Một hôm, Tôn giả A-nan dẫn các các Tỳ-kheo trẻ đi đến chỗ Đức Phật và thưa hỏi: “Bạch Thế Tôn! Với những Tỳ-kheo trẻ này con nên dạy dỗ họ thế nào? Con phải thuyết pháp gì để họ được an ổn, được vững chãi, được an lạc, thân tâm không phiền muộn, trọn đời tu phạm hạnh?”.
Nhân đó, Đức Thế Tôn dạy: “Này A-nan! Trước đây Như Lai đã nói cho thầy nghe về Bốn thánh chủng. Đó là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni được tấm y thô xấu vẫn biết đủ, không vì y áo mà cố tìm cầu cho được vừa ý; nếu chưa được y vẫn không buồn rầu, không khóc than, không oán trách, không si dại; nếu đã được y vẫn không đắm, không nhiễm, không tham, không muốn, không ham xúc chạm; khi sử dụng y phục, thấy rõ tai họa và biết cách từ bỏ; dù đời sống tiện nghi như vậy nhưng vẫn không lười biếng, mà luôn có hiểu biết đúng đắn. Đó là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni an trú chân chánh nơi Thánh chủng ngàn xưa. Đối với ăn uống và chỗ ở cũng vậy.
Lại nữa, vị ấy muốn đoạn ác, thích đoạn ác, muốn tu thiện, thích tu thiện; nhân vì muốn đoạn ác, thích đoạn ác, muốn tu thiện, thích tu thiện, nên không khen mình khinh người, dù đời sống tiện nghi như vậy cũng không lười biếng, mà luôn có hiểu biết đúng đắn. Đó gọi là Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni an trú chân chánh nơi Thánh chủng ngàn xưa. Này A-nan, với Bốn thánh chủng này, thầy hãy dạy cho các Tỳ-kheo trẻ. Nếu thầy giảng dạy Bốn thánh chủng này cho các Tỳ-kheo trẻ thì họ sẽ được an ổn, được lợi ích, được vui thích, thân tâm không bứt rứt nóng nảy, trọn đời tu phạm hạnh” (Trung A-hàm, kinh số 86, Thuyết xứ).
Đoạn kinh này cho chúng ta thấy, để đời sống tu tập của người xuất gia nói chung, người xuất gia trẻ nói riêng, có được an ổn, lợi ích, vui thích, thân tâm không bứt rứt nóng nảy, trọn đời giữ được phạm hạnh thanh tịnh thì phải an trú trong Bốn thánh chủng, tức là đứng vững trong phả hệ bậc Thánh từ ngàn xưa.
Bốn thánh chủng (catvāra ārya-vaṃśāḥ) là bốn hạt giống có khả năng sinh ra Thánh hiền, gồm hoan hỷ và biết đủ với y phục (itarītara-cīvara-santuṭṭhiyā vaṇṇa-vādī), hoan hỷ và biết đủ với ăn uống (itarītara-piṇḍa-pāta-santuṭṭhiyā vaṇṇa-vādī), hoan hỷ và biết đủ với ngọa cụ (itarītara-senāsana-santuṭṭhiyā vaṇṇa-vādī) và vui thích đời sống tu tập, vui thích với việc đoạn trừ phiền não (bhāvanārāmo hoti bhāvanārato pahānārāmo hoti pahānārato vaṇṇa-vādī). Ba điều trước là bằng lòng, biết đủ với đời sống tối giản về ăn, mặc và chỗ ở, tức là lối sống thiểu dục tri túc; điều sau cùng là nói đến sự vui thích tu tập, vui thích trong việc đoạn trừ phiền não, từ đó dẫn đến chứng đắc quả Thánh nên gọi là Thánh chủng.
Rõ ràng, đoạn kinh cho thấy người xuất gia, dù là xuất gia ở bất kỳ độ tuổi nào và với bất cứ lý do gì thì đời sống của họ là chấp nhận từ bỏ: từ bỏ gia đình, sống không gia đình, không có sở hữu.
Trong kinh Đại bảo tích, Đức Phật cũng dạy: “Này trưởng giả! Hàng Bồ-tát xuất gia cần phải học như vầy: ‘Vì lý do gì mà ta từ bỏ gia nghiệp để đi tu? Là vì muốn được trí tuệ giải thoát mà nỗ lực tinh tiến như cứu lửa đang cháy trên đầu. Phải suy nghĩ như vầy: Từ nay ta phải an trú trong Bốn thánh chủng để an vui tu hạnh đầu-đà’. Này trưởng giả! Hàng Bồ-tát xuất gia phải an trú trong Bốn thánh chủng như thế nào?
Đó là, hàng Bồ-tát xuất gia tùy theo tấm y mình có được mà sinh lòng biết đủ, khen ngợi sự biết đủ, không vì y áo mà gây nghiệp nói dối. Nếu không nhận được y áo thì không nên mong cầu nhớ tưởng, không sinh lòng buồn sầu, khổ não. Giả sử nhận được y áo, không nên sinh tâm tham đắm, dính mắc. Dù mặc y áo nhưng không bị lệ thuộc vào y áo, không tham, không đắm, biết rõ tai họa của nó và cũng biết cách từ bỏ. Đó là lối sống tri túc, không tự khen mình, chê khinh người khác.
Này trưởng giả! Người xuất gia khất thực để nuôi thân, đệm lót để nằm ngồi cũng phải biết đủ, biết hài lòng; không vì thức ăn, đệm lót mà phải nói dối; nếu không nhận được thì không nhớ nghĩ mong cầu, không sinh lòng buồn khổ; nếu nhận được thì không dính mắc, không đắm nhiễm, không để tâm tham đắm cất chứa, không bủn xỉn, không bị lệ thuộc, luôn biết rõ tai họa của nó và cũng biết cách từ bỏ. Đó là sống theo hạnh tri túc, không tự khen mình, khinh chê người khác. Vui thích với đời sống đoạn trừ, đời sống viễn ly, đời sống tu tập. Với việc vui thích đời sống đoạn trừ, đời sống viễn ly, đời sống tu tập này cũng không vì vậy mà tự khen mình. Này trưởng giả! Đây gọi là hàng Bồ-tát xuất gia an trú trong Bốn thánh chủng”.
Luận Đại Tì-bà-sa, quyển 181, cũng giải thích: “Thánh chủng là y chỉ trên sự vui thích và biết đủ với thức ăn có được, vui thích và biết đủ với tấm y có được, vui thích và biết đủ với tấm đệm lót nằm ngồi có được và vui thích đoạn trừ phiền não, ưa thích tu tập. Bốn hạt giống này đều lấy sự vô tham làm thể tính, mục đích là để đoạn trừ tâm tham ái”.
Kinh Đại tập pháp môn, luận Tập dị môn túc cũng nói đến sự thọ dụng hoặc chấp giữ y phục, ăn uống, đệm lót nằm ngồi… rất dễ sinh tâm tham ái, dính mắc. Hữu ái và vô hữu ái chính là khát vọng sinh tồn ở đời này hay đời sau trong ba cõi, cho nên, nay vì muốn đoạn trừ những tâm ái dục mà thiết lập Bốn thánh chủng này.
Luận Câu-xá cũng cho rằng, vì muốn trừ diệt tâm ái dục vào cái ta và của ta mà thiết lập Bốn thánh chủng.
Như vậy, các kinh và luận đều nói đến sự vui thích và biết đủ đối với thức ăn, y áo, đệm lót (sàng tọa, chỗ ở) và ưa thích đời sống xả ly, đoạn trừ phiền não là những hạt giống có khả năng nảy sinh ra những bậc Thánh hiền, gọi là Thánh chủng; là dòng họ cao quý, dòng họ chư Phật.
Dòng họ ấy có bốn sự truyền thừa. Đó là, che thân bằng tấm y hoại sắc, duy trì sự sống bằng chiếc bình bát, ngủ nghỉ ở bên gốc cây trong rừng vắng và siêng năng tu tập để đoạn trừ phiền não. Người xuất gia trẻ để có được sự an vui trong đời sống tu tập, hay nói cách khác là để tu tập có hạnh phúc, họ phải chấp nhận sống nương vào bốn Thánh chủng, tức là chấp nhận sống đời trong sạch, nuôi mạng trong sạch bằng những phương tiện trong sạch. Đây là điều kiện cần và đủ để người xuất gia ‘an trú chân chánh nơi Thánh chủng ngàn xưa’, và từ đó ‘họ sẽ được an ổn, được lợi ích, được vui thích, thân tâm không bứt rứt nóng nảy, trọn đời tu phạm hạnh’, tức là đủ điều kiện để ‘thiệu long Thánh chủng’, xứng đáng là đệ tử chân chánh của Như Lai!
Đây là ‘Thánh chủng ngàn xưa’ và mãi ngàn sau, vì là ‘truyền thống của ba đời chư Phật’, do đó, người xuất gia trẻ thời đại của Phật hay thời đại ngày nay, thời đại mai sau, hễ muốn tu tập hạnh phúc an vui đều phải “từ bỏ gia đình, sống không gia đình”, hoàn toàn không một tư hữu ngoài ba y và chiếc bình bát mà Đức Phật nói là cần thiết như con chim cần đôi cánh để bay đi bất cứ phương trời nào nhằm lợi lạc hữu tình.
Trong xã hội ngày nay, khi mà điều kiện vật chất không quá khó để kiếm tìm, đời sống của người xuất gia nhìn bề ngoài có vẻ như không còn liên hệ gì với Bốn thánh chủng, vì sở hữu quá nhiều. Đây là vấn đề mỗi người xuất gia cần phải suy xét một cách nghiêm túc. Dĩ nhiên, sẽ khập khiễng khi so sánh tiện nghi đời sống hiện đại với các điều kiện sống trong xã hội nông nghiệp thời cổ đại. Trong tinh thần phương tiện, các vấn đề ăn, mặc, ở thì tùy duyên an trú vào các điều kiện sống hiện tại; chỉ cần đơn giản, muốn ít, biết đủ, tránh xa hoa lãng phí là được. Quan trọng nhất là tâm ưa thích tu tập, hân hoan với việc đoạn trừ phiền não. Bởi nếu không vui với việc đoạn trừ phiền não, người xuất gia không thể đi lâu và đi xa trên lộ trình giác ngộ, giải thoát.