Tăng Ni thảo luận nhiều vấn đề thời sự của Phật giáo

GN - Trong ngày đầu tiên của khóa bồi dưỡng trụ trì dành cho Tăng Ni tại TP.HCM, sau mỗi bài giảng đã diễn ra phần thảo luận sôi nổi giữa học viên với HT.Thích Trí Quảng, Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng ban Trị sự GHPGVN TP.HCM kiêm Trưởng ban Tổ chức và HT.Thích Minh Thông, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM. Nhóm PV thời sự Báo Giác Ngộ đã tổng hợp giới thiệu cùng bạn đọc.

“Nóng” vấn đề thời sự của Phật giáo

Ngay từ khi mới bắt đầu buổi thuyết trình chuyên đề: Vai trò của vị trụ trì, HT.Thích Trí Quảng đã khẳng định, Khóa bồi dưỡng trụ trì lần này có nhiều cái hay và bổ ích là Ban Tổ chức đã sắp xếp thời gian để người thuyết trình và Tăng Ni có thời gian thảo luận. Ở đây, không những học viên được lắng nghe chia sẻ các kinh nghiệm hành đạo, kinh nghiệm ứng xử của vị trụ trì qua các mối quan hệ xã hội với nhiều phương pháp được chư tôn đức giảng viên mà còn qua thảo luận, giảng viên cũng có thể học hỏi lại từ chính học viên.

ANH BToan (33).JPG

HT.Thích Trí Quảng giảng về Vai trò của vị trụ trì

Tại buổi học đầu tiên do HT.Thích Trí Quảng phụ trách có 6 câu hỏi về các vấn đề thời sự của Phật giáo hiện nay được Tăng Ni tham gia khóa học gởi lên. Hòa thượng đã trực tiếp trả lời ngay tại hội trường một cách thẳng thắn, ngắn gọn, dễ hiểu.

“Trong xu thế hiện nay, một số vị trụ trì có mời các vị ở nước ngoài về tổ chức khóa lễ tâm linh tại tự viện, Giáo hội phải làm gì?” (Câu hỏi đặt biệt này đặt ra đang trong bối cảnh phái Drukpa do ngài Gyalwang Drukpa thứ 12 đang trở lại Việt Nam lần thứ 7 và nhiều tự viện tại TP.HCM đã mời ngài về tự viện tổ chức nhiều nghi lễ rầm rộ).

Với câu hỏi này, HT.Thích Trí Quảng cho rằng, trong bối cảnh mở rộng quan hệ quốc tế như hiện nay, mối quan hệ giữa vị trụ trì trong nước và vị trụ trì ở nước ngoài, Giáo hội, Nhà nước không cấm. Nhiều vị trụ trì có mối quan hệ riêng với các vị thuộc Phật giáo quốc tế và mời các vị đến tự viện chia sẻ pháp thoại, tổ chức pháp hội với sự tham dự của Tăng Ni, Phật tử.

Tuy nhiên, trước hết, vị trụ trì cần phải trao đổi, thông qua Giáo hội, Ban Phật giáo Quốc tế, Nhà nước để xem vị Tăng được mời thuộc tông phái nào, vị thế quốc tế như thế nào, vị thế trụ trì, nhân thân của vị đó ra sao để tiếp đãi, ứng xử phù hợp.  Trong trường hợp, vị trí của người đó không xứng tầm phải tiếp đón quá long trọng thì không nên đề cao quá mức mà vị trụ trì (đại diện đơn vị mời) cần có cách ứng xử phù hợp, tương xứng với địa vị của người đó.

Một vấn đề khác được Tăng Ni đặt ra, đó là xu hướng hiện nay, tình trạng xuất gia quá dễ dàng, nếp sống thiền môn bị ảnh hưởng trực tiếp từ sự tiếp nhận đệ tử xuất gia quá dễ dãi của các vị bổn sư trẻ. Hòa thượng nói rõ, hiện nay Giáo hội đã quy định rất rõ ràng, Tăng Ni phải thọ giới Cụ túc và sinh hoạt tu học từ 10 năm trở lên mới được bổ nhiệm trụ trì. Tăng Ni chính thức trụ trì tức là đủ thời gian để tiếp nhận đệ tử xuất gia. Nếu sớm hơn, Tăng Ni không nên tiếp nhận đệ tử, điều đó thể hiện sự tôn trọng với người lớn, các vị tôn túc, trưởng lão. Vì lẽ, người lớn thì đã có thời gian trì giới và đã đủ kinh nghiệm, bản lĩnh trong các mối quan hệ xã hội.

Vấn đề hiện nay, Phật giáo có tình trạng Tăng độ Ni, Ni độ Tăng. Hòa thượng  khẳng định, dĩ nhiên không nên, bởi vì giới luật của Tăng và Ni khác nhau. Vì giới khác nhau nên khó hiểu, khó độ, hơn nữa trong đời sống thực tế, đó là việc tế nhị. Do vậy, Tăng chỉ nên độ Tăng, Ni chỉ nên độ Ni.

Câu hỏi đặt ra, hiện nay có tình trạng trụ trì chọn người kế nhiệm là đệ tử, trong tông phong đồng ý thì Giáo hội, chính quyền không đồng ý, ngược lại Giáo hội, chính quyền đồng ý nhưng tông phong không đồng ý.

Hòa thượng cho rằng, khi chọn vị trụ trì kế nhiệm thì mọi phía phải đồng thuận, bởi vì có sự không đồng nhất là do có mặt nào đó chưa được phù hợp thì cần phải có thời gian. Nếu trong tông môn chưa đồng ý thì vị được đề cử cần phải tranh thủ trong tông môn để có sự đồng thuận, còn nếu chính quyền không đồng ý thì do có mặt nào đó về hành vi, tư tưởng chưa được thì cũng cần có thời gian để có sự đồng thuận. Khi các phía tìm được sự thống nhất chung thì mới bổ nhiệm trụ trì.

Boi duong tru tri (15).JPG

Chư Tăng tham gia Khóa bồi dưỡng trụ trì 2015

Chùa không giao cho Tăng mà giao cho Ni, ngược lại chùa Ni giao cho Tăng kế tục trụ trì. Hòa thượng cho rằng, hiện nay cũng có sự hoán chuyển này, tuy nhiên phải hợp lý, hợp tình. Nếu vị Ni có đầy đủ đức độ, quần chúng ủng hộ thì dĩ nhiên có thể giao chùa Tăng cho Ni quản lý, lúc này thì trong chùa không còn chúng Tăng. Ngược lại, một ngôi chùa Ni cũng có thể giao cho vị Tăng quản lý, dĩ nhiên trong chùa lúc này không còn Ni chúng. Sự hoán chuyển như thế không có gì sai.

Nếu một vị trụ trì phạm giới, thiếu đạo hạnh thì Giáo hội cần phải giải quyết như thế nào? Hòa thượng khẳng định, trường hợp này, BTS GHPGVN TP.HCM cũng có giải quyết vài trường hợp, nếu một vị trụ trì phạm giới, thiếu đạo hạnh thì BTS GHPGVN quận, huyện cần phải mời về giải quyết nội bộ, tạm thời cho ngưng vai trò trụ trì, cho ẩn tu sám hối. Trong thời gian quy định, BTS GHPGVN quận, huyện có thể cử một người khác thay thế, hết thời gian sám hối nếu thấy phục hồi đức hạnh trở lại thì cho vị đó phục chức, còn nếu không, BTS sẽ cử người khác thay thế vị trí trụ trì.

Thảo luận nhiều vấn đề thực tế liên quan tới giới luật người xuất gia

Chiều ngày 5-10, HT.Thích Minh Thông, Phó Trưởng BTS kiêm Trưởng ban Tăng sự GHPGVN TP.HCM thuyết giảng về Giới luật. Tại buổi học, nhiều vấn đề thời sự được Tăng Ni đặt ra để thảo luận hết sức bổ ích. Hiện nay, một số vị trụ trì tại các tự viện cho Phật tử thọ Bồ-tát giới đắp y, việc này có phù hợp với giới luật hay không?

Theo Hòa thượng, ở Trung Hoa thì Bồ-tát giới tại gia được đắp y nhưng là mạn y (y không có điều tướng), còn ở Việt Nam chúng ta thì việc này mới lạ, chưa phù hợp. Trong giới luật Đức Phật cũng đã nói rõ những điều nào ta chưa chế mà địa phương cần thì các ông nên chế, những việc nào ta chế rồi mà địa phương đó không cần thì các ông phải bỏ đi. Vì thế, chúng tôi nghĩ việc đắp mạn y khi thọ Bồ-tát giới ở Việt Nam là không phù hợp.

Vấn đề đặt ra, trong các buổi lễ trai tăng tại các tự viện có xảy ra những trường hợp như sau: Khách không mời mà đến, để nhận lợi dưỡng từ sự cúng dường và Tăng đắp y quỳ tác bạch, chư Ni ngồi trong trai đường. Hòa thượng cho rằng, trong các buổi lễ trai tăng, khách không mời mà đến đang là vấn đề nhức nhối, nếu một vị Tỳ-kheo như pháp thì không bao giờ tham dự như vậy.

Trong nhiều năm qua, Giáo hội cũng đã có những chủ trương hạn chế việc khất thực ở các hệ phái như: Nam tông, Khất sĩ. Tỳ-kheo là một danh xưng cao quý với các ý nghĩa (bố-ma, phá-ác, ứng-cúng), không đơn thuần chỉ là việc thọ giới để được đi trai tăng và nhận cúng dường. Còn vấn đề thứ hai, theo Hòa thượng, để tôn trọng Bát kỉnh pháp thì khi Tỳ-kheo quỳ tác bạch thì Tỳ-kheo-ni đứng lên, đây cũng là hình ảnh đẹp thể hiện sự trọn vẹn tinh thần nghiêm trì giới luật của hàng Ni chúng.

1mt.jpg

HT.Thích Minh Thông giảng về Giới luật

Theo truyền thống, Tỳ-kheo đệ tử Phật phải đủ ba y và bình bát. Nhưng thực tế, Phật giáo Bắc tông không khất thực, vậy có thể bỏ bình bát được không? HT.Thích Minh Thông cho rằng, thực ra ba y, bát là pháp khí của người tu, là biểu trưng mang tính chất truyền thừa. Trong luật không có điều nào nói đến việc rời bát, nhưng theo tôi nghĩ đây là biểu tượng thiêng liêng mình không nên bỏ.

Và, Tỳ-kheo lập cốc ở một mình, khi đi chỉ mang theo một y còn hai y gởi lại cho Phật có được không? Hòa thượng cho biết, trường hợp này chỉ đối với Tăng thôi, còn Ni thì không được ở riêng và cũng không được tâm niệm an cư, tâm niệm tự tứ... vì Đức Phật không cho Tỳ-kheo-ni ở một mình, nếu ở một mình phạm Ba-dật-đề. Tỳ-kheo có duyên sự lìa nhà chỉ đem một y còn lại hai y cũng có thể gởi cho 5 chúng, hay gởi cho Sa-di, cư sĩ, Phật tử đều được. Theo Hòa thượng thì nên mang đi, để lỡ có trường hợp gì xảy ra như nhà cháy thì không bị mất y.

Vấn đề thời sự hiện nay là, người xuất gia ai cũng biết “Tăng ly chúng Tăng tàn”, nhưng trên thực tế, nhiều Tăng Ni dựng am, cốc khắp nơi khiến cho Giáo hội không thể quản lý được. Vì sao lại có hiện tượng này? Vai trò của bổn sư, trụ trì giải quyết như thế nào? Ban Tăng sự nghĩ thế nào, có giải pháp nào không?

Với Hòa thượng, đây cũng là vấn đề nhức nhối, bởi hiện nay ở các huyện ngoại thành như: Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi... tình trạng Tăng, Ni lập am, cốc rất nhiều. Có thể đây là một hệ lụy của việc xem thường giới luật, những vị này thích ở tự do, không thích sự ràng buộc của tổ chức. Đây cũng là một trong những nguyên nhân suy đồi của Phật giáo. Giáo hội cũng đang tìm cách để ngăn chặn tình trạng này.

Vì thế, việc an cư tập trung theo chủ trương của Giáo hội hiện nay là cần thiết, vì ở nơi đấy những người tu có thể học hỏi, để bổ sung những khiếm khuyết của mình. Những trường hợp ở riêng như vậy thì tinh thần giải thoát, tinh thần hòa hợp của Tăng-già bị phá vỡ. Nếu chúng ta có chùa riêng thì chúng ta sẽ có tâm tưởng tư hữu, thì sẽ không khác gì thế gian, điều này vô cùng nguy hại, làm cho bản thể thanh tịnh của Tăng đôi khi không còn nữa.

Đây là những vấn đề Tăng Ni đặt ra để thảo luận trong số nhiều vấn đề thời sự khác của Phật giáo nói chung và Phật giáo TP.HCM nói riêng được ghi nhận tại ngày đầu tiên của Khóa bồi dưỡng trụ trì 2015. Mời quý bạn đọc quan tâm xem đầy đủ trên www.giacngo.vn.

H.Diệu - Q.Hậu tổng hợp

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.