Suy nghĩ về cuộc thi ảnh nghệ thuật Phật giáo lần thứ III

GN - Tháng 11-2014, cuộc thi ảnh nghệ thuật Phật giáo lần thứ III với chủ đề “Di tích - Danh thắng và Lễ hội Phật giáo” được phát động. Đây là cuộc thi mang dấu ấn kỷ niệm 40 năm ngày Báo Giác Ngộ ra số đầu tiên (1-1-1976 – 1-1-2016).

>> Thể lệ cuộc thi ảnh nghệ thuật Phật giáo lần III

chua mot cot.jpg


Chùa Một Cột - địa chỉ văn hóa giữa lòng thủ đô - Ảnh minh họa

Bước vào năm 2015, đất nước diễn ra nhiều lễ hội lớn: Kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2015); 70 năm ngày Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 (2-9-1945 – 2-9-2015); đồng thời bên cạnh đó là sự kiện có ý nghĩa quan trọng là Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Cũng trong tháng 5-2015, Đại hội Hội Nhà báo TP.Hồ Chí Minh lần thứ VII được tiến hành để tiến tới cuối năm là Đại hội toàn quốc cũng sẽ diễn ra.

Nói như vậy để thấy rằng cuộc thi ảnh nghệ thuật Phật giáo lần thứ III kỳ này nằm trong bối cảnh đất nước gắn liền với các ngày lễ hội cùng sự kiện quan trọng và cũng để cho các đối tượng tham gia cuộc thi hiểu rằng mỗi tác phẩm tham dự của mình là sự đóng góp vào việc thành công chẳng những đối với báo Giác Ngộ mà còn là việc lớn hơn là làm sáng tỏ những di tích, di sản quan trọng của đất nước trong đời sống văn hóa Phật giáo nói riêng và dân tộc nói chung.

Đất nước chúng ta có nhiều lễ hội, từ lễ hội cấp quốc gia cho đến lễ hội của địa phương, người dân tộc… tổng cộng có hơn 7.000 lễ hội lớn nhỏ, trong đó lễ hội tôn giáo có 544 lễ hội (chiếm 6,28%). Riêng Phật giáo có lễ hội chùa Hương, lễ hội chùa Bái Đính, lễ hội Yên Tử, lễ hội chùa Côn Sơn, lễ hội Quán Thế Âm, lễ hội chùa Thầy, Đại lễ Phật đản, Đại lễ Vu lan bồn, lễ hội chùa Keo… Mỗi lễ hội Phật giáo đều có những lịch sử khác nhau và mang ý nghĩa sâu xa.

Nếu các di tích, danh thắng là tĩnh thì lễ hội là động. Di tích là những ngôi chùa đã được Nhà nước phong tặng di tích lịch sử. Cũng có di tích được phong tặng kết hợp chùa và cảnh quan. Riêng danh thắng, cần nói rõ hơn đó là những thắng cảnh của đất nước như: Vịnh Hạ Long, Lăng Cô (đèo Hải Vân), chùa Một Cột (Hà Nội), Thiên Cẩm Sơn (An Giang), Bà Nà (Đà Nẵng), Phong Nha Kẻ Bàng (Quảng Bình), Tam Cốc Bích Động (Ninh Bình), Danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh), Cô đô Huế (Thừa Thiên Huế)...

TT.Thích Minh Hiền, Phó ban Giám khảo đã chia sẻ kinh nghiệm của thầy về cuộc thi: “Tác phẩm phải vừa đạt hình thức nhưng trên hết vẫn là tính tư tưởng, tác phẩm phải mang ý nghĩa có tính thuyết phục”.

Riêng về khâu nhận và chấm tác phẩm hoàn toàn theo cách truyền thống, nghĩa là ảnh được phóng ra theo đúng khổ quy định gửi về tòa soạn không hạn chế số lượng của mỗi nhóm chứ không gửi qua email. Như thế, Ban Giám khảo sẽ vất vả hơn trong khi chấm giải,  nhưng lại dễ so sánh, cân nhắc giữa các tác phẩm hơn là sử dụng file ảnh trên máy tính.

Chủ đề “Di tích- Danh thắng và Lễ hội Phật giáo” qua đó cho thấy mỗi tác giả khi tham gia cuộc thi đã xác định vừa tranh giải mà cũng vừa đóng góp viên gạch vào việc bảo tồn di tích và lễ hội Phật giáo. Hòa vào những sự kiện lớn của đất nước trong năm 2015, mong rằng cuộc thi ảnh nghệ thuật Phật giáo lần thứ III sẽ đạt được những kết quả như mong muốn.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.