Tăng Ni, Phật tử dốc toàn lực cho miền Trung ruột thịt

Giác Ngộ - Hình ảnh các cụ già, trẻ em cầm trên tay gói mì nhai ngấu nghiến cho qua bữa để chống chọi với đói rét trong những ngày qua đã lay động lương tri người dân cả nước. Tất cả mọi người đang hướng về nơi hai trận lũ liên tiếp nhau với biết bao sự cảm thông và chia sẻ. Giới Phật giáo cũng đã mang theo hàng ngàn phần lương thực, thực phẩm… lên đường hướng về các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ.

cuutro-2.gif

Tính đến tối 20-10, đợt lũ thứ hai đã có 46 người thiệt mạng, trong đó Nghệ An: 16 người; Hà Tĩnh: 21 người, Quảng Bình: 8 người; Thừa Thiên Huế có một người thiệt mạng và hai người mất tích. Hiện chưa tính đến 19 người bị nạn trên ô tô khách bị trôi. Mưa lũ làm 152.203 căn nhà bị ngập (Nghệ An: 15.166, Hà Tĩnh: 83.517, Quảng Bình: 53.520).

Lũ chồng lên lũ

Mưa lũ một lần nữa đổ xuống Nghệ An, hiện nay (18-10) có 35 xã bị cô lập hoàn toàn, huyện Nghi Lộc tất cả đều bị nhấn chìm trong nước, nặng nhất là xã Nghi Quang, Nghi Thuận nước ngập từ 1m đến 3m. Dân trong vùng bị chia cắt, ngập sâu được sơ tán đến nơi an toàn. Toàn bộ trường học đều đóng cửa. Khoảng 2.000 ha lúa bị chìm trong lũ, hiện tại thiệt hại chưa thể tính hết. Anh Trần Văn Thường, xã Nghi Quang vẫn còn tâm trạng hoảng loạn cho biết, nhà sống bằng nghề chăn nuôi cá, tôm và hai sào ruộng. Lũ đến nhanh đã cuốn trôi hết mọi thứ, hiện tại anh không biết tính sao cho những ngày tới, ngay cả thực phẩm cho gia đình anh cũng không biết tính sao.

Ông Hồ Đức Phước, Bí thư tỉnh Nghệ An cho biết, Nghệ An đã có hàng ngàn người được cứu trợ kịp thời, mì gói, lương khô là thức ăn chủ yếu trong những ngày mưa lũ. Chính quyền địa phương kiên quyết không để cho dân bị đói rét.

Mưa lớn đã đổ xuống các tỉnh miền Trung làm tê liệt hoàn toàn đường sá trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh… Chiều tối 18-10, lượng mưa ở Hà Tĩnh vẫn mạnh, nước tiếp tục dâng cao đột ngột, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết toàn bộ tỉnh có 178 xã bị ngập, trong đó có 105 xã bị chia cắt. Đường bộ, đường sắt vẫn tê liệt.

Tai nạn do lở núi đổ ập xuống đè bẹp 4 ngôi nhà tại xóm 12, xã Gia Hạnh, huyện Can Lộc, rất may 18 người trong 4 nhà này đã kịp sơ tán. Toàn bộ huyện Kỳ Anh có hơn 15.300 hộ dân bị cô lập hoàn toàn, nỗ lực của chính quyền cùng các ban ngành đoàn thể để sơ tán toàn bộ dân đến chỗ an toàn.

Nước sông dân cao, 3 đập thủy lợi Phố Châu, đập Cá Gáy (tại xã Gia Hạnh) và đập Thượng Hà ở xã Nga Lộc đã bất ngờ bị vỡ khiến hoa màu 6 xã vùng hạ mất trắng. Nước dâng cao khiến đoạn đê sông Lam bị nứt, nguy cơ vỡ đê tăng cao. Tại Quảng Bình, dù lũ bắt đầu rút nhưng đến ngày 18-10 có 80 xã bị ngập, trong đó có 4 xã ở Minh Hóa và 7 xã ở Quảng Ninh bị chia cắt.

Ở huyện vùng lũ sông Gianh, bao giọt nước mắt đã rơi trước sự điêu tàn của xóm làng, bờ bãi ruộng lúa bãi bờ bị dìm dưới làn nước đục ngầu. Nhiều gia đình đã phải chịu cảnh trắng tay, cửa nhà bị cuốn trôi theo những dòng nước xiết, nhiều gia đình một lần nữa phải chia sớt cảnh bất hạnh cùng nhau. Tang thương nhất là gia đình ông Lương Cả, xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa. Ông Cả mất đi trong lũ, nhà ngập cao không có chỗ, các con phải đưa xác ông vào hòm rồi treo lên chờ lũ rút.

Vùng rốn lũ Sơn Trạch (Bố Trạch), Lệ Thủy (Quảng Ninh), các lực lượng phải huy động ca nô để đến từng gia đình bị kẹt trong rốn lũ, dở mái ngói cứu người. Trong mưa lũ, nhiều bà con phải cầm hơi bằng những gói mì tôm được cứu trợ từ đợt lũ trước, thiếu nước, quần áo để mặc trong mưa lũ. Mưa lũ đã nhấn chìm tất cả, hàng ngàn gia đình phải bị mất trắng gia sản.

cutro-1.gif

Ban Từ thiện chùa Phổ Linh, Q.Tây Hồ là một trong 2 đơn vị
của Phật giáo đến chia sẻ kịp thời đồng bào bị lũ lụt
tại Quảng Bình và Hà Tĩnh - Ảnh: Linh Thuần

Tấm lòng của Tăng Ni, Phật tử

Ngay lúc này, bà con vùng lũ đều trông chờ vào lượng hàng cứu trợ của chính quyền địa phương và các mạnh thường quân. Thực phẩm cho dân hiện nay chủ yếu là lương khô, mì gói và quần áo. Nước uống và thuốc uống cũng được cung cấp kịp thời. Nhiều gia đình ở Quảng Bình nơi nước rút đã bắt đầu quay trở về nhà, chuẩn bị nhặt nhạnh lại từ những gì còn lại.

Ngay từ những ngày đầu cơn lũ đổ xuống vùng Bắc Trung Bộ, ĐĐ.Thích Thanh Phong, Phó ban TTXH T.Ư, trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm TP.HCM là đơn vị đầu tiên của Phật giáo kết hợp với các doanh nghiệp đến thăm và cứu trợ khẩn cấp đến vùng lũ hai tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh. Được sự giúp sức của các lực lượng địa phương, ĐĐ đã mang đến trao tận tay cho đồng bào bị nạn bao gồm: 14 tấn lương khô, 1.000 thùng mì, 12 tấn gạo, nước tinh khiết, 125.000 cuốn tập học sinh, 12 tấn sách giáo khoa và 300 triệu đồng tiền mặt. Tất cả hàng hóa và tiền mặt trị giá trên 2 tỷ đồng được Tăng Ni, Phật tử và các doanh nghiệp trong và ngoài nước chung tay góp sức gởi tặng cho đồng bào những vùng bị thiên tai nặng nề.

Cùng thời điểm trên, Ban từ thiện chùa Phổ Linh, Q.Tây Hồ (Hà Nội) đã mang theo 2.000 thùng mì gói, gạo, sách vở học sinh, quần áo và 300 triệu đồng đến Quảng Bình. Tuy nhiên do cơn lũ bất ngờ ập đến, đoàn chỉ tặng được 400 hộ dân tại xã Cẩm Mỹ, H.Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) trị giá 70 triệu đồng. Đoàn đành gởi quà lại tại nhà khách thanh niên Quảng Bình nhờ gởi đến tận tay đồng bào.

ĐĐ.Thích Thanh Phong, Phó Ban TTXH TƯGH chia sẻ: "Sau chuyến cứu trợ đồng bào hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình vừa qua, chúng tôi trực tiếp chứng kiến nhiều hoàn cảnh quá khó khăn của đồng bào vùng lũ. Hiện tại mưa lũ rất phức tạp lại đổ xuống các tỉnh miền Trung, chịu thiệt hại nặng nề nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Khó khăn của đồng bào lại chồng chất, nhiều gia đình phải chịu cảnh tang thương, mất mát quá lớn. Chúng tôi đang tiếp tục vận động Tăng Ni, Phật tử, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để chia sẻ với đồng bào vùng lũ. Mong mọi người hãy đồng hành cùng chúng tôi để giúp đỡ thiết thực nhất cho đồng bào vùng lũ tái lập cuộc sống".

Lũ lụt đổ dồn xuống các tỉnh Bắc Trung bộ một lần nữa, đau xót và mất mát lại rơi đúng vào các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước đó 5 ngày, đó là Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh. Những chuyến hàng cứu trợ vận động của Tăng Ni, Phật tử chưa kịp đến nơi thì phải tích cực vận động cho đợt cứu trợ tiếp theo. HT.Giác Thuận, chùa Như Lai đã lên đường mang theo lương thực, vật dụng cứu trợ trị giá trên 300 triệu đồng giúp bà con Quảng Bình; Ni sư TN Từ Nhẫn, trụ trì chùa Phước Viên (Q.Bình Thạnh) đã chuẩn bị 400 phần quà gồm lượng thực, quần áo, tiền mặt… trị giá 500.000 đồng/phần dự định tối ngày 17-10 chuyển đến tận tay đồng bào tỉnh Quảng Bình nhưng phải tạm ngưng vì đường xá, giao thông tại Quảng Bình đang trong đợt lũ thứ hai tràn về bị chia cắt.

Phật giáo TP.HCM hiện nay đã vận động và tập kết hàng ngàn phần quà gồm lương thực, mùng mền, quần áo và tiền mặt chuẩn bị cho những chuyến cứu trợ các tỉnh bị thiệt hại nặng nề trong thiên tai. Theo như dự kiến, cuối tuần nay 23-10, các đoàn từ thiện: chùa Giác Nguyên, Q.4 sẽ lên đường đến Hà Tĩnh, Quảng Bình với 2.000 phần quà, Ban TTXH Báo Giác Ngộ sẽ tặng 2.000 phần, chùa Giác Tâm 1.000 phần; chùa Phước Viên 400 phần lần lượt đến với đồng bào với tấm lòng chia sẻ lúc hoạn nạn khó khăn.

ĐĐ.Thích Minh Phú, chùa Giác Nguyên, Q.4 cho biết: "Khi nghe tin đợt lũ thứ hai một lần nữa tràn về miền Trung, chúng tôi rất đau xót trước hàng ngàn con người phải chịu cảnh mất mát, đói rét trong những ngày này. Cuộc sống của người dân miền Trung rồi phải rất cơ cực hơn trước kia rất nhiều khi mọi thứ không còn nữa. Là người con Phật chúng tôi thấy cần phải chia sẻ với bà con trong lúc khó khăn này." Chính vì lẽ đó, những ngày nhận được tin mưa bão tiếp tục đổ xuống miền Trung, ĐĐ.Thích Minh Phú đã lên kế hoạch cho bữa tiệc chay và bán đấu giá từ thiện tại 123 Lý Chính Thắng nhằm kêu gọi TNPT, các nhà hảo tâm, giới văn nghệ sĩ… đến với đồng bào qua bữa cơm chay đạm bạc quyên góp tiền ủng hộ cho đồng bào miền Trung ruột thịt.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.