Bạn chẳng bao giờ bằng an…
Bạn chẳng bao giờ bằng an… nếu bạn cứ ôm khư khư một đống tài sản (nhiều ơi là nhiều) và sợ (một mai mình mất, ai sẽ kế thừa, rồi tiền ấy sử dụng ra làm sao; hoặc sợ ai đó cướp của mình…).
Yêu đời đi nhé...
Bạn chẳng bao giờ bằng an… nếu bạn cứ sợ già, sợ những cái mình ước mong sẽ không đến, hạnh phúc mà mình chắc chiu bỗng chốc hoá hư không! Những nỗi sợ vô hình, từ những điều bạn tưởng tượng, như là sợ… ma chẳng hạn! Mình quên mất, là người ai chẳng già, vấn đề là sống như thế nào!
…nếu bạn cứ mãi vùi đầu chạy theo bằng cấp, hơn thua với đời, với người, khẳng định cái tôi ích kỷ của bản thân mà quên không trưởng dưỡng nội tâm, không chuẩn bị đối mặt với thất bại, mất mát!
…nếu bạn cứ mãi trách người ta hững hờ, trách đời răng tệ với mình quá, mình hổng hề điểm lại chính mình, vì sao người ta hững hờ, vì răng mình không như ý. Bạn quên mất “nhất thiết duy tâm tạo”, quên mất nhân quả, quên mất mình đã từng gieo nhân… hững hờ!
…nếu bạn cứ mãi nghĩ rằng bạn là đồ bỏ đi, chẳng làm được gì, chẳng bao giờ có khả năng phục thiện, sống tốt. Bạn quên mất “nhân vô thập toàn” và ai cũng có khả năng thành người lương thiện, nếu biết quay đầu…
…nếu bạn cứ mãi chìm nghiễm trong rượu chè, trong những trò chơi vô bổ, trong ý niệm trả thù, trong suy nghĩ hại người này, người khác để leo lên những vị trí nào đó, để có thật nhiều tiền. Bạn quên mất giá trị của đồng tiền chân chánh, của thành công có đầu tư công sức và mồ hôi…
(Còn nhiều, nhiều nữa những chi tiết vụn vặt khác như là bạn sợ bệnh, sợ phải ở một mình, sợ mất việc làm… có thể làm bạn bất an).
Bằng an ngay đây
Đơn giản lắm, Phật dạy buông chứ đừng… buộc. Do mình buộc vào mình nhiều thứ quá, gặp cái chi mình cũng bỏ lên “quang gánh đời” mình. Nào là cái này của mình, cái kia của người, nào là họ đã xúc phạm mình, nhìn đáng ghét, thấy đã không ưa… Tất cả những điều đó đã là sợi dây liên thông với nỗi buồn, bất an. Thế mà mình đâu có biết hoặc biết nhưng vẫn thả trôi cho cảm xúc của mình dễ dãi trôi đi, không bến bờ!
Bằng an ngay đây, là “khẩu pháp” để nhắc mình quay về quán chiếu, quay về và đừng phán xét, đừng phản ứng với những chuyện linh tinh, lang tang của cuộc sống quanh mình.
Ảnh: Internet
Bằng an ngay đây, khi mình đọc lên như thế và bắt đầu suy nghiệm: mình vẫn còn sống đây nè, lo chi chuyện chết ai hưởng của, ai thừa kế? Sao mình không dùng cái mình có để gieo tạo bằng an cho người mà tôi đã từng chia sẻ: tài thí (chia sẻ tài vật) không chỉ là miếng cơm manh áo mà ngay lúc đó mình còn bố thí pháp (bài pháp về bố thí) và bố thí sự bằng an (họ đỡ lo bữa cơm, dù chỉ một ngày, một lát). Thế nên, đừng co ro sợ hãi tiền sẽ mất hoặc dùng như thế nào khi mình mất mà hãy dùng tiền vào việc có lợi cho quần sanh đi…
Và gì nữa, và bạn đừng lao mình vào những thú vui xa lạ, ru mình vào thế giới ảo mênh mang, đẩy đưa số phận mình vào chốn hiểm, hang sâu… Chẳng có ai ghét bỏ bạn nếu bạn có tình thương thật thà, cư xử tốt với bản thân và với cuộc đời!