Phát biểu tại cuộc họp báo hôm thứ ba tại chùa Jogye, Hòa thượng Ja Seung nói: “Năm 2010 (Canh Dần), nhắc chúng ta nhớ lại nhiều vấn đề đau lòng, trong đó có cuộc chiến tranh xâm lược bán đảo Triều Tiên của Nhật Bản và phong trào sinh viên 19-4. Mặt khác, năm 2010 cũng mang lại cho chúng ta sự hứa hẹn và sự phát triển, nhất là hội nghị thượng đỉnh G20. Là Chủ tịch Hội đồng Trị sự Thiền phái Tào Khê đời thứ 33, một lần nữa tôi đang kỳ vọng mở một cánh cửa mới cho Phật giáo Hàn Quốc.”
Trong văn phát nguyện (balwon) năm mới có chủ đề “Phật giáo thông qua giao tiếp và hòa hợp”, Thiền phái Tào Khê đã đưa ra 3 sách lược then chốt: “Đẩy mạnh tu tập thiền định”, “Chấn hưng Phật giáo thông qua giáo dục và công tác hoằng pháp”, và “Giao tiếp xã hội và hiện thực hóa Thiền định”.
Phật giáo Hàn Quốc hầu như chỉ tập trung vào thiền định, (nghĩa là chỉ chuyên tu mà không quan tâm gắn đạo với đời – ND). Tuy nhiên, vấn đề này đã làm cho Phật giáo trở nên hoàn toàn khó hiểu và khó tiếp cận đối với quần chúng, thậm chí ngay cả Phật tử, trong điều kiện thực tế để có thể gia nhập đạo.
Hòa thượng Ja Seung phát biểu: “Quả thật là chúng tôi chưa nắm bắt kịp các phương pháp giáo dục Phật giáo và các xu hướng thiền định khác trên thế giới, bởi vì chúng tôi quá tự hào về truyền thống của mình. Chúng tôi sẽ giúp các Phật tử tu tập theo một hệ thống thực tiễn hơn bắt đầu từ năm nay.” Thiền định vẫn sẽ là pháp môn tu tập quan trọng của Phật giáo, nhưng chư Tăng Ni và Phật tử sẽ được học nó một cách có hệ thống hơn thông qua sách vở, các bài thuyết giảng và các hoạt động Phật sự khác v.v…
Phật giáo Hàn Quốc hãnh diện với lịch sử hơn 1700 năm của mình, nhưng lại thiếu một nền giáo dục thực tiễn và dễ hiểu, vì vậy cần phải có nhiều sách vở và phương pháp giải thích Phật giáo.
Thiền phái Tào Khê sẽ tổ chức thêm nhiều hình thức sinh hoạt Phật giáo mới để mọi người có thể tham quan và học hỏi từ chư Tăng Ni và các chuyên gia Phật giáo, đồng thời giới thiệu một chương trình hội viên dành cho Phật tử. Các hội viên sẽ được thông báo về các sự kiện Phật giáo sắp tới, và có nghĩa vụ thông báo các sự kiện đó cho người khác biết.
Nội dung văn hóa Phật giáo, bao gồm ẩm thực nhà chùa, lưu trú tu học tại chùa (temple stays) và các cuộc triển lãm nghệ thuật khác, là những điểm nổi bật đáng chú ý nhất. Thiền phái Tào Khê sẽ gia tăng số lượng cũng như nâng cao chất lượng nội dung của các hoạt động này.
Hòa thượng Jong Hung, giám đốc Tập đoàn Văn hóa của Phật giáo Hàn Quốc cho biết: “Về chương trình lưu trú tu học tại chùa (temple stays), chúng tôi đang hướng đến mục tiêu biến nó trở thành một hoạt động du lịch nhằm thu hút du khách ngoại quốc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận chương trình này là một trong những hoạt động du lịch quan trọng nhất của Hàn Quốc, và chúng tôi sẽ nỗ lực giúp các du khách thể nghiệm Phật giáo Hàn Quốc.”
Thông qua giao tiếp, Thiền phái Tào Khê cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa các đoàn thể, giữa các gia đình khác, thậm chí giữa Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên. “Chúng tôi chủ yếu tập trung vào các vấn đề của riêng chúng tôi trong khuôn khổ của Thiền phái Tào Khê. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ hoạt động cùng với xã hội để cung cấp sự tư vấn cũng như giúp đỡ những ai có nhu cầu thông qua giáo lý đức Phật,” Hòa thượng Ja Seung cho biết.
Thiền Phái Tào Khê sẽ hoạt động trong nhiều lãnh vực, trong đó có việc hỗ trợ môi trường, giúp đỡ các gia đình đa văn hóa và gia tăng phúc lợi thông qua các chương trình và các sự kiện Phật giáo. Thiền phái Tào Khê cũng sẽ liên lạc với các lãnh đạo Phật giáo và các tự viện ở Bắc Triều Tiên để hợp tác xúc tiến phát triển Phật giáo.
“Từ communication (giao tiếp) có 2 nghĩa. Nghĩa thứ nhất là không có sự tắc nghẽn, mọi việc đều êm đềm trôi qua. Nghĩa thứ hai là chia sẻ những ý tưởng và hiểu biết khi có sự hiểu nhầm. Tôi sẽ cố gắng làm thật tốt cả vấn đề giao tiếp và hòa hợp trong suốt nhiệm kỳ 4 năm của tôi. Đây là con đường duy nhất để đưa Thiền phái Tào Khê vươn lên địa vị mới trong thời gian tới,” Hòa thượng Ja Seung nhấn mạnh.