GNO - PG-TT đăng lá thư “Thế nào là thất bại?” đã thu hút sự quan tâm, chia sẻ của nhiều bạn đọc. Dưới đây là những góc nhìn về thất bại, có cả những lời khuyên chân thành…
Thắng không kiêu, bại không nản!
Chúng ta là những người trẻ, có ước mơ và khát vọng thể hiện bản thân, trải nghiệm thực tế. Nhưng, chúng ta cũng chính là những người non trẻ, nên thiếu kinh nghiệm, đôi khi nôn nóng, vụng về, nông nỗi… nên nếu gặp phải thất bại là chuyện bình thường.
Ảnh: Internet
Thất bại cũng là cơ hội để mình nhìn lại bản thân, phải chăng mình đánh giá sai thực lực của mình, lẽ ra lúc này chưa đủ để làm việc đó mà mình đã cố chấp làm? Hay vì tự ái, hoặc tự cao mà mình đã không tranh thủ sự yểm trợ của những người xung quanh và một mình đương đầu với thử thách đến nỗi bị thất bại thê thảm?
Người xưa có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân” để nhắc mình đừng đổ lỗi cho bất kỳ ai khi gặp thất bại. Thái độ dám nhận sai lầm, khuyết điểm, rút kinh nghiệm để tiếp tục bước đi trong cuộc sống, trong con đường chinh phục những mục tiêu mà mình dự định vươn tới là một điều đáng khen. Và, khi đã trải qua những khó khăn để đạt được thành công mình sẽ biết quý thành quả mà mình tạo dựng. Nhưng nhớ là đừng ngủ quên trên chiến thắng bằng cách kiêu mạn, tự hào, xem trời bằng vung, coi mình là số một thì mình sẽ bị sự xa lánh của mọi người đấy nhé!
Phùng Tuấn Dzũng
Thành bại là do nhân duyên
Không phải tự nhiên mà một người có được thành công, còn một người khác lại thất bại. Tất cả đều có nhân duyên, theo lời Phật dạy là “trùng trùng”, vô thủy vô chung (không đầu, không cuối). Nhìn vấn đề trong chiều sâu nhân quả mình sẽ thấy thất bại hay thành công đều bị chi phối bởi nghiệp lực (nhân) do mình đã tạo và nay tiếp tục vun bồi, tưới tẩm (duyên). Từ đó, có cách cư xử hợp lý, tạo ra những nhân lành ngay trong cách đón nhận tất cả thành công cũng như thất bại. Bên cạnh đó, khi mình hiểu nhân-duyên-quả của thành-bại, hoại-không trong cõi Ta-bà này rồi thì mình sẽ biết gieo nhân lành, tạo duyên tốt để những hạt giống tốt, trong đó có hạt giống thành công, hanh thông được biểu hiện. Điều đó cũng có nghĩa là làm cho mình tăng trưởng nhân lành, loại trừ và làm giảm thiểu, đến triệt tiêu những hạt giống xấu, trong đó có hạt giống thất bại, không để nó biểu hiện.
Tất cả đều do mình, tâm mình sẽ quyết định (nhất thiết duy tâm tạo) những thành-bại của mình, và nó cũng quyết định luôn niềm an vui, hạnh phúc hay khổ đau, chấp ngã khi thành-bại biểu hiện ngay trong hiện tại cuộc đời mình!
Thị Hiền (thihienqs@gmail.com)
Hãy vững chãi trước thất bại
Ai cũng hiểu rằng, khi một điều mình mong đợi, mơ ước, cố gắng thực hiện để đạt được nó mà mình không thành công, không làm được vì những nguyên nhân chủ quan, khách quan nào đó thì sẽ làm mình có trạng thái tâm lý buồn, hụt hẫng, đau khổ… Tuy nhiên, trạng thái này cũng vô thường, nó sẽ qua đi, lắng xuống nếu mình không tiếp tục nuôi dưỡng và có cái nhìn thấu đáo về sự thất bại của mình. Và nếu mình làm được như vậy thì vô hình trung, thất bại trở thành cơ hội để mình quán xét vô thường, sống với nó và trưởng thành hơn.
Sự trưởng thành nào cũng cần trải qua rèn luyện, thậm chí là khổ luyện (bởi “Không khổ đau lấy chi làm chất liệu?”); nên thất bại là mẹ của thành công là ở chỗ đó. Cụ thể, từ thất bại ấy nó cho mình cơ hội để thấy rõ bản chất cuộc sống. Tất nhiên, mình phải có ý thức chịu đựng thất bại, vươn lên, vượt qua thất bại ấy thì nó mới thực sự trở thành chất liệu để mình kiến tạo thành công, hạnh phúc. Nói một cách khác, mình phải chế tác những ý niệm lành, trên cơ sở hiểu biết lời Phật dạy (về vô thường, nhân quả), không để cho năng lượng thất bại nhấn chìm mình trong nỗi khổ đau, trong nỗi buồn, kéo rê những khổ đau ấy dài ra mãi…
Sự vững chãi này đôi khi là hạt giống ẩn tàng trong con người, cần phải rèn luyện, khơi dậy; nhưng, đôi khi với một số người nó đã biểu hiện, tùy cái nhân-duyên-quả của từng người. Song, khi mình có chìa khóa và niệm được rằng: Hãy vững chãi trước thất bại (thậm chí là Hãy vững chãi trước thành công, để không bị những ngọt ngào, những sự tung hê, ngưỡng mộ của mọi người làm mình choáng đến… “chảnh”).
Khi mình ý thức được, mình phải vững chãi trước mọi biểu hiện của cuộc sống thì mình có thể bước qua và đi tới một cách dễ dàng hơn là khi mình thụ động, bị động trước mọi thứ (vì được bảo bọc quá lâu, hoặc vì sự bao biện, mặc định về sự thành bại của mình là do ai đó ban phát chứ không phải từ chính mình chẳng hạn…)!
Rừng Phương Bối