Suy nghĩ về kiếp người

GN - Người ta thường nghĩ một kiếp của con người là từ sanh cho đến già, bệnh chết là hết, tức sanh ra để rồi kết thúc bằng cái chết; nếu một kiếp của con người đơn giản như vậy thì thiệt ra không đáng sống. Vì vậy, Đức Phật có suy nghĩ xa hơn là thấy được phía bên trong có cái gì khác nữa mà kinh Hoa Nghiêm diễn tả là Pháp giới duyên sanh.

image.jpg

Khi Đức Phật dạy rằng con người sanh, già, bệnh, chết là khổ thì gần như ai cũng nhàm chán sống, tức sống để chịu khổ rồi chết. Từ đó, người theo Phật tu hành, xuất gia, bỏ nhà cửa, sự nghiệp và quyến thuộc để sống phạm hạnh. Như vậy, người xuất gia hầu như đã cắt bỏ hết cuộc sống bình thường, nhưng còn thân này thì họ còn phải ăn uống ngủ nghỉ. Tuy nhiên, người tu cắt bớt việc ăn uống ngủ nghỉ để không bị lệ thuộc bốn thứ này thì được giải thoát. Đó là pháp đầu tiên mà Phật dạy cho con người. Thật vậy, trong kinh Pháp hoa, Đức Phật nói rằng Ta vì những người nhàm chán sanh, già, bệnh, chết mới nói pháp Niết-bàn và chỉ dạy con đường đưa đến Niết-bàn là pháp đầu tiên gọi là Tứ Thánh đế, tức bốn chân lý không thay đổi.

Từ bốn chân lý này mở ra cho chúng ta cuộc sống có ý nghĩa là Đức Phật vẽ ra hai con đường sống là cuộc sống khổ đau và cuộc sống an lạc, hay kiếp người khổ đau và kiếp người an lạc. Nếu chọn con đường đi lên là thiên đường hay Niết-bàn, chọn con đường đi xuống là địa ngục. Và Đức Phật dạy rằng kiếp sống khổ hay vui cũng do ta tạo nên, đó là tư tưởng mới nảy sanh trái ngược với tư tưởng cổ của Ấn Độ thời bấy giờ chủ trương con người khổ hay vui đều do Thượng đế quyết định, Thượng đế ban vui, hay hành hạ con người khổ là toàn quyền của ngài. Nhưng Đức Phật dạy rằng con người quyết định vận mạng của mình, Ngài phủ nhận quyền sinh sát của Thượng đế và dạy rằng chúng ta không nên giao vận mạng của mình cho người mà mình không biết gọi là Thượng đế.

Đức Phật hỏi người Bà-la-môn rằng ông có biết hay thấy Thượng đế hay không. Ông ta trả lời không thấy cũng không biết Thượng đế. Phật hỏi như vậy tại sao ông tin Thượng đế. Ông nói tại vì cha của con, ông của con, tổ tiên của con nói có Thượng đế. Bấy giờ Phật dạy rằng đừng tin những gì được nhiều người trước ta tin. Muốn tin phải kiểm chứng, coi điều ta tin có hợp lý hay không, nếu không hợp lý, ta không tin. Nếu thấy hợp lý rồi còn phải kiểm chứng trong cuộc sống và thấy kết quả không đúng cũng gạt bỏ. Không phải nghe rồi tin, không phải người xưa dạy rồi ta theo.

Trên bước đường giáo hóa độ sanh, có lần Phật gặp người theo ngoại đạo nói rằng cha của ông dạy mỗi sáng phải lạy sáu phương, nên ông theo truyền thống này mà lạy. Phật mới bảo rằng không nên tin theo truyền thống, nhưng làm phải suy nghĩ truyền thống này có từ bao giờ và có lợi ích nào. Vì vậy, khi lễ bái sáu phương, lạy phương Đông phải nghĩ gì, lạy phương Tây nghĩ thế nào. Phật nói rằng những gì người xưa để lại, chúng ta phải kiểm chứng và ngay như lời Phật dạy, cũng phải kiểm chứng trong cuộc sống của chúng ta để ứng dụng cho đúng.

Phật dạy rằng tất cả mọi người sống trên cuộc đời chỉ có một chữ là “Khổ”, không ai thoát được khổ, người giàu hay nghèo, già hay trẻ đều khổ, nói chung, suốt cuộc đời người là khổ. Nếu kiếp con người là khổ thì thử hỏi ai làm chúng ta khổ và ai giải quyết được nỗi khổ này. Nếu Thượng đế làm chúng ta khổ thì hãy tìm Thượng đế để ngài giải quyết. Nhưng theo Phật dạy chính ta làm khổ ta, như vậy ta phải tự tháo gỡ cái khổ cho mình.

Phật nói tất cả mọi người đều sợ khổ, nhưng họ luôn tạo nhân khổ; trong kiếp người, ai cũng muốn an lạc nhưng không bao giờ tạo nhân an lạc. Vì vậy, theo Phật, nếu tạo nhân an lạc, dù không muốn an lạc, ta cũng được an lạc; nhưng tạo nhân khổ thì chắc chắn khổ cũng đến với ta, không thể thoát. Trên bước đường tu hành, ý thức như vậy là nhận diện được cái lý của khổ để cắt bỏ lần lần cho đến đoạn tuyệt nỗi khổ. Đầu tiên, nhận ra cái khổ và nguyên nhân của khổ, nhưng đó chỉ mới là giới hạn nỗi khổ niềm đau từ sanh đến chết trong kiếp người hiện tại. Còn nguyên nhân xa là trước khi sanh, chúng ta đã tạo nhân gì ở kiếp quá khứ và do nguyên nhân nào mà tái sanh làm người trên cuộc đời này. Ở đây, chúng ta mới tìm cái nhân hiện tại và đoạn cái nhân hiện tại này là Tập đế và tu Đạo đế.

Con người không khổ, nhưng tự mình làm mình khổ. Nói như vậy đôi khi Phật tử thấy lạ, nhưng suy nghĩ kỹ sẽ nhận ra lời Phật dạy là đúng. Đức Phật dạy rằng nỗi khổ của con người phát xuất từ sự ham muốn, vì ham muốn không được nên khổ gọi là cầu bất đắc khổ. Vì vậy, Phật bảo chỉ cắt bỏ ham muốn, chúng ta sẽ hết khổ liền. Ham muốn cái gì? Tất cả mọi người trên cuộc đời này thường ham muốn tiền tài, địa vị, danh vọng là ba điều ham muốn căn bản nhất. Người có ham muốn như vậy thì dù địa vị cao tới đâu, hay tiền bạc có nhiều bao nhiêu cũng khổ. Cứ như vậy mà nỗi khổ tăng lên, không giảm được. Nếu cắt được ham muốn phần nào sẽ hết khổ phần đó. Như vậy, thấy cái quả thì sẽ biết được cái nhân gì mà mình đã làm. Thấy Phật được người cung kính, thử nghĩ xem Phật đã làm gì để được như vậy. Đức Phật cho biết Ngài đã trải qua vô số kiếp thực hiện những việc làm của Thánh La-hán, của Bích chi Phật, của Bồ-tát. Hoặc thấy người người kính trọng Bồ-tát Quan Âm, ta cũng muốn được như vậy. Phật dạy rằng tất yếu phải làm như Quan Âm mới được kính trọng, nếu không có việc làm nào giống ngài mà muốn hưởng quả tốt đẹp như ngài chỉ là nấu cát muốn thành cơm.

Trong kiếp quá khứ xa xưa, khi chưa gặp Phật, Quan Âm cũng phạm sai lầm là muốn người kính trọng và nghe lời. Được người kính trọng và nghe lời, điều này ai cũng muốn. Thí dụ làm thầy thì muốn học trò nghe lời, làm cha mẹ luôn muốn con cái vâng lời. Trước khi được Phật khai thị, Quan Âm có ham muốn quá lớn, muốn người theo ông làm đủ mọi việc, nên luôn thúc giục họ; nhưng họ không làm được thì ông đánh mắng và đuổi đi. Và xua đuổi người xung quanh đi hết, không còn ai, bấy giờ Quan Âm khổ cùng cực, mới thấy Phật. Chúng ta cũng vậy, khi nào sung sướng, chúng ta lo hưởng thụ, đến lúc rơi vào hoàn cảnh khổ, đọa địa ngục, chúng ta mới nghĩ đến Phật. Nói đến đây, tôi nhớ lại bốn mươi năm trước, có các sinh viên sợ bị đi quân dịch mới nhờ tôi lo cho họ sang Nhật học. Vì vậy, lúc đó, tôi bảo làm gì, họ đều nghe theo. Tôi bảo tụng kinh Pháp hoa, ăn chay, đi chùa thì họ nghe theo răm rắp. Sau đó họ hỏi con làm như vậy rồi, chừng nào được đi Nhật. Tôi bảo phải hết lòng tụng kinh, Phật sẽ độ. Các anh này ráng tụng kinh, lạy Phật nữa. Tôi mới nói với Hòa thượng Yoshimizu rằng các sinh viên sợ đi lính, nếu Hòa thượng bảo lãnh họ sang Nhật học, họ không bị đi lính là cứu được một người thoát chết. Ông mới bảo lãnh họ sang Nhật. Các sinh viên hết lòng tụng kinh, được qua Nhật, tháng đầu họ còn đi chùa, nhưng đến tháng thứ hai, không đi chùa nữa viện cớ là bận. Có thể thấy rõ trước cái chết, cái khổ, niềm tin chúng ta dễ sanh ra, nhưng cuộc sống hơi vui là quên Phật ngay. Những người không khổ mà đi chùa phải biết đó là người có căn lành.

Phật dạy khi đọa địa ngục, phải phát tâm Bồ-đề để thoát khổ và khi ra khỏi địa ngục, phải nhớ đến nỗi khổ ở địa ngục mà tu hành để không rơi vào cảnh khổ đó nữa và khi được sống trong cảnh sung sướng cũng phải khéo tu, nếu không sẽ bị khổ. Nhìn kỹ cuộc đời thấy bức tranh này có đủ, Trí Giả đại sư gọi là thập giới hỗ cụ. Nghĩa là mở mắt huệ mới thấy được trong một con người hay trong xã hội có đủ thành phần là ma quỷ, hay Phật, Bồ-tát, chư Thiên. Nhìn kỹ thấy quỷ làm việc của quỷ, ma làm việc của ma, Bồ-tát làm việc của Bồ-tát. Thực tế cho thấy có người hiện hữu trên cuộc đời chỉ nghĩ việc duy nhất là hại người, nhưng có người chỉ nghĩ đến việc giúp đỡ người khác, cứu các loài khác. Nhìn vào bức tranh xã hội thấy tất cả người nghèo hay giàu, già hay trẻ đều khổ và ngược lại, thấy có người nghèo nhưng hạn chế được lòng tham, họ vẫn sống an lạc.

Người sống tri túc theo Phật, tức sống với phước của mình, với cái mình có, làm sao khổ. Một ngày không sử dụng quá năm mươi phần trăm số tiền mình kiếm được, sẽ không khổ. Riêng tôi, trong thời sinh viên, tôi nghèo nhất, nhưng không khổ, vì không tiêu xài quá số tiền tôi có là 50 USD một tháng. Không xài hết tiền, còn để dành giúp được người thì tôi có thêm một số người thương tôi. Chúng ta có tiền giúp người thoát khỏi cuộc sống khó khăn, họ sẽ nhớ ơn là chúng ta có bạn tốt, hay việc làm của Bồ-tát.

Đức Phật dạy Quan Âm nhận ra ý này, khi bạn bè, con cháu bỏ đi, ông không làm được gì mới nghĩ đến Phật. Bấy giờ Phật xuất hiện trước Quan Âm. Phật nói vì sai lầm, ông khổ, nay nhận ra sai lầm có thể sửa đổi kiếp người đau khổ thành kiếp người an lạc. Phật dạy Quan Âm, nhưng tôi nghĩ rằng Phật dạy tôi, nên tôi tự hạn chế ham muốn của mình. Hạn chế tối đa ham muốn, chúng ta sẽ được an lạc tối đa. Nâng ham muốn tối đa sẽ khổ tối đa.

Tuân theo lời Phật dạy, hạn chế ham muốn tối đa, sống tri túc là sống vừa đủ thì ta còn thặng dư mới giúp đỡ cho người cần. Giúp một người, chúng ta có thêm một người bạn, nghĩa là chúng ta có thêm hai cánh tay và hai con mắt để thấy được việc xung quanh. Trước đó, chúng ta không thấy, nhưng nay nhờ có thêm hai con mắt, nghĩa là nhờ bạn thấy, họ nói cho chúng ta biết. Điển hình cho ý này là vào năm 1963, khi Phật giáo tranh đấu chống Chính phủ Diệm, ông có kế hoạch Nước lũ, ra lệnh cắm trại và tấn công tất cả các chùa vào 12 giờ đêm. Lúc ấy, có người ở trong Tổng thống phủ nghe được tin này liền trốn ra ngoài và đến chùa Ấn Quang để báo cho Ủy ban Liên phái Bảo vệ Phật giáo biết. Theo tôi, Phật giáo tranh đấu thành công năm 1963, một phần là nhờ được nhiều người thương, nhiều người hợp tác; vì ông Diệm muốn làm gì, Phật giáo đều biết trước là do các Phật tử làm việc trong Chính phủ báo cho biết.

Vì vậy, có thể hiểu rằng có thêm một người bạn là ta có thêm hai tay, hay nói cách khác, có người làm thay ta, ta không thể một mình làm hết mọi việc. Cuối cùng, Quan Âm được lòng mọi người, nên mọi người ủng hộ ngài tiêu biểu bằng hình ảnh Quan Âm Bồ-tát có ngàn mắt ngàn tay, không phải có ngàn mắt ngàn tay thiệt. Và trong bàn tay Quan Âm có con mắt nghĩa là làm theo lời Phật dạy, tức hành động có trí tuệ chỉ đạo. Điều này nhắc nhở ta làm gì phải suy nghĩ, đừng làm càn, tu mù thì rất nguy hiểm. Trước khi hành động, ta phải biết việc đó. Muốn cứu người, giúp người, phải biết rõ có nên cứu, có nên giúp hay không và giúp bằng cách nào. Đa số Phật tử làm việc thiếu suy nghĩ, nên thất bại thì phiền não phát sanh. Việc đáng làm, người đáng giúp thì họ trở thành bạn tốt của ta, người không đáng giúp mà giúp, họ sẽ hại ta, làm ta buồn khổ. Có trí tuệ hành xử theo Phật, theo Bồ-tát, cuộc đời mình trở thành tươi đẹp. Như vậy, cuộc đời này trở thành thiên đường hay địa ngục cũng do chúng ta quyết định. Làm theo lời Phật dạy Quan Âm thì xã hội chúng ta đang sống phải an vui.

Ở Ta-bà này, Bồ-tát Quan Âm làm được tất cả mọi việc công đức. Trước nhất, ngài có danh hiệu là Phật Viên Thông Thánh Tự Tại, nói đủ là nhĩ căn viên thông, tức ngài nghe được tiếng nói của chư Phật và nghe được những nỗi oan ức của chúng sanh, nên nói Quan Âm có hạnh lắng nghe, từ đó Quan Âm sử dụng lời Phật dạy để xóa bỏ nỗi khổ đau của chúng sanh. Ngày nay, nếu chúng ta làm theo Quan Âm, chúng ta cũng sẽ trở thành Quan Âm. Muốn vậy, chúng ta phải nghe được Phật âm và nghe chúng sanh, nghĩa là lấy an lạc xóa trừ khổ đau và áp dụng pháp an lạc, chắc chắn cuộc sống của ta sẽ được an lạc.

Điển hình ý này, Đức Phật giới thiệu thế giới Cực lạc của Phật A Di Đà có điều đặc biệt là tập hợp những người trí thức và đạo đức. Chỗ nào có người trí thức thì chỗ đó sỏi đá cũng thành cơm, vì trí tuệ đóng vai trò rất quan trọng. Thật vậy, ngày nay nếu có kỹ sư hầm mỏ phát hiện được trong lòng đất có mỏ vàng, mỏ đồng, mỏ sắt, mỏ dầu, mỏ than, v.v… và khai thác được quặng mỏ này dễ dàng làm giàu cho đất nước. Khi Phật Di Đà về phương Tây lập nghiệp, ở mảnh đất mới này không có gì. Chúng ta tạm hình dung ra nước Mỹ ba trăm năm trước không là gì, nhưng ngày nay có rất nhiều người trí thức, tài năng làm việc, nên nước này trở thành cường quốc. Phật dạy chúng ta, nhưng nghiệm lại trong cuộc sống sẽ thấy rõ chỗ có người trí thức thì phát triển nhanh, người trí thức bỏ đi thì giàu trở thành nghèo.

Phật Di Đà xưa kia đến phương Tây hoang dã, Ngài tập hợp những người trí thức về đó. Ngài cho làm đường và trồng cây. Ngày nay chúng ta mới nhận ra cây xanh quan trọng cho sự trong lành của môi trường sống của con người. Ở thế giới Cực lạc có bảy hàng cây báu, bảy hàng lưới giăng, ngày nay gọi là hệ thống ra-đa phát ra âm thanh khiến cho người nghe phát tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Có thể nói Đức Phật Di Đà là một kiến trúc sư vĩ đại và chư vị Bồ-tát là những kỹ sư tài giỏi hợp tác với Ngài, tạo thành thế giới Cực lạc.

Ngoài ra, Đức Phật Di Đà cho đào ao thất bảo và rải vào đó vàng bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, mã não, trân châu… Chúng ta có cảm giác rằng Phật thiết kế ao thất bảo như một hồ tắm hiện đại, nước dơ được rút ra và đưa nước bát công đức vào khiến cho người tắm cảm thấy mát mẻ thư thái, không còn phiền não. Đặc biệt là ở trong ao đó, muốn nước tới bụng hay tới cổ thì liền được như vậy. Thoạt nghe điều này có vẻ trừu tượng, nhưng ngày nay trên thực tế, nếu ta xuống ao tắm cũng thấy như vậy, tức phía trên nước cạn và đi tiếp xuống nữa thì ao sẽ sâu hơn, nước sẽ dâng lên đến cổ hay qua khỏi đầu mình. Thiết nghĩ từ hàng ngàn năm trước, Đức Phật đã thiết kế cảnh giới trong lành có ao tắm hoàn toàn sạch sẽ với hệ thống nước lọc các tạp chất, mà ngày nay con người văn minh mới áp dụng được. Nghiên cứu thấy nghĩa sâu của kinh theo đó thế giới Cực lạc hoàn toàn an vui, vì đã được Đức Phật Di Đà kết hợp toàn những người trí thức và đạo đức.

Bồ-tát Quan Âm ở Ta-bà, vào địa phủ để cứu vớt chúng sanh, ngài không vãng sanh về Tịnh độ, nhưng Đức Phật Di Đà nói rằng Ngài sẽ giao Cực lạc cho Quan Âm làm Giáo chủ.

Tóm lại, bước theo dấu chân Phật, nếu cắt bỏ lòng tham và điều chỉnh cho đến hoàn thiện suy nghĩ, lời nói, việc làm của ta theo Phật, Bồ-tát, chắc chắn chúng ta sẽ có Niết-bàn, Cực lạc ngay trong cuộc sống này. 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.