GN - Bạn nói tháng cuối năm này bạn bận rộn với những cuộc thi quan trọng. Thi cử chưa bao giờ là một chủ đề hấp dẫn tôi. Tôi chưa từng gặp phải hoàn cảnh thi rớt thê thảm đến mức rớt... nước mắt, nhưng cứ mỗi lần nghe đến thi cử, kiểm tra, hay những thứ đại để như thử thách, là tôi thấy một cảm giác ngại ngùng ít nhiều xuất hiện.
Phật thị hiện giáo hóa đã tám ngàn lần rồi mà chúng ta
vẫn còn ở đây, vậy thì không biết là đã thi rớt bao nhiêu lần rồi! - Ảnh minh họa
Không thích thử thách, nhưng là một người học Phật, thành thật mà nói, mỗi ngày mỗi giờ đều có thử thách. Theo đó, ngay trong cuộc sống hàng ngày, ngay khi đối xử với mọi người, giải quyết công việc đều là thử thách. Tôi nhớ HT.Tuyên Hóa có bài thơ thế này:
Hết thảy là khảo nghiệm,
Coi thử mình ra sao,
Đối cảnh lầm không biết,
Phải luyện lại từ đầu.
“Cảnh” ở đây là khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, khi mắt thấy sắc, tai nghe âm thanh, mũi ngửi hương, lưỡi nếm mùi vị, thân xúc chạm, ý nhận thức pháp. “Hết thảy là khảo nghiệm”, phạm vi chữ “cảnh” này thì rất rộng; “đối cảnh lầm không biết”, không biết là không biết “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, rằng “nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh”. Khi sáu căn tiếp xúc với sáu trần, hết thảy đó đều là giả, nếu bạn không biết điều này, phóng tâm tác ý chạy theo cảnh duyên, vậy thì bạn “phải luyện lại từ đầu”, cũng tức là nói, bạn đã... thi rớt.
Một vài lần tôi đã “thi rớt”. Mới cách đây mấy hôm, tôi bị bạn tôi ném vào mặt hai chữ “nhiều chuyện”. Dùng chữ “ném” cho nó đúng tinh thần “thi cử”, tinh thần “khảo nghiệm”, chứ tôi biết bạn tôi không ác ý “ném” tôi “nhiều chuyện”. Và tôi đã thi rớt. Tôi giận hờn, tôi thanh minh giải thích, rồi lại giận hờn, mất đến hơn... một tiếng đồng hồ sau mới bình thường trở lại.
Tháng trước, có người nói sau lưng tôi rằng tôi chấp tướng, ưa hình thức, bề ngoài. Lần này tôi rớt thê thảm, mất đến hẳn hai ngày sau mới bình thường trở lại, mặc dù không có thanh minh hay giải thích gì, vì tôi không biết người nói là ai.
Những chuyện “to tát” như vậy thỉnh thoảng mới có, còn những chuyện nhỏ nhỏ kiểu như món ăn ngon thì ăn thêm một chút, tượng Phật đẹp thì ngắm thêm một chút, bài hát hay thì nghe nhiều một chút, hương thơm quyến rũ thì tận hưởng thêm một chút, sáng ngủ dậy thì “nướng” thêm một chút, vậy thì mỗi ngày mỗi giờ đều xảy ra.
Xác thực là mỗi ngày mỗi giờ đối cảnh tiếp vật đều là thử thách, đều là khảo nghiệm công phu tu hành của chính mình. Cho nên ta thường nghe nói, đạo tràng để tu hành tốt nhất chính là đời sống hàng ngày. Hàng ngày đều có kiểm tra, giờ giờ đều có khảo nghiệm, xem thử ta tu hành đã đến mức không động tâm trước ngoại cảnh hay chưa. Ví thử như bị người mắng chửi mà không động tâm, vậy thì tốt, nhưng nếu được người ca ngợi mà động tâm, vậy thì vẫn là... thi rớt. Thi rớt thì phải học lại, phải tu lại, “phải luyện lại từ đầu”, cho tới khi nào thi đậu mới được.
Ở đây có một tin vui và một tin buồn. Tin vui thì rất vui và tin buồn cũng rất buồn. Tin vui là sống trong hoàn cảnh ngày ngày đều là thử thách, người người đều đến khảo nghiệm, nếu biết khéo tu hành, khéo nhẫn nhục, cõi Ta-bà này thực sự là một đạo tràng lý tưởng để tu hành. Mỗi ngày là một kỳ thi nhỏ, lâm chung cuối đời là một kỳ thi lớn, người khéo tu hành sao lại không thành tựu? Khéo biết tu hành, thường tự phản tỉnh, nhất định thành tựu. Đó là tin vui, tin vui là bạn đang có một cơ hội rất tốt để tu hành.
Còn tin buồn là thực tế chúng ta đã “thi rớt” không biết bao nhiêu lần mà kể. Kinh Phạm Võng nói, Thích Ca Mâu Ni Phật vì dạy dỗ chúng sanh mà thị hiện thành đạo ở cõi này đã tám ngàn lần rồi. Phật thị hiện giáo hóa đã tám ngàn lần rồi mà chúng ta vẫn còn ở đây, vậy thì không biết là đã thi rớt bao nhiêu lần rồi! Chúng ta phàm phu vẫn cứ là phàm phu, đến sơ quả Tu-đà-hoàn cũng không thể thành tựu, quay đi quay lại vẫn cứ là vọng tưởng, phân biệt, chấp trước nặng nề đối với ngoại cảnh, vẫn là “đối cảnh lầm không biết”, một chút thành tựu nhỏ cũng không có, một chút định lực cũng không có, vậy không phải là đã thi rớt rất nhiều lần hay sao?
Cho nên khi bạn tôi nói chuyện về sự học thi cuối năm của bạn, tôi lại nghĩ về sự học Phật “thi rớt” của tôi. Nhiều cái cuối năm sẽ thành cuối đời, đến cuối đời học Phật mà vẫn thi rớt thì tương lai sẽ ra sao đây?
Thì lại là lục bình trôi sông, sanh tử thế nào vẫn là tử sanh như thế ấy...
MỘT HỌC SINH (Canada)
_________________
* Bài vở cộng tác trang Phật giáo - Tuổi trẻ xin hoan hỷ gửi về: phatgiaovatuoitre@gmail.com.