Tái hà nguyên & Bồ-tát Địa Tạng

GN - Khái niệm về địa ngục đã trải qua một sự biến chuyển đặc biệt là tại Nhật Bản, và là một phần của Phật giáo Nhật Bản hóa được bắt đầu dưới thời Heian (平安, 794 - 1192 dl), qua các khái niệm Diêm-ma (Jp. Emma, Skt.Yama), sông Tam đồ (Sanzu no kawa), Tái hà nguyên (Sai-no-kawara)... Trong giới hạn dung lượng ở đây, chúng tôi trích giới thiệu cùng bạn đọc một trong những khái niệm trên, đó là Tái hà nguyên và Bồ-tát Địa Tạng. ii

***

taihanguyen 1.jpg

Tái hà nguyên (賽の河原), “bờ sông đau khổ”, là một sản phẩm của Phật giáo hậu kỳ. Mặc dù được đặt đâu đó gần lối vào địa ngục, nhưng mối liên hệ của nó và sông Tam đồ lại không mấy rõ ràng, và các thư tịch cũng không nói rõ rằng Tái hà nguyên là bờ bãi của sông Tam đồ. Khái niệm này chắc chắn có khả năng bắt nguồn từ “làng Tá-tỉ” (Sahi [佐比里]),một khu đất mai táng của dân chúng tại vùng hợp lưu của hai con sông Kamo [鴨川] và sông Katsura [桂川] ở Kyoto. Sự hiện hữu của nó được đề cập trong các tài liệu được xác định niên đại từ hậu bán thế kỷ thứ IX1. Những tài liệu này cũng đều nói đến tập tục xếp đá để tạo thành những ụ nhỏ (stūpa, tháp) để tưởng nhớ người đã khuất.

Nguyên nghĩa của từ Tá-tỉ (Sahi) không rõ ràng (có thể có nghĩa là “rỉ sét” [sabi 銹] hoặc “se rít” [shibu 渋]), nhưng về sau hình như nó gắn kết với các biên thần (Sae no kami, Dōso-jin), những vị ngăn chặn tà ma xâm nhập làng mạc. Các ngôi miếu hoặc tháp đá nhỏ thờ tự họ được đặt tại các ngã ba, và người qua đường xếp thêm những viên đá nhỏ vào tháp y như cách du khách đi qua các cửa khẩu Tây Tạng. Cũng như các giao lộ và sơn quan là những địa điểm dùng để phân chia, Tái hà nguyên là chỗ chia đôi giữa hai cõi sống, chết.

Tái hà nguyên khét tiếng là nơi hành hạ trẻ con. Người ta bảo rằng một đứa trẻ chết đi làm cho mẹ nó vô cùng đớn đau và sầu khổ, ngay cả khi [nó] còn trong bụng mẹ; lại nữa, chết mà không chịu đền đáp công ơn đã nhận, mà còn làm đau lòng cha mẹ nó bằng cái chết đó. Tất nhiên đây không phải là lỗi của đứa bé, và thật ra đó là tiếng khóc của những người đã mất con. Họ đương nhiên nghĩ rằng không cần để con cái mình phải báo đáp bất cứ món nợ tưởng tượng nào.

Cũng vậy, trong Phật giáo tất cả mọi người, kể cả trẻ em, đều lang thang trong cõi vô minh nếu như họ chưa đạt giác ngộ. Tất cả mỗi người đều trải qua lục đạo luân hồi, và ai có thể nói rằng mình tránh khỏi được những nỗi thống khổ của địa ngục?

Tại Tái hà nguyên, trẻ chết non phải xếp những đụn đá không ngừng. Những đứa trẻ ba hoặc bốn tuổi, phải chia lìa cha mẹ, bị lũ quỷ tốt của địa ngục hành hạ và cưỡng ép phải chồng xếp các hòn đá nhỏ thành từng đống. Ngay khi những tháp đá này gần như hoàn tất, thì chúng bị phá đổ, và lũ trẻ lại phải bắt đầu xếp đá lại từ đầu. Đây là một phiên bản Nhật Bản của thần thoại Hi Lạp về Sysiphus, kẻ bị ném vào [địa ngục] Tartarus do tội lỗi của mình và bị kết án vĩnh viễn phải lăn hòn đá khổng lồ lên một ngọn đồi. Vào lúc hòn đá gần tới đỉnh thì nó lại lăn nhào xuống, và Sysiphus lại bắt đầu hì hục rán sức mình [để lăn lên] lần nữa. Tôi đoan chắc rằng huyền thoại về Sysiphus đã ảnh hưởng đến sự miêu tả về việc xếp đá ở Tái hà nguyên.

Có một bài thơ (wasan, hòa tán) nổi tiếng nói về Tái hà nguyên gợi mối thương cảm sâu xa cho người Nhật, được dịch ra ở dưới đây theo lối văn xuôi.

Chúng tôi nguyện quy y Tam bảo (Phật, Pháp, Tăng). Trong thế giới này tất cả đều phù du. Đối với việc trẻ nhỏ có thể qua đời trước cha mẹ chúng, có nhiều thứ buồn sầu khác nhau. Trẻ thơ, từ một hoặc hai, hay ba, hoặc bốn, hoặc dưới mười tuổi, bị chia lìa khỏi bầu ngực mẹ, bị tụ họp trên bờ sông Tá-tỉ (Sahi), nơi chúng dành toàn bộ thời giờ trong ngày để mang những hòn đá lớn chất thành từng đống. Suốt đêm trường chúng nhặt các viên đá nhỏ và xếp thành những ngôi tháp. Chúng xếp lớp [đá] đầu tiên cho cha, lớp thứ hai cho mẹ. Trên lớp thứ ba, chúng ngoảnh mặt về phía Tây và cùng chắp đôi bàn tay nhỏ, dành cho anh và cho chị ở quê nhà và cho chính chúng. Ôi, thật đáng thương, những em thơ đang khóc và khóc khi vác đá. Tay chân chúng trầy trụa tan nát vì những hòn đá, máu tuôn trào từ các ngón tay và nhuộm đỏ châu thân của chúng.  “Con nhớ cha, cha ơi! Con nhớ mẹ, mẹ ơi!”. Khóc cho cha mẹ mình, chúng gục xuống, khóc như thể chúng đang đau. Lũ ngục tốt đáng sợ của địa ngục, với đôi mắt sáng lóa như gương phản chiếu mặt trời nhìn trừng trừng vào từng đứa nhỏ. “Những đống tháp chúng bây xây nghiêng ngả và trông rất khó coi. Như vậy chúng sẽ chẳng đem lại cho bay chút công đức nào cả. Xây chúng lại, và cầu nguyện cho Phật quả của bay”. Như thế, mặc cho lũ trẻ gào khóc, bọn chúng vụt những cây gậy sắt phá đổ những ngôi tháp đá. Lũ trẻ nhỏ bé đáng thương gieo mình xuống đất và khóc lóc…

Một dòng nước trôi giữa đôi bờ. Những niềm mong nhớ về cha mẹ trong thế giới Ta-bà thấu tỏ đến chốn này và hình bóng họ in trên dòng nước. Mong muốn làm dịu bớt nỗi khát khao của họ, lũ trẻ lê bước lại gần, lòng khát thèm bầu ngực mẹ. Ngay lúc đó hình bóng [bà mẹ] lập tức biến mất, và dòng nước bốc cháy sáng lóa như ngọn lửa thiêu đốt thân thể chúng, và làm chúng té quỵ. Không thể kể hết những điều thống khổ như thế 2.

Đối với các bậc cha mẹ mất con, bài thơ này ắt hẳn gây mối sầu bi khôn tả. Không những là các đứa con yêu dấu của họ ra đi đến nơi mà vòng tay và giọng nói của cha mẹ không thể nào chạm đến được, mà họ còn không chịu đựng nổi khi chúng bị buộc phải gánh chịu khổ đau ở bãi sông này. Vả lại, nếu như họ xót thương con mình, thì giọng nói của họ sẽ vọng tới lũ trẻ như tiếng la hét của loài ma quỷ; những giọt nước mắt nóng hổi của người cha trở thành trận mưa sôi bỏng trút xuống trên chúng, và dòng nước mắt của bà mẹ là băng giá, giam cầm chúng. Thậm chí chắc phải có những bậc cha mẹ sẽ làm chuyện sai lầm [tự sát v.v., nd.] để được theo con họ xuống địa ngục. Nhưng một hành động phi lý như thế lại có thể làm chúng càng thêm xa cách chia lìa.

Bồ-tát Địa Tạng (Kṣitigarbha) chính là người theo dõi nỗi khổ đau của cư dân trong sáu nẻo luân hồi; Ngài là vị đã trải qua vô số năm tháng tu tập, và hiện giờ Ngài đang đến đó để làm vơi đi nỗi khổ của họ. Giống như Tỳ-kheo Pháp Tạng (Dharmākara - danh hiệu của Đức Phật A Di Đà trước khi Ngài giác ngộ), Bồ-tát Địa Tạng phát một số lời thệ nguyện quyết tâm mang lại sự giải thoát cho mọi chúng sanh. Ngài xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật với trang phục như một vị Sa-di hay hành giả khổ hạnh Phật giáo trẻ tuổi với đầu cạo sạch, biểu trưng cho sự hối hả vội vàng của Ngài để đi đến những chốn khổ đau.

Nhưng chẳng phải Đức A Di Đà đã mang lại sự giải thoát cho những ai trì niệm danh hiệu của Ngài hay sao? Đúng là Ngài đã làm điều này, nhưng Ngài ở quá xa, đến tận mười ức trăm triệu cõi Phật về phương Tây. Ngược lại, Bồ-tát Địa Tạng không ra điều kiện gì cả và sẽ cứu vớt tất cả những ai đang trầm luân trong sáu nẻo tái sanh, những kẻ có thể không hề biết ăn năn và trì niệm danh hiệu Đức A  Di Đà, hoặc những kẻ không thể biết đến sự hiện hữu của Đức A Di Đà.

Hơn nữa, Đức Địa Tạng đã thân hành đến châu Nam-thiệm-bộ và đi lại giữa các chúng sanh trong sáu nẻo luân hồi. Đặc biệt, Ngài được tìm thấy trong địa ngục, nhất là ở Tái hà nguyên, nơi các em thơ đang đau khổ. Ngài nắm lấy tay chúng, và như một vị sư già tử tế chơi bóng với lũ trẻ trong vườn chùa, Ngài từ tốn bảo ban và chơi đùa cùng với chúng. Ngài chính là vị Phật được gọi là “Đức Phật trong địa ngục”.

Sự tương phản giữa các vai trò của Đức A Di Đà và Địa Tạng không phải được trù tính ngay từ lúc đầu. Đức A Di Đà và Đức Địa Tạng sơ khởi đại diện cho hai dòng tín ngưỡng riêng biệt. Tịnh độ Tam kinh khi nói về Đức A Di Đà không có sự diễn tả rõ ràng về địa ngục mà chỉ nhắc đến rải rác đây đó mà thôi. Còn danh hiệu của Đức Địa Tạng thì không tìm thấy đâu cả. Ngài dường như thuộc về một dòng tư tưởng hoàn toàn khác, đó là Như Lai tạng (tathāgata-garbha), “kho tàng Phật tánh” cố hữu trong tất cả chúng sanh. Danh hiệu Địa Tạng trong tiếng Sanskrit có nghĩa là “đất mẹ”. Ngài tích lũy trong mình mọi công đức, và phát lộ chúng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Toàn bộ Phật giáo, dù tiền Đại thừa hay Đại thừa, đều nhấn mạnh tinh thần từ bi. Khi ý tưởng về sự phán xử xâm nhập Phật giáo (kh.tk.X-XI), thì một ý thức từ bi đã sớm cải thiện khái niệm kinh khủng đó, và vì vậy Diêm-ma, vị phán quan đã được xem là một hóa thân của Đức Địa Tạng. Diêm-ma, được dạy là không dữ dội như vẻ ngoài của ngài, mà việc ngài làm cho mọi người khiếp sợ là một phương tiện để dẫn dắt họ đến giải thoát. Một số chúng sanh có thể học hỏi từ những cảnh tượng kinh hoàng của địa ngục và được khích lệ để thoát ly khỏi vòng sanh tử.

Những tranh vẽ về Thập điện Diêm vương (những vị kết án người chết dưới âm ty) cho thấy các phán quan đang quát mắng dữ dội những kẻ làm ác, cùng với gương mặt từ bi của Đức Địa Tạng hiện ra lờ mờ gần sát phía sau họ. Tín ngưỡng Địa Tạng phát triển mạnh mẽ ở Trung Quốc vào khoảng thế kỷ VII.

Cõi Cực lạc Tịnh độ và địa ngục không tìm thấy được trong thế giới này. Tuy nhiên, khắp Nhật Bản có vài nơi thuộc miền núi có tên như là “bình nguyên A Di Đà” và “thung lũng địa ngục”. Những nơi này hình thành chủ yếu từ các hành giả sơn phục (yamabushi), những ẩn sĩ khổ tu cư trú tại những vùng núi non này và gọi tên các đặc điểm khác nhau để xác lập ý nghĩa về việc tu tập tự thân và giáo hóa quần chúng. Tuy nhiên, ngày nay những từ ngữ “địa ngục” (jigoku) và Tái hà nguyên thường được sử dụng ngẫu nhiên như tên gọi cho các hồ bơi ngoài trời tại các khu nghỉ dưỡng suối nước nóng. Ở một số nơi đó, những chòi nghỉ (arbor) thậm chí còn cung cấp những phong cảnh thú vị. Tái hà nguyên khởi đầu được viết với từ đầu tiên (sai, tái) nghĩa là “ngăn trở” [塞]. Về sau, một từ có cách phát âm tương tự nhưng mang nghĩa là “thờ phụng” [賽] đã thay thế nó.

Tại Kusatsu (Thảo Tân Ôn Tuyền), một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng phía Bắc Tokyo, tôi thấy Tái hà nguyên được viết với chữ đầu tiên có nghĩa là “phía Tây” [Tây hà nguyên 西河原, nd.], cũng có lối phát âm giống vậy. Lần thay đổi sau cùng này chắc chắn đã xảy ra thông qua sự kết hợp với ý tưởng về Tây phương Tịnh độ của Đức A Di Đà. Tuy nhiên, theo Phật giáo, địa ngục và bờ sông của nó không nằm đâu đó ở phương Tây mà là ở bên dưới châu Nam-thiệm-bộ của chúng ta.

Đối với cư dân dưới thời Trung cổ, ở châu Âu và Nhật Bản, địa ngục là rất hiện thực. Thật kỳ lạ, làm thế nào để kéo sát hai nền văn hóa xa cách về cùng điểm này. Ở Nhật Bản, giữa thời Heian và Kamakura, tức giữa thế kỷ IX và thế kỷ XIII, ý tưởng về một giai đoạn gần đến thời mạt pháp (mappō) đã trở nên phổ biến. Nhiều sách vở miêu tả về địa ngục hoặc ngạ quỷ được xuất bản, và nhiều người đặt niềm tin của mình vào sự tái sanh về Tịnh độ của Đức A Di Đà. Ở châu Âu cũng vậy, quan niệm về tận thế đã trở nên có ảnh hưởng, và những miêu tả về địa ngục đã xuất hiện trong các thánh đường ở Đức và Pháp vào thế kỷ XII và XIII.

taihanguyen 2.jpg


Tái hà nguyên khét tiếng là nơi hành hạ trẻ con - Tranh Nhật Bản

Đầu thế kỷ XX, một học giả người Pháp đã phát hiện những di tích Phật giáo tại Haḍḍa, Afghanistan. Những tác phẩm điêu khắc đầu con quỷ làm bằng vữa (stucco) mà ông khai quật được đã thu hút sự quan tâm đáng kể bởi vì các nét tương đồng với những khuôn mặt quỷ được thấy trong các thánh đường ở châu Âu. Các tác phẩm điêu khắc ở Haḍḍa sớm hơn nhiều so những tác phẩm châu Âu, với niên đại từ thế kỷ IV và V, và có lý do chính đáng để có thể xem đó là những mẫu hình cho các điêu khắc về quỷ sứ tìm thấy trong các nhà thờ Thiên Chúa giáo.

Một học giả khác thì tin rằng cả hai truyền thống này đều bắt nguồn từ nghệ thuật La-mã, là những sản phẩm từ vùng biên giới của đế quốc La-mã, và những điểm tương đồng giữa chúng đã biểu thị một mối quan hệ gián tiếp (các tượng điêu khắc Haḍḍa là thuộc phong cách Hi-La [Greco-Roman]). Những con quỷ trong các tượng vữa Haḍḍa có thể hoặc không có sự liên quan với khái niệm về địa ngục; chắc chắn về sau chúng đã trở thành liên kết với các con quỷ sống trong địa ngục. Tôi không rõ liệu có sự miêu tả nào về địa ngục của Phật giáo hiện hữu ở Ấn Độ, nhưng các cuộc khai quật đã được khám phá được những hiện vật như vậy ở vùng Trung Á, và những hình ảnh ở Trung Á là tương đồng với các tranh vẽ về địa ngục tại Nhật Bản. Chính những hình ảnh đó đã khiến chúng ta đi đến việc xác nhận là có một mối liên hệ giữa Nhật Bản và châu Âu dưới thời Trung cổ.

Akira Sadakatai i
Trần Văn Duy dịch

 ______________________

i Akira Sadakata, Giáo sư tại Viện Đại học Tokai, Nhật Bản; ông là một chuyên gia về triết học Ấn Độ và là tác giả của nhiều cuốn sách về đề tài Phật giáo.

ii Bài này trích từ chương 8 của tác phẩm biên khảo Vũ trụ quan Phật giáo - triết học và nguồn gốc (Buddhist Cosmology - Philosophy and Origins, Kosei Publishing Co. Tokyo, 2009, tr.159-171). Phần trích giới thiệu ở đây đã lược các chú thích trong nguyên tác và của dịch giả. Bản dịch đầy đủ sẽ được Nxb Tri Thức và Thiện Tri Thức phát hành vào tháng 9-2016.

1 Xem Shintō taikei–koten hen: Ruijū sandaikyaku [Thần đạo đại hệ cổ điển biên: Loại tụ tam đại cách 神道大系古典編: 類聚三代格 [Hệ thống Thần đạo cổ điển: phân loại và chú giải khuôn phép của ba thời] (chiếu theo 1002-1089), Shintō Taikei Hensankai [Thần đạo đại hệ biên toản] [Tokyo: Shintō Taikei Hensankai, 1993], tr.339-40) và Sandai jitsuroku [Tam đại thực lục 三代實錄], Ariyoshi Saeki 佐伯有義 biên tập, quyển 8 của Lục quốc sử 六国史 [Tokyo: Asahi shimbunsha, 1930], tr.472).

2 Mochizuki 望月信亨, Phật giáo đại từ điển 仏教大辭典, quyển 2, tr.1422-1423a.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.