Q.Gò Vấp đề nghị không nêu danh tánh chia sẻ: “TNS là những người trẻ, khi đã xác định chuyện tu học thì đều cố gắng vượt lên mọi khó khăn. Tăng Ni trẻ cần sinh hoạt, tham gia công tác xã hội, có khát vọng tu học, dấn thân, cống hiến như một người trẻ có bầu nhiệt huyết và nhiệt tâm. Sống mỗi thời mỗi khác, thời đại thông tin, mọi người có thể gần nhau hơn qua công nghệ hiện đại, Tăng Ni cần có cơ hội học hỏi. Chúng tôi không thể đứng bên lề xã hội mà cần dấn thân để hiểu về chính mình, hiểu mọi người, hòa nhập vào thế giới rộng lớn bên ngoài cổng chùa và tìm ra con đường hành đạo sau này. Chúng tôi hòa nhập chứ không hòa tan”.

“TNS ở nhà ngoài có những hệ lụy là không bảo đảm những thời khóa công phu, bản tính ham vui của tuổi trẻ nên dễ chểnh mảng việc tu học. Khi môi trường không tốt dĩ nhiên sẽ bị ảnh hưởng; nói vậy không phải ai ở nhà ngoài cũng đều hư hỏng, nó tùy thuộc vào bản lĩnh, cách thích nghi, ứng xử của mỗi người. Thực tế, có TNS đã từng ở chùa đành phải ra ngoài vì chịu áp lực quá nhiều bởi thời khóa biểu ở chùa, phải tham gia tất cả những buổi lễ ở chùa. Có chùa Tăng thì phải đi cúng liên miên, chùa Ni thì nấu đám, phục vụ đám, xin đi học thêm các lớp ở ngoài rất khó khăn... Tôi có đề nghị nếu TNS không ở được chùa, ra trọ ngoài có thể tập trung vào 4 vị ở 1 chỗ, lập thành một chúng. 3 nhà có thể hợp lại là một: Giáo hội, nhà trường và nhà trọ để cùng quản lý, tạo điều kiện cho TNS có môi trường tu học tốt”. ĐĐ.Thích Quảng Thiện - Trưởng phòng Sinh viên vụ HVPGVN tại TP.HCM

Bên cạnh số ít TNS thiếu lý tưởng sống, không định hướng được mục đích cơ bản của người xuất gia, kéo lê đời mình trong vũng lầy theo quan điểm sống thừa tự tài vật; thì vẫn còn rất nhiều TNS dù đời sống của mình không gắn liền với nếp sống “nội tự” nhưng vẫn cần mẫn tu học, giữ gìn đạo hạnh, tố chất của người xuất gia một cách thuần khiết. Những TNS ấy rất cần nhận được sự đồng tình, đồng cảm, chia sẻ và bao dung từ phía chư tôn đức Giáo hội, nhà trường và xã hội.

Kỳ cuối: Loay hoay tìm một lời giải đáp

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.