Tâm an tịnh giữa vùng tâm dịch

 Bệnh viện Vũng Tàu được sử dụng làm Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19
Bệnh viện Vũng Tàu được sử dụng làm Bệnh viện Dã chiến thu dung và điều trị Covid-19
0:00 / 0:00
0:00
GNO - “Lúc khó khăn nhất, tôi nghĩ về điều tích cực nhất. Nhân quả ở đời cũng như vòng sinh trụ. Ta gieo điều lành, ắt hái quả ngọt". Anh đã vượt qua 21 ngày trong khu cách ly như một giấc mơ nhẹ nhàng với tâm tư an tịnh ấy.

Anh là quân nhân đeo cấp hàm thiếu tá công tác tại một đơn vị hải quân đóng quân tại TP.Vũng Tàu. Nghề nghiệp quanh năm huấn luyện sẵn sàng chiến đấu cùng đồng đội trên chiến hào, hành quân dã ngoại. Thế rồi một ngày bỗng dưng tai họa ập tới. Anh bị dân quân, công an phường đến “bế” đi vì F1 nhiễm từ vợ F0.

Đó là một tối cuối tuần. Cả gia đình vừa ngồi vào mâm cơm thì một xe cứu thương đến. Anh công an mặc cảnh phục bịt kín khẩu trang và kính giọt bắn nói qua loa cầm tay. “Lệnh đi cách ly tập trung”. Anh rụng rời tay chân. Lúc này anh mới hiểu rằng, gần 2 tháng qua, vợ anh cùng với các mạnh thường quân đem cơm đến các khu phong tỏa đã bị nhiễm Covid-19.

Và vội miếng cơm cho ấm bụng. Anh công an đưa bộ quần áo bảo hộ để anh mặc vào. Miệng đeo khẩu trang, trán đeo kính chắn giọt bắn, anh leo lên xe cứu thương, nước mắt anh lưng tròng. Xe chạy, anh ngoái đầu nhìn căn nhà, lòng dạ ngổn ngang. Đầu anh thoáng qua câu hỏi: “Liệu mình có còn sống để trở về nhà?”. “Vợ con đi cách ly thì nhà ai trông coi?”, “Vợ mình F0 thì mình có dính không? 21 ngày liệu có được về nhà?...”.

Chiếc xe cứu thương vút nhanh giữa thành phố biển vắng lặng kèm với tiếng còi rú như xé màn đêm tĩnh mịch mùa đại dịch. Bệnh viện Vũng Tàu ở đường Lê Lợi, cách nhà chừng 10 km, nhưng cảm thấy xa vời vợi. Chị y tá mặc kín mít từ đầu đến chân dẫn anh lên cầu thang, chỉ vào căn phòng nhỏ: “Anh sẽ ở đây ít nhất 21 ngày. Cố gắng nhé. Mọi việc sẽ ổn thôi”.

Đêm đầu tiên anh không chợp mắt. Phần ít vì lạ giường, phần nhiều vì lo lắng. Người bạn thân duy nhất lúc này là chiếc điện thoại thông minh.

Một ngày trôi qua, hai ngày trôi qua, đến ngày thứ ba anh bắt đầu sốt, chán ăn và cứng hàm. Mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi cơn ho bắt đầu kéo đến và phổi bắt đầu nặng dần. Làm sao để chiến thắng bệnh? "Mình không thể chết", anh tự nhủ. Hình ảnh vợ, con, gia đình, đồng đội hiện lên trong đầu anh như một thước phim quay chậm.

Tôi gọi điện cho anh động viên: “Mình là người lính có bản lĩnh. Thay vì phó thác cho số phận, thì phải hành động từ tâm thức. Trong tâm tĩnh, ngoài vận động, suy nghĩ tích cực, hướng về điều tốt đẹp, nghĩ tới ngày đoàn viên nhé H.”. Tôi không nghe tiếng anh trả lời, chỉ có tiếng thở sâu qua điện thoại. Tôi hiểu, anh nghẹn ngào xúc động

Những ngày tiếp theo là những ngày kinh khủng nhất đối với anh. Ngực nặng như có đá đè lên. Hơi thở gấp gáp. Anh muốn hét to nhưng không có sức. Hàm cứng không há được, mất cả vị giác. Nhớ lời tôi dặn, anh bắt đầu thực hiện thông điệp: “Thể dục, tĩnh tâm, suy nghĩ tích cực, hẹn ngày đoàn viên”.

Sau khi thức dậy mỗi buổi sáng, anh tập 4 bài thể dục quân đội cho “vã mồ hôi”. Miệng đắng nhưng cố nuốt hết lưng cháo của bệnh viện. Những lúc khó thở, anh nằm sấp cho qua cơn, rồi ngồi dậy hít sâu, thở nhẹ. Để óc không nghĩ tiêu cực, anh bắt đầu tập thiền trong tiếng nhạc tĩnh tâm từ điện thoại….

21 ngày chậm chạp cũng trôi qua. Anh được trở về nhà sau 3 lần xét nghiệm âm tính. Tôi đón anh ở cổng bệnh viện cùng với bó hoa nhỏ trên tay đứng cách xa bên kia đường. Anh đưa tay vẫy vẫy, ánh mắt đỏ hoe xúc động qua tấm kính chắn giọt bắn.

Anh đưa cho tôi xem tấm ảnh trong điện thoại có hình nhà sư cầm 5 búp hoa sen cùng cây đèn tỏa sáng giữa ánh hào quang. Nổi lên đó là dòng chữ: “Lúc hoạn nạn chỉ có phước của mình mới cứu được mình thôi”.

Cuộc đời mỗi người như một con đường, có đoạn cong, khúc thẳng; người có lúc mạnh, lúc yếu khác nhau. Sướng khổ của đời người không phải kiếp truân chuyên nhưng hoạn nạn trong đời ai mà tránh khỏi.

Tôi hiểu, 21 ngày ở khu cách ly, anh đã chiến đấu với căn bệnh bằng sự an tịnh, năng lượng tích cực. Tôi cũng hiểu thêm một điều rằng, lúc khó khăn hoạn nạn, sức mạnh nội sinh sẽ chiến thắng.

Bạn tôi đã làm được những điều như thế để chiến thắng dịch bệnh Covid-19 và trở về cuộc sống yên bình.

Tặng H.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.