Đây là một dấu hiệu đáng mừng trong mục đích tiếp Tăng độ chúng và đào tạo lực lượng kế thừa cho Giáo hội. Tuy nhiên, với sự quản lý chưa đồng bộ như hiện nay dễ dẫn đến tình trạng mất cân đối về mật độ TN, TN tự ly chúng, vượt ra sự kiểm soát của Giáo hội (GH)… Nhóm PV GN đã lần theo bước chân của các Tăng Ni trẻ thuê nhà ở trọ, ghi nhận những điều mắt thấy tai nghe…
Bài liên quan:
Tăng Ni trẻ đổ dồn về các thành phố lớn
Nhìn vào những báo cáo hàng năm của Ban Giáo dục Tăng Ni T.Ư, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy số lượng lớn các trường Phật học (PH) được mở ra nhằm phục vụ công tác đào tạo TN trẻ. Hệ thống các trường PH trải dài từ Nam ra Bắc. Ở cấp đại học, GHPGVN có 3 Học viện đặt tại 3 TP trung tâm của 3 miền là Hà Nội, Huế và TP.HCM. Đến năm 2007, GH tiếp tục mở thêm một học viện mang tính chuyên biệt để phát triển giáo dục Phật giáo Nam tông đặt tại TP.Cần Thơ. Với cấp dưới hơn, cả nước có đến 30 trường trung cấp PH (5 trường phía Bắc, 25 trường phía Nam) và 2.300 TN trẻ theo học sơ cấp PH.
Sẽ dễ dàng nhận thấy có sự chuyển dịch rất lớn về số lượng TN trẻ giữa các trường trung cấp PH mà ở đó, trường đóng tại các tỉnh, thành trung tâm ngày càng nhiều trong khi các trường tỉnh lẻ giảm dần số lượng, thậm chí nhiều giai đoạn phải ngưng hoạt động vì không đủ chỉ tiêu. Riêng tại TP.HCM, hiện tại có đầy đủ các cấp học từ học viện, cao đẳng, trung cấp và sơ cấp với số lượng TN sinh theo học đông đảo nhất nước. Tuy nhiên, đa phần trong số này là chư TN các tỉnh về trọ học và số vị có hộ khẩu cũng như xuất thân từ TP.HCM khá thấp. Khóa VI của HVPGVN TP có tất cả 664 TNS nhưng chỉ có 62 vị trú tại TP, còn lại đến từ các tỉnh, thành khác. Tỷ lệ này ở các khóa VII, VIII cũng không thay đổi nhiều khi 892 TNS khóa VII có 867 vị đến từ các tỉnh thành; 580 TNS khóa VIII (2009-2013) có 558 vị ở tỉnh, thành. Trong khi đó, trường trung cấp PH TP.HCM cũng đang gồng gánh một lượng TNS các tỉnh thành bạn khá cao mặc dù các tỉnh, thành lân cận đều có trường đào tạo cấp này. Khóa VI trung cấp PH với 278 TNS thì chỉ có trên dưới 40 đang thường trú tu học tại TP.HCM, khóa VII con số này là 54/424, lớp cao đẳng thì 34/381.
Qua những con số như thế cho thấy, nhu cầu tu học và bổ sung kiến thức ngoại điển của TN trẻ tại các thành phố lớn, sự chênh lệch về số lượng TN trẻ đổ về các nơi này khá lớn. Trong đó, TP.HCM thường ở trong tình trạng quá tải về chỗ ở cũng như sinh hoạt, tu học.
1.001 kiểu lên phố
Theo khảo sát của chúng tôi, phần lớn TNS tạm rời các cơ sở tự viện mà mình xuất gia tu học để lên phố chủ yếu vì nhu cầu trang bị kiến thức Phật học và thế học. Hiện đang học vào năm cuối cùng của chương trình cử nhân Phật học thuộc HVPGVN TP, thầy N.T, một tu sĩ trẻ trú tại một ngôi chùa lớn tại TP.Phan Thiết cho biết đã có hơn 3 năm ở TP.HCM và mong ngóng từng ngày cho xong chương trình để quay trở lại chùa xưa với thầy tổ, huynh đệ.
"Tuy chùa quê khá lớn tại một TP nhưng sư phụ của tôi khá đơn chiếc. Bấm bụng lắm và thương đệ tử, thầy mới cho tôi vào Sài Gòn tu học vài năm cho bằng đồng đạo. Lâu lâu, thầy lại điện nhắc nhở việc trau dồi kiến thức và tu học rồi sau đó quay về phụ giúp công việc tại chùa cũng như đóng góp với PG địa phương". Thầy N.T tâm sự một cách chân thành khi được chúng tôi gạn hỏi về mục đích khăn gói lên Sài Gòn tu học trong khi ở chùa thầy chỉ có mỗi sư phụ và 2 vị huynh đệ phụ việc. Thầy N.T chia sẻ thêm, vào Sài Gòn cái gì cũng khác và khá ồn ào so với ở quê. Bản chất thâm trầm và xuất gia tu học ở chùa từ nhỏ, thầy khó mà hòa nhập được môi trường náo nhiệt này. Vì thế sau khi học xong, về lại chùa xưa là điều mà thầy luôn mong đợi.
Chung hoàn cảnh lên phố như thầy N.T, nhưng 3 Sư cô Q.C, Q.H, Q.V có vẻ khó khăn hơn cho quyết định vào Nam tu học. Cùng phát nguyện xuất gia tu học với một vị Ni sư ở Phú Yên tại ngôi chùa chỉ có thầy tổ với 3 huynh đệ, các Sư cô đã từng rất đắn đo khi phải tạm rời Phú Yên để học cao hơn sau khi hoàn tất chương trình trung cấp PH. Muốn học cao hơn và thu thêm kiến thức ngoại điển, "đi đến một TP lớn" luôn là vấn đề lý tưởng ban đầu bắt buộc TN ở quê phải chọn.
Hiện tượng "bỏ quê lên phố" tuy đoán trước nhiều khó khăn thậm chí phải đánh đổi nhưng nhiều người đành phải xa thầy tổ. "Ở quê, Phật tử rất mong mỏi có người hiểu biết giáo lý hướng dẫn tu học mà chúng tôi còn non quá nên phải cầu học cao hơn nữa. Chùa chỉ 4 thầy trò, cả 3 huynh đệ xuất gia theo thầy mới được 5 năm lại phải đi xa, chúng tôi ái ngại lắm. Nhưng biết sao được vì vào TP.HCM mới có đầy đủ điều kiện trang bị thêm kiến thức PH cho mình. Các huynh đệ tự nhắc nhau sau khi học xong quay về đỡ đần cho thầy và hướng dẫn Phật tử tu học", cô Q.C chia sẻ.
Ngoài mục đích trang bị kiến thức Phật học, nhiều vị TN trẻ lên phố còn có mục đích nâng cao hơn nữa kiến thức thế học của mình và các thành phố lớn là điểm đến khả thi nhất với đầy đủ điều kiện, thầy T.N đến từ Quảng Nam là trường hợp như thế. Sau khi hoàn tất chương trình TCPH và phổ thông, trong khi huynh đệ ai cũng luyện thi vào HVPGVN tại Huế và TP.HCM, thầy thì ngược lại. Tạm gác việc học Phật, thầy chuyên tâm ôn tập, đăng ký thi và trúng tuyển vào khoa Đông phương học, Trường ĐH KHXH và NV. Dù không hài lòng cho lắm nhưng thấy sự cầu tiến của đệ tử mình, vị bổn sư cũng chấp nhận cho thầy tạm vào TP tiếp tục việc học và gởi ở một ngôi chùa tại Tân Bình. Đến nay chỉ mới 2 năm học tập tại trường đại học nhưng thầy đang vạch ra dự định sẽ tiếp tục học cao hơn nữa sau khi hoàn tất chương trình cử nhân. "Biết là hơi khác các huynh đệ nhưng nếu chuyên tâm thì sau này vẫn có thể phục vụ được cho đạo pháp vì mình nghĩ ngành nào cũng cần thiết và TN trẻ nên được đào tạo ở các chuyên môn ngoại điển khác nhau chứ không hẳn chỉ là PH", thầy T.N tâm sự.
Tuy vậy, không phải TN trẻ nào vào các TP lớn cũng vì nhu cầu học Phật và nâng cao kiến thức ngoại điển mà ở đó còn lẫn lộn những vị có định hướng không rõ ràng, thiếu sự sâu sát của các chư tôn túc bổn sư tế độ hay sự nhắc nhở tu học của huynh đệ. Đã gần 34 tuổi và hoàn tất chương trình cử nhân PH tại Huế nhưng thầy Đ.H cũng khăn gói "Nam tiến" mà theo thầy là "tìm nơi tu học". Vào Sài Gòn, cứ ngỡ thầy sẽ tìm đến một tu viện hay ngôi chùa nào đó "an cư lạc nghiệp" mà tu học nhưng mọi thứ ngược lại. Chỉ trong vòng 2 năm, thầy xin chuyển chùa đến 4 lần và lần cuối cùng không xin được chùa nào, thầy buộc lòng phải rủ thêm hai thầy nữa về thuê một căn hộ chung cư tận Q.2 để tạm sinh sống. Hỏi sao đã học xong, thầy không về Đà Nẵng phụ chùa và huynh đệ, thầy lại bảo "môi trường ở đó không phù hợp" và quyết định ra đi dù trước mắt rất mơ hồ. Cũng chính vì thế mà đã 3 năm trôi qua, thầy vẫn chưa yên vị nơi nào để chuyên tâm tu học hoặc giả đóng góp cho các hoạt động Phật sự.
Sự chênh lệch thể hiện rõ ở sĩ số TNS đang theo học tại các trường TCPH tại các TP lớn và các tỉnh thành: TCPH TP.HCM khóa VI: 278 TNS và khóa VII: 424 TNS; Hà Nội: 196 TNS; Thừa Thiên Huế: 264 TNS; Đồng Nai: 200 TNS.Quảng Ngãi: 29 TNS; Quảng Nam: 59 TNS;Ninh Thuận: 33 TNS Hải Dương: 48 TNS;Bắc Ninh: 64 TNS;Bến Tre: 58 TNS... |
Kỳ tới: Nhọc nhằn tìm chốn tùng lâm