Suy gẫm về sự kiện xuất gia của Bồ-tát Sĩ Đạt Ta

GNO - Hàng năm, tháng Giêng tưng bừng vừa khép lại thì nơi của thiền, nơi lòng mỗi người con Phật đều rộn ràng chuẩn bị cho ngày lễ kỷ niệm Bồ tát Sĩ Đạt Ta xuất gia vào ngày mùng 8 tháng 2 âm lịch.

Ngày mùng 8 thàng 2, tất cả chúng ta mỗi một người con Phật đều biết và không ngừng tôn xưng trong gần suốt 3.000 năm nay, ngày lịch sử đã ghi dấu vào một đêm khuya thanh vắng nơi thành Ca Tỳ La Vệ, thái tử Tất Đạt Đa con vua Tịnh Phạn của vương quốc ấy đã mở một “cuộc ra đi làm nên lịch sử” giác ngộ cho loài người.

phat.jpg

Vậy kỷ niệm ngày Bồ tát xuất gia có ý nghĩa gì?

Kỷ niệm một trong những ngày trọng đại có liên quan đến cuộc đời của đức Thế Tôn đều mang một ý nghĩa không thể nghĩ bàn. Cử hành lễ kỷ niệm là nhắc lại, ôn lại, tán thán công đức cũng như hạnh nguyện tu hành của một vị Phật, điều này có sự ảnh hưởng sâu đậm đến sự tăng trưởng niềm tin và gia tăng sức tinh tấn cũng như sự trưởng dưỡng những yếu tố nuôi dưỡng tâm linh của mỗi một người con Phật. Kỷ niệm tất cả những sự kiện trong cuộc đời của Ngài được đánh dấu kể từ giây phút một vị Phật ra đời, trong đó xuất gia sự quyết định cho một lối rẽ, mở đường đi lên lộ trình giải thoát được đánh giá vô cùng quan trọng.

Xuất gia, theo Phật Học Đại Từ Điển, tiếng Phạn là Pravrajya, âm Hán dịch là Tác Ba Thệ Nhĩ Da, là để chỉ người xa rời đời sống gia đình, chuyên tu hạnh thanh tịnh của Sa môn không màng danh lợi hay dục lạc, chỉ mong cầu giải thoát; họ ở trong rừng hay những nơi thanh tịnh, xa rời đời sống thế tục.

Nhìn lại dòng lịch sử, với cương vị là một Thái tử đương thời, và là duy nhất, Sĩ Đạt Ta có điều kiền để thụ hưởng mọi thứ ở thế gian đến mức tột bực, từ tình yêu thương cho đến quyền uy vật chất. Thế nhưng khác với bao con người khác, với độ tuổi lên niên thiếu vị Thái tử nọ đã xa rời mọi tiết mục vui đùa để yên lặng tĩnh tọa dưới gốc cây trong ngày lễ hạ điền truyền thống của vương quốc. Tiếp theo trải qua bốn lần xuất thành đầy ý nghĩa với những suy tư sâu sắc nảy sinh trong lòng vị Thái tử.

Lần thứ nhất, sau khi nhìn thấy một cụ già thân thể ốm đau nơi cửa thành Đông, lần thứ hai đến cửa Nam, Thái tử thấy một người bịnh hoạn đang than khóc, rên siết; qua đến cửa Tây, thì Ngài trông thấy một cái thây chết nằm ngay giữa đường, ruồi nhặng bu quanh và thi thể thì sình lên trông rất ghê tởm. Sau ba lần dạo chơi, Thái tử chỉ là nhìn thấy toàn bộ bức tranh của một kiếp người, thế nhưng dưới cái nhìn của vị Thái tử này, tất cả trở nên không đơn giản mà dấu ấn lưu lại là một nỗi đau day dứt không phương trị liệu.

Lần thứ tư, Thái tử ra cửa Bắc thì gặp một vị tu sĩ tướng mạo nghiêm trang, điềm tĩnh thảnh thơi giữa muôn người, Thái tử trở về cung với lời đáp của vị tu sĩ nọ: “Tôi tu hành là để giải thoát mọi ràng buộc của thế gian”. Sau nhiều ngày tháng suy tư với lời khai thị nhẹ nhàng đó, Thái tử Sĩ Đạt Ta như bừng tỉnh, Ngài đảnh lễ vua cha xin xuất gia với lý do: “Làm sao cho con trẻ mãi không già, làm sao cho con sống hoài không chết, làm sao cho con mạnh khỏe không đau và làm sao cho mọi người hết khổ”.

Vua Tịnh Phạn không cách nào đáp ứng được những gì mà con trai đưa ra, tất nhiên lời thỉnh cầu cũng bị từ chối đổi lại cũng chỉ là những tột bực của mọi sự hưởng thụ thế gian. Không được vua cha đồng ý cho xuất gia, với những ưu tư “Làm sao ta có thể vui được, làm sao ta ta có thể đắm chìm trong lạc thú được? Những ngọn lửa đốt cháy thiên thu, bóng tối đang vây phủ. Ta không muốn tìm ánh sáng sao?” (Pháp Cú - Phạm Công Thiện dịch). Ôm ấp niềm suy tư nhiều ngày tháng, sau một cuộc yến tiệc của cung đình vào đêm mùng 8 tháng 2, Thái tử Sĩ Đạt Ta đã chọn cho mình con đường xuất gia trong đêm tối, chỉ cùng với người hầu Xa - Nặc và có lẽ cả sự hy sinh thầm lặng của người vợ hiền Da Du Đà La.

Khởi đầu từ đêm thanh lịch sử đó, trải qua sáu năm khổ hạnh và sau 49 ngày đêm nhập định bằng sự chứng nghiệm của bản thân, lần đầu tiên trong lịch sử loài người Bồ tát Sĩ Đạt Ta đã khai phá ra sự giác ngộ tự tâm, hình thành nên quả vị Phật cao thượng từ trên căn bản Phật bình đẳng giác ngự trị trong mỗi chúng sanh. Thái tử Sĩ Đạt Ta đã giác ngộ và bước lên quả vị Phật, để rồi từ đó, Đức Phật đã đem lại lợi ích cho khắp cõi trời người trong suốt gần 3.000 năm qua.

“Có một người, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Người có chánh kiến, người không có điên đảo kiến. Chính một người này, này các Tỷ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện đưa đến hạnh phúc cho đa số, lợi ích cho đa số, đưa đến hạnh phúc, an lạc cho chư Thiên và loài người.”[1]

Quay lại tìm hiểu qua trình tầm đạo của Đức Phật, ý nghĩa sự ra đi mầu nhiệm ấy, chúng ta thấy rằng, Thái tử đã từ bỏ vương triều hoàng cung của mình bên vợ đẹp con yêu, để sống đời khổ hạnh nơi rừng sâu, để rồi một buổi bình minh ngài đã chứng ngộ trên căn bản của đời sống đạm bạc, giản dị, cái gọi là giác ngộ chính là khám phá ra bản tánh Phật, chính là sự chấm dứt mọi phiền não, nghiệp chướng tự tại trong các cõi, không tồn tại sự sanh ra và mất đi, ý nghĩa giải thoát này được hàm ẩn trong ý nghĩa xuất gia cao quý.

“Xuất” có nghĩa là ra khỏi, ở đây đối với một người tu Phật thì đòi hỏi phải xa lìa ngôi nhà thế tục thị phi này, đoạn trừ mọi phiền não, tự tại trong ba cõi. Nhưng ý nghĩa căn bản của hai chữ “xuất gia” dưới lăng kính tông Tịnh Độ sẽ được lý giải như thế nào?

Chúng ta biết rằng, thế giới Tây Phương Cực Lạc được đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhắc đến là một cảnh giới lý tưởng thanh tịnh tuyệt vời, ở đó không có sự khổ và mọi tìm cầu, thọ mạng không có hạn định v.v... Và điều kiện để vãng sanh về cõi giới thanh tịnh này được thiết lập trên ba điều kiện: Tín, Hạnh, Nguyện. Giáo nghĩa và cách tu hành của pháp môn Tịnh Độ được đức Thế Tôn tuyên thuyết trong ba bộ kinh: A Di Đà, Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ.

Trong kinh A Di Đà, đức Phật đã giới thiệu về vị giáo chủ cũng như y báo trang nghiêm của thế giới thanh tịnh này, đồng thời nói lên phương pháp tu tập bằng cách trì niệm danh hiệu của vị Phật giáo chủ: A Di Đà; trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật tường trình về quá trình hành đạo Phật A Di Đà qua hình ảnh Pháp Tạng tỳ kheo (tiền thân của đức Phật A Di Đà), với 48 lời thệ nguyện thù thắng, cũng như miêu tả về công đức tu hành, trí tuệ thần biến của thánh chúng cõi ấy, khiến chúng sanh sanh tâm khát ngưỡng phát nguyện sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc; tại nhà ngục cung vua Tần Bà Sa La, trước sự kiện và lời thỉnh cầu thiết tha của hoàng hậu Vi Đề Hy, Đức Phật đã nói kinh Quán Vô Lượng Thọ, chỉ bày mười sáu pháp quán làm nhân tố cầu sanh Tịnh độ.

Như vậy, đọc lại những điều kiện, cũng như phương pháp tu hành, cảnh giới trong pháp môn Tịnh Độ đều không thể thiếu được lời phát nguyện, sự tinh tấn tu hành, đọan trừ phiền não và quan trọng là đạt được sự tự tại nơi tâm, để có thể cảm nhận mọi sự mầu nhiệm nơi thế giới Tây Phương Cực Lạc. Điều này đối với ý nghĩa xuất gia có một sự liên kết mật thiết, mà bất cứ một người Phật tử dù tại gia hay xuất gia đều có thể tự thân thể nghiệm và chứng biết “Tuy xử cư gia, bất trước Tam giới, thị hữu thê tử thường tu phạm hạnh” (Tuy là tại gia, nhưng tự tại trong tam giới, mặc dù có vợ con, nhưng vẫn thường tu hành thanh tịnh).

Ở đây, đang miêu tả về thế giới Tây Phương Cực Lạc, thế giới Cực Lạc được thiết lập ngay khi hành giả nếm được hương vị giải thoát tự tại nơi bản tâm. Một khi tâm hành giả thanh tịnh thì dù với hình thức nào cũng sẽ cảm nhận được sự an lạc, dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể tiếp xúc với sen báu trang nghiêm, và tin chắc rằng, lúc này mọi âm thanh xung quanh hành giả cũng trở thành lời thuyết pháp. Như vậy, trên ý nghĩa xuất gia và pháp môn Tịnh Độ có hai điểm gặp gỡ lớn: một là phát nguyện, tán thán công hạnh của các Đức Phật để tâm linh nhận được sự gia trì; hai là sự tự tại nơi tâm hay tâm lìa tam giới.

Ngoài ra, ra khỏi nhà thế tục trong ý nghĩa xuất gia thường để chỉ cho hàng xuất gia đệ tử Phật, nhưng trên phương diện hành Bồ tát đạo cũng như khi đang lý tưởng hóa Cực Lạc tự tâm, thì từ ngay nơi tâm hành giả thì không có một sự phân biệt nào, lúc này khái niệm “Cực Lạc” được định nghĩa bằng sự chấm dứt mọi phiền não, ra khỏi thị phi thế tục và xuất ly tam giới từ nơi bản tâm của hành giả. “Ai giải tỏa lưới tham, Ái phược hết dắt dẫn, Phật giới rộng mênh mông....”[2].

Tóm lại, bàn về một này lễ kỷ niệm trong cuộc đời của đức Thích Tôn dù cho dưới muôn vạn hình thức, cũng không ngoài sự tán thán công đức cao vời của Bậc Giác Ngộ. Thông qua phương diện tán thán nhằm khuyến khích chúng ta tinh tấn tu tập, cuối cùng là đạt được giải thoát tự tại, trực ngộ bản tâm thanh tịnh trong mỗi chúng ta, cho đến một lúc, các sự kiện trong cuộc đời của chúng ta ( hật tương lai) cũng sẽ được đánh dấu từ ngay giây phút chúng ta bừng ngộ. Đến lúc đó không cần phải tự hỏi: Đến bao giờ chúng ta mới được gọi là Phật? Đây cũng là ý nghĩa thâm sâu, phần thưởng cao quý nhất được bắt đầu từ cái đêm thanh, khi có vị Thái tử vượt thành Ca Tỳ La ấy, một món quà vô giá mà đức Phật đã trao cho cho tất cả chúng sanh là: “Tất cả chúng sanh đều có thể thành Phật” .

Phước Niệm

------------------

Tư liệu tham khảo:

1-Kinh Pháp Cú;
2-Tăng Chi Bộ I
3-Phật Học Đại Từ Điển
4-Những Lời Dạy Của Người Xưa do HTThích Quảng Hiển Biên soạn


[1] ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 1, phẩm Makkhali, phần Một pháp [trích], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.71.
[2]
Kinh Pháp Cú, Phẩm Phật Đà, câu 180.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới

Thư viện

Thông tin hàng ngày

© Giác Ngộ Online
Số giấy phép: 398/GP-BTTTT ngày 2-8-2022.
Tổng biên tập: TT.Thích Tâm Hải.
Trụ sở tòa soạn: 85 Nguyễn Đình Chiểu, phường Võ Thị Sáu, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh
©2008-2023. Toàn bộ bản quyền thuộc Báo Giác Ngộ.