Tâm thiền - tâm xuân, khởi đầu tươi mới

Ảnh minh họa: Cát Tường Quân
Ảnh minh họa: Cát Tường Quân
0:00 / 0:00
0:00
GNO - Đất trời ấm áp, cây cỏ nảy lộc đâm chồi. Không ai bảo ai, nhưng lòng người ai nấy đều bớt hối hả. Sống chậm lại, lắng lại, cởi mở, tươi vui, tha thứ, bao dung. Tất cả đã tạo nên mùa xuân, gác lại mọi điều chưa ổn của quá khứ để bắt đầu cho một sức sống mới.

Nếu ai khéo sống, không đợi năm hết Tết đến mà quanh năm, giờ khắc nào cũng có thể tự mình sống bằng sức sống xuân như thế.

Ngày Tết ở đảo Bali mọi người không làm gì cả. Họ chỉ giữ cho tâm trí được trong trẻo, yên bình để sẵn sàng cho một khởi đầu của năm mới. Ngày đặc biệt này họ gọi là Nyepi, nghĩa là ngày hoàn toàn yên tĩnh. Sự an tịnh này được người Bali tôn trọng, cả hòn đảo đều yên lặng. Họ cho rằng, đạt được như vậy thì ma quỷ và những điều xui rủi xấu xa sẽ không nhận ra họ đang sống ở đó. Vì ngỡ rằng không còn ai có mặt trên đảo cho nên ma quỷ và sự xui rủi đều bỏ đảo mà ra đi, người dân trên đảo được an bình.

Trong 24 giờ của ngày Nyepi, cả hòn đảo đều yên lặng, không có máy bay từ nơi khác hạ cánh và ở địa phương cũng không chuyến bay nào cất cánh khởi hành. Ô-tô, xe máy cho đến người đi bộ ngoài đường cũng không có. Nhà nhà đều tắt đèn điện và thắp nến. Các cửa hàng đều đóng cửa, không mua bán. Các khách sạn phải kéo rèm che kín cửa sổ. Mọi người dành hết thời gian này để thiền định, tư duy. Không sử dụng điện, không đốt lửa, không đi ra khỏi nhà, các hoạt động giải trí đều không tham gia. Sự an tịnh này nhằm giúp thanh lọc con người và cả hòn đảo, để tất cả sẵn sàng bắt đầu cho một cuộc sống mới. Đó là phong tục khởi đầu một năm mới của người dân ở đảo Bali, Indonesia.

Trong cuộc sống, có nhiều vị gặp lúc đuối sức trước áp lực công việc, họ ngồi lại tĩnh tâm trong chốc lát thì lấy lại được thăng bằng, tiếp tục giải quyết mọi việc được trôi chảy. Có nhiều ông chủ của những tập đoàn lớn thường khởi đầu cho một ngày mới bằng việc tọa thiền, tĩnh tâm. Những vị lãnh đạo, những nguyên thủ quốc gia… họ luôn làm việc và tiếp khách với phong thái rất điềm nhiên, tỉnh táo, vui nhẹ, toát lên nét thanh thoát như đang ở trong thiền định. Không hẳn họ đã nghĩ rằng mình đang tập thiền. Nhưng lý do phải làm như thế, bởi chỉ có hai con đường duy nhất cho quý vị ấy lựa chọn.

Một là sống buông thả tự nhiên, lăng xăng như bình thường thì sẽ không đủ năng lượng và sức lực để tải nổi khối công việc quá khổng lồ. Kết quả là một thời gian sau phải vào bệnh viện, không thể tiếp tục công việc. Hai là tĩnh tâm như đang thiền định, làm việc mà luôn trở lại trạng thái ban đầu, làm cho tươi mới (Refresh) để không mất năng lượng. Như thế, đang làm việc mà cũng là đang nghỉ ngơi trên công việc, trí tuệ sẽ sáng suốt, giải quyết mọi việc trôi chảy, hanh thông. Và trên thực tế, ai cũng thấy tất cả những nguyên thủ quốc gia thành công đều sống và làm việc theo cách thứ hai này. Còn nhiều trường hợp tương tự trong cuộc sống, họ đạt được thành tựu đều có cách sống và ứng xử như là đã biết ứng dụng thực tập thiền.

Cho thấy, không hẳn đã là tu thiền, nhưng làm đúng với thiền thì sẽ hưởng được những tác dụng và lợi ích từ thiền định mang lại. Những vị đủ duyên tu thiền thì có cách thức phương pháp thực hành bài bản để tiến bộ lâu bền và sâu hơn. Mới hay, thiền không hẳn là một tôn giáo hay của riêng ai. Cũng không cần phải đặt tên và gọi là tu thiền. Thiền là một lẽ thật rất chung. Hễ ai làm đúng như thế thì sẽ được như thế. Còn gọi nó là gì thì tùy mỗi người đặt tên, điều đó không quan trọng. Bởi gọi là tên gì đi nữa thì thiền xưa nay vốn là bản thể sống, đang hiển hiện sẵn vậy nơi mỗi người.

Qua những thực tế trên cho thấy, nếu mùa xuân của đất trời là nơi khởi nguồn cho cây cỏ đâm chồi nảy lộc, con người theo đó tinh thần cũng được tươi vui; thì tâm thiền là nơi khởi nguồn của mọi mới mẻ cho con người lan tỏa ra cuộc sống. Cho nên, tâm thiền chính là tâm xuân miên viễn nơi mỗi người. Người sống được bằng tâm xuân miên viễn, mới thấy tâm thiền là nơi khởi đầu của tất cả sự tươi mới theo cả nghĩa đen trên vạn sự vạn vật, lẫn cả nghĩa bóng từ bản tâm mình. Nếu là một hành giả hành thiền, sẽ dễ dàng bắt gặp nó trong sức sống mà hàng ngày chúng ta vẫn đang sống, đang thực hiện. Mới hay ra, tâm lặng mà sáng biết sẵn nơi mỗi người, tâm thiền ấy là một cõi miền uyên nguyên, nơi bắt đầu cho sức sống mới của con người, như hương xuân làm mới cho đất trời tinh khôi vậy.

Sống bằng tâm xuân thì không bị diệt sanh, biến chuyển. Rời tâm ấy trong thoáng chốc, liền thấy mình như người đã chết, sống mà không thực sự sống. Khám phá ra tâm xuân này, Sơ tổ Trúc Lâm Trần Nhân Tông gọi là đã khám phá được chúa xuân. Khám phá được ông chủ làm nên mùa xuân tươi mới, ngài không còn lay động trước mùa xuân của đất trời. Xuân có đến hay đi cũng chỉ như thế; tự tại, tiêu sái, hồn nhiên. Sơ tổ nói:

Thuở bé chưa từng rõ sắc không,

Xuân về hoa nở rộn trong lòng.

Chúa xuân nay bị ta khám phá,

Chiếu trải bồ đoàn ngắm cánh hồng.

(Xuân vãn)

Khám phá được chúa xuân, chúng ta sẽ làm chủ được mùa xuân, tức là muốn có xuân lúc nào cũng được, không đợi đến tháng ngày. Tất cả từ đây đều được lột xác. Con người, vạn vật đều như cũ, nhưng đã đổi sắc trong cách nói, nét cười, lẫn cả ánh rạng ngời, tươi sáng không thể tả đến được. Mới thấy, không chỉ là xuân của đất trời mà trong ta vốn sẵn một mùa xuân bất diệt, dù cuộc đời, cảnh vật vẫn đang từng khắc thay đổi, đổi thay.

Nếu mùa xuân của đất trời là nơi khởi đầu cho mọi sự mới mẻ, thì tâm thiền luôn là một mùa xuân như thế, luôn sẵn sàng cho mọi khởi đầu tốt đẹp nhất. Thiền sư Thường Chiếu, một thiền sư Việt Nam thời Lý đã nói:

Đạo vốn không nhan sắc,

Ngày ngày lại mới tươi.

Ngoài ba ngàn thế giới,

Chỗ nào chẳng phải nhà.

Thể đạo, tâm thiền, trong ấy không một tướng mạo. Tuy vậy, người từ trong ấy để sống mới thấy, ngày nào cũng rạng ngời, sáng rỡ. Đồng thời, thấy rất rõ tất cả đều từ một tâm thiền này mà có ra. Cho nên nói: “Đạo vốn không nhan sắc, Ngày ngày lại mới tươi”. Sống bằng tâm thiền ấy rồi mới thấy nó không còn vết tướng mạo, không cả sở chứng cũng không một vết mê; luôn sáng rỡ và trùm khắp. Nhìn đến đâu, nghe thấy gì cũng không ra ngoài tánh sáng ấy. Đã như thế rồi, còn có chỗ nào khác tánh sáng ấy đâu? Mọi chốn sạch nhơ đều thanh tịnh; đúng sai, thành bại thảy như như, nơi nơi đều sáng sạch, tự tại, không ngăn ngại thì đâu còn gì khác để bỏ đây đi tìm nơi kia? Chốn chốn không khác, chỉ một tâm thiền cho nên nơi nao cũng chốn quê nhà. Do đó nói: “Ngoài ba ngàn thế giới, Chỗ nào chẳng phải nhà”. Sống được như thế, tâm thiền rực ánh xuân, mùa xuân không ra ngoài tâm thiền. Tâm xuân này luôn là sự khởi đầu cho tất cả những tươi mới. Quanh năm luôn thắm đượm sắc hương xuân.

Bôn ba giữa trường đời quá sức, mệt nhoài, có người ngồi tĩnh tâm lại một tí, năng lượng phục hồi, lấy lại thăng bằng, khởi động lại công việc và được tốt đẹp. Ông chủ một tập đoàn lớn có nhiều áp lực, hàng ngày khởi đầu mới bằng sự tĩnh tâm thì lại đủ sức để cân bằng bản thân, tỉnh táo để lèo lái công ty vượt qua nhiều thách thức, khó khăn, đưa đến thành đạt. Với người nhiều công việc, khéo tĩnh tâm để nghỉ ngơi trên công việc, năng lượng sẽ được phục hồi, tái tạo để đưa đến thành công.

Người dân ở đảo Bali thì khởi đầu năm mới bằng một ngày hoàn toàn yên tĩnh. Hành giả tu tập thiền sẽ thấy rõ hơn tất cả mọi sự mới tươi đều khởi nguồn từ tâm thiền ấy. Mới biết, tâm thiền là tâm xuân, nơi khởi nguồn cho mọi sự tươi mới. Sống bằng tâm thiền, trong ta lúc nào cũng đang hiển hiện một mùa xuân thực sự, đúng nghĩa; luôn khơi nguồn cho những phát minh.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.