GN - Tháng mười một âm lịch là tháng vía Đức Phật Bổn tôn A Di Đà, ngày 17-11. Ngày này trở thành một ngày quan trọng bậc nhất của những hành giả Tịnh độ. Nên, tâm thư tháng mười một không gì khác ngoài lá thư Tịnh độ, cùng nhau sách tấn tu tập.
Tôn tượng Đức Phật A Di Đà (song diện) tại vùng biên giới
Việt Nam - Campuchia, huyện An Phú, tỉnh An Giang - Ảnh: Vũ Giang
Lá thư Tịnh độ nguyên là tên gọi một tác phẩm của Đại sư Ấn Quang (1862-1940), vị được tôn xưng là Tổ thứ 13 của tông Tịnh Độ Trung Quốc. Tịnh Độ tông là một tông phái lớn. Ở Trung Quốc, Tịnh Độ tông phát triển rất sớm, từ nửa cuối thế kỷ thứ II, đến nửa đầu thế kỷ thứ IV đã rất thịnh. Ngài Tuệ Viễn (334-416) được tôn là Sơ tổ tông Tịnh Độ Trung Quốc, sáng lập Bạch Liên xã, chuyên dùng Tịnh độ niệm Phật làm pháp môn tu hành, cùng nguyện vãng sinh quốc độ của Phật A Di Đà. Sau ngài còn nhiều vị Tổ khác kế thừa, nổi tiếng là Tịnh độ Ngũ tổ: Đàm Xước, Đạo Xước, Thiện Đạo, Hoài Cảm, Thiếu Khang.
Ở Việt Nam, pháp môn Tịnh độ là pháp môn phổ biến bậc nhất, cho dù thế thứ truyền thừa của chư vị Tăng Ni thuộc các Thiền phái qua mấy mươi đời. Tuy không chủ ý lập tông, song Tịnh độ vẫn là pháp tu chủ yếu ở nước ta ngay từ những thế kỷ đầu Tây lịch, ước tính vào trước thế kỷ thứ III. Đến thế kỷ thứ V, pháp môn Tịnh độ đã phát triển mạnh mẽ cùng sự phổ biến của các bộ kinh Vô Lượng Thọ và Quán Vô Lượng Thọ. Thời cực thịnh của Thiền tông Việt Nam, pháp tu Tịnh độ vẫn không hề suy yếu. Lý Thánh Tông (1023-1072) đã cho tạc một pho tượng Phật A Di Đà tuyệt đẹp tại chùa Vạn Phúc. Thiền sư Tịnh Lực (1111-1175) thâm chứng “niệm Phật tam muội”. Trần Thái Tông (1218-1277) soạn Niệm Phật luận v.v…
Rất nhiều vị cao tăng Việt Nam thời hiện đại chuyên tu Tịnh độ, điển hình như HT.Thích Trí Thủ (trì Phổ Hiền hạnh nguyện, soạn Nghi thức lạy sám cầu vãng sinh Tịnh độ); HT.Thích Thiền Tâm (nổi tiếng tu Mật song soạn Niệm Phật thập yếu, được xem là bộ sách gối đầu giường cho người tu pháp môn này); HT.Thích Trí Tịnh (thành lập Cực Lạc liên hữu và soạn nhiều bộ sách về pháp môn Tịnh độ); đặc biệt, Hòa thượng đương vi Pháp chủ, dù thường giảng về thiền, song chuỗi hạt niệm Phật hầu như không rời khỏi tay ngài…
Nhìn lại những tấm gương sáng của chư vị tu hành pháp môn Tịnh độ, chúng ta, đàn hậu học, luôn giữ vững niềm tin vào pháp môn Tịnh độ mà mình đã chọn. Nguyện cầu Vô lượng quang, Vô lượng thọ, Vô lượng công đức của Đức Bổn tôn A Di Đà luôn soi sáng, xông tỏa đến những ai có đủ Tín - Nguyện - Hạnh với pháp môn Phật dạy, cho “Cực lạc thêm hoa” và cõi nhân gian được hóa thành Tịnh độ.
- Mời đọc ấn phẩm đặc biệt: Xây dựng Tịnh độ nhân gian (đã ra mắt độc giả vào hôm nay, 9-12-2016 nhân vía Đức Phật Bổn tôn A Di Đà)
Ban Biên tập