Tấm lòng cô công nhân

GN - Cuối năm. Đêm đã khuya, Trân vẫn cặm cụi với những lát chổi xào xạt trên đuờng. Mấy hôm nay Trân lủi thủi một mình với chiếc xe rác đến tận gần sáng mới quét xong đoạn đường của Trân và chị Thao. Chị Thao con nằm viện nhờ cái Thu con gái đầu chị đến phụ Trân. Biết Thu sắp thi vào đại học, Trân nói:

- Đêm sau Thu nghỉ, chị quét một mình cũng được. Chị thấy Thu không quen thức đêm... ngáp hoài à.

Thu bẽn lẽn:

- Ở nhà cháu uống một ly cà phê đặc rứa mà hai mắt cứ díp hoài dì nợ.

anh minh hoa.jpg

Tranh minh họa từ internet

Trân vừa quét vừa mỉm cười tính thơ ngây của Thu. Thu đẩy xe tới. Hai thanh niên đi chơi khuya về thấy Thu lung linh dưới ánh đèn khuya liền lạng xe cái vù làm Thu xanh mặt. Trân trở cán chổi trừng mắt chỉ hai thanh niên đang quay lui cười nham nhở:

- Liệu hồn đó! - Rồi quay sang nói với Thu đã đẩy xe rác trờ tới - Chị thức đêm, quen rồi, mai chị thấy Thu đến là chị giận đó, nghe chưa!

- Dạ!

Công việc đã xong, Trân vào phòng thay chiếc áo công nhân dày cộm có mấy sọc ngang, sọc dọc phản quang, chợt nhớ bài thơ anh thợ điện tặng. Trân lấy ra xem thêm lần nữa. Bạn trai Trân là một anh chàng chuyên leo cột điện,  bắt đồng hồ điện, đóng mở điện, kéo dây bắt điện cho bà con vậy mà hồn thơ lai láng. Anh bạn trai của Trân ở cái tuổi ngoài ba mươi chững chạc mọi thứ, đôi măt vương buồn một chút ư tư rất hút hồn con gái. Tết năm trước Trân được công đoàn khen thưởng, xuất sắc trong công tác, anh làm tặng Trân một bài thơ, xin phép tổ chức đọc hôm Trân lên lãnh bằng khen.

“… Tiếng chổi khua vào đêm mênh mang

Ngày chưa hết mà năm đã cũ

Đêm chưa tròn tháng Giêng vội tới

Mùa trong em Tết cũng ngập tràn…”.

Trân xem lại vẫn còn hồi hộp như ngày đầu quen nhau rồi thong thả đạp xe về nhà. Các chị sồn sồn cùng tổ Trân cứ mặc nguyên bộ quần áo bảo hộ xót xáy ấy leo lên Honda cười nói lao xao và nổ máy chạy...

Trân chưa chồng, không bận bịu việc nhà nên thường trở lại con đường chạy dọc theo công viên ven sông. Trân thích nhìn con đường sạch bong do cô mới quét vừa ngắm bình minh cuối nguồn sông đang hừng lên dùng dằng với bóng đêm nhờ nhờ sương đêm. Cuộc chia tay ngày và đêm diễn ra bịn rịn trong cõi tịch lặng ban sơ thật tuyệt vời, chỉ có những người thức khuya, dậy thật sớm như Trân mới được thưởng thức, mới được thả hồn giao thoa với đất trời, suơng gió sớm mai. Và nếu ai vô tình hay cố ý hái hoa, bẻ lá bên công viên xả trên đường, cô lại dừng xe nhặt sạch mới thôi.

Trân đang đạp xe trong cảm khoái bâng lâng, chợt thấy một cái ba-lô ai để trên đường, miệng ba-lô mở, cô nghĩ, chắc tên trộm lấy hết tư trang rồi phi tang ra đây, mình đừng rớ tới mang họa. Trân đạp qua, bụng áy náy vì cái ba-lô sù sụ trên đuờng. Gì thì gì, mình phải dẹp nó đi, để chút nữa nguời ta qua đây chướng mắt lắm. Trân quay lui, dựng xe bên lề, đến xách ba-lô lên, nghe nặng tay, mở ra xem. Trân thấy một cái bình gốm màu xanh, có khảm ảnh căn cước của một lão bà thượng thọ 81 tuổi, không ghi trú quán, chỉ vỏn vẹn một dòng chữ nguyên quán tít đâu ngoài Bắc. Trân biết đây là cốt tro đã hóa trong Đài hoàn vũ, giờ này điêu linh tịnh độ nơi đây, tội nghiệp! Trân liền đưa bình cốt tro ấy về đội trong công viên. Mấy anh bảo vệ cùng Trân lập một bàn thờ tạm, thắp hương cho lão bà.

Mấy hôm sau, trước khi các chị đẩy xe tỏa ra các ngõ đường quét, hốt rác, cả tổ Trân quây quần bàn bạc, chọn cách tốt nhất để liên lạc với người nhà bà lão. Không biết chị Thuần bực bội chuyện gì lại lên tiếng:

- Khi không con Trân rước của nợ cho tổ.

Trân dấm dẳng:

- Ch...ị Thuần nói vậy th…ì để em đem về nhà em.

Chị tổ trưởng đang bó chổi nghe vậy lên tiếng:

- Thuần à, nếu gặp thì mi cũng làm như Trân thôi, chớ đừng nói trạng, ai nỡ để vong linh người ta trôi sông lạc chợ được.

- Chị không sợ giám đốc phê bình tổ mình mê tín dị đoan à?- Thuần gân cổ cố bày tỏ lòng mình -  Khi không ở công viên lù lù một bàn thờ nghi ngút khói hương mấy hôm rày. Em sợ lãnh đạo biết phê bình đó.

- Lãnh đạo phê bình tau chịu cho - Chị tổ trưởng khẳng khái - Chừ tổ mình tìm cách chi tin cho người nhà mệ đó biết là hay nhất, đừng bàn cãi tùm lum nữa.

Chị Thắm nói:

- Giám đốc không la đâu, nếu ổng la cả tổ mình chịu. Tui nghĩ bây giờ rao trên đài là hay nhất.

Chị Sung hậm hực:

- Tiền mô! Bộ mấy đứa bây tưởng lên ti-vi rẻ lắm à? Tau nghe họ nói mấy trăm ngàn một phút chớ không dưới mô.

Cả tổ phụ nữ quét đường người đứng, người ngồi nghe chị Sung nói, ai nấy chìm trong im lặng... Một lát Trân rụt rè:

- Thôi đây... tại em, để em chịu tiền rao trên đài cho, mấy chị...

Chị Thuần cướp lời:

- Tau nói chơi vậy mà mi đòi chịu một mình hả? Không được nghe, làm việc phước ai cũng có quyền hết a Trân - Chị Thuần đến ngồi trước chị tổ trưởng vừa bó xong chổi, nói tiếp - Chị tổ trưởng nì, tôi nghĩ bọn mình đóng góp chắc đủ rao một lần trên truyền hình. Nếu thiếu, quyên bên bảo vệ, bên tổ Bắc, cùng lắm xin công đoàn chi cho một ít mấy chị ạ, việc nghĩa công đoàn công ty cũng hăng hái tham gia thôi.

Ngay tối hôm đó chủ tịch công đoàn đến, biết chuyện, chi nóng mấy trăm ngàn rồi làm thủ tục với tài vụ sau và phân công Trân ngày mai đến đài truyền hình nhắn tin cho người thân cụ bà. Trân đến đài truyền hình đăng ký rao vặt, ông trưởng phòng nghe chuyện cũng miễn phí luôn. Trân phấn khởi đem mấy trăm bạc chị em và công đoàn đóng góp nạp cho công ty. Nhưng công ty bảo Trân đưa về tổ lo chăm sóc hương khói, bông hoa cho hương linh cụ bà, khi người nhà cụ đến nhận mới thôi.

Một tuần sau, chị Thao và Trân đang quét dọn trên đoạn đường dẫn ra ga. Đường khuya lặng vắng, hai hàng cây hai bên lề đường chụm đầu vào nhau kết thành một hang động xanh mơ dưới bóng những ngọn đèn cao áp chạy hun hút đến sân ga. Con đường đẹp thơ mộng, xanh xao đến nỗi Trân cảm tác:

Vỉa ốp lát đá núi/ Con đường xanh như đêm/ Nằm nghe phố xá thở/ Dòng sông như đường khuya/ Đựng đầy đêm huyền thoại/ Nhen biếc ước mơ xanh...

Ở sân ga láo nháo một nhóm người mới vừa xuống chuyến tàu đêm. Tiếng nổ của những chiếc xe chở thồ xé trong khuya vắng, vỡ òa tịch lặng rồi bị bóng đêm nuốt chửng trong bao la sâu thẳm, con đường yên tĩnh như cũ. Chợt một thanh niên đến bên Trân cất tiếng hỏi:

- Xin lỗi, cô biết trụ sở đội công viên Lý Tự Trọng đóng ở đâu không?

Trân í ới gọi chị Thao đẩy xe rác phía sau vì đột nhiên giữa khuya khoắt gặp anh chàng lạ hoắc! Nhưng khi nghe anh chàng hỏi “trụ sở” bằng giọng Bắc thì Trân  phì cười:

- Chúng tôi làm chi có trụ sở, chỉ có một căn nhà tạm dành để dụng cụ ngoài kia kìa - Sực nhớ, Trân hỏi - Anh hỏi làm chi, giờ này ngoài đó chẳng có ai cả.

Anh chàng lúng túng:

- Cô biết cô Trân công nhân môi trường đô thị không?

Trân chưa kịp trả lời thì chị Thoa đã hỏi chàng trai:

- Cậu tìm cô Trân làm chi?

Chàng trai giải thích rằng, hôm bà nội chàng mất ở thành phố Hồ Chí Minh chàng không vào được vì bận bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Ông nội và mẹ anh đưa cốt tro bà về quê. Trên chuyến tàu xuyên Việt, ông nội anh ôm khư khư bình cốt trong lòng, tên trộm tưởng của cải quý lừa cụ ngủ, thó mất túi ba-lô... hóa ra cốt tro người chết...Cụ ông lang thang ở sân ga ba ngày ba đêm tìm cốt vợ không đặng mới chịu về quê. Về nhà cụ ông chẳng ăn uống gì được, nằm thở vắn than dài không biết hương linh vợ đang vất vưởng nơi đâu. Mới đây, cả nhà nghe Trân nhắn tin trên sóng truyền hình liền bảo cháu trai đáp tàu xe vào nhận cốt tro bà nội.

Tối hôm đó Trân bàn giao bình cốt cho chàng trai kỹ sư cầu đường tên Hân:

- Anh đừng ham ngủ như ông nội để bà nội đi bụi lần nữa thì chết đa nghe.

Hân không cười phụ họa mà vương vấn ánh mắt buồn buồn trên mái tóc đen dài óng ả và khuôn mặt khả ái của Trân. Hân cười gượng nói:

- Mình từ xa xôi đến đây lại nhận được sự tốt bụng của Trân, của các chị không biết lấy gì đền đáp. Trân có cho mình đến đây xin việc làm không?

- Được thôi - Chị Thoa hớt lời - Sợ cậu chê thôi, thành phố tôi rất cần kỹ sư cầu đường như cậu.

Trân không trả lời Hân nhưng đôi mắt trong ngước nhìn Hân đượm một lời hỏi khẽ: "Thiệt không đó?".

Chàng trai cũng ngầm hiểu, hứa:

- Mình sẽ trở lại đây, chắc chắn!

Lúc ấy chuyến tàu khuya rúc hồi còi báo giờ chuyển bánh, chàng trai hối hả đeo bình cốt bà nội lên tàu, đứng vẫy tay chào Trân và chị Thao.

Trân nhìn đuổi theo Hân với ánh nhìn đằm thắm, lòng lại nghĩ đến anh thợ điện của Trân. Nghĩ về một tiệc cưới của Trân và anh thợ điện gồm các chị trong tổ, công đoàn và lãnh đạo cơ quan đến chúc tụng rôm rả… ý nghĩ này làm hai má Trân bừng bừng…

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.