Tản mạn về hội “chờ ngày tận thế”

GNO - Sáng nay, 17-10, Tuổi Trẻ có phóng sự “Xâm nhập hội “chờ ngày tận thế””, câu chuyện về những đối tượng đi dụ dỗ những người nhẹ dạ cả tin, mê tín vào “hội” để được lên thiên đàng hoặc không làm cũng có ăn!

525832.jpg

Đối tượng (áo tím) đang thuyết phục PV Báo Tuổi Trẻ gia nhập "hội chờ ngày tận thế" - Ảnh: H.L.

Nếu tin nhân quả và được trang bị đầy đủ giáo lý nhà Phật thì với hình thức dụ dỗ, mê hoặc, ép buộc như những người trong hội “trời ơi” mà Tuổi Trẻ nêu sẽ không thể chấp nhận, thậm chí mắc cười về cách truyền “đạo” cũng như lòng tin quá ngây thơ của những người gia nhập. Quả thật, bên dưới bài viết là hàng chục bình luận thể hiện sự ngỡ ngàng, khó tin của bạn đọc như “không thể tin là giữa thành phố như Sài Gòn mà lại còn có những chuyện như thế” hoặc “như vậy mà cũng tin theo, hết biết…”.

Câu chuyện về những hủ tục vùng cao như tin vào một đấng thần linh rồi thực hiện những nghi lễ hiến tế hoặc kỳ thị người nào bị cho là “ma ám”… là câu chuyện khó tin nhưng có thể chấp nhận được (vì dân cư nơi đó khó tiếp cận những thông tin khoa học, hiện đại). 

Song, giữa TP.HCM (dẫu vẫn còn đâu đó tình trạng người có trình độ văn hóa thấp nhưng về phương diện tiếp xúc với khoa học, ánh sáng văn minh thì không đến nỗi nào) lại còn hiện tượng “khó tin” này? Khó tin bởi vì nó tồn tại mà người ta không ngờ tới được rằng đằng sau sự ma mị của những người thực hiện hành vi tuyên truyền là việc đánh vào tâm lý chung của con người: tò mò về những điều huyền bí hoặc chiều sâu tâm linh thiếu định hướng đúng đắn, căn bản.

Vì không có nền tản về tâm linh, giá trị đạo đức cao thượng cũng như nếp sống an trú vào hiện tại nên người ta mới dễ “mắc mưu”, rơi vào vòng xoáy của niềm tin mù quáng. Nhất là khi đối tượng truyền tin, gạ gẫm còn dùng đến hình thức dọa dẫm với những trừng phạt mang tính chất của một “lời nguyền” như “Không làm lễ nhập hội sẽ bị xe cán chết”.

Nếu là Phật tử, có niềm tin chân chánh và sâu sắc vào định luật nhân quả, biết thực tập “an trú trong hiện tại” thì định nghĩa về “ngày tận thế” không còn là nỗi lo. Như Tổ tư vấn của Giác Ngộ trong một câu hỏi liên quan đến “ngày tận thế” đã khẳng định: “"Ngày tận thế" chỉ là giả thiết, chiến tranh thế giới cũng là dự đoán, thảm họa hạt nhân tuy tệ hại nhưng cũng chưa đến nỗi nào… Mặt khác, kinh Phật luôn đề cập đến quán chiếu sự vô thường, giả tạm của thế giới và con người. Sự sanh diệt của các sự vật, hiện tượng xảy ra tương tục trong từng sát-na. Mạng sống con người và mọi loài mong manh, ngắn ngủi đến độ chỉ bằng một hơi thở. Khi khỏe mạnh nhất và môi trường sống bình an nhất thì sanh-trụ-dị-diệt, thành-trụ-hoại-không vẫn xảy ra liên tục trong mỗi vật, mỗi người, nào đợi đến ngày "tận thế" hay lúc sắp chết mới thấy và lo sợ sự biến hoại, sanh diệt.

Quán chiếu vô thường sâu sắc để thấy rõ như vậy thì không có gì phải lo sợ cả. Ngược lại người ta còn an nhiên, tự tại trước mọi biến động. Thấy rõ vô thường, con người biết trân quý sự sống và làm ngay những điều tốt đẹp cần làm”.

Vâng, nếu thật sự có thực tập và có nền tảng về giáo lý vô thường, sanh-trụ-dị-diệt thì mỗi sát na trôi qua cũng là mỗi sát na sanh diệt. Nên cứ sống thảnh thơi, bằng an và nhận diện điều đó để bất ngờ chúng ta gặp một đối tượng nào đó thuộc hội “chờ ngày tận thế” (hoặc tương tự như thế) thì chúng ta có thể mỉm cười tặng họ một cái rồi nói với họ rằng: thế giới đang sanh diệt, nên chúng ta đang trải qua sự sống và cái chết, ai cũng vậy, sao lại phải chờ đợi chi?

Sống như là “chỉ còn một ngày để sống” thì chúng ta sẽ có hạnh phúc và làm được nhiều việc ý nghĩa. Theo định luật nhân quả, tất cả do tâm tạo, nên đừng để tâm ta lăng xăng vào những điều ma mị, đáng thương và đáng tội nghiệp như những người đã tin, nghe và hành theo hội “chờ ngày tận thế” mà báo nêu.

Nếu tin nhân quả thì ta sẽ thấy mình gieo nhân lành thì quả lành tất sẽ sinh ra, nên không thể có cái gọi là “không làm mà vẫn có ăn”.

Và nếu tin sâu sắc nhân quả thì ta tự dưng thấy thương những con người lầm lạc, vì họ đã gieo tạo nhân không lành, một ngày hoa trái xấu sẽ đơm bông…

Chúc Thiệu

Theo ông Nguyễn Hoàng Giang, Phó ban Tôn giáo TP.HCM, tất cả các tôn giáo hợp pháp tại TP khi rao giảng đều khuyên răn, giáo dục tín đồ lòng yêu quê hương, đất nước, tinh thần tương trợ, tương thân tương ái, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp. Chưa thấy tôn giáo nào hợp pháp mà truyền bá thông tin sắp đến ngày tận thế làm hoang mang trong quần chúng nhân dân.

Theo Tuổi Trẻ

>> Xem thêm bài viết trên Tuổi Trẻ

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.