GN - Có đến 2.000 bức tượng Phật được đặt đứng thành hai hàng trên con đường dẫn lên bức tượng Phật lớn nhất cao 10m tọa vị trên đỉnh đồi của một trong những địa điểm tâm linh mới nhất của Vương quốc Campuchia, trong khi hàng ngàn bức tượng nhỏ khác được tạc trong tư thế thiền định.
Đây là khung cảnh tại chùa Putkiri, thuộc vùng Trapaing Kro Nhoung, tỉnh Takeo. Nơi này chỉ mới được tạo dựng cách đây hơn một năm bởi 4 nhà sư, do sư Serey Keo Kakda hướng dẫn.
Mục đích và tâm nguyện của các vị khi thực hiện công trình này là muốn kiến tạo một nơi chiêm bái, lễ lạy và hành hương dành cho du khách với sự hiện diện của 84.000 pho tượng Phật, và con số này đang dần trở thành hiện thực.
Công trình xây dựng được tiến hành trên một ngọn đồi cao 30m và một con đường tam cấp dẫn lên ngọn đồi.
Khi được giới truyền thông đề cập tại sao phải kiến tạo cho đủ 84.000 pho tượng Phật trong phạm vi công trình, sư Keo Kakda cho biết ý tưởng này được lấy trong kinh Phật với nội dung nói về 84.000 pháp môn tu tập.
“Không phải nước nào cũng thực hiện công trình tâm linh kiến tạo 84.000 pho tượng Phật. Ngay cả Myanmar cũng chỉ xây dựng nơi lễ lạy với chỉ 5.000 tượng Phật… tái hiện tại lời tiên đoán của Đức Phật về việc sau khi Ngài tịch diệt, Chánh pháp chỉ tiếp nối thêm 5.000 năm nữa. Và hiện tại 2.562 năm đã đi qua”, sư Keo Kakda cho hay.
Hiện tại chư vị đã kiến tạo được 20.000 pho tượng và sư Keo Kakda hy vọng cuối cùng tâm nguyện này sẽ thành hiện thực khi đạt được con số 84.000. Tuy nhiên, sư Keo Kakda không đưa ra mốc thời gian cụ thể vì điều này “còn phụ thuộc vào sự chung tay của Phật tử thập phương”.
Hiện tại, lượng du khách đến với công trình này khá đông. Một số người đã đóng góp cho công trình khi hiến cúng tiền tạo tượng, mỗi pho khoảng 19,75 USD. Tuy vậy, có nhiều bạn trẻ tạo dáng chụp hình với những tư thế được cho là khiếm nhã, không tôn trọng hình ảnh của Đức Phật và nhận nhiều lời phê bình trên mạng xã hội.
“Không thể tránh những điều bất như ý xảy ra, nhưng tôi tin rằng các bạn trẻ khi họ có sự cuốn hút đến với công trình tâm linh mới này chí ít cũng gieo vào trong họ những câu hỏi và nhu cầu tìm hiểu về đạo Phật”, sư Keo Kakda tâm sự.
Gia Trúc (theo The Phnom Penh Post)