Tâm bình thường là đạo

Bình an có nghĩa là tâm an nhàn, tự tại
Bình an có nghĩa là tâm an nhàn, tự tại

GN - Bình an không có nghĩa là đang sống trong một nơi bình an mà đang sống mọi nơi nhưng trong tâm vẫn an nhàn, tự tại. 

Câu “Tâm bình thường là đạo” phát sinh từ câu chuyện ngài Triệu Châu (778-897) đến hỏi đạo ngài Nam Tuyền (748-834). Ngài Triệu Châu hỏi: “Thế nào là đạo?”. Ngài Nam Tuyền đáp:  “Tâm bình thường là đạo”. Vậy, tâm bình thường có gì ghê gớm mà có thể gọi là đạo? Chữ bình (平) trong tiếng Hán, tiếng Anh là peace, có thể dịch là sự bình an mà vượt lên trên cả bình diện hạnh phúc và khổ đau. Một khi tâm đã bình an, nghĩa là trong trạng thái buông xả hoàn toàn, không còn chấp thủ, hay dính mắc. Theo thiển ý, tâm bình thường là tâm vô cầu, không vướng mắc. Tâm bình thường cũng có thể hiểu là tâm an trú trong sự bình an, tĩnh mặc, như mặt nước hồ thu, yên tịnh, trong sáng, soi rọi và ôm trọn tất cả những cảnh trí quanh mình, mà hoàn toàn không bị đắm say, hay xáo trộn, dính mắc, như thi kệ nổi tiếng của Thiền sư Hương Hải (1628-1715), còn gọi là Tổ Cầu, một thiền sư Việt Nam: “Nhạn bay ngang trời/Bóng chim đầm lạnh/ Nhạn không có ý để lại dấu tích/ Nước không có ý lưu bóng hình” (Sư ông Làng Mai dịch).

Người sống với tâm bình thường là người đã biết đủ, không còn tham cầu, mong ngóng để thành tựu thêm một cái gì nữa. Cuộc sống của họ đã quá đầy đủ và họ mãn nguyện với cái mình đang có. Họ không còn những đấu tranh, dằn vặt trong nội tâm. Họ đã có thể sống bình an, hòa bình với tâm thức, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đói khát, nóng lạnh, khổ đau, hạnh phúc, v.v… chỉ là những khái niệm do con người đặt tên. Nên trong câu chuyện ‘chém mèo’ (Vô môn quan, Nguyễn Nam Trân biên dịch), ngài Nam Tuyền nhân việc các thiền sinh ở Đông đường và Tây đường cứ tranh cãi nhau vì một con mèo, mới nắm ngay nó tại chỗ và giơ lên, nói: “Nếu có ai trong các ngươi nói được một câu nào, ta sẽ tha mạng con mèo”. Rốt cục, không ai đáp lại được. Tối hôm đó, đại đệ tử của ông là Triệu Châu ở ngoài về. Nam Tuyền đem chuyện vừa xảy ra kể lại. Lúc đó, Triệu Châu mới tháo đôi dép cỏ mang dưới chân đội lên đầu và ra khỏi phòng. Nam Tuyền thấy thế mới bảo: “Nếu ngươi lúc đó có mặt thì nhất định con mèo không đến nỗi chết”.

Thói thường, chúng ta hay đặt tên cho tất cả các sinh vật, đồ vật là để tiện việc đối thoại. Nhưng lâu ngày, chày tháng chúng ta bị dính mắc vào tên gọi, nên khi ai đó có một ý niệm khác về vật đã được gọi quen lâu nay, mình cho rằng như vậy là sai. Sở dĩ ngài Nam Tuyền làm thế và ngài Triệu Châu trả lời như vậy vì các ngài không còn bị dính mắc vào những thông tục về tên gọi và khái niệm của thế gian. Nên chi, giày dép là vật dơ bẩn để đi đường tránh dơ, sao lại đem đội trên đầu! Tập khí của thói quen rất mạnh. Khi mình đã quen thuộc với một cái gì đó, phải thay đổi cách suy nghĩ hay việc làm là điều rất khó chịu! Những hình thức đã được mình lập trình trong tâm, sẽ rất khó khăn khi mình phải phá bỏ cái mà lâu nay mình cho là hoàn toàn đúng!

Có thể đa số chúng ta sẽ cho rằng: như vậy khi mà chúng ta ai cũng tham muốn thành tựu cái này, cái kia nên chưa thấy khả năng chứng ngộ của mình thì tất cả đều có “tâm bất bình thường” cả sao? Trở lại vấn đề trên, bình thường, hay bất bình thường đều là những khái niệm cả; giống như đa số chúng ta khi đồng ý một chuyện gì thì gật đầu tán đồng. Nhưng theo người gốc Ấn thì lắc đầu mới có nghĩa là tán thành, đồng ý. Vậy khi mình đến xứ Ấn, muốn cho họ hiểu mình cũng phải lắc đầu theo vậy! 

Theo tư tưởng trung đạo, tâm bình thường có nghĩa là chúng ta không để mình bị lôi kéo hay vướng mắc vào một cực đoan nào cả! Hôm nay, sự kiện này có thể là đúng nhưng ngày mai nó sẽ có thể không còn đúng nữa. Nếu chúng ta bị mắc kẹt vào sự đúng sai, phải trái tuyệt đối như vậy,  thì tâm mình có được bình an trong cái thế giới vô thường, luôn luôn thay đổi này hay không? Thế nên Đức Phật dạy trong kinh Ðại bát Niết-bàn: “Chư hành vô thường/Thị sinh diệt pháp/Sinh diệt diệt dĩ/Tịch diệt vi lạc”. Nghĩa là: Các hiện tượng đều là vô thường, đều là những hiện tượng có sinh và có diệt. Khi cả sinh và diệt đều không còn, thì trạng thái ‘bình thường’ vắng lặng (tịch diệt) mới là niềm an lạc chân thật nhất.

Cho nên, ngày xưa có một vị vua treo giải thưởng lớn cho họa sĩ nào có thể vẽ được một bức tranh ý nghĩa nhất, mô tả sự bình an. Có rất nhiều họa sĩ dự thi. Nhà vua xem xét hết mọi bức tranh nhưng chỉ có hai bức là nhà vua thích nhất và vua phải chọn một bức thắng giải. Một bức tranh mô tả một hồ nước tĩnh lặng. Hồ nước trong tranh như là một tấm gương, phản ảnh những ngọn núi hùng vĩ bình yên, vững chãi bao bọc xung quanh. Trên cao là bầu trời xanh trong với những đám mây trắng như bông tuyết. Mọi người xem bức tranh đều nghĩ đây quả thật là bức tranh tuyệt vời diễn tả sự bình an.

Bức tranh kia cũng có núi non hùng vĩ, nhưng chúng rất hiểm trở, gồ ghề, và trần trụi. Bên trên là một bầu trời xám xịt, mưa rơi tầm tã và sấm chớp đầy trời. Bên hông núi là một thác nước chảy ầm ầm. Cảnh này chẳng có vẻ gì là bình an cả. Nhưng khi nhà vua nhìn kỹ hơn, ông thấy phía sau thác nước là một bụi cây nhỏ mọc bám vào kẽ nứt của tảng đá. Bên trong bụi cây là một con chim mẹ đang ngồi trong tổ ấp con mình, an nhiên giữa những cuồng phong bão tố của trời đất…, thật là bình an làm sao!

Bạn đoán thử xem bức tranh nào thắng giải? Nhà vua chọn bức thứ hai, bởi vì theo lời giải thích của nhà vua: “Bình an không có nghĩa là đang sống trong một nơi bình an, không có sự ồn ào, phiền phức, hay khó khăn. Bình an có nghĩa là đang sống ngay trong lòng của những hoàn cảnh trên, nhưng trong tâm vẫn an nhàn, tự tại”. Đó mới chính là ý nghĩa đích thực của sự bình an. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.