Tam bảo lực & tâm thành của Phật tử trong lễ Vu lan

GN - Đến mùa Vu lan Báo hiếu của Phật tử xuất gia và tại gia, tôi nhắc một số việc rất quan trọng trong đời sống tu hành của chúng ta.

Trước đây, một số người phạm sai lầm khi tu pháp môn mình ưa thích thì thường chê pháp môn khác. Nếu tu theo Phật giáo Nguyên thủy thì chê pháp tu Đại thừa, đó chính là bài học đắt giá mà Phật giáo Ấn Độ đã trải qua.

Thật vậy, sau khi Phật Niết-bàn, chư Tăng thuộc phái bảo thủ cố chấp lời dạy nào của Phật theo kinh điển truyền thừa, mà người tu pháp khác, thì họ không chấp nhận. Ban đầu, tìm cách nói xấu, gây chia rẽ trong Phật giáo, dẫn đến Phật giáo chống phá nhau, đó là thời kỳ Phật giáo phát triển.

anh bai HT.jpg


Cầu nguyện tất cả hương linh nhờ pháp lực được siêu thoát - Ảnh minh họa

Trong Phật giáo lúc bấy giờ có sự phân chia đầu tiên thành hai phái chính là phái bảo thủ và phái cấp tiến. Từ đó, rơi vào tình trạng bè phái. Trong khi luật Phật đã cấm việc bè phái, vì Phật giáo thống nhất một khối, lấy lý tưởng giải thoát làm lẽ sống. Vì vậy, chúng ta phải chia sẻ giáo pháp cho thích hợp với xã hội mà chúng ta đang sống, thích hợp với nhu cầu quần chúng, thì Phật giáo mới tồn tại được. Tinh thần Phật giáo phát triển, hay cấp tiến chủ trương như vậy.

Phái bảo thủ thường chê kinh điển Đại thừa, chê người theo Đại thừa không thể hiện đúng lời Phật dạy. Nhưng thực sự, Phật giáo Đại thừa căn cứ trên tinh thần Phật dạy rằng chúng sanh nghĩ gì, muốn gì, làm được gì, thì chúng ta nên đáp ứng nguyện vọng chính đáng của họ. Chúng ta cho họ những gì họ cần, nếu cho cái chúng ta có mà họ không cần, trở thành phản tác dụng. Phật tử tại gia cần gì, giới xuất gia đáp ứng được nhu cầu đó, nếu không, họ sẽ bỏ đạo Phật.

Người theo phái bảo thủ chê trách việc làm của người tu phái cấp tiến là không đúng, không được, nhưng thực tế cho thấy việc không được lại được. Thật vậy, người theo tinh thần cấp tiến Đại thừa nhận thấy Đức Phật đã quy tụ tất cả những người có tâm xuất gia, có tâm cầu giải thoát, có tâm muốn cứu độ chúng sanh. Bằng chứng cụ thể khi Phật thành đạo, đầu tiên Ngài giáo hóa năm anh em Kiều Trần Như là những nhà tu khổ hạnh, nhưng họ có nhu cầu giải thoát thực sự, là nhu cầu chính đáng, nhưng họ không tìm được. Đức Phật mới nói Tứ Thánh đế cho họ mà đối tượng là Sa-môn cầu giải thoát và Ngài sử dụng pháp đơn giản, nhưng họ đã đắc quả vị La-hán một cách nhanh chóng. Đó là quan điểm nhìn cuộc đời đúng đắn mới thấy điều nên giữ, hay nên bỏ.

Những gì nên bỏ mà cố giữ sẽ làm mọi người khổ. Vì vậy, Phật thuyết nguyên nhân khổ và việc mà các người tu cần làm là tu 37 Trợ đạo phẩm để thoát khổ, được Niết-bàn. Hàng đệ tử Phật dù tu pháp môn nào cũng phải tuân thủ giáo lý căn bản này, không được rời giải thoát. Đây là mẫu số chung, nhưng giáo hóa chúng sanh phải dùng pháp phương tiện.

Thật vậy, khi Đức Phật thành đạo ở cội bồ-đề, Ngài cũng nghĩ không thể chia sẻ pháp mà Ngài chứng ngộ là Tam minh, Lục thông, Thập bát bất cộng…, vì mọi người chưa thể làm những việc này, nên Phật không nói. Phật bảo những gì mình biết thì mình làm, còn người chưa làm được thì không nên dạy họ những điều đó. Ý này được kinh Nguyên thủy đưa ra thí dụ người bị mũi tên độc phải lo nhổ mũi tên độc ra và cứu chữa vết thương cho lành, mới nói đến việc khác. Lúc đó mà nói chân lý thì họ chưa kịp hiểu đã mất mạng.

Ngày nay, có người bài bác lễ Vu lan vào ngày rằm tháng 7 mà Phật giáo Đại thừa thường tổ chức. Họ nói rằng lễ này không có trong Phật giáo. Đó là sai lầm lớn của một số người không hiểu rõ tinh thần Phật dạy có thể làm Phật giáo bị suy yếu cho đến bị tiêu diệt.

Thử nghĩ lễ Vu lan có hay không có trong Phật giáo. Tôi nghiên cứu kinh Nguyên thủy trước và học kinh Đại thừa sau, nhận thấy có sự nhất quán từ pháp Phật dạy năm anh em Kiều Trần Như và đi suốt nữa, xem Phật dạy Tỳ-kheo làm gì và những người đang sống làm gì. Bấy giờ, tôi thấy trong kinh Nguyên thủy, Phật đã nói hiếu hạnh và Ngài cũng đã thực hành hiếu hạnh. Nhưng hiếu hạnh của Phật khác với hiếu hạnh của Bà-la-môn giáo, khác với Nho giáo.

Đạo Bà-la-môn chủ trương cúng tế, Phật không đồng tình việc này, thậm chí họ giết bò, heo, dê để cúng tế thần linh, cúng ông bà tổ tiên để cầu mong được phước. Tục lệ này có từ thời Phật tại thế cho đến ngày nay vẫn còn. Gần nhất là ở vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Phật đản sanh ở Nepal. Dù Ấn Độ đã cấm giết súc vật để cúng tế, nhưng người dân Ấn vẫn theo tục lệ cúng ông bà bằng cách chém giết súc vật. Ở Việt Nam có lễ đâm trâu rất dã man.

Phật dạy rằng muốn sanh lên cõi Trời, phải có thiện căn công đức. Làm ác nghiệp phải đọa. Giết súc vật cúng ông bà, chỉ thấy hàng xóm ăn, ông bà không ăn nhưng phải gánh tội sát hại này. Gia đình tôi đã phạm tội này khi ông nội tôi qua đời, bố tôi theo đạo Phật được Hòa thượng dạy cấm sát sanh, phải cúng chay, vì người chết không ăn như người sống. Tôi nhớ đám tang này kéo dài một tuần lễ. Khi còn một ngày đưa đi chôn, em của ông nội tôi là bà Bảy về thăm. Bà bảo giết bò để cúng, vì anh của bà bị bỏ đói, bắt ăn toàn rau. Nói xong, bà lấy miếng thịt to để trước quan tài, khấn vong hồn anh linh thiêng thì nhận phẩm vật của em. Bà nói vừa xong, tự nhiên quan tài xì khói có mùi hôi khó chịu, dưới quan tài phụt nước ra. Bố tôi vô lạy, xin ông nội tha tội cho bà thì nước từ quan tài hết xì ra. Đó là sự thật xảy ra trong gia đình tôi, từ đó, gia đình tôi cúng chay cho ông bà. Còn trước kia, cứ mùng 3 Tết là cúng đủ thứ, cắt cổ gà rồi luộc, đem cúng. Nhưng hiện tượng này xảy ra thì sợ, không cúng súc vật nữa.

Phật dạy báo hiếu cha mẹ lúc cha mẹ còn sanh tiền, thể hiện lòng hiếu kính bằng cách không làm cha mẹ buồn phiền. Phật tử phải hiểu điều này. Nhiều khi chúng ta cung phụng đầy đủ, nhưng không khéo làm cho cha mẹ buồn phiền, vì cách đối xử, cách cung phụng của chúng ta khiến cha mẹ buồn thì phước không sanh, mà tội sanh. Người ta nói ăn cơm chan nước mắt là ý này, vì một lời nói không khéo làm người già dễ buồn, dễ giận.

Tôi nhớ có lần ông thân sinh tôi về thăm người chị của tôi có chồng ở xa. Tới nhà, bà chị này lo nấu cơm cho ông cụ ăn, nhưng chị bận công việc, nên đứa con đem nồi cơm để trên bàn, không đem chén đũa, không đem thức ăn. Ông cụ tự bốc cơm ăn. Bà chị hỏi con sao không đem thức ăn cho ông ngoại. Ông cụ nói cha ăn rồi. Như vậy là bà chị đã làm buồn phiền cha. Chị xuống thăm tôi, tôi nói chị phạm tội bất hiếu, phải lạy ông xin tha tội. Vì vô tình, hay cố ý làm cha mẹ buồn phiền, hay làm buồn phiền người quá vãng là tội bất hiếu nặng.

Đức Phật bảo chúng ta dạy Phật pháp cho ông bà, tổ tiên là quan trọng nhất, vì chỉ cho cha mẹ ăn đầy đủ, nhưng họ chết rồi, làm sao ăn. Đem Phật pháp hướng dẫn cha mẹ, ông bà chúng ta tin và thực hành Phật pháp để họ được giải thoát là trả hiếu lớn nhất. Điển hình như khi Phật về lại hoàng cung, Ngài thuyết pháp, giáo hóa vua Tịnh Phạn, giúp ông chứng được quả Tu-đà-hoàn, có huệ nhãn thấy được tội lỗi trước kia của ông, nên không dám khởi tâm ham muốn việc không tốt, mới được giải thoát.

Vua Tịnh Phạn thấy Phật được ông vua các nước lân cận kính trọng và ông cũng thấy các vị Thánh Tăng theo Phật được hàng Bà-la-môn kính nể, khiến ông khởi ý niệm Thái tử Sĩ Đạt Ta là người cao quý độc nhất trên thế gian thì từ đó, vua Tịnh Phạn mới tỏ lòng kính trọng Phật thực sự. Vua Tịnh Phạn đã nói đơn giản rằng nếu thái tử nối ngôi vua thì cũng giống như bao người khác, nhưng vì có trí tuệ, bỏ ngôi vua đi tu mới trở thành Phật là vị tối thượng trên tất cả mọi người. Nhận thức được tư cách thánh thiện bậc nhất của Phật, vua mới phát tâm cung kính và nói: “Bạch Đức Thế Tôn…”. Vì vậy, ngày nay chúng ta có truyền thống con đi tu, cha mẹ cũng tôn trọng.

Vua nói với Phật rằng lần đầu tiên ông đảnh lễ Ngài là khi Tiên A Tư Đà đảnh lễ Ngài, lúc đó thái tử còn nằm nôi. Vị Tiên nhân này sống đến 120 tuổi, nhưng thấy thái tử thì sụp lạy và khóc, đó là sự thật lịch sử. Không biết có sức thu hút nào khiến vua Tịnh Phạn cũng lạy theo, vì vua kính trọng lão Tiên này nhất, nên Tiên làm gì thì vua dễ làm theo. Và lần thứ hai, vua lạy thái tử, vì thấy Ngài ngồi ở gốc cây mà mặt trời không ngả bóng về Tây, tức trời vẫn sáng như ban ngày. Đến khi thái tử xả định thì chiều sụp tối.

Vì vậy, đối với chúng ta, cảm hóa được tổ tiên, ông bà, cha mẹ là điều quan trọng nhất. Đôi khi chúng ta báo hiếu lại thành bất hiếu. Tôi luôn cân nhắc ý này trong cuộc đời hành đạo của mình. Chúng ta đi chùa lễ Phật, ông bà cha mẹ cũng đi theo ta và cả những người thù nghịch cũng theo ta. Nói cách khác, chúng ta có hai mặt tốt xấu, thù nghịch và thương yêu. Ai cũng có người ghét, nhưng không ai không có người thương mình. Không có người thương là vào địa ngục. Có người ghét, người thương, nhưng khác nhau ở nhiều người thương, hay nhiều người ghét. Và trong thế giới vô hình cũng có người thương, người ghét chờ mình sơ hở để chống phá, gọi là oan gia.

Thí dụ Ngộ Đạt đời trước làm quan đã giết oan Triệu Thố, nhưng sau ngài từ quan, đi tu đến 9 kiếp, nhưng ông Triệu Thố luôn theo ông Viên Án (tức Ngộ Đạt) nhiều kiếp trước đã từng giết oan ông để báo thù. Nhưng đã theo 9 kiếp mà không có cơ hội trả thù. Đến đời Đường, Ngộ Đạt làm Quốc sư được vua kính trọng đến mức làm pháp tòa toàn bằng trầm hương cho ngài ngồi thuyết pháp. Ngài mới nghĩ mình là nhất. Chỉ khởi một ý niệm như vậy liền bị tổn phước thì Triệu Thố mới có điều kiện báo thù.

Còn đối với chúng ta, như đã nói có những người thiện theo ủng hộ gọi là đất nước, ông bà, Trời Phật, tổ tiên, vì ta kế thừa họ. Ta muốn cứu nhân độ thế, nên người có tấm lòng giống ta, họ sẽ ủng hộ ta. Thực tế có người cho biết họ nằm mộng thấy báo trước việc nguy hại sẽ xảy đến, nhờ đó mà họ thoát chết. Điều này đúng.

Ngoài ra, còn có người luôn tìm sơ hở của mình để hại. Chúng ta đưa họ về chùa để hóa giải mối oan trái này. Vì vậy, ta tới chùa, họ cũng tới chùa, nếu chúng ta gặp vị chân tu mà ta kính trọng thì thế lực vô hình đi theo ta cũng kính trọng theo.

Người thực tu, đắc Thánh quả. Người phàm nói sư nào cũng giống nhau, nhưng theo tôi, các sư không giống nhau. Thật vậy, đời nhà Minh, muốn cầu siêu cho mẹ, vua tổ chức trai tăng. Người ta nghĩ vua cúng thì chắc được ăn ngon, có y bát tốt, có tiền nhiều và có cả danh dự. Nghĩ như vậy là phàm tăng, hay nghiệp chướng tăng.

Nghe vua cúng trai tăng, họ mua ca-sa, cạo tóc, vô chứng trai. Điều này rất nguy hiểm. Nếu chúng ta mời ông bà tới cúng, mà mắt của họ là thánh thần, nên họ thấy được tâm của các ông tu hành này còn muốn ăn ngon, hưởng thụ, khiến họ xem thường.

Phật dạy chứng trai, tâm phải thanh tịnh, chỉ trụ Chánh định và hồi hướng phước báo đến những người quá vãng. Người thực tu ngồi chứng trai khác với người giả tu. Người giả tu thì nhìn coi có thức ăn gì ngon.

Trong lễ trai tăng cúng dường, Phật dạy người tín thí và người tu, cả hai đều phải thanh tịnh. Không nghĩ đến thức ăn, nhưng nghĩ hồi hướng phước báo cho những hương linh là điều quan trọng. Phật dạy rằng nếu chư Tăng nghĩ đến thức ăn là đọa và hương linh không siêu thoát.

Các sư được vua nhà Minh mời đến chứng trai đi nghinh ngang. Ông vua này chơi khăm. Ông cho chôn tượng Phật ở trước cửa hoàng cung. Các sư đi qua bình thường, nghĩ hoàng cung có đường sá, bông trái đẹp quá, cứ đi mà ngắm. Nhưng có một ông sư quỳ xuống lạy. Lính canh nói lại với vua rằng có một nhà sư không vô chứng trai mà lo quỳ lạy ngoài đường. Vì ông này có thần thông thấy tượng Phật và thấy cả người chết.

Vua cúng dường các sư kia xong, cho về. Vua mới rước Hòa thượng quỳ lạy ngoài đường đến kim quan bà hoàng thái hậu. Ông tụng kinh và nói chuyện bình thường rằng ông định không tới lễ trai tăng, nhưng nghĩ bà hoàng thái hậu này có lòng thành, có tín tâm nghĩ về Phật nên ông mới tới đây. Vậy bà mãn nguyện rồi, về Trời đi. Và tối hôm đó, vua nằm mộng thấy hoàng hậu nói rằng Thánh Tăng đã đưa bà về Trời, vua nên lễ tạ Thánh Tăng.

Vị Thánh Tăng này thấy tháp chín tầng làm cho hoàng hậu, ông cứ đứng nhìn. Vua nói ngài thích thì sẽ tháo dỡ, đem tháp về chùa của ngài. Ông nói không cần cực khổ và ông lấy tháp để vô tay áo.

Pháp sư Quảng Tâm, Đài Loan kể tôi nghe câu chuyện vua nhà Minh cúng một ngàn vị Tăng để may ra có một Thánh Tăng cũng tốt.

Chúng ta cúng dường mùa Vu lan, nếu có một vị sư mà ông bà, cha mẹ chúng ta kính trọng là họ siêu thoát. Thật vậy, trong kinh Vu lan, Phật dạy rằng:

“Trước khi thọ thực đàn chay

Phải cầu chú nguyện cho người tín gia

Cầu thất thế mẹ cha thí chủ

Định tâm thần quán đủ đừng quên

Cho xong ý định hành thiền

Mới dùng phẩm vật đàn tiền hiến dâng…”.

Nghĩa là vị Tăng hành thiền, hướng về hương linh để siêu độ họ, như trong câu chuyện nói trên, vị Thánh Tăng thấy vong linh bà hoàng hậu, mới độ siêu thoát. Vì bà nương theo thần lực, huệ lực của vị Tăng này mới đi lên. Nếu không, người chết thấy tối đen thì dễ đi vào ba đường ác. Người tu thiền quán đắc định, thấy được con đường đi lên, hoặc thấy Phật, Bồ-tát rước họ, tức nương theo thần lực của chư Phật và pháp lực mà ra khỏi sinh tử.

Có thể khẳng định rằng lễ cúng dường trai tăng theo Phật giáo Đại thừa đã phát xuất từ kinh Nguyên thủy và thể hiện trên nhân gian cũng được nhiều người chấp nhận, mới tồn tại.

Muốn có Phật lực, Pháp lực, đòi hỏi chư Tăng thanh tịnh, nên kinh nói rằng Phật đến sông Hằng thấy lũ quỷ khát nước, nhưng vì nghiệp của quỷ khiến nó thấy nước là lửa, nên xin Phật cho nước uống. Phật chỉ vào dòng sông và nương theo thần lực của Phật, nó thấy lửa đã biến thành nước. Phật lực là thế và Pháp lực là lời Phật dạy, hay kinh điển, nhưng phải nhờ sự hành trì của chư Tăng, kinh mới phát huy được. Vì kinh để trong tủ không thể phát huy sức mạnh, nhưng chư Tăng sử dụng kinh để tu hành thì phát huy đạo lực và sanh ra pháp lực.

Ngày nay, Phật đã vào Niết-bàn, chúng ta chỉ còn Pháp lực và Tăng lực, tức còn kinh của Phật và chư Tăng thọ trì kinh điển, tạo thành sức mạnh tâm linh, mới dùng sức mạnh tâm linh này để siêu độ người chết, hoặc an tâm cho người sống.

Chúng ta chọn ngày rằm tháng 7 để cúng dường chư Tăng, nhờ chư Tăng siêu độ cho tổ tiên, ông bà, cha mẹ, người thân đã quá vãng. Vì trong ba tháng an cư kiết hạ, chư Tăng hành trì pháp Phật, tạo thành thần lực của chư Tăng, nên sự cầu nguyện có linh nghiệm. Như vậy, vị sư nào chuyển biến được sức mạnh của kinh, của pháp Phật thì giọng tụng kinh của họ tác động người quá vãng nghe và cảm nhận được lời Phật dạy, khiến họ hết khổ đau, được giải thoát.

Hôm nay là ngày Tự tứ, quý vị đủ duyên tham dự. Tôi mong mọi người giữ tâm thanh tịnh, đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác, chỉ giữ lòng thành của mình mong nhờ thần lực của chư Tăng để siêu độ được vong linh của người thân. Cầu nguyện tất cả hương linh nhờ pháp lực được siêu thoát.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.