Tăng Ni sinh Học viện PGVN tại TP.HCM truyền thông giảm thiểu kỳ thị đối với người có H trong công nhân

Giác Ngộ - Kỳ thị trong cộng đồng đối với những người bị nhiễm HIV đang là rào cản hòa nhập cộng đồng. Làm thế nào để mọi người sống chung bình đẳng và an toàn trong tình yêu thương, chia sẻ là trách nhiệm của những người làm công tác truyền thông HIV.

Lần đầu tiên, nhóm truyền thông là Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM đã có những buổi truyền thông HIV tại UBND các phường thuộc quận Gò Vấp về những kỹ năng phòng chống HIV cho công nhân nhập cư đang cư trú và làm việc trên địa bàn.

Chia sẻ những vấn đề nhạy cảm

congnhan-1.jpg

Qua sự hướng dẫn của quý sư cô trẻ, nhiều chị em
công nhân cần có sự thông cảm và chia sẻ với nhau

Vốn hiểu biết hạn chế về căn bệnh thế kỷ nên khi được truyền thông về vấn đề này, nhiều công nhân đã bỡ ngỡ khi tiếp xúc với chương trình trong những giây phút đầu tiên. Nhiều chị em phụ nữ đã thẹn thùng khi nghe về vấn đề tình dục an toàn và cả mắc cỡ khi phải chia sẻ với đám đông. Những khoảng cách giữa người truyền thông là những vị tu sĩ và công nhân nhanh chóng được rút ngắn lại, những câu chuyện thiết thực từ đời sống của quý thầy cô tạo nên sự gắn kết và nhiều câu hỏi giao lưu trực tiếp một cách thẳng thắn và chân tình được bắt đầu.

Không tránh khỏi những câu hỏi ngây ngô như: ăn, uống chung với người có HIV có bị nhiễm hay không, đánh răng chung bàn chải thì thế nào hay sống chung người nhiễm có nguy hại không, làm sao biết được chồng có chung thủy không khi mà chồng thường đi công tác… và thắc mắc nhiều nhất với chị em phụ nữ là: HIV có lây từ mẹ sang con? Từ các trò chơi, các truyền thông viên đã giải đáp thắc mắc những vấn đề nhạy cảm trong đời sống vợ chồng của các bạn công nhân sao cho an toàn thông qua các phương pháp phòng chống HIV.

Không chỉ truyền thông các vấn đề về HIV, các thầy cô cũng lắng nghe các chị, em công nhân bày tỏ những khó khăn trong vấn đề xây dựng hạnh phúc gia đình. Gia đình có con bị nhiễm thì giải quyết như thế nào? Đó là một trong những câu hỏi nhói lòng của các chị có con bị nhiễm. Nhiều vấn đề bức xúc cũng được các vị tu sĩ áp dụng giáo lý Phật giáo giải thích, lý giải và chia sẻ chân tình đã tạo nên sự tin tưởng cho công nhân.

Và truyền thông thay đổi hành vi…

Như chị T.T, 45 tuổi, có con bị nhiễm, chị không biết xoay xở như thế nào, để con ở nhà chăm sóc hay đẩy ra cộng đồng. Chị đau lòng khi thấy con mình như vậy, đôi khi còn suy sụp cả tinh thần. Nhưng để con ở nhà chăm sóc, chị sợ nguy hại và ảnh hưởng thành viên khác trong gia đình. Các truyền thông viên đã giải thích thấu đáo cho chị yên tâm rằng HIV không lây truyền qua sinh hoạt bình thường và chị yên tâm để con ở nhà chăm sóc.

Như trường hợp của anh  N.T.L, sinh năm 1975, là người có HIV, gia đình không quan tâm, chăm sóc. Tủi thân, anh chẳng dám nhìn ai. Anh trở thành người thơ thẩn đứng trước cửa nhà nhìn người đi qua lại như người mất hồn. Từ khi được các thầy cô đến thăm hỏi, chia sẻ, tâm sự, anh đã thay đổi hẳn tâm tính và bình thản hơn. Điều đáng mừng hơn là gia đình anh và hàng xóm đã thay đổi thái độ, đối xử thân thiện và gần gũi hơn. Anh chia sẻ: "Tiếp xúc với các thầy cô và được chia sẻ yêu thương, giờ đây mình sống lạc quan và yêu đời hơn mặc dù ngày nào cũng bị những cơn đau hành hạ buốt da thịt".

Từ ngày biết anh T.Q.L bị nhiễm, công ty nơi anh làm đã đuổi việc anh. Vừa chống chọi với cơn nghiện vừa thất nghiệp, anh đâm ra sống bất cần đời. May mà lúc ấy các truyền thông viên đã tiếp xúc được với anh, an ủi và động viên anh chữa bệnh. Vừa cai nghiện bằng ý chí, vừa được giới thiệu việc làm. Hiện tại, anh đang làm công nhân may, chuyên cắt ráp. Lương không nhiều, nhưng với anh cuộc sống giờ đây thanh thản hơn trước rất nhiều.

Tiếp xúc hàng ngàn công nhân, truyền thông viên là nhóm các Tăng Ni sinh viên Học viện PGVN tại TP.HCM đã truyền cho họ niềm tin, lạc quan để nối tiếp những ngày làm việc bên bạn bè và gia đình. "Niềm tin và sự kỳ vọng luôn tạo động lực cho bất kỳ cá nhân nào. Với họ, những người công nhân đã và đang bị nhiễm rất cần sự chia sẻ, quan tâm của cộng đồng. Nếu như mỗi người chúng ta trao cho họ niềm tin, có khi đó là động lực hữu ích nhất giúp họ vượt qua tự ti và mặc cảm của bản thân để vượt qua giai đoạn khó khăn và sống tốt hơn. Người bị nhiễm HIV cũng là người bình thường, chính vì vậy, chúng ta nên có cái nhìn thông cảm, yêu thương và chia sẻ. Nếu mọi người chúng ta hiểu biết được kiến thức cơ bản về căn bệnh này thì không có thêm nhiều người nhiễm HIV và mọi người trong cuộc sống này cũng trở nên sống gần gũi hơn", ĐĐ.Thích Minh Khương chia sẻ.

ĐĐ.Thích Đồng Nguyện, Trưởng nhóm truyền thông sinh viên Học viện PGVN tại TP.HCM: "Chia sẻ với công nhân như bạn bè…"

congnnhan-2.jpg

ĐĐ.Thích Đồng Nguyện chia sẻ phòng chống HIV cho công nhân

Đến thời điểm này thì chương trình truyền thông của nhóm sinh viên Học viện PGVN tại TP.HCM đã đến được với trên một ngàn công nhân. Điều đáng mừng là đa phần những công nhân ấy tiếp nhận thông tin truyền đạt rất nhanh, nhạy bén, nhiệt tình lắng nghe và chia sẻ. Khi các bạn đặt nhiều câu hỏi, điều đó có nghĩa rằng các bạn ấy rất cần thông tin, cần được hiểu và biết nhiều hơn về căn bệnh HIV/S.

Chia sẻ những khó khăn với những công nhân đang mắc phải căn bệnh này, hiện tại chương trình đang hỗ trợ hàng tháng mì gói, gạo cho những người bị nhiễm, nhưng đó cũng chỉ là tạm thời. Thời gian sắp tới, nhóm truyền thông sẽ hỗ trợ việc làm tại nhà cho các bạn bị nhiễm. Cụ thể, nhóm sẽ hướng dẫn các bạn làm hoa giấy, làm thủ công mỹ nghệ, trang trí… những công việc nhẹ nhàng này phù hợp với sức khỏe nên các bạn có thể làm tại nhà. Những sản phẩm các bạn làm ra sẽ được Hội Liên hiệp Phụ nữ chịu trách nhiệm phân phối đầu ra.

Chương trình truyền thông chống kỳ thị cho người có HIV, đặc biệt chống kỳ thị trẻ em bị nhiễm được chúng tôi thực hiện gần 3 năm qua và đây là lần đầu tiên chúng tôi truyền thông rộng rãi đến công nhân. Vì thành công của chương trình, chúng tôi đã lên kế hoạch thực hiện dài lâu. Cụ thể, chúng tôi đang kết hợp với Hội Phụ nữ quận Gò Vấp tổ chức cuộc thi về tìm hiểu HIV trong công nhân, chương trình này sẽ diễn ra trong tháng 9 sắp tới.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.